Con người với những mặt trái của đạo đức truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) màu sắc văn hóa trong tiểu thuyết ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 49 - 53)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Con người với những mặt trái của đạo đức truyền thống

Xuất phát từ cái nhìn cuộc sống đa chiều nên thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng không chỉ là thế giới của những con người giàu lòng nhân ái, giàu nghị lực mà còn là thế giới của những con người sống thực dụng, chao đảo, mất phương hướng dẫn đến tình trạng tha hóa, biến chất từ đó rơi vào những bi kịch không lối thoát.

Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình có những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội. Ma Văn Kháng bắt đầu từ cửa sổ của mỗi gia đình để nhìn thấu những mặt trái trong mỗi con người. Ông đã từng có lần trăn trở: "Gia đình, giọt nước trong biển cả, cá thể của xã hội, liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này không?". Trong thời kỳ quá độ, gia đình - cái

vùng vốn tưởng như yên ổn mà có lúc tác giả gọi là vùng an lạc lại trở thành một vùng chứa đựng biết bao nhiêu sóng gió. Cái vùng tưởng như tĩnh lặng, thường bị lãng quên trong những mối quan hệ hàng ngày lại là nơi khởi điểm của biết bao nhiêu bất hạnh.

Chính cái lối sống ích kỉ, buông thả, chạy theo những dục vọng tầm thường, coi đồng tiền là tất cả, bất chấp mọi nguyên tắc, mọi quy định về đạo đức của xã hội đã làm đảo lộn tất cả những gì vốn thiêng liêng, cao cả về mặt đạo đức. Tất cả những điều tiêu cực ấy đã tác động mạnh, ăn sâu đến từng cá nhân trong mỗi gia đình, làm cho những giá trị đạo đức vốn tốt đẹp dần dần mất đi, thay vào đó là cái trơ trẽn, thấp hèn; làm cho con coi khinh bố mẹ, vợ khinh chồng, sẵn sàng từ bỏ tất cả để chạy theo hạnh phúc hư vô...

Đó là hai chị em Vàng Anh, Vành Khuyên trong "Côi cút giữa cảnh đời".

Chúng không chỉ hỗn láo với những người lớn trong khu phố như bà nội của bé Duy, cô giáo Quyên..., chúng vô lễ gọi bà Duy là "bà phò", mẹ Duy là "con phò". Tâm

hồn chúng lạnh băng, vô cảm, không có sự cảm thương cho những số phận bất hạnh như Duy, Thảm, không những vậy chúng còn tìm đủ mọi cách để khoét sâu vào những nỗi đau của họ. Đỉnh điểm của sự hỗn láo, vô đạo đức của Vàng Anh, Vành

Khuyên được thể hiện trong những hành động, lời nói, thái độ đối xử của chúng với cô Đại Bàng - người đã mang nặng đẻ đau ra chúng. Đối với hai đứa con "mất dạy" này thì mẹ chúng không là gì cả, không có một chút vị trí hay quyền hạn trong nhà. Chúng sẵn sàng xưng xỉa, quát tháo, uy hiếp mẹ chúng. Chúng ta hãy suy nghĩ xem liệu đây có phải là hành động và lời nói của những kẻ được gọi là "con" hay không?

"Cái Vàng Anh đang ngủ tung chăn ngồi dậy, giật lên the thé: - Mẹ chỉ vớ vẩn! Làm gì còn gạo?

Cái Vành Khuyên tiếp lời chị:

- Có thừa cũng không cho mụ phò vay! Cô Đại Bàng thét:

- Đồ mất dậy! Đồ vô phúc! Ai dạy chúng mày ăn nói hỗn láo thế, hử! - Không biết ai vô phúc!

- Mày! Chúng mày là đồ vô phúc!

- Đã thế không cho vay nữa. Làm gì thì làm?

- A, con này láo? Quyền ở tao chứ quyền ở mày à? Bà đưa rá đây, bà. Con phải cho chúng nó một trận, chứ thế này hóa ra họ nhà tôm lộn cứt lên đầu à.

Cô Đại Bàng hùng hổ bước vào nhà. Nhưng hai đứa con gái đã nhảy xuống đất, cùng chồm ra như hai con sư tử con, đẩy mẹ chúng ra.

- Gạo của tao! Không phải của chúng mày. - Của tôi! Của bố tôi!

Cô Đại Bàng sững người. Đó là lần đầu tiên cô nghe con Vàng Anh nói câu đó. Chưa hết. Nó chống tay lên sườn, nhìn mẹ nó chong chóc, dằn:

- Mẹ nên nhớ rằng, tất cả của cải ở cái nhà này là của bố tôi gửi về nhé. Mẹ có cái gì? Mẹ chỉ có cái ba-lô rách đem từ công trường về khi lấy bố tôi thôi nhé!" [25, tr.89-90]

Liệu còn gì đau đớn hơn cho một người mẹ! Trước những hành động và lời nói như sét đánh ngang tai ấy của hai đứa con, cô Đại Bằng đã choáng váng đến sững người, thật không ngờ và có lẽ cũng không bao giờ cô ngờ tới chúng lại đối xử với cô như vậy. Lòng người mẹ giờ đây có lẽ đau đến đứt từng khúc ruột. Vừa xấu hổ, vừa bàng hoàng, vừa đau đớn, cô chỉ biết ngồi sụp xuống, ôm đầu, hờ trời một cách tuyệt vọng. Hai chị em Vàng Anh, Vành Khuyên không còn là những đứa trẻ bình thường

nữa, dường như chúng đã bị quỷ ám, ma nhập rồi thì phải? Nếu không sao chúng lại như vậy? Kể từ đó, thái độ của chúng đối với mẹ càng ngày càng trở lên hỗn láo, xấc xược; chúng coi mẹ chúng chỉ giống như một người ở nhờ, ở đậu, một người giúp việc trong nhà chúng. Chúng quát tháo mẹ mỗi khi đến giờ mà mẹ chúng chưa về nấu cơm cho chúng trong khi chúng ở nhà chơi không. Chúng cũng gạt cô Đại Bàng ra khỏi danh sách những người được biết khối tài sản mỗi lần bố chúng gửi về từ nước ngoài. Và mặc dù cùng hùa nhau vào để đối xử vô đạo đức, tàn ác với mẹ nhưng chính chúng cũng không hòa thuận với nhau: chúng tranh nhau, chửi nhau, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán để giành những món đồ trong nhà. Cuối cùng chỉ vì tranh giành nhau mà chúng đã đốt cháy cả ngôi nhà tràn ngập của cải.

Không chỉ có tình cảm mẹ - con, cha - con, chị - em bị thoái hóa, biến chất mà đến tình cảm vợ - chồng ở nhiều gia đình trong xã hội hỗn tạp ấy cũng không còn nguyên vẹn, không còn đẹp đẽ, thủy chung. Chỉ vì không chế ngự được ham muốn trần tục của bản thân, không chịu nổi vất vả, không cưỡng lại được sự quyến rũ của đồng tiền... mà vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, mẹ bỏ con.

Thụy - một người phụ nữ ba mươi tuổi thông minh, tươi đẹp "bỗng dưng gần

như là vô cớ từ bỏ một đời sống gia đình yên ấm, vui vẻ mà khối người ao ước chẳng được". Sau khi Thụy sinh con, chồng cô nhập ngũ vào miền Nam rồi sang Cam-pu-

chia, mỗi sáng cô xách cái cặp lồng cơm, bế con đến nhà trẻ xí nghiệp; chiều về cơm nước đã có mẹ chồng lo. Cô cũng chẳng bận bịu về con bởi Duy ngay từ bé đã là một cậu bé cứng cáp, không vòi vĩnh mẹ hay khóc nhè; đêm đến lại ngủ với bà chứ không ngủ với mẹ. Thụy lại có một người mẹ chồng hiểu biết, hiền hậu, ăn ở với mọi người hết sức toàn vẹn, chu tất, không bao giờ có cảnh xích mích giữa mẹ chồng - nàng dâu. Có một gia đình hạnh phúc, đẹp đẽ, đầm ấm như vậy mà sao Thụy lại "từ bỏ"? Không ai giải thích được. Tất cả tấn bi kịch, sự tan vỡ ấy bắt đầu từ việc cả gia đình đột nhiên mất liên lạc với Nguyên - chồng của Thụy; rồi những lần đi xem bói, xem số, người ta phán rằng chồng cô đã hi sinh bên nước bạn, rằng cô có một cuộc đời bất hạnh, khổ đau, sau mỗi lần như vậy cô lại khóc, lại kêu khổ, cô dần mất đi niềm tin. Đỉnh điểm của mọi việc - cái mà đã thúc đẩy Thụy có hành động "gạt nước mắt', "quay ngoắt đi", "cắm cúi bước", "rồi dún chân chạy gằn ra" bỏ lại sau lưng người

mẹ chồng già cùng đứa con nhỏ là cuộc gặp gỡ oái oăm giữa cô và người đàn ông có chiếc xe tải lớn. Tuy nhiên cho dù có biết bao nhiêu hoàn cảnh bên ngoài tác động thì suy cho cùng đó cũng không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân ở chính bản thân Thụy, là do Thụy không có lòng tin vào chồng, không chịu được sự cô đơn, quạnh quẽ khi vẫn còn quá trẻ; cô cũng không đủ mạnh mẽ, kiên cường để chống lại những cám dỗ, những hứa hẹn về một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ từ người đàn ông lạ kia. Cho nên tự cô đã làm cho bản thân thay đổi.

Lý - một người phụ nữ xinh đẹp, quý phái, thông minh, tài giỏi, sắc sảo; đôi khi có phần chanh chua, ghê gớm. Cô có cá tính mạnh mẽ, không chịu thua bất cứ ai cũng như không chịu khuất phục trước bất kỳ công việc khó khăn nào. Những việc người ta làm được cô cũng làm được, thậm chí những việc người ta không tài nào làm được cô lại làm được. Chứng cứ chính là việc từ khi cô chuyển qua kho vật tư, công việc bên đó vốn bị trì truệ, đọng lại cả một núi những công việc đã trôi đi một cách nhanh chóng, rồi những việc đối ngoại ở ngoài cảng tàu. Tất cả mọi việc đều được Lý giải quyết gọn ghẽ, dứt khoát, nhanh chóng, khiến tất cả mọi người trong công ty đều phải thán phục. Việc ngoài xã hội là vậy, việc ở nhà Lý càng giỏi giang, tháo vác hơn nữa. Cô là một người nội trợ đảm đang, một mình cô có thể làm tất cả mọi việc, chăm sóc chu đáo cho tất cả mọi người. Một con người toàn vẹn như vậy nhưng Lý cũng không tránh khỏi sự cám dỗ về vật chất và sự tha hóa về đạo đức. Lý đã để cho những cơn ghen tức, nỗi xót của và lòng phẫn nộ với tất cả mọi người trong nhà phá đi cái tổ ấm của chính mình: ban đầu gây sự, cãi nhau với chồng, rồi đến Luận, đến Phượng; Lý còn tuyên bố với Đông một cách xanh rờn: "- Còn điều này nữa, tôi phải nói ngay, kẻo sau lại trách. Ông cụ có nằm xuống thì liệu mà bảo ban nhau thu xếp, chứ đừng có gào: bà dâu trưởng đâu? Tiền tôi kiếm được không phải là để cung phụng cho các người! Xin nhớ cho!". Lý rất coi trọng đồng tiền, chính đồng tiền đã khiến

cho chị thay đổi, thay đổi một cách chóng mặt, nhanh chóng để rồi chạy theo một người đàn ông có thể nói là lắm tiền nhiều của, biết ăn chơi, chiều chuộng Lý.

Cùng với Thụy trong "Côi cút giữa cảnh đời", Lý trong "Mùa lá rụng trong vườn", Xuyến - vợ của thầy giáo Tự trong "Đám cưới không có giấy giá thú" cũng là

người phụ nữ bị đồng tiền, bị những cám dỗ của xã hội làm cho thay đổi, Xuyến cũng không giữ trọn đạo làm vợ của mình.

Trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, không chỉ những người phụ nữ bị suy thoái về đạo đức gia đình mà cả những người đàn ông cũng không phải ngoại lệ. Đó là ông Đại Bàng, sau khi ra nước ngoài công tác, kiếm chác được nhiều tiền, ông liền chê người vợ đã cùng ông sinh sống biết bao nhiêu năm, để mặc cho những đứa con hư hỏng "đạp" lên đầu mẹ nó và rồi ông cặp kè với những cô nhân tình trẻ hơn, đẹp hơn, khéo hơn. Thậm chí khi bị cơ quan phát giác, bị trục xuất về nước, ông cũng không thèm về với vợ, với con mà ở luôn trong Sài Gòn với tình nhân.

Như vậy, có thể nói sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức gia đình không chừa một ai cả, từ đàn ông đến phụ nữ, từ người già đến con trẻ. Bằng cái nhìn sâu xa, bằng ngòi bút tinh tế, Ma Văn Kháng đã phơi bày một hiện thực đến đau lòng đang tồn tại trong không ít gia đình Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) màu sắc văn hóa trong tiểu thuyết ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)