7. Đóng góp của luận văn
3.2.1. Bút pháp tượng trưng, ước lệ
Bút pháp nghệ thuật là phương tiện quan trọng để các thi nhân chuyển tải nội dung, giúp người đọc hiểu sâu sắc giá trị tác phẩm. Trong văn học, bút pháp nghệ thuật là cách thức sử dụng chữ, hành văn, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật thể hiện của tác phẩm văn học. Bút pháp nghệ thuật trong văn học trung đại được chia thành một số tiểu loại: bút pháp trữ tình, bút pháp trào phúng, bút pháp ước lệ, tượng trưng... Trong đó ước lệ, tượng trưng là bút pháp được coi là tiêu biểu, quen thuộc trong thơ ca trung đại. Bút pháp này đóng vai trò quan trọng là bởi nó trực tiếp chi phối đến lối viết, cách viết, nghệ thuật dùng từ, đặt câu cũng như phương pháp hư cấu, diễn đạt của tác giả.
Ước lệ được xem là một đặc điểm thi pháp nổi bật trong văn học trung đại. Đó là cách lựa chọn và sử dụng từ ngữ trong văn chương cổ sao cho lời thơ, lời văn trở nên tao nhã, sang trọng nhằm xây dựng những hình tượng nghệ thuật khuôn mẫu, chuẩn mực. Mỗi mùa trong trời đất lại được thể hiện trong văn học bằng những hình ảnh ước lệ khác nhau: mùa xuân thường gắn liền với hoa đào, hoa mai; mùa hạ ấn tượng với sắc đỏ của hoa lựu, với âm thanh râm ran của tiếng ve; mùa thu mở ra với sắc vàng của hoa cúc, của lá ngô đồng rụng và mùa đông thì không thể thiếu sắc trắng lạnh lẽo của tuyết rơi.
Hình ảnh ước lệ, tượng trưng là kết quả sáng tạo nghệ thuật của cả một lớp nghệ sĩ thời trung đại góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng cho nền văn học này. Với bút pháp nghệ thuật này, người nghệ sĩ cần phải phát huy cao độ trí tưởng tượng, sự hư cấu, xây dựng được hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cao để thể hiện nội dung tác phẩm. Sự xuất hiện của những hình ảnh ước lệ, tượng trưng khiến tác phẩm thơ ca trở nên giàu sức gợi, sức
biểu cảm và tính đa nghĩa. Đó chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn muôn đời trong những tác phẩm thơ ca thời trung đại.
Đến với những bài thơ, đặc biệt là những bài thơ Nôm viết về mùa xuân, chúng ta bắt gặp những hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho mùa này: khí dương hòa ấm áp, vạn vật đâm chồi, nảy lộc trong sắc xanh tràn ngập bao phủ, gió đông ấm áp, nắng xuân dịu dàng, mưa xuân ngọt ngào, chim (én, oanh) hót líu lo, liễu xanh, hoa nở, bướm lượn rập rờn, hoa mai, đào, lan, thủy tiên khoe sắc... Mùa xuân là mùa của sự bắt đầu, tươi mới và tràn đầy nhựa sống nên bức tranh mùa xuân bao giờ cùng đẹp và thường gắn liền với niềm vui, niềm hi vọng về sự sum họp, đoàn tụ.
Thơ ca trung đại ảnh hưởng rất nhiều ở thơ Đường chính vì vậy những tác phẩm thơ Nôm Đường luật không tránh khỏi dấu ấn, không khí sách vở Trung Hoa. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà thơ thời Hồng Đức đã sử dụng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng để vẽ lên những bức tranh mùa xuân tươi đẹp qua đó gửi gắm những nỗi niềm tâm sự của mình. Còn trong thơ ca của các tác giả giai đoạn sau như: Bà Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương thì ít sử dụng những hình ảnh biểu tượng này.
Mùa xuân đến mang theo khí dương hòa ấm áp khiến trăm hoa đua nở, vạn vật hồi sinh. Trong muôn sắc màu rực rỡ ấy, những đóa hoa mai, hoa đào tươi thắm trở thành những hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh mùa xuân của thơ ca trung đại. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đã dành cho hoa mai, hoa đào một vị trí đặc biệt, thi nhân có một nguồn cảm hứng vô tận cho hai loài hoa này:
Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi, Ưa mi vì tuyết sạch hơn người.
(Thơ mai, bài 1 – QÂTT)
Huống lại bảng xuân sơ chiếm lược, So tam hữu chẳng bằng mày.
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi, Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
(Thơ hao đào, bài 1 - QÂTT)
Khí dương hòa há có tư ai? Năng một hoa này nhẫn mọi loài.
(Thơ hao đào, bài 4 - QÂTT)
Còn trong Hồng Đức quốc âm thi tập cũng có những câu thơ viết về hoa mai thật tuyệt diệu:
Trội cành nam chiếm một chồi, Tin xuân mãi mãi điểm cây mai. Tinh thần sáng, thưở trăng tĩnh. Cốt cánh đông, khi gió thôi. Tiết cứng trượng phu tùng ấy bạn, Nết trong quân tử trúc là đôi.
(Mai – HĐQÂTT)
Hoa đào và hoa mai là hai loài hoa đứng đầu bảng xuân, chúng phô sắc khoe hương sớm nhất báo hiệu mùa xuân đã về. Đâu cần phải để ý kĩ thời gian, chỉ cần quan sát cây cỏ, vạn vật là chúng ta cảm nhận được nhịp bước của thời gian, chỉ cần dựa vào những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng đó là ta biết được mình đang ở mùa nào. Vì sao các thi nhân lại yêu đào, yêu mai đến vậy? Bởi vì hoa đào, hoa mai tượng trưng cho cốt cách, khí tiết của người quân tử, càng già, càng được thử thách qua thời tiết khắc nghiệt thì lại càng cứng cỏi, vững vàng. Và đặc biệt hai loài hoa này còn hơn tùng, hơn trúc bởi sự quyến rũ của hương thơm nhẹ nhàng, thanh thoát. Bức tranh mùa xuân càng trở nên hấp dẫn hơn với những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca trung đại:
Mai tô má phấn, bướm xun xoăn. (Xuân - HĐQÂTT) )
Trong thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm ta cũng bắt gặp những câu thơ viết về mùa xuân gắn liền với những hình ảnh quen thuộc biểu tượng cho mùa xuân:
Hương đầy tiệc khách hoa khi rụng, Hứng dẫy vườn xuân, chim thuở kêu.
(Thơ Nôm, bài 37 – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Như vậy, ước lệ tượng trưng là một trong những bút pháp nghệ thuật điển hình trong thơ Nôm Đường luật. Bút pháp này góp phần tạo nên những ưu thế nhất định cho nghệ thuật của câu thơ: ngắn gọn, hàm súc, trang nhã mà bóng bẩy. Để đạt được điều đó thì khi sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng đòi hỏi các tác giả phải thể hiện bằng những từ ngữ, hình ảnh mang tính chất công thức, khuôn mẫu. Đây cũng là chìa khóa để người đọc khám phá chân trời bí ẩn đằng sau lớp vỏ bọc ngôn từ trong thơ ca.