7. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Thiên nhiên gắn với đời sống của con người Việt Nam
Đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm được đánh giá là kiệt tác của mình đã viết: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
(Truyện Kiều)
Cảnh không đơn thuần chỉ là bức tranh thiên nhiên mà nó còn là bức tranh tâm trạng của con người. Mượn cảnh để gửi gắm tâm trạng hay nói một cách ngắn gọn hơn là tả cảnh ngụ tình - Đây là một thủ pháp nghệ thuật được các tác giả xưa rất ưa chuộng. Mặc dù, văn xuôi có nhiều đặc điểm khác so với thơ ca nhưng trong các tác
phẩm của mình, Ma Văn Kháng vẫn sử dụng thủ pháp nghệ thuật này như một công cụ đắc lực nhằm thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Khảo sát ba cuốn tiểu thuyết: "Côi cút giữa cảnh đời", "Mùa lá rụng trong vườn" và "Đám cưới không có giấy giá thú", chúng tôi thấy trong cả ba tiểu thuyết:
thiên nhiên, cảnh vật đều gắn liền với cuộc sống và tâm trạng của con người. Đó có thể là tâm trạng xót xa, thương nhớ, nuối tiếc với những gì đã xa, những kỉ niệm trong quá khứ:
"... Cây cối trong vườn, trừ cây táo, mang vẻ cằn cỗi, già nua rõ rệt. Mùa đông với những đợt gió mùa tràn về như những sóng dồi. Chỉ một đêm ào ào gió lạnh, mặt đất đã lợp đầy một lớp lá rụng. Ngoài phố, me trụi dần lá. Bàng hóa thân, đỏ như son trên mỗi phiến lá rụng. Đường phố vắng, xao xác hẳn đi. Và đêm đêm Luận nằm ngủ có lúc giật mình tỉnh giấc. Quả khô, cành khô lá rụng trên mái nhà như chạm vào nỗi xôn xao, thương nhớ" [24, tr.299].
Thiên nhiên như hòa điệu với tâm trạng buồn, hụt hẫng của Tự khi phát hiện ra ai đó đã ăn cắp mất cuốn từ điển của anh. Một nỗi buồn nhân hai bởi phải bán đi cuốn sách quý, cuốn sách mà anh trân trọng đã là một nỗi đau đớn, một sự bất tắc dĩ rồi. Vậy mà giờ cuốn sách ấy lại không cánh mà bay. Mất nó, Tự không chỉ mất đi một số tiền lớn mà điều quan trọng hơn là anh đã mất đi toàn bộ cái ước ao, cái sở nguyện làm lành với Xuyến, rồi vợ chồng sẽ lại sống quãng đời hạnh phúc. Tự nhấc từng bước chân uể oải, nặng nề dưới cái nắng chiều oi nóng, trong tiếng ve kêu râm ran, trên con đường đỏ rực hoa phượng:
"Nắng chiều có độ oi nồng, dấu chứng của một con bão ngoài biển Đông. Ve kêu xé từng hồi như tù nhân bị tra khảo thụ lý. Chân dẫm lên những cánh hoa phượng rơi rụng đỏ nhòe trên hè phố, Tự uể oải bước những bước nặng nề" [24, tr.409].
Sự vận động mạnh mẽ, dị thường, hỗn mang của thiên nhiên như báo hiệu một trận giông tố trong lòng người, một cuộc xung đột gay gắt giữa những con người không có chung lý tưởng, suy nghĩ với nhau: "Cơn gió cụt đầu ngoài sân trường đang mở rộng vùng quyền lực. Cái phễu vàng óng ánh lớn dần, ném rào rào cát bụi ra xung quanh, khiến cho cây cối trong sân trường rung đảo mạnh trong một vũ điệu dị thường, hỗn mang. Cơn lốc này chính là tín sứ thiêng liêng của một trận giông gió
và mưa rào đang tới vào buổi chiều mùa hạ này" [24, tr.599]. Đó chính là trận giông
tố giữa Thuật và Cẩm. Trong tâm trạng buồn chán tột độ, Thuật đã giật mẩu thuốc lá đang hút rồi vứt nó ra sau lưng. Đúng là một tình huống éo le, quái gở vì ngẫu nhiên thế nào đúng lúc đấy Cẩm lại vừa đi tới nơi, mẩu thuốc lá đáp trúng vào mặt Cẩm. Thế là xung đột bùng nổ. Xung đột này mang tính chất tất yếu bởi nó là hệ quả của hàng loạt những va chạm trước đó giữa hai người. Thuật và Cẩm lao vào nhau như những cơn lốc. Cả hai phát ra những câu nói, câu chửi chẳng có vẻ gì giống với lời nói của một người giáo viên.
Cái đêm có không khí ngột ngạt, oi bức, trời tối đen trong tiểu thuyết "Côi cút giữa
cảnh đời" cũng báo hiệu một tai biến khủng khiếp sắp giáng xuống gia đình Duy:
"Đêm ấy lại một đêm không khí ngột ngạt, oi bức chưa từng thấy. Trời đen nhờ trong ánh chớp nhấp nháy, nhìn lên thấy một trần mây ngổn ngang mây cục, mây hòn, đen đen, xám xám. Cả dãy nhà chỉ thấy tiếng trở mình, cằn nhằn của người già, con trẻ mất ngủ" [25, tr.221].
Cái tai biến đó đã giáng xuống người Dũng - chú của Duy. Đêm ấy, Dũng trở dậy đi tắm để giải tỏa cơn nóng khủng khiếp đang bủa vây khắp người và thế là Dũng đã rơi vào cái bẫy mà bọn Hứng sắp đặt. Dũng đã bị con chó Jăng chồm tới tấn công quyết liệt. Nhưng dù ranh ma đến đâu bọn Hứng cũng không thể lường hết được mọi sự, giống như người ta vẫn hay nói "người tính không bằng trời tính". Vốn là một
người lính đặc công, thường xuyên ở trong tình thế phải kịp thời có cách ứng xử thích đáng với hoàn cảnh bất ngờ cho nên chỉ sau mấy phút bị động, Dũng đã trở lại ngay vị trí của một người lính đặc công đang lần vào vị trí địch, bị khuyển địch tấn công. Ngay sau đó, anh đã đảo ngược được tình thế, con chó đã bị giết chết.
Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thời kỳ Đổi mới không chỉ gắn liền với những cung bậc cảm xúc, những diễn biến tâm trạng của con người mà nó còn gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người.
Trong quan niệm của người Việt Nam, vườn là một khu đất trống để trồng trọt, nó có tính ổn định và được rào giậu cẩn thận. Vườn được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, có thể là để làm đẹp cho căn nhà, có thể để trồng rau, trồng cây ăn quả hay là chỗ vui chơi, sum họp của cả gia đình. Tùy vào điều kiện của từng nhà, từng
nơi mà vườn có thể rộng hoặc hẹp, to hoặc nhỏ nhưng hầu như nhà nào cũng phải có bởi nó thể hiện một nét văn hóa đẹp, một nền văn minh xuất phát từ tự nhiên của con người:
"Chiều xuân ẩm đang ngả bóng mờ trong khu vườn.
Đó là một khu vườn nhỏ thường thấy ỏ những biệt thự xinh xắn trong thành phố này. Người dẫu có thế nào cũng vẫn còn quyến luyến cây xanh. Và, căn nhà nhỏ nằm giữa cho cây xanh bao quanh như bức tranh thu nhỏ lại, nói lên một điều phổ quát cao xa: nền văn minh của con người trồi lên từ giữa tự nhiên và họ còn nhớ mãi điều đó" [24, tr.94-95].
Gia đình ông Bằng ở giữa thành phố, cũng giống như những gia đình khác, đất không có nhiều nhưng gia đình ông vẫn có một khu vườn nhỏ của riêng mình. Và cho dù nhỏ nhưng dưới bàn tay khéo léo xếp đặt của những người giỏi thu vén, khu vườn vẫn là một cuộc hội tụ của cây. Cả khu vườn vẫn luôn hiển hiện một sức sống mãnh liệt của những cây xanh nhiệt đới, đậm đà phong cách tao nhã đồng thời cũng không kém phần thiết thực, thể hiện năng khiếu thẩm mỹ của con người:
"Mở lối đón từ cổng vào là hai cây thông bách tán yểu điệu nghiêng mình. Tiếp đó, phía trái là bụi trúc nhỏ tỉa tót kỹ càng, gây cảm giác khó chịu về vẻ cằn cỗi, giả tạo của kiểu núi non bộ, nhưng bù lại, phía đối diện xanh um một nhóm mai xanh thả bóng rườm rà. Dọc theo bờ tường, áp sát gốc mai, chạy về phía sau khoảng hơn ba chục thước là phần chính của khu vườn. Nơi đây không theo một hàng lối, khuôn thước nhất định, những mít, ổi, nhãn, vải, táo, sấu, xoài chen nhau từng tấc đất không thừa thãi, nhưng thoải mái giao cành. Tất cả các chủng loại dường như đều cùng một lứa, giờ cao ngang tầm nhau và đang ở thời kỳ sung sức nhất. Cây nào cũng như được chọn lọc trong đồng loạt, ngùn ngụt sức sống nhưng khiêm nhường đứng cạnh nhau, tạo nên một mảng xanh sẫm, nhạt dần sắc độ khi vòng sang phía trái căn nhà và chấm dứt ở hàng tường vi giới hạn phía sau nơi cư trú của các loại hoa thảo. Ở đây rậm rì các bụi xạ căn, bạc hà. Ở đây layơn thập thò những tai hoa mảnh như lụa, cạnh những khóm ngọc trâm trắng như tuyết và những chậu cúc đơn, cúc đại đóa vàng rượi như một vệt nắng vừa rớt xuống" [24, tr.95].
Những người chủ khu vườn đã rất khéo léo lựa chọn, sắp xếp các loại cây cối sao cho vừa không lãng phí đất lại vừa đẹp, thanh nhã. Cả khu vườn như lan tỏa một
làn không khí tươi lành, thanh tịnh, rất dễ chịu. Nó là nơi để mọi người trong nhà thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. Dưới bóng cây mọi mệt nhọc đều được giải tỏa, những phiền tạp trong đời sống hàng ngày được thanh lọc ra khỏi cơ thể, khiến cho người ta cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái.
Điều đặc biệt là tất cả cây cối trong vườn nhà ông Bằng đều có mối quan hệ khăng khít với những con người ở nơi đây. Chính chúng đã chở che và chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều kỉ niệm cả vui lẫn buồn xảy ra trong bao nhiêu năm: ông bà Bằng khi bà còn sống vẫn thường ngồi trò chuyện với nhau dưới những gốc cây, rồi kỉ niệm của những lần chăm sóc, vun xới, nhổ cỏ... ân cần của chị Hoài; dưới bóng cây, Luận vẫn thường thủ thỉ tâm tình với Phượng. Cây cũng là chứng nhân cho những giông tố, những biến cố diễn ra trong gia đình ông Bằng hay mối tình tươi mới, đẹp đẽ, cao thượng giữa Cần và Vân... Có thể nói, không một chuyện gì xảy ra trong nhà mà cây không biết.
"Vườn" cũng xuất hiện trong tiểu thuyết "Côi cút giữa cảnh đời". Mặc dù không
được miêu tả cụ thể, rõ nét như trong "Mùa lá rụng trong vườn" nhưng vườn ở đây vẫn mang đậm sắc màu Việt Nam. Đó là khu vườn nhỏ dùng để trồng rau cung cấp cho mấy bà cháu: "Ngoài nữa là cái sân đất, mỗi chiều rộng độ ba mét, chừa một lối
đi nhỏ ở giữa, còn lại đất được cuốc lên đánh thành luồng, bà tôi hè thì gieo rau dền, rau đay, đông thì trồng su hào, cải bắp, khi giàn mướp, lúc giàn su su, mùa nào thức ấy, chịu khó bón chăm cũng đủ rau ăn cho cả nhà." [25, tr.27-28].
Như vậy, miêu tả thiên nhiên Ma Văn Kháng luôn lựa chọn những gì tinh túy nhất, đặc trưng nhất. Đặc biệt, thiên nhiên trong tiểu thuyết của ông không bao giờ hiện lên với trạng thái đơn lẻ mà luôn luôn gắn liền với tâm trạng, với cuộc sống của con người. Chính điều này đã làm nên một nét đẹp riêng cho sáng tác của nhà văn.