Tương quan của mùa xuân với mùa hạ, thu, đông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mùa xuân trong thơ nôm đường luật (Trang 42)

7. Đóng góp của luận văn

1.2.2.Tương quan của mùa xuân với mùa hạ, thu, đông

Qua sự quan sát bước chuyển của thời gian được in dấu trên sự đổi thay của cảnh vật mà con người có cảm thức về bốn mùa. Đó là vòng tuần hoàn nhịp nhàng của vũ trụ. Mỗi mùa, thiên nhiên lại mang một sắc màu riêng. Cỏ cây muôn loài đều nhú lên mầm sống trong mùa xuân, phát triển xanh tươi trong mùa hạ, vàng úa trong mùa thu và tàn lụi khi đông về theo đúng quy luật: "Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng". Thực tế khảo sát cho thấy mùa thu và mùa xuân là hai mùa xuất hiện trong thi ca nhiều hơn cả, sau đó là mùa hạ và mùa đông chiếm tỉ lệ ít nhất.

Sở dĩ là một trong hai mùa được các thi nhân say sưa khám phá hơn cả là bởi mùa xuân mang những đặc điểm thời tiết, khí hậu lí tưởng giúp hồn thơ của các thi nhân được cất cánh thăng hoa. Cùng hướng về vẻ đẹp thanh tân, rực rỡ, căng tràn nhựa sống nhưng mỗi nhà thơ bằng tài năng và phong cách độc đáo của mình đã vẽ nên những bức tranh mùa xuân mang sắc thái riêng. Theo quan niệm của người phương Đông giữa con người và vũ trụ có mối quan hệ tương thông với nhau. Do vậy, mùa xuân của đất trời còn tượng trưng cho tuổi trẻ của đời người với biết bao ước mơ, khát vọng và hứa hẹn những may mắn, thành công.

Theo dòng chảy của thời gian, xuân qua hạ đến. Trong mối tương quan giữa mùa xuân với mùa hạ thì mùa hạ chính là bước phát triển tiếp nối cực thịnh so với mùa xuân. Đó là mối quan hệ bổ sung, phát triển đến đỉnh điểm của vạn vật. Từ xuân chuyển sang hạ, thiên nhiên và con người có bước chuyển mạnh mẽ. Màu xanh vẫn là gam màu chủ đạo của hai mùa nhưng quan sát một cách tinh tế thì mùa xuân mang sắc xanh non của những chồi non, lộc biếc còn mùa hạ lai mang sắc xanh lục, xanh đậm bởi cây cối đang bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất.

Mặc dù cả hai mùa đều có nét tương đồng về thời tiết ấm áp, không lạnh lẽo như mùa thu và mùa đông nhưng nếu mùa xuân đem lại cho ta cảm giác khoan khoái bởi ánh

nắng dịu dàng thì mùa hạ lại khiến chúng ta ngột ngạt với ánh nắng chói chang và không khí nóng bức, oi nồng:

Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè

(Vịnh cảnh mùa hè – HĐQÂTT)

Trâu già gốc bụi phì hơi nắng, Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.

(Đến chơi nhà bác Đặng – Nguyễn Khuyến)

Dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ đó, cây cối phát triển với tất cả sức sống nội sinh tạo nên những gam màu mạnh, nóng cho bức tranh mùa hè:

Rồi hóng mát thuở ngày trường Hòe lục đùn đùn tán rợp trương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đã tịn mùi hương Lao xao chợ cá làng ngư phủ Dắng doi cầm ve lầu tịch dương

(Bảo kính cảnh giới, số 43 – Nguyễn Trãi)

Bức tranh cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi hiện lên với những gam màu rực rỡ gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi sắc xanh lục của cây hòe, sắc đỏ rực của hoa lựu và màu hồng của hoa sen. Cảnh ngày hè không chỉ được hiện lên với những đường nét, màu sắc, sự chuyển động, sinh sôi căng trào nhựa sống của vạn vật mà còn gắn liền với âm thanh của một làng chài từ xa vọng lại báo hiệu một cuộc sống no đủ của người dân. Mùa hạ thường gắn liền với những âm thanh quen thuộc như tiếng ve kêu râm ran hay tiếng chim cuốc, tiếng chim đỗ quyên quang quác quác... Những âm thanh và màu sắc ấy là bước phát triển cao hơn, mạnh hơn so với những sắc màu và âm thanh của mùa xuân. Tuy vạn vật ở trạng

thái sung mãn nhất, phát triển cực thịnh nhất những do sức nóng rát, oi nồng nên mùa hạ không được các nhà thơ yêu thích bằng mùa xuân.

Vạn vật cũng như con người tồn tại luôn bị chi phối bởi yếu tố thời gian nên sau những giây phút thăng hoa, phát triển mãnh liệt nhất trong mùa hạ, vạn vật cũng phải đối mặt với sự lụi tàn. Đó là khi bước chân của mùa thu trở về in dấu ấn bằng sắc vàng bao phủ lên đất trời, vũ trụ. Biểu tượng của mùa xuân đặt trong thế đối lập với các biểu tượng của mùa thu. Nếu mùa xuân mang tính dương, là sự sinh trong giai đoạn khởi đầu hưng thịnh thì mùa thu mang tính âm, bắt đầu của quá trình tàn lụi về phía diệt. Nếu mùa xuân thường đem đến cảm xúc hân hoan, rạo rực với một niềm lạc quan hy vọng thì mùa thu thường gợi tâm trạng buồn, trống vắng, cô đơn. Sự đối lập này không chỉ làm phong phú thêm cách thể hiện thời gian trong thơ mà còn khiến người đọc khám phá ra những bức tranh tâm trạng của các nhà thơ ẩn hiện đằng sau những bức tranh thiên nhiên xuân, thu. Sự vật trong mùa xuân và mùa thu phát triển theo hướng đối nghịch nhau được thể hiện rất rõ qua những vần thơ Thiền của các nhà sư:

Xuân chức hoa như cẩm Thu lai diệp tự hoàng

(Xuân dệt muôn hoa như gấm thêu Thu sang ngàn lá tựa vàng gieo)

(Viên Chiếu)

Vạn vật xuân vinh thu hựu khô

(Cây cối xuân tươi thu não nùng) (Vạn Hạnh Thiền sư)

Nếu mùa xuân vạn vật phát triển tốt tươi thì mùa thu lại là mùa của tàn tạ, rơi rụng. Tuy đặt trong mối quan hệ đối lập với mùa xuân nhưng mùa thu lại là khoảng thời gian mới chớm báo hiệu sự lụi tàn mở ra sắc vàng mơ phai của nắng, của lá, của cúc vàng rực rỡ với trời thu xanh ngắt mấy từng cao, gió heo may se se lạnh, trăng thu sáng ngần tôn lên vẻ đẹp

mơ màng, hư ảo đặc trưng của mùa thu. Vẻ đẹp đó có khi hiện lên sánh bước cùng bức tranh mùa xuân:

Thu êm cửa trúc hồng vân phủ Xuân tĩnh đường hoa tử cấm phong

(Thơ Nôm, bài 60Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhưng cũng có khi được miêu tả một mình :

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo ... Ngõ trúc quanh có khách vắng teo

(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)

Thu nguyệt sáng soi thông tử phủ

(Thơ Nôm, bài 90Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Mùa thu chính là môi trường lý tưởng để các thi nhân gửi gắm lòng mình: thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người. Cũng vì lẽ đó mà mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca, thậm chí còn được các thi nhân viết nhiều hơn cả mùa xuân.

Khi những chiếc lá vàng rơi rụng hết còn trơ trụi những cành cây khẳng khiu, gầy guộc là lúc mùa thu của đất trời đã đi qua nhường chỗ cho mùa đông tràn về. Mùa đông là mùa cuối cùng khép lại chu trình tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông của vũ trụ. Biểu tượng mùa xuân đặt trong mối quan hệ tương phản, đối lập gay gắt với các biểu tượng của mùa đông. Đó là mối quan hệ giữa khởi đầu và kết thúc, giữa sinh và tận cùng của diệt. Nếu đến với mùa xuân ta như lạc vào một thiên đường với cành tơ phơ phất, hoa nở rực rỡ, chim hót véo von thì mùa đông lại khiến ta run rẩy trong cái rét như cắt da, cắt thịt của những cơn gió bấc, trong màu trắng lạnh lẽo của tuyết băng:

Sương tàn, khí tuyết đã sang (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tuyết sóc leo cây điểm phấn Cõi đông dài nghuyệt in câu

(Ngôn chí, bài 13 – QÂTT) Canh chày ngọc lậu trong băng tuyết Đêm lọt lưu tô lạnh giữa đồng

(Lại vịnh cảnh mùa đông, bài 12 – HĐQÂTT)

Đòi phen gió tựa hoa kề Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Bước chân của mùa đông mang sức mạnh hủy diệt được thể hiện qua sự lấn át, bao phủ lên vạn vật của tuyết trắng khiến những bức rèm như bị lọt thỏm vào trong sắc trắng tang tóc ấy. Màu trắng của tuyết, màu xám xịt của bầu trời càng khiến cho không gian mùa đông trở nên vắng lặng hơn, rợn ngợp hơn. Nếu vẻ đẹp tràn đầy sức sống của mùa xuân thường biểu tượng cho tuổi xuân của đời người với bao náo nức, say mê gắn liền với niềm lạc quan, hi vọng thì mùa đông biểu tượng cho tuổi già của đời người gắn liền với ốm đau, bệnh tật và sự cô đơn. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy nên biểu tượng của mùa đông không có hình ảnh của hoa lá, cỏ cây. Đến với mùa đông, các thi nhân dường như thấy rõ hơn quy luật sinh, lão, bệnh, tử của đời người. Chính vì vậy, bức tranh mùa đông bao giờ cũng mở ra một thế giới tâm hồn với biết bao trăn trở, day dứt đan xen cả sự tiếc nuối, bất lực trước dòng chảy thời gian. Do sự đối lập, tương phản về đặc điểm thời tiết, khí hậu giữa hai mùa cho nên các nhà thơ có niềm hứng thú viết về mùa xuân hơn mùa đông. Tuy nhiên, với những tín hiệu đặc trưng mà chúng ta đã phân tích ở trên nên mùa đông vẫn mang vẻ đẹp riêng góp phần tạo nên vẻ đẹp phong phú trong bức tranh bốn mùa của đất nước.

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của đất trời vũ trụ chính là bước đi của thời gian được in dấu trên sắc màu của thiên nhiên, cây lá. Mỗi mùa lại có những đặc điểm riêng, thế mạnh

riêng hình thành lên những hệ thống tín hiệu giúp các nhà thơ vẽ lên những bức tranh bốn mùa chân thực, mang hơi thở của quê hương đất nước Nam Việt. Mùa xuân có mối tương quan khác nhau với ba mùa hạ, thu, đông. Qua những bức tranh thiên nhiên bốn mùa mà người đọc thêm yêu hơn vẻ đẹp của đất nước mình đồng thời cũng hiểu rõ hơn những góc khuất trong đời sống tâm hồn của các nhà thơ.

Tiểu kết Chương 1

Thời gian nghệ thuật là một phạm trù không thể thiếu trong văn học, nó được coi là một biểu tượng để thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Mùa là một trong những đơn vị cơ bản của thời gian nghệ thuật trong văn học. Biểu tượng mùa trong thi ca trung đại vô cùng phong phú, mỗi mùa lại có những biểu tượng riêng là chất liệu quan trọng giúp các thi nhân dệt lên những bức họa bằng ngôn ngữ ca ngợi vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam.

Trong bước chuyển nhịp nhàng của thời gian với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì mùa xuân là mùa có sức quyến rũ hơn cả. Với sự ưu ái của tạo hóa, mùa xuân đã sở hữu một điều kiện thời tiết lí tưởng tuyệt vời với gió xuân ấm áp, nắng xuân dịu dàng, mưa xuân khẽ khàng... khiến vạn vật hồi sinh trở lại, đất trời được bao phủ bởi sắc xanh tràn đầy sức sống. Mùa xuân là kiệt tác của thiên nhiên và là nơi để con người gửi gắm nỗi niềm. Vì vậy, mùa xuân là một trong hai mùa chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong văn học trung đại. Với một hệ thống biểu tượng đặc trưng, mùa xuân đã trở thành đối tượng thẩm mĩ, là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn để các thi nhân thỏa lòng khám phá và sáng tạo. Mùa xuân được quan niệm ứng với giai đoạn tuổi trẻ của đời người, nếu tuổi trẻ của đời người là một đi không trở lại thì mùa xuân của đất trời lại tuần hoàn, bất tử. Chính vì vậy, đến với mỗi bức tranh xuân, người đọc lại được khám phá một thế giới tâm trạng, cảm xúc riêng của mỗi nhà thơ trước dòng chảy của thời gian và những thăng trầm, biến động của cuộc đời và thời cuộc.

Chương 2

NỘI DUNG THỂ HIỆN MÙA XUÂN TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT 2.1. Phân loại thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân

2.1.1. Biểu bảng về số lượng tác giả, tác phẩm thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân

Tên tác phẩm

Tổng số bài thơ khảo sát

Số bài thơ có câu thơ viết về bốn mùa

Số bài thơ có câu thơ viết về mùa

xuân Số bài Tỉ lệ % Số bài Tỉ lệ %

Quốc âm thi tập 254 101 40 39 38,6

Hồng Đức quốc âm thi tập 328 51 15,5 15 29,4

Bạch vân quốc ngữ thi tập 161 25 15,5 11 44

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương 40 9 22,5 5 55,5

Thơ Nôm Nguyễn Khuyến 76 13 17,1 7 53,8

Thơ Nôm Trần Tế Xương 70 15 21,4 14 93,3

Tổng số 929 214 23 91 42,5

2.1.2. Nhận xét, đánh giá qua biểu bảng

Qua khảo sát, thống kê số lượng các bài thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân trong các tác phẩm của các tác giả trên chúng tôi nhận thấy:

QÂTT của Nguyễn Trãi có số lượng các bài thơ có câu thơ viết về bốn mùa nhiều hơn cả chiếm 40%. Sau đó đến các tác giả thời Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tế Xương và người viết ít nhất về mùa là bà Hồ Xuân Hương. Trần Tế Xương có đến 15 bài thơ viết về mùa, tuy nhiên nội dung thơ viết về mùa của ông là phản ánh xã hội nửa tây nửa ta với nhiều chướng tai, gai mắt với tiếng cười trào phúng không nhằm mục đích vịnh cảnh. Sau khi khảo sát tổng số 929 bài thơ Nôm Đường luật, chúng tôi thống kê có đến 214 bài có câu thơ vịnh bốn mùa chiếm 23%.

Trong 214 bài thơ có câu thơ viết về bốn mùa thì có 91 bài thơ có câu thơ viết về mùa xuân chiếm tỉ lệ 42,5% đứng ở vị trí thứ hai sau mùa thu. QÂTT của Nguyễn Trãi là tập thơ viết về mùa xuân nhiều nhất với 39 bài thơ, sau đó là HĐQÂTT có 15 bài thơ và thơ Nôm Trần Tế Xương với 14 bài thơ còn BVQNTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm có 11 bài. Nguyễn Khuyến và Hồ Xuân Hương là hai tác giả có số lượng các bài thơ viết về mùa xuân ít nhất. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Mùa xuân trong thơ Nôm Đường luật được các tác giả phản ánh với những nội dung phong phú, đa dạng. Qua khảo sát và khám phá chúng tôi nhận thấy hầu hết những tác phẩm thơ Nôm viết về mùa xuân đều thể hiện những nội dung sau:

Thứ nhất: Vẻ đẹp của mùa xuân thể hiện tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc

Thứ hai: Mùa xuân thể hiện niềm mong ước về một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Thứ ba: Mùa xuân thể hiện tâm trạng, nỗi niềm của nhà thơ trước cuộc đời và những thăng trầm thời cuộc

2.2. Những biểu hiện của mùa xuân trong thơ Nôm Đường luật

2.2.1. Vẻ đẹp mùa xuân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc

Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của các thi nhân rất dễ rung động, thổn thức trước vẻ đẹp của thiên nhiên mà mùa xuân lại là mùa hội tụ vẻ đẹp tươi non nhất mang sức sống căng tràn, sung mãn, mãnh liệt nhất của đất trời vạn vật. Chính vì vậy, từ bao đời nay các thi nhân khó có thể cưỡng lại được trước sức mê hoặc của cảnh vật mùa xuân. Bằng tình yêu thiên nhiên, đất nước tha thiết, bằng niềm tự hào, tự tôn dân tộc, các nhà thơ trung đại đã vẽ lên những bức tranh xuân xinh xắn bằng ngôn từ mang hồn cốt của quê hương đất nước Việt Nam. Ở họ lòng yêu thiên nhiên không chỉ phản ánh nhu cầu thẩm mĩ mà quan trọng hơn là thầm kín thể hiện tình yêu đất nước, bởi yêu thiên nhiên cũng chính là yêu đất nước. Vì vậy, những bức tranh mùa xuân giúp ta cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của các thi nhân vì nói như nhà thơ Xuân Diệu: “Lòng yêu thiên nhiên là kích thước để đo tâm hồn".

Trong hành trình trở về với những bức tranh xuân được viết bằng thơ Nôm, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, ngây ngất trước sự bừng thức, trỗi dậy diệu kì của vạn vật khi đông qua, xuân về:

Đâu đâu cũng chịu lệnh Đông quân Nào chốn nào chăng, chăng gió xuân Huống lại vườn còn hoa trúc cũ Chồi thức tốt lạ mười phân

(Thơ tiếc cảnh - bài 13, QÂTT)

Khi mùa xuân đến có nghĩa là vị chúa Đông quân tức ngọn gió xuân mang hơi thở ấm áp đã trở lại thì thầm, ve vuốt mơn man lên vạn vật khiến những cành cây trơ trụi, khẳng khiu, cạn kiệt nhựa sống sau ba tháng mùa đông rét mướt bỗng hồi sinh trở lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mùa xuân trong thơ nôm đường luật (Trang 42)