Khắc họa ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) màu sắc văn hóa trong tiểu thuyết ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 74 - 79)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Khắc họa ngoại hình

Ngoại hình là diện mạo bề ngoài của con người được miêu tả thông qua trang phục và các yếu tố bên ngoài như dáng vẻ, màu da, cử chỉ, điệu bộ, khuôn mặt, ánh mắt... Ngoại hình nhân vật giúp cho người đọc nhận diện, phân biệt vẻ bề ngoài của mỗi một nhân vật đồng thời cũng là yếu tố nghệ thuật cần thiết để bước đầu xây dựng hình tượng nhân vật. Thông qua ngoại hình, nhà văn cũng có thể cho người đọc biết về tính cách, bản chất, con người của nhân vật. Nếu như nhiều nhà văn đương đại ít khi đi sâu khắc họa ngoại hình nhân vật thì ngược lại, Ma Văn Kháng lại rất chú trọng đến ngoại hình. Chân dung ngoại hình của các nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng được khắc họa qua cách đặt tên, đặt biệt danh và cách miêu tả ngoại hình độc đáo, linh hoạt.

Nhân vật văn học là những đứa con tinh thần của một nhà văn. Khi còn thai nghén, Ma Văn Kháng cũng rất chú ý đến việc đặt tên cho nhân vật của mình. Do vậy, cái tên đôi khi cũng chính là bức vẽ khái quát về ngoại hình hay hé mở một phần tính cách của nhân vật.

Tìm hiểu ba cuốn tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời và

Đám cưới không có giấy giá thú, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy trong các sáng tác

của ông, các nhân vật đều được ông đặt tên rất cẩn thận, trong đó có một số tên nhân vật được đặt nhằm một ý nghĩa, một mục đích cụ thể.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng rất đa dạng: có những nhân vật tốt, hiền hậu, bao dung nhưng phải chịu những thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống, có những nhân vật phản diện, tàn ác, bất lương và cũng có những nhân vật bị biến chất theo hoàn cảnh.

Những nhân vật tốt, hiền lành, nhân hậu, đáng được khâm phục về tài năng và nhân cách được nhà văn ưu ái khi đặt tên. Tên của họ thường rất đẹp, đẹp như chính phẩm chất, con người họ vậy. Đó là Tự (Đám cưới không có giấy giá thú), là Phượng (Mùa lá rụng trong vườn)

Tự là tự trọng, anh là nhân vật trung tâm của tác phẩm - một người thầy giáo có tài năng thực sự, có tâm huyết với nghề và luôn giữ trong mình một lòng tự trọng cao.

Dưới sự tác động mạnh mẽ của đồng tiền, cuộc sống ngày càng trở lên xô bồ, đạo đức con người ngày càng suy thoái. Trong khi một số đồng nghiệp, bạn bè, người thân, hàng xóm đang dần bị tha hóa. Những người đó sẵn sàng từ bỏ mọi nề nếp, đạo đức vốn có để chạy theo cái gọi là quyền lực và vật chất thì Tự vẫn bình thản như không, anh vẫn giữ vững lập trường, nhân cách của mình. Không để ý đến những thay đổi xung quanh, anh chỉ cần biết làm tròn trách nhiệm của bản thân mỗi khi lên lớp. Đó là lí do mà học trò gọi anh là thầy "tự trọng" - một cái tên đúng với phẩm chất cao

đẹp, trong sạch của anh.

Phượng - cô con dâu thứ trong nhà ông Bằng (Mùa lá rụng trong vườn) cũng là một nhân vật có phẩm chất, tâm hồn đẹp. Phượng là một cô gái chất phác, nhẹ nhàng, một cô con dâu hiếu thảo, một người vợ đảm đang, hết mực yêu chồng. Ở Phượng không có vẻ đẹp sắc sảo như Lý nhưng cô chính là đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của đạo đức truyền thống. Đặc biệt ở cô có một lòng nhân hậu, lòng vị tha và tình yêu thương con người hết mực. Dù điều kiện gia đình không dư giả nhưng hai vợ chồng Phượng vẫn sẵn lòng cưu mang, đùm bọc ba mẹ con vợ của Cừ. Rồi khi nghe ý định của Đông muốn li dị Lý, Phượng đã vô cùng hoảng hốt, một mực không tán thành vì cô lo cho Lý nếu bị chồng li dị, chị ta sẽ vĩnh viễn không còn đường quay về, không còn cơ hội sửa sai, để làm lại từ đầu.

Cái tên trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng còn trực tiếp nói lên số phận bi thảm, chật vật của con người trong cuộc sống. Điển hình là bé Thảm trong tiểu thuyết

Côi cút giữa mảnh đời. Cái tên ấy được đặt từ chính số phận của bé khi mới sinh ra.

Nó đúng như lời bà ngoại bé than: "...Còn tên cháu, đặt là Thảm cô ạ. Thảm thiết quá, cô ơi! Rồi đây biết sống thế nào? Bè thì là bè lim, mà sào thì lại là sào sậy, cô à". Cô bé Thảm được sinh ra do sự nhẹ dạ cả tin của người mẹ trẻ. Sinh ra đã không

có bố, mẹ vì xấu hổ và cũng vì miếng cơm manh áo nên đã không thể ở gần chăm lo, nuôi nấng; em ở với người bà đã già yếu. Vì không có sữa nên cả ngày em bị cơn đói hành hạ, sữa mà bà xin được không đủ cho em ăn. Rồi những trận bệnh thập tử nhất sinh cứ quẩn quanh em... Chỉ có vài năm nhưng em đã phải đương đầu với biết bao chuyện, bao nhiêu tai ương nên dù còn rất nhỏ em đã có những biểu hiện đăm chiêu, suy tư như ở những người từng trải.

Còn đối với những nhân vật phản diện, có tâm địa đen tối, có nhân cách tầm thường, hèn hạ, nhà văn lại có cách đặt tên vô cùng độc đáo. Những nhân vật này, bên cạnh tên thật còn luôn luôn đi kèm với những biệt danh hài hước, ấn tượng nhưng cũng không kém phần mỉa mai, châm biếm.

Trong Đám cưới không có giấy giá thú, hầu như các nhân vật, đặc biệt là những nhân vật xấu hay những nhân vật có nhân cách tầm thường, bị thoái hóa đều gắn liền với những biệt danh riêng biệt. Cẩm - hiệu trưởng nhà trường, một người có thể nói là quyền cao chức trọng lại bị mọi người cũng như học trò gọi bằng những cái tên hết sức thấp kém: "tên bần nông gian xảo", "mõ", "ông đẽo cày giữa đường". Mỗi biệt

danh lại gắn với một tai tiếng, một tiếng xấu để đời của Cẩm. Thảnh - giáo viên dạy hóa được gọi là "con bỉ tiện", "cú" bởi chị là kẻ nổi tiếng trơ trẽn và dâm ô. Bí thư

Lại được mọi người gọi mỉa mai, chua chát là "tên đồ tể", "tên cường hào ác bá"... Như vậy, bằng cách đặt tên cùng với những biệt danh đầy ý nghĩa, Ma Văn Kháng đã tạo ra một ấn tượng mạnh về nhân vật, qua đó cũng hé mở cho người đọc thấy một phần tính cách của nhân vật.

"Ma Văn Kháng thường miêu tả tướng hình để thể hiện tính người, tình người. Bởi vì cái tính thường lộ ra ở cái tướng, nhất là ở những kẻ ác tính, ác tâm" (Lã

Nguyên). Điều này được thể hiện khá rõ trong các sáng tác của nhà văn. Trong các sáng tác của mình, Ma Văn Kháng rất quan tâm đến việc miêu tả ngoại hình, do vậy các nhân vật của ông luôn hiện lên với những nét mang tính điển hình, nổi bật về ngoại hình. Thậm chí ở một vài nhân vật quan trọng, phát ngôn cho tư tưởng chủ đề của tác phẩm, ngoại hình có sự linh hoạt thay đổi hoặc sắc nét hơn trong những trường hợp khác nhau.

Bản thân nhà văn cũng có lần khẳng định: "tướng mạo học đã chứng tỏ không

hoàn toàn là điều nhảm nhí". Đó là lí do mà khi xây dựng nhân vật, Ma Văn Kháng

vận dụng đúng theo kinh nghiệm của ông cha ta từ xưa đến nay "trông mặt mà bắt hình dong". Trong sáng tác của ông, người có văn hóa thường có ngoại hình thanh

thoát, vuông vức, đẹp đẽ; kẻ vô văn hóa thường xấu xí, dị thường.

Với bút pháp miêu tả ngoại hình, các nhân vật của Ma Văn Kháng thường thống nhất giữa ngoại hình và tình cách, ngoại hình hỗ trợ, góp phần thể hiện tính cách.

Cũng thông qua cách xây dựng ngoại hình nhân vật, nhà văn cũng gửi gắm thái độ, quan điểm của chính bản thân mình. Trong mỗi một tác phẩm, đối với mỗi một nhân vật, nhà văn lại có cách miêu tả ngoại hình khác nhau: có khi ông tập trung miêu tả trong một đoạn văn ngắn, có khi lại miêu tả rải rác theo hành động của nhân vật; có khi ngoại hình nhân vật được miêu tả trực tiếp thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện nhưng cũng có khi lại được miêu tả gián tiếp qua cái nhìn, sự đánh giá, nhận xét của các nhân vật khác.

Đối với những nhân vật trí thức, có tài, có tâm nhưng cuộc đời lại lắm gian truân, trắc trở, phải chịu những bi kịch trong cuộc sống... nhà văn bao giờ cũng miêu tả họ với vẻ bề ngoài đẹp đẽ, thanh thoát, đầy thiện cảm. Tự trong Đám cưới không

có giấy giá thú có khuôn "mặt trái xoan" thanh cao, hoài hòa, toả sáng; Kha lại được

miêu tả với "mặt vuông vức, nét mắt, nét miệng Kha thẳng như kẻ" [24, tr.403] - một khuôn mặt có thể gọi là hoàn hảo.

Trái lại, những nhân vật trí thức, quan chức bị tha hóa, biến chất về đạo đức, về nhân cách, Ma Văn Kháng thường đặc tả ngoại hình của họ, nhất là khuôn mặt từ đó báo hiệu tính cách và bản chất của nhân vật.

Trong Đám cưới không có giấy giá thú, ngoại hình của nhân vật Lại đã phần

nào nói lên cái bản chất dốt nát, hèn hạ, cậy quyền, cậy thế: "Ông to như ông hộ pháp

trong chùa, nhưng dài trên, ngắn dưới, tai hẹp, mắt gườm gườm. Ông chẳng có được một ánh cười trên đôi môi dày như đất nặn" [24, tr.441].

Khắc họa ngoại hình của nhân vật Cẩm - người đứng đầu một trường cấp 3, kết hợp với dáng vẻ bên ngoài, nhà văn còn miêu tả thêm một vài cử chỉ từ đó đã lột tả bản chất vô học, tham lam vô độ và đầy dục vọng của hắn: "Cũng là cái mặt đầy thịt,

nhưng sao trông mặt Cẩm nặng nề thế. Cứ như nó là đất nện. Cái mũi tròn nở như một cục mật. Đôi lông mày thật sự là hai cái bàn chải đen. Chả có một nét nào lờ mờ. Như hai con mắt thô lố, cả khuôn mặt lồ lộ sự nông choèn của đời sống tâm linh. Cả giọng nói cũng vậy, to khỏe nhưng ít âm ba, không có hậu" [24, tr.450] Với cách

khắc họa của nhà văn, tất cả các đường nét trên khuôn mặt của Cẩm đều hiện ra một cách rõ nét, thô kệch, lầm lì, không có một nét nào biểu hiện của một người có hậu. Nhà văn viết: "cả khuôn mặt lồ lộ sự nông choèn", sự nông choèn của khuôn mặt hay đó chính là sự nông cạn, kém hiểu biết trong kiến thức, trong trí tuệ của Cẩm.

Bí thư chi bộ Dương lại có tướng mạo: "Tai có thành quách, số công khanh, răng hạt gạo, khi nói giấu răng... ngoại tứ tuần, trắng trẻo, mặt phẳng, tai to, mũi cao, môi đậm.." [24, tr.481].

Thuật - một đồng nghiệp của Tự, trước đây khi mới quen Tự, Thuật cũng là một người có tâm với nghề, có hoài bão nhưng đối mặt với cuộc sống ngày càng khó khăn, sự cám dỗ mạnh mẽ của đồng tiền, anh đã bị tha hóa về nhân cách. Tuy nhiên trong sâu thẳm con người ấy, ý thức về nhân cách vẫn tồn tại do vậy chính bản thân anh cũng không thể tha thứ cho sự tha hóa của mình. Anh đã tự phá phách cuộc đời mình trong những dằn vặt, khổ đau. Tâm trạng bất ổn đấy lộ ra cả bên ngoài cái ngoại hình choắt cheo, sắc lạnh như bị biến dạng của anh: "Mặt Thuật hẹp như mặt chim. Mũi nổi gồ như sống dao. Hai mắt sắc lạnh. Khuôn mặt đầy những đường nét biến động, không yên ổn" [24, tr.387].

Đối với nhân vật phụ nữ, nhà văn chú ý đặc tả ngoại hình nhằm bộc lộ rõ tính cách của từng nhân vật.

Trong Đám cưới không có giấy giá thú, nhân vật Xuyến được miêu tả với vẻ đẹp mặn mà, chín tới: "Ba mươi tám tuổi, chị nở nang hết độ. Mắt chị ngời sáng, lay

láy đen như tóc chị... Ngực chị căng còn heo hông chị thì giàu có ý nghĩa phồn thực nguyên sơ. Đường nét khuôn mặt chị không thanh nhã, như cuộc sống thô mộc chưa hề qua bào rũa, nhưng óng ả cái hình sắc của tự nhiên phôi phai" [24, tr.623] Cái

đẹp của Xuyến kéo con người về phía nhục cảm.

Vẻ đẹp hơn người của Thụy (Côi cút giữa cảnh đời) lại được nhà văn miêu tả thông qua cái nhìn và sự đánh giá của lão lái xe: "...tô môi, uốn tóc, mặc áo cổ quả

tim loa lấm chấm, nụ cười lệch như một vành trăng treo. - Em vẫn chẳng khác xưa tẹo nào. Vẫn trẻ như thế và vẫn xinh. Ừ, xem ra lại còn hơn xưa là khác" [25, tr.13]

Chính cái vẻ đẹp đó đã cuốn hút, khiến cho lão bám riết, dụ dỗ người phụ nữ đã có chồng, có con ấy không ngừng.

Cùng với Xuyến, với Thụy, Lý trong Mùa lá rụng trong vườn cũng là một nhân vật coi trọng cuộc sống vật chất, coi trọng đồng tiền, coi rẻ những truyền thống đạo đức tốt đẹp. Tuy nhiên, so với Xuyến và Thụy thì ngoại hình của Lý thay đổi liên tục tùy vào từng thời điểm, từng tâm trạng; có thể nói ngắn gọn là phức tạp giống như sự

cảm nhận của Phượng: "Lần đầu tiên Phượng hiểu: người phụ nữ này hoàn toàn không giản dị như Phượng. Lý là con người có độ sâu khác thường về tính cách và do đó khó hiểu với Phượng. Phượng mới sống gần chị có ít ngày thôi" [24, tr.15]

Lý mới chỉ vừa "khoanh tay, ngả đầu vào lưng ghế. Mặt chị mất hẳn sự sắc sảo,

lịch lãm, cả cái sắc tươi rờn cũng mất. Chị lờ đờ như bâng khuâng và vẻ như khó hiểu với cả chính mình. Vô lý hay thật là như thế? Ý nghĩa sâu kín nào ẩn giấu trong những câu nói mập mờ ấy? Và đôi mắt lá răm thắm thiết của Lý kia hẳn một nét đăm chiêu như là luyến nhớ đang bộc lộ một ý nghĩ gì của Lý?" Vậy mà chỉ một lúc sau "Lý đã bứt ra khỏi trạng thái lờ lững, trở lại với bản tính sôi động của mình. Hai tay Lý sục vào hai cái làn, thoăn thoắt. Và giọng chị lanh lảnh, luyến thoắng..." [25, tr.15].

Thông qua ngoại hình của các nhân vật, có thể khẳng định rằng, Ma Văn Kháng là nhà văn có sở trường trong việc khắc họa ngoại hình nhân vật. Ứng với mỗi tính cách, mỗi bản chất là một ngoại hình khác nhau hay nói cách khác ngoại hình và nội tâm luôn luôn thống nhất với nhau. Điều quan trọng và đặc biệt hơn cả là ngoại hình góp phần bộc lộ bản chất văn hóa của từng nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) màu sắc văn hóa trong tiểu thuyết ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)