7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Không gian xã hội
Khảo sát ba cuốn tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy
giá thú, Côi cút giữa cảnh đời, chúng tôi thấy tác giả đã tạo dựng một không gian xã
xí nghiệp (Mùa lá rụng trong vườn) và không gian trường học (Đám cưới không có
giấy giá thú, Côi cút giữa cảnh đời) 3.1.2.1. Không gian xí nghiệp
Đây là loại không gian xuất hiện khá phổ biến trong các sáng tác của Ma Văn Kháng. Sau khi hoàn toàn thống nhất, đất nước ta bắt tay vào xây dựng nền kinh tế mới, các xí nghiệp, nông trường vốn đã có nền tảng từ trước nay càng phát triển hơn. Ngoại trừ những công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hay những người có chút vốn liếng, tự mở cho mình một cửa hàng buôn bán nhỏ, hầu hết người dân thành thị đều là công nhân trong các xí nghiệp. Xí nghiệp là nơi tập trung của nhiều hạng người, với nhiều nét tính cách, phẩm chất khác nhau. Đời sống làm việc ở xí nghiệp là nơi thích hợp nhất để những lối sống, những chuẩn mực đạo đức bộc lộ.
Đây là không gian xí nghiệp nơi Phượng (Mùa lá rụng trong vườn) làm việc:
"Đó là một xí nghiệp in cỡ trung bình, nằm ở phía tây thành phố, có hơn trăm công nhân, gồm hai phân xưởng: xếp chữ và in, với một cái văn phòng có gần chục con người. Bộ phận văn phòng làm việc ở căn nhà sát hè phố. Tầng trên là hai buồng của hai ông chánh phó giám đốc. Tầng dưới là một căn buồng rộng, nơi làm việc của các nhân viên hành chính, tài vụ, kế toán, gồm toàn phụ nữ, dưới quyền chỉ huy của một bà trưởng phòng, kể từ ngày đến nhận việc Phượng vẫn chưa được gặp - bà đang nghỉ phép kết hợp với Tết" [24, tr.122-123].
Căn phòng làm việc ở xí nghiệp của Phượng là thế giới của phụ nữ với biết bao nhiêu chuyện hết sức pha tạp nhưng cũng không kém phần vui vẻ. Ấn tượng buổi đầu đi làm của Phượng đó là một tập thể lao động nữ với đầy đủ sự tận tụy, mọi hoạt động đều có nề nếp và quy củ rõ ràng. Dần dần qua thời gian, Phượng phát hiện ra: thực ra cái tập thể ấy không đơn giản, đơn thuần như Phượng vẫn tưởng; ở đó vẫn luôn tồn tại sự đố kị, ganh ghét lẫn nhau; họ cũng soi mói, ngồi lê, đôi mách, bàn tán về người này người kia. Một phòng làm việc toàn là phụ nữ nhưng theo như lời bà trưởng phòng thì "tiếng là phòng tiên tiến liên tục nhưng quần chúng toàn loại đầu bò đầu bướu cả đấy! Phức tạp ghê cả người!". Cả thảy sáu cô, cô nào cũng có những
tật xấu, những thiếu sót, những rắc rối, bướng bỉnh. Kể cả bà trưởng phòng, hễ đề cập đến chuyện chuyên môn là bà lại gạt đi nhưng những chuyện ngồi lê đôi mách thì bà
lại rất tường tận, am hiểu như kiểu bà đã điều tra rất kĩ về chuyện ấy vậy. Ở xí nghiệp của Phượng, cũng xảy ra hiện tượng trai gái thản nhiên cặp kè, qua lại với nhau. Nếu đánh giá theo đúng chuẩn đạo đức xưa thì đây là một việc làm băng hoại đạo đức, cần lên án gay gắt.
Không những thế, đây còn là nơi bộc lộ rõ các mối quan hệ, quan hệ để "xin xỏ", nhờ vả, để thể hiện quyền uy. Chính bà trưởng phòng đã ra mặt, vừa viện cái lý,
vừa lấy cái tình để nâng đỡ cho một người "đồng nghiệp" của mình.
Ma Văn Kháng phản ánh mọi sự phức tạp đang hàng ngày hiện hữu trong xí nghiệp in này. Không biết vì quan tâm hay soi mói, thóc mách mà bà trưởng phòng đã tìm đến tận nhà Phượng để rồi ngay hôm sau cả phòng đã có một chủ đề bàn tán mới. Họ nói, họ đoán về "thằng em chồng di tản", về vợ con nó; rồi họ đặt ra những giả thiết để rồi lại tự khẳng định: "không có tội gì thì sao người ta lại sa thải?", "cuối
cùng, người khổ nhất là cậu, có đúng không?"... Sự bàn tán chưa nguôi được bao lâu
thì lại bùng trở lại với sự kiện "bỏ nhà theo giai" và "đào nhiệm" của Lý - chị dâu
Phượng. Lần này sự bàn tán gay gắt hơn. Mỗi ngày đến xí nghiệp là mỗi ngày Phượng phải chịu những áp lực nặng nề từ những lời thì thầm to nhỏ, những ánh mắt xem thường, ghẻ lạnh của những người đồng nghiệp xung quanh. Khắc họa hiện trạng này trong sáng tác của mình, Ma Văn Kháng đã thể hiện cái nhìn sâu sắc, đa chiều trong đời sống thế sự vô cùng phức tạp.
Không chỉ xí nghiệp của Phượng mà ở xí nghiệp của Lý cũng tồn tại cả những mặt xấu, những cám dỗ, những âm mưu, thủ đoạn. Lý hàng ngày tham gia lao động trong cái không gian xí nghiệp đầy cám dỗ ấy. Là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng bản chất vốn ưa sự chỉnh chu, sang trọng, sự đầy đủ, hơn người về vật chất cho nên Lý không thắng nổi sự cám dỗ của đồng tiền, những ham muốn trong lòng mình. Sau mỗi lần đi công tác cùng với tay trưởng phòng về, Lý lại càng thay đổi, sự thay đổi đó ngày càng nhiều. Và rồi trong một lần đi công tác vào Sài Gòn, Lý đã ở lại hẳn cùng với nhân tình, không trở về nữa.
Xí nghiệp là nơi dẫn đến sự tha hóa của Lý nhưng đồng thời đó cũng là nơi chị bộc lộ khả năng giải quyết công việc tài tình của mình. Tất cả mọi việc, dù khó khăn đến đâu cũng được chị hoàn thành xuất sắc trong thời gian ngắn. Có thể nói đây
là ưu điểm lớn nhất của Lý. Có những lần, kiện hàng của xí nghiệp đã về đến cảng cả tháng trời mà cả xí nghiệp không một ai làm thế nào cho những kiện hàng ấy ra khỏi cảng được. Những lúc đó, giao cho Lý, cô chỉ mất có vài ba ngày là tất cả xong hết, không có bất kì vướng mắc nào. Cả xí nghiệp, ai cũng thán phục cô tài, cô giỏi. Như vậy, nếu xét về năng lực làm việc thì những người như Lý quả là cần thiết, không thể thiếu đối với bất kì xí nghiệp nào. Như vậy, xí nghiệp là nơi để nhân vật Lý bộc lộ sự hoạt bát của mình và xí nghiệp cũng là nơi mà cô sa ngã, tự đánh mất mình.
3.1.2.2. Không gian trường học
Mỗi quốc gia đều có một hệ thống giáo dục. Ở đó có sự dạy dỗ của thầy và học tập của trò. Từ xa xưa, người Việt Nam vốn trọng việc học hành, chẳng thế mà trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có những câu: Tiên học lễ, hậu học văn; Một kho
vàng không bằng một nang chữ; Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học hay Người không học như ngọc không mài... Tạo dựng không gian trường học trong các tác
phẩm của mình, Ma Văn Kháng không chỉ nhằm mục đích nhắc lại truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam mà quan trọng hơn nhà văn muốn lên tiếng cảnh báo thực trạng dạy học, giáo dục và nhân cách người thầy trong nhà trường. Đó chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cấp lãnh đạo và những ai quan tâm.
Đây là khung cảnh ngôi trường mẫu giáo trong lần đầu tiên Duy được dẫn đến lớp: "...Chỉ khựng lại tí chút ở cái tam quan ba lối vào, rêu phong xanh rì trông cổ
quái thế nào. Rồi tôi theo bậc tam cấp qua cửa chính, đi qua một cái sân nhỏ, rẽ về bên trái. Lớp mẫu giáo được mở ở một căn buồng xưa là kho của nhà chùa, đã khai giảng được hơn một tháng." [25, tr.51] Một ngôi trường cổ kính, trang nghiêm với
nhiều điều đang chờ đón Duy. Nhưng mọi niềm vui sướng mà Duy tưởng tượng trong đầu trước khi đến lớp đã nhanh chóng biến mất. Mới bước vào cửa lớp, Duy đã phải nghe những câu nói không có vẻ gì là văn hóa của người giữ vai trò dạy văn hóa. Không một lời nói nhẹ nhàng, tình cảm, thay vào đó chỉ toàn là những câu quát mắng và thái độ khinh thường, giễu cợt đầy vẻ độc ác của cô Thìn. Thái độ của cô với Duy - một đứa trẻ con nhà nghèo, quần áo cũ kĩ lại còn mang tiếng có họ bên Tàu, mẹ bỏ nhà theo trai khác hoàn toàn thái độ của cô với thằng Văn Giang - quần áo đẹp đẽ, bố có chức có quyền, có quà biếu cô giáo. Cô Thìn luôn luôn bênh thằng Văn Giang, kể
cả khi biết nó làm sai, còn với Duy cô lại luôn tìm cách bắt lỗi, trách phạt, nói những lời làm tổn thương đến tâm hồn Duy.
Nếu ở Côi cút giữa cảnh đời, nhà văn dừng lại không lâu về không gian nơi
trường học thì trong Đám cưới không có giấy giá thú nhà văn lạ dồn tất cả tâm huyết của mình để miêu tả cuộc sống giảng dạy ở một trường trung học. Bằng con mắt nhìn thẳng vào sự thật, nhà văn đã thể hiện tất cả môi trường làm việc, cuộc sống của người thầy, những buồn vui trong nghề và tính cách, bản chất của mỗi giáo viên.
Không gian ngôi trường hiện lên thật lộn xộn, lộn xộn từ cổng trường, đến sân trường, kéo vào cả trong văn phòng trường: "Văn phòng trường trung học số 5 này nhỏ, lộn xộn không kém gì cảnh ngoài sân trường những ngày cuối năm học. Cái cảnh nghèo nàn của nó vào những ngày này hiện lên tang thương hơn bao giờ hết. Ba cái tủ gỗ, trừ một cái cũ bằng gỗ lim, là cứng cáp, làm chỗ dựa cho hai cái tủ ọp ẹp, xiêu vẹo, cố tạo nên một thế giăng hàng, làm nhiệm vụ chia căn buồng hơn hai chục mét vuông làm đôi, nửa trong là nơi ăn ngủ của ông Thống, thư kí văn phòng, nửa ngoài là phòng làm việc, họp hành, tiếp khách. Lúc này bừa bộn, ngổn ngang trên mặt bàn họp, dưới gầm bàn của ông thư kí văn phòng, trên nóc tủ, bên rìa tường là những đồ dùng giảng dạy, sách vở cũ, bản đồ rách, các mô hình động vật sứt sẹo, cùng là lưới bóng thủng, vượt cầu lông gãy, vỏ bóng bẹp..." [24, tr.379].
Những ngày cuối năm học là những ngày có thể nói là chạy đua nước rút của học sinh, là những ngày trồng cây đã đến ngày hái quả và cũng là những ngày hoa phượng nở đỏ rực khắp cả sân trường. Hoa phượng - loài hoa của tuổi học trò. Đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, hoa phượng nở báo hiệu mùa thi bắt đầu, đó cũng là lúc sắp có một lứa học trò mới tốt nghiệp ra trường. Ma Văn Kháng cũng dành nhiều ưu ái cho loài hoa này trong các trang văn của mình.
Với cái nhìn sắc sảo, nhà văn không bỏ qua bất kỳ một sự thay đổi, một hiện thực nào trong xã hội. Cho dù nó mới ở trạng thái manh nha hay đã hiện hình rõ nét. Thi cử vốn là một điều bình thường, nhất thiết phải trải qua trong đời của lứa tuổi học sinh nhưng trong sáng tác của Ma Văn Kháng nó lại trở thành một việc bất bình thường. Bởi nó đã có sự nhúng tay, thao túng của những người có chức có quyền. Vì biết rõ quá trình dạy học "tạm bợ, quan liêu", trình độ chuyên môn của một số giáo
viên kém cỏi ra sao và cũng do mắc bệnh thành tích nên lãnh đạo trường đã không thể yên tâm. Hiệu trưởng Cẩm đã phải đến từng nhà giáo viên để dặn dò, để ra chỉ thị tối mật cho kì thi sắp diễn ra. Đến khi học sinh bước vào kì thi, ông đứng ngồi không yên, hết lượn ra rồi lượn vào lo lắng. Một số môn, giáo viên còn phải giải đề giúp cho học sinh. Đây chính là kết quả sự xuống cấp dẫn đến việc thầy không ra thầy, trò cũng chẳng ra trò.
Thiết chế của trường học được tổ chức không khác gì mô hình xã hội thu nhỏ: có người lãnh đạo, rồi đến các thầy cô giáo, học trò và nhân viên phục vụ. Người lãnh đạo cao nhất của trường là bí thư chi bộ Dương, hiệu trưởng Cẩm. Đây là những người thay mặt cho Đảng và Nhà nước điều hành sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, những cán bộ ấy đã được lựa chọn bằng những tiêu chí không phù hợp, không đúng nên về căn bản họ là những người không có năng lực.
Mặc dù đau xót, phẫn uất, lên án gay gắt sự xuống cấp, tha hóa, biến chất trong công tác giáo dục của một số thầy giáo, cô giáo nhưng thẳm sâu trong tâm trí nhà văn vẫn luôn tồn tại một niềm hi vọng khôn nguôi rằng không phải người thầy nào cũng bị biến chất, tha hóa. Đại diện cho mong muốn đó của nhà văn chính là cô giáo Hoa (Côi cút giữa cảnh đời) và thầy giáo Tự (Đám cưới không có giấy giá thú).
Với ánh mắt, lời nói nhẹ nhàng, trìu mến; hành động ân cần và sự công bằng, cô Hoa là người đã đưa bé Duy quay trở lại với niềm vui lớp học. Cô làm cho Duy nhận ra rằng Duy "không phải là thằng ngu, ông tẩm, là đứa đã dốt lại còn hỗn láo" như
lời cô Thìn vẫn nói. Cô dạy Duy và các bạn học tính, học vẽ, học hát, tập múa; phải biết yêu ông bà, cha mẹ; biết giữ vệ sinh, thương người nghèo khó, biết ơn các anh hùng liệt sĩ...
Thầy giáo Tự cả đời chỉ tâm niệm một điều là trở thành một người thầy đúng nghĩa, một nhà giáo có ích cho xã hội. Dù bên cạnh không ít đồng nghiệp đã bị tha hóa, chạy theo cuộc sống vật chất, thầy vẫn một mực giữ cho tâm hồn trong sáng, từ chối tất cả mọi hình thức hối lộ của học sinh, phụ huynh; nghiên cứu, tìm cách giảng dạy đạt hiệu quả nhất...