7. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Con người giàu nghị lực và niềm tin vào cuộc sống
Tìm hiểu ba cuốn tiểu thuyết "Côi cút giữa cảnh đời", "Mùa lá rụng trong vườn",
"Đám cưới không có giấy giá thú" của Ma Văn Kháng chúng tôi nhận thấy, con người
trong cả ba cuốn tiểu thuyết này đều là nạn nhân của những biến động xã hội.
Trong "Mùa lá rụng trong vườn": từ những nhân vật người lớn như Lý, Đông, Luận, vợ chồng Cẩn... đến những nhân vật trẻ thơ: Quân Anh, Quân Em; thậm chí là những nhân vật lý tưởng như ông Bằng, Phượng, bà Lang Chí đều phải gánh chịu những bi kịch khác nhau.
Thầy giáo Tự trong "Đám cưới không có giấy giá thú" là một người thầy có
lương tâm, có ý thức trách nhiệm với nghề nhưng lại bị rơi vào chính bi kịch nghề nghiệp... Thuật lại tiêu biểu cho kẻ ham mê chạy theo những lối sống mới mà tự đánh mất chính mình, những lứa học trò của Tự khi bước vào đời cũng bị ảnh hưởng bởi thói này thói khác.
Còn trong "Côi cút giữa cảnh đời", Duy và bé Thảm mặc dù vẫn còn rất nhỏ
nhưng đã phải chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi trong cuộc sống.
Điều đáng nói ở đây là mặc dù tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đều là nạn nhân của những biến động xã hội, họ tiên tiếp bị vùi dập hết lần này đến lần khác, hứng chịu hết bi kịch này đến bi kịch khác; nỗi đau, niềm bất hạnh này chưa qua thì nỗi đau, niềm bất hạnh khác đã ập đến, liên tiếp không ngừng nghỉ nhưng ở họ vẫn luôn toát lên một nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống.
Nhân vật người bà trong "Côi cút giữa cảnh đời" chính là một đại diện tiêu biểu cho những con người như vậy. Đáng lẽ một người phụ nữ có tuổi như bà phải được sống một cuộc sống bình yên, hạnh phúc trong sự chăm nom, quan tâm của con cái nhưng ở đây bà lại phải chịu vô vàn những bất hạnh. Bà có những người con trai, con gái, con dâu xinh đẹp, giỏi giang, tháo vát; những đứa cháu ngoan ngoãn nhưng chiến tranh và cuộc sống vật chất khiến bà dần mất đi tất cả. Người con trai lớn đi bộ đội thì mất liên lạc, có tin đồn anh đã hi sinh; người con gái và người con trai thứ thì công tác xa; rồi tiếp đó người con dâu lại tuyệt tình, dứt áo bỏ lại con để chạy theo một người đàn ông khác, bà phải một mình rau cháo nuôi cháu. Cuộc sống của hai bà cháu vô cùng thiếu thốn, vất vả bởi ở cái tuổi của bà, bà không còn nhiều sức khỏe,
cũng không biết phải làm thế nào để có thể kiếm được đồng tiền. Bà bán dần những thứ có trong nhà để trang trải cuộc sống. Tưởng chừng như cuộc đời bà đã hứng chịu đủ mọi sự vất vả rồi nhưng mà không, tai họa vẫn nối tiếp nhau đổ lên đầu bà. Quỳnh - người con gái của bà đã đem về một đứa con gái, nó là kết quả của sự nhẹ dạ cả tin. Bà lại tiếp tục cưu mang đứa cháu vô tội. Cuộc sống của bà đã khổ cực rồi, nay còn khổ cực hơn gấp trăm lần. Không chỉ vậy, ba bà cháu còn liên tiếp chịu sự ức hiếp, dè bỉu, khinh rẻ của những kẻ xấu, những lãnh đạo mất hết tính người. Vì con, vì cháu, bà sẵn sàng bỏ đi tất cả những sở thích, những thú vui của bản thân, bà không còn uống nước chè đặc nữa. Có nhiều lúc bà gần như là kiệt sức nhưng với nghị lực phi thường bà lại tiếp tục đứng dậy đấu tranh và nuôi dạy các cháu lên người. Đặc biệt, dù có lúc bà kêu than nhưng ở bà vẫn luôn tồn tại một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, bà tin con trai bà chưa chết, cô con dâu rồi sẽ có lúc quay trở lại, gia đình bà lại được hưởng cái không khí đông vui, ấp áp, hạnh phúc, sum họp. Trời không phụ lòng người, khi kết thúc tác phẩm, tất cả những hi vọng, những niềm tin ấy của bà đã trở thành hiện thực.
Hình ảnh người bà trong "Côi cút giữa cảnh đời" làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của
Nguyễn Minh Châu. Ở đây có sự bắt gặp lý tưởng, tầm nhìn và thái độ giữa hai nhà văn. Dưới ngòi bút của Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, nhân vật người bà (Côi
cút giữa cảnh đời) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) đều
hiện lên là những người phụ nữ lam lũ, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống nhưng quan trọng hơn là ở họ luôn ánh lên một nghị lực phi thường, một tấm lòng nhân hậu và một đức hi sinh vô điều kiện. Người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) mặc dù có cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, lam lũ, vất vả, một người chồng vũ phu mà theo như lời kể của chị "ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn"...
nhưng chị vẫn nhất quyết không chịu bỏ chồng. Lý do mà chị đưa ra khiến cho cả chánh án Đẩu và nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng phải trăn trở trong những suy tư: "- Mong
các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi
nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!" [5, tr.76] Chị cảm
thấy sung sướng, hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy các con được ăn no. Đó chính là lẽ sống, là mục đích sống của chị.
Cùng với nhân vật người bà, Duy, Thảm, cô Đại Bàng cũng là những nhân vật có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Duy, Thảm mặc dù lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự chăm sóc của mẹ, sự dạy bảo của cha, các em phải sống với bà nhưng vượt lên tất cả, các em vẫn trở thành những đứa trẻ ngoan chứ không hỗn láo như chị em Vàng Anh, Vành Khuyên. Các em vẫn luôn luôn tin vào sự sum họp của gia đình trong tương lai. Còn cô Đại Bàng, sau những hành động coi thường, hắt hủi, tàn ác của hai đứa con đã quyết đứng dậy, không sống phụ thuộc; cô sẽ tự đi buôn, sẽ tự nuôi sống chính mình.
Vợ chồng Phượng - Luận trong "Mùa lá rụng trong vườn" có một cuộc sống
không mấy khá giả, đôi khi còn là thiếu thốn. Phượng phải tính toán rất kĩ thì lương hai vợ chồng mới đủ để trang trải cho cuộc sống. Không những vậy, cô lại còn bị Lý nhiều lần vô cớ ganh ghét, kèn cựa, nói những lời khó nghe nhưng tuyệt nhiên Phượng không bao giờ ghét bỏ hay tức giận với Lý; cô chỉ thấy buồn, thấy xót xa, thương cảm cho sự thay đổi dần dần của người chị dâu. Cuộc sống của Phượng - Luận vốn khó khăn là vậy nhưng vợ chồng anh vẫn sẵn sàng cưu mang ba mẹ con
"vợ chú Cừ". Đồng lương vốn ít ỏi, giá cả mọi thứ ngày càng tăng giá, nhà lại có
thêm mấy miệng ăn, Phượng lại càng phải chắt bóp hơn. Có những bữa, cơm không đủ cho cả nhà ăn, vợ nhịn nhường chồng, chồng nhịn nhường vợ nhưng chưa một lần hai vợ chồng Luận to tiếng, mắng chửi nhau. Quan trọng là dù có bị Lý đối xử tệ bạc như thế nào hai vợ chồng Luận vẫn luôn tin tưởng rằng sẽ có một ngày không xa Lý sẽ nhận ra lỗi lầm của mình, sẽ lại trở về là một người con dâu đảm, một người chị dâu tốt.
Đọc tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, chúng tôi nhận thấy con người khi có lý tưởng sống tốt đẹp, một chân lý đạo đức vững vàng thì dù trong hoàn cảnh nào, rơi vào bi kịch đau khổ đến đâu cũng sẽ tìm cách vươn lên, không chịu khuất phục, luôn giữ
một niềm tin trong cuộc sống. Chính niềm tin ấy đã giúp cho những người thân bị lầm đường lạc lối của họ có cơ hội, có nơi để trở về khi giác ngộ ra sự sai trái của mình.