7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Bức tranh thiên nhiên bốn mùa Việt Nam
Việt Nam là một nước nằm trọn trong vùng nhiệt đới, điều đặc biệt ở đây là dù nằm trọn trong vùng nhiệt đới nhưng khí hậu Việt Nam lại phân bố thành ba vùng khí hậu riêng biệt. Trong đó, miền Bắc là khu vực có khí hậu phong phú và đặc sắc nhất. Ở miền Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt, mỗi mùa mang một nét đặc trưng riêng hình thành nên một nét văn hóa riêng. Nét văn hóa này, từ xưa đã được các nhà thơ, nhà văn đưa vào trong các tác phẩm thơ, văn của mình dưới nhiều biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn như Nguyễn Khuyến - nhà thơ nổi tiếng thời trung đại ngoài những bài thơ lẻ đã có hẳn một chùm ba bài thơ viết về mùa thu, Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới lại thấy mùa thu thấm đẫm một nỗi buồn man mác, cô quạnh:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng Đây mùa thu tới! Mùa thu tới! Với áo mơ phai dệt lá vàng
(Đây mùa thu tới)
Bản thân Ma Văn Kháng là người gốc Hà Nội mà thiên nhiên, khí hậu Hà Nội bao giờ cũng thấm đẫm một nét đặc trưng riêng, gây một ấn tượng mạnh mẽ, ám ảnh trong trí nhớ, trong cảm nhận của những người con nơi đây. Hơn ai hết, Ma Văn Kháng cảm nhận rõ nét những nét đặc trưng ấy, ông đã đưa vào trong các trang văn của mình như một sự trân trọng khôn nguôi. Có một điều người đọc hiếm khi bắt gặp trong các tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn khác đó là trong một tác phẩm của Ma Văn Kháng thường xuất hiện nhiều mùa ở nhiều thời điểm, nhiều trạng thái chứ không phải chỉ có một mùa ở một trạng thái đơn lẻ.
Ở từng mùa, thiên nhiên trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng cũng có những sắc thái mang tính đặc trưng riêng. Mùa xuân - mùa đầu tiên của một năm mới, mùa cây cối đâm trồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở của mọi sự vật. Ma Văn Kháng đã rất tinh tế
khi phát hiện ra sự hiện diện của mùa xuân, dù nó mới chỉ bắt đầu chớm xuất hiện ở những cành cây đã trơ trụi lá:
"Hàng me gầy viền hai lề đường bị cái rét gai góc tuốt sạch đến từng vẩy lá nhỏ, một chiều áp Tết như triều dâng âm thầm đã đến kỳ bộc phát bỗng tưng bừng nơi đầu cành, những chấm lộc vàng, li ti như những bóng đèn nhỏ, le lói sáng một góc trời vẫn còn nhiều mây xám" [24, tr.48].
Trong cảm nhận của tác giả, mùa xuân tuy có vẻ ngoài yếu đuối nhưng ẩn trong nó là cả một sức sống mãnh liệt. Nó không chịu khuất phục trước một khó khăn nào, trước sự hiện diện mạnh mẽ của mùa đông, nó vẫn từng bước, từng bước tiến tới để khẳng định sự hiện diện của mình. Ở điểm này Ma Văn Kháng có sự đồng điệu với một nhà thơ nổi tiếng của Phong trào Thơ Mới đó chính là Xuân Diệu, Xuân Diệu cũng phát hiện ra bước đi của thời gian, sự hiện diện của mùa thu ở thời khắc giao mùa.
Trong tiểu thuyết "Côi cút giữa cảnh đời" mùa xuân lại xuất hiện với dáng vẻ non tơ, nõn nà, mềm mại, thanh khiết: "Nghĩa trang Yên Kỳ, một sớm đầu xuân heo
heo lạnh. Mặt đất lấm tấm những búp cỏ tơ nõn nà vàng ánh. Trần mây lồng lộng, thanh khiết như có ai vừa quét dọn, còn lưu lại vài nét mây phất như dâu chổi lúa mềm mại ngoài mảnh sân nhà buổi sớm mai" [25, tr.78]. Mùa xuân ở đây không còn
là chớm nở nữa, nó đã thật sự hiện diện và khẳng định vị trí của mình trên từng tầng mây, nhánh cỏ.
Trong bốn mùa, thiên nhiên ở thời điểm mùa hạ được Ma Văn Kháng miêu tả nhiều nhất, sinh động nhất với biết bao nhiêu biểu hiện, sắc thái. Thậm chí, ở chương IX của tiểu thuyết "Mùa lá rụng trong vườn", nhà văn đã đặc tả cảnh sắc thiên nhiên chớm hạ. Chớm hạ, cái nắng vẫn chưa gay gắt, những cơn gió mùa đông còn sót lại vẫn thỉnh thoảng xuất hiện một cách yếu đuối nhưng nó không đủ sức để đẩy lui những cơn mưa rào như một nhịp độ quen thuộc vào quãng ba giờ chiều mỗi ngày:
"Ngày đã dài hơn. Thời gian như trẻ lại. Chớm hạ, ngày nào cũng như ngày nào, vào quãng ba giờ chiều, cái nắng đầu mùa nhợt nhợt đi, những tảng mây đen nặng chứa các điểm dông bão lừ lừ bay về thành phố. Gió mùa đông nam đang hấp tấp đuổi theo những lưỡi khí lạnh chưa kịp rút của mùa đông, vượt lên, đột ngột hóa lạnh. Mưa đổ xuống thành phố. Những cơn mưa ngắn ngủi, mạnh như thác đổ.
Mưa mùa hạ ào ào cảm giác hứng khởi." [24, tr.165].
Các loài ếch, nhái, cóc là những loài nổi tiếng trong văn hóa dân gian Việt Nam. Trong đó, ếch và cóc xuất hiện nhiều trong truyền thuyết, truyện cổ tích và trong văn hóa đại chúng. Chúng thường được mô tả là những con vật xấu xí, vụng về nhưng lại tốt bụng và có tài năng ẩn dấu. Trong quan niệm từ lâu đời của người Việt, mỗi khi ếch, nhái, cóc kêu ran là báo hiệu trời sắp mưa rào. Là một người yêu văn hóa dân tộc, Ma Văn Kháng đã đưa nét văn hóa dân gian này vào trong bức tranh thiên nhiên của mình. Không những vậy, với tâm hồn nhạy cảm, ông còn cảm nhận được sự vui sướng, hạnh phúc của những sinh vật nhỏ bé này trong chính những tiếng kêu của chúng:
"Ếch nhái ở góc vườn rậm nổi điệu nhạc i uôm hào hứng, những đám cưới của loài sinh vật này tắm gội trong mưa chợt rơi chợt tạnh, cũng ngắn ngủi, ồn òa như những cơn mưa. Mưa giội xuống mặt đất một nguồn sinh lực mới và những hàng me bên hè phố ngày nào cũng chỉ loi nhoi mấy chồi lộc, giò nhánh, cành đã xanh đầm lá non" [24, tr.165].
Có thể nói, mùa hạ là mùa rực rỡ nhất bởi cây cối tốt tươi, hoa quả thi nhau đua nở: "Cây trong vườn nhà ông Bằng tốt tươi hơn ở những nơi khác. Kể từ khi xuân sang, trên lá cành của chúng đã thấy có sự hăm hở khác lạ. Giờ thì nhãn đã ra hoa. Lặng lẽ, trên những chòm lá cao tít, hồng bấy lá non, hoa ngoi lên, ngầu ngầu một sắc nắng nhẹ, như phấn thông vàng. Hoa gọi ong. Cây mít bật những chồi hoa cánh mở đều đặn. Rồi sấu. Rồi vải. Lạ, vải kết quả từ lúc nào mà nhanh vậy. Một sớm mai trở dậy, đứng dưới gốc sấu hoa rụng đầy, mịn xanh như bột đậu đồ, ngẩng lên cành vải đã thấy những chùm quả non nho nhỏ, xanh như ngọc." [24, tr.165-166] Trong
không khí của mùa hạ, dường như tất cả cây cối trong vườn đều có sức sống mạnh mẽ hơn. Chúng thi nhau đua sắc rồi kết trái một cách nhanh chóng dưới sự ngạc nhiên, bất ngờ của con người.
Cũng giống như những tiếng kêu ran của ếch, nhái, cóc, hoa phượng rực rỡ cũng là lời chào nồng nhiệt của mùa hè. Hoa phượng nở từ tháng tư đến tháng sáu hàng năm. Hoa phượng bắt đầu nở là mùa hè bắt đầu đến. Cái sắc đỏ rực của hoa phượng hòa vào cái nắng chói chang tạo nên một ấn tượng khó phai, đôi khi còn khiến cho người ta giật mình để rồi thắc mắc, tò mò với những câu hỏi vu vơ:
"Tháng năm như một lời hẹn không đơn sai, phượng đã nở hoa đồng loạt, như son đổ lênh loang, tràn trề, thật hào phóng và thiết tha. Kỳ lạ thế. Suốt cả mùa đông giá buốt, phượng trốn lẩn ở đâu? Để bây giờ cùng lúc bừng bừng trên mỗi nhánh cành gầy gúa là những thảm hoa đỏ tươi trinh nữ, nguyên thuần, như những linh thể uy nghiêm và sống động" [24, tr.375-376].
Ngày dài, đêm ngắn, nhiệt độ cao, nắng nóng, tiếng ve kêu râm ran chính là những đặc trưng của mùa hè. Với những mùa khác, bầu trời xanh thường gợi cho người ta cảm giác chan hòa, dịu mát, thoáng đãng nhưng ở mùa hè lại là ngoại lệ, cái xanh ấy nhiều khi khiến cho người ta cảm thấy sợ, cảm thấy chán ngán bởi trời càng xanh nhiệt độ càng cao, khí hậu càng nóng, con người càng cảm thấy bức bí:
"Tháng sáu, nhiệt độ hàng ngày chung một khuôn đúc, cứ quẩn quanh ba mươi tám, ba mươi chín độ. Ngày chỉ mong chóng tối. Đêm, chỉ mong chóng sáng. Nhưng ngày lại ngày, cứ chang chang. Đêm qua đêm, cứ vằng vặc. Ve sầu rền rã từng hồi như vuốt vào sợi thép. Người nẫu nà, chỉ mong trời giật gió. Cơn mưa từ biển vẫn mù khơi.
... Hôm nay trời xanh. Mai cũng lại trời xanh. Ngày mai nữa cũng lại nó. Ôi cái cung màu đơn điệu, trơ trống đến chán ngán." [24, tr.559].
Khảo sát ba cuốn tiểu thuyết "Côi cút giữa cảnh đời", "Mùa lá rụng trong vườn", "Đám cưới không có giấy giá thú" của Ma Văn Kháng, chúng tôi thấy thiên
nhiên mùa thu xuất hiện khá ít nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đẹp của nó. Bức tranh thiên nhiên mùa thu vẫn mang đậm dấu ấn đặc trưng của mùa thu Hà Nội - mát mẻ, thoáng đãng: "Không khí buổi sớm cuối thu rất mát mẻ... Chúng tôi trở lại bên bờ
hồ. Mặt trời tròn hồng vừa nhô cao, đuổi giạt những gợn mây cá vàng sang hai bên"
[25, tr.39]. Thiên nhiên mùa thu còn là vầng nắng thu vàng nhưng không gay gắt phủ lên mộ người bà trong tác phẩm "Côi cút giữa cảnh đời".
Dường như tất cả không gian nơi ngoại thành trong "Mùa lá rụng trong vườn" đều nhuốm một màu vàng dịu nhẹ:
"Ngoại thành chớm thu huy hoàng hòa sắc xanh, vàng.
Cỏ mượt đậm ven đê. Lứa con gái đứng cây. Vòm trời thanh tao, nhẹ nhõm. Và nắng có dáng hình mong manh, vừa đủ hong khô không khí. Mặt trời vàng nhòe ỏ phía sau xe, nhiều lúc như đùa giỡn, chiếu một vệt dài qua kính sau, qua cô gái, tới cái cặp tóc nhôm sáng trắng của Lý" [24, tr.266].
Chỉ bằng vài câu văn ngắn, gọn, Ma Văn Kháng đã lột tả thành công một bức tranh thiên nhiên mùa thu đẹp, rực rỡ nhưng cũng không kém phầm dịu dàng, nhí nhảnh. Mọi sự vật của thiên nhiên như cỏ, nắng, mặt trời đều được nhà văn nhân hóa lên có dáng, có hình, có hoạt động, có tính cách như con người vậy.
Cuối cùng là bức tranh thiên nhiên vào mùa đông - mùa cuối cùng trong năm. Mùa đông ở nước ta được biết đến với cái rét buốt nhiều khi "cắt da cắt thịt", mọi cỏ cây đều trở lên cằn cỗi, khẳng khiu.
"Chớm đông, lạnh heo heo, vừa đủ hồng má con gái. Cây trong vườn nhà ông Bằng thu hình gọn ghẽ. Những đêm trăng đầu mùa lạnh, mặt đất sáng lỗ đỗ dưới vòm cây óng ả hơi sương. Trăng vào mùa này, quãng gần rằm, hay đứng chếch mái căn nhà gác, ghé xuống khu vườn, gợi một tứ thơ cổ điển" [24, tr.311].
Cái lạnh của mùa đông không chỉ nhuốm vào lòng người mà nó còn phủ kín cả cảnh vật. Cây cối vốn vô tri vô giác nhưng dưới con mắt của nhà văn nó cũng có cảm giác, có tâm trạng; với sự tác động của cái rét, cây cối như cố gắng thu mình lại để tránh cái rét. Vị trí của mặt trăng trong đêm đông vào quãng gần rằm cũng được tác giả quan sát và miêu tả rất rõ: đứng chếch chếch căn nhà gác. Điều này không phải do ông bất chợt phát hiện ra mà nó là kết quả của một sự quan sát khá lâu, khá tỉ mỉ; sự quan sát thường xuyên. Sở dĩ có thể khẳng định được như vậy là nhờ những từ ngữ trong câu văn mà Ma Văn Kháng sử dụng: "Trăng vào mùa này", "hay đứng chếch...".
Thiên nhiên bốn mùa, mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng nhưng tựu chung lại đều tạo ra được một sự cuốn hút, lay động lòng người.