Bút pháp chấm phá, thi trung hữu họa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mùa xuân trong thơ nôm đường luật (Trang 94 - 97)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.2.Bút pháp chấm phá, thi trung hữu họa

Bên cạnh bút pháp tượng trưng, ước lệ thì bút pháp chấm phá, thi trung hữu họa cũng được đánh giá là tiêu biểu trong Đường thi nói chung và thơ ca trung đại nói riêng. Từ xưa đến nay các thi nhân khi đặt bút sáng tác đều chú ý đưa hình ảnh hội họa vào thơ như câu nói quen thuộc: Thi trung hữu họa (trong thơ có họa). Nhưng đó là họa bằng lời, bằng cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế và điêu luyện của các thi nhân.

Trong nghệ thuật hội họa Trung Hoa cổ đại, người vẽ chủ trương tạo ấn tượng, sự quyến rũ cho bức tranh của mình bằng việc tạo ra điểm nhấn cho bức tranh với sự kết hợp hài hòa những nét vẽ rõ ràng, dứt khoát với những nét vẽ mềm mại, thanh thoát. Ví dụ người họa sĩ vẽ cây để tả rừng, vẽ chim để nói chiều tối, tùng, trúc mai để biểu tượng cho đấng trượng phu, người quân tử, càng già khí tiết càng vững vàng. Nguyên tắc thẩm mĩ trong hội họa còn được dùng chung trong cả loại hình nghệ thuật thơ ca bởi hai loại hình nghệ thuật này đều mang nét giống nhau nhất định. Muốn vẽ tranh hoặc làm thơ thì chủ nhân của nó đều phải quan sát hay phát huy trí tưởng tượng phong phú về một sự vật nào

đó để phác thảo lên giấy. Đồng thời dù bức họa hay bài thơ thì người sáng tạo đều muốn khơi gợi trong tâm trí người đọc một tư tưởng nào đó. Tuy nhiên, nếu chất liệu chính của hội họa là đường nét, màu sắc thì chất liệu chính của thơ ca là ngôn ngữ.

Cũng giống như hội họa, trong thơ ca cổ rất chú ý đến cái thần thái, khí chất toát ra từ sự vật. Các nhà thơ cổ khi sử dụng bút pháp này đều chú ý tạo ra những điểm nhấn bằng một vài hình ảnh mang tính biểu tượng cao:

Đường hoa chấp chới tin ong dạo, Dặm liễu thung thăng sứ điệp truyền.

(Lại vịnh cảnh mùa xuân, bài 6 – HĐQÂTT)

Hai câu thơ mở ra bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp với trăm hoa đua nở trong rực rỡ sắc màu. Bức tranh đó càng trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn bởi sự xuất hiện của đàn ong cần mẫn hút mật, của những đàn bướm bay lượn trong vườn hoa, trên những rặng liễu tạo nên khí xuân tưng bừng.

Khám phá thế giới thơ Nôm, chúng ta thấy rõ được cách nhìn nhận của các nhà thơ trung đại về bản chất tồn tại của các sự vật không nằm ở hình dáng, màu sắc, lời nói mà nằm ở thế giới tinh thần bên trong của sự vật. Khi sáng tác, họ không chú trọng miêu tả chi tiết, cụ thể sự vật mà chỉ chọn lấy một vài chi tiết tiêu biểu nhất nhằm lột tả được cái thần thái của sự vật. Chính vì vậy, những đường nét, chi tiết tiêu biểu sẽ có sức gợi tả, gợi cảm lớn nhằm phát huy trí tưởng tượng cao độ của người thưởng thức. Đây là bút pháp nghệ thuật góp phần tạo nên cho bài thơ tính cô đọng, hàm súc, sang trọng của thể loại Đường thi. Mùa xuân là mùa của sức sống nội sinh mãnh liệt, sức sống ấy được tuôn trào, kết tụ trong những mầm non, lá nõn, đặc biệt là trong những đóa hoa. Cho nên các nhà thơ xưa khi sử dụng bút pháp chấm phá để miêu tả mùa xuân thường chú ý biểu tượng hoa:

Xuân hoa đua nở rỡ phong quang

(Thơ Nôm, bài 90 – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Nhà thơ không nói rõ có bao nhiêu bông hoa trong khu vườn mùa xuân ấy nhưng người đọc vẫn cảm nhận rõ được sự phong phú, đa dạng của các loài hoa, chúng chen chúc

nhau để phô sắc, khoe hương làm nên linh hồn bủa bức tranh mùa xuân. Qua những đóa hoa đua nhau nở ấy, người đọc còn cảm nhận được rõ sức sống diệu kì của mùa xuân.

Khu vườn mùa xuân ấy sẽ trở nên đơn điệu nếu thiếu đi hình bóng của những đóa hoa mai, hoa đào – những loài hoa nở sớm nhất như một dấu hiệu để nhận biết xuân về:

Hoa mẩy cây nên thuở đốc sương, Chẳng tàn, chẳng cỗi hãy phong quang.

(Lão mai - QÂTT )

Nhẵn nhụi càng già càng cốt cách, Dầm dầm chẳng nát thức xanh xanh.

(Bóng mai trong nướcHĐQÂTT)

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi, Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.

(Thơ hoa đào, bài 1 – QÂTT)

Miêu tả hai loài hoa này, các thi nhân không chú ý miêu tả hình dáng, màu sắc, hương thơm mà chỉ chú trọng vào một số điểm nhấn: chẳng tàn, chẳng cỗi, cốt cách, chẳng nát, tốt tươi, mơn mởn... đã thành công trong việc miêu tả hoa mai, hoa đào: chọn thời điểm cuối đông đầu xuân khi thời tiết còn vô cùng khắc nghiệt với giá rét, sương nhiều để nở hoa, tỏa hương thơm ngát mỉm cười với mùa xuân. Đặc điểm thân cây gầy guộc nhưng chẳng tàn, chẳng cỗi trước sương sa đã nhấn mạnh sức sống kiên cường, bền bỉ, dẻo dai vượt lên trên thời tiết khắc nghiệt của nó. Đồng thời còn biểu tượng cho khí tiết, cốt cách của người quân tử càng trải qua nhiều thử thách, khó khăn lại càng vững vàng, bản lĩnh hơn.

Tiếp thu các thành tựu sáng tạo của các nhà thơ đi trước, Nguyễn Khuyến đã sử dụng thành công bút pháp chấm phá để miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân của mình. Bút pháp chấm phá được thể hiện rõ qua bài thơ Chơi thuyền Hồ Tây:

Thuyền lan nhè nhẹ.

Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây, Bát ngát nhẽ dễ trêu người du lãm.

Bức tranh cảnh sông nước Hồ Tây vào một chiều xuân vắng vẻ khiến lòng người du lãm say mê hiện lên thật sinh động và sắc nét qua bút pháp chấm phá kết hợp với cách sử dụng từ ngữ điêu luyện. Cảnh Hồ Tây còn phản chiếu một tâm hồn thiết tha yêu cảnh đẹp quê hương đất nước của nhà thơ.

Như vậy bút pháp chấm phá, thi trung hữu họa là một trong những bút pháp nghệ thuật quan trọng giúp các thi nhân miêu tả thành công những bức tranh mùa xuân hàm súc, cô đọng, lời ít ý nhiều. Với con mắt tinh tế và khả năng nắm bắt nhanh những nét tiêu biểu của sự vật, hiện tượng trong cuộc sống các thi nhân đã phác họa thành công những bức tranh thiên nhiên vừa gợi cảm lại vừa tràn đầy sức sống bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mùa xuân trong thơ nôm đường luật (Trang 94 - 97)