0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (132 trang)

Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) MÙA XUÂN TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT (Trang 85 -91 )

7. Đóng góp của luận văn

3.1.2. Không gian nghệ thuật

Theo GS. TS Trần Đình Sử "Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật’’[41; 107]. Không gian nghệ thuật chính là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện quan niệm nhất định về cuộc sống. Mùa xuân trong thơ Nôm Đường luật thường gợi niềm vui sướng, hạnh phúc trong sự hồi sinh của vạn vật, sự sum họp của con người. Mặt khác mùa xuân còn biểu tượng cho cuộc sống lánh đời, ẩn dật chốn điền viên. Vì vậy hình ảnh mùa xuân trong thơ Nôm Đường luật được thể hiện trên hai nền không gian chủ đạo: Không gian nhàn tản, thoát tục và không gian sinh hoạt đời thường

3.1.2.1. Không gian nhàn tản, thoát tục

Không gian nhàn tản, thoát tục gợi lên cuộc sống bình dị, thanh nhàn của con người trong thế giới tự nhiên.Không gian thanh tịnh ấy gắn liền với những hình ảnh như: đường hoa, luống lan, lều tranh, xuân tĩnh, hiên mai, đêm nguyệt... Không gian ấy có mối quan hệ gắn bó khăng khít với thiên nhiên và cũng chính là nơi mà các thi nhân tìm được niềm vui sống sau khi quay lưng lại với chốn quan trường đầy bon chen, hiểm hóc. Ta thường bắt gặp trong thơ của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Am quê về ở dưỡng nhàn chơi, Yên phận, yên lòng kẻo tiếng hơi.

(Thuật hứng, bài 14 – QÂTT)

Xóm tự nhiên, lều một căn,

Quét không thay thảy, bụi hồng trần.

(Thơ Nôm, bài 50 – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Hình ảnh một cái am, một căn lều nhỏ giữa xóm tự nhiên được bao bọc trong một thế giới cỏ cây, hoa lá giống như một ngôi nhà trong thế giới của những câu chuyện cổ tích. Ngôi nhà rất đỗi đơn sơ, giản dị ấy phản chiếu đời sống tâm hồn thanh tịnh, luôn rộng mở, giao hòa với thiên nhiên cây cỏ. Thế giới ấy vô cùng thanh sạch, trong lành bởi nó đã hoàn toàn được tự nhiên thanh lọc hết bụi hồng trần, thanh lọc hết những ưu tư của thói đời đen

bạc. Đó cũng là cái thế giới vô cùng lí tưởng mà các nhà nho khao khát tìm đến để bảo vệ nhân cách của mình khi bất mãn với thời cuộc. Trong không gian ấy, họ đã tìm được những thú vui thanh tao để di dưỡng tinh thần như thưởng trăng, uống trà, đọc sách:

Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng, Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.

(Ngôn chí, bài 2 – QÂTT)

Cởi tục trà thường pha nước tuyết, Tầm thanh trong vắt tiển chè mai.

(Ngôn chí, bài 1 – QÂTT)

Sống giữa thiên nhiên chốn quê mùa vắng vẻ nhưng cuộc sống của họ không hề buồn tẻ, đơn điệu mà ngược lại vô cùng phong phú. Bởi họ tìm thấy ở thiên nhiên sự đồng điệu, thiên nhiên chính là người bạn tri âm tri kỉ, là hàng xóm láng giềng, là con cái trong gia đình rất đỗi thân thương. Chính vì vậy, được sống với thiên nhiên là một niềm hạnh phúc lớn, tâm hồn họ trở nên cao khiết, trong sạch bỏ lại đằng sau chốn quan trường đầy lọc lừa, xảo trá. Không gian nhàn dật, thanh nhàn chính là liều thuốc diệu kì giúp các thi nhân xoa dịu nỗi đau và tiếp thêm sức mạnh trong cuộc sống.

Cuộc sống thanh bạch, giản dị, tự cung tự cấp chốn thôn quê của những con người từng có cuộc sống trong giàu sang quyền quý, có kẻ hầu người hạ khiến ta xúc động biết bao nhiêu. Trong không gian yên bình, vắng vẻ ấy, họ đã tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự trong những sinh hoạt gần gũi với người dân lao động, mùa nào thức ấy:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

(Thơ Nôm, bài 73 – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Tóm lại, không gian nhàn tản, thoát tục chính là môi trường sống lí tưởng gắn bó với các nhà nho khi họ quyết định từ quan về ở ẩn để bảo vệ nhân cách, khí tiết của mình.

Không gian ấy hiện hình mọi lúc, mọi nơi, trong những món ăn đạm bạc, thanh tịnh; trong cái am đang ở hay trong những thú vui tao nhã. Qua không gian ấy, ta còn cảm nhận được nỗi niềm tâm sự của các thi nhân.

3.1.2.2. Không gian cuộc sống đời thường

Trong những bài thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân, ngoài không gian nhàn tản, thoát tục ta còn bắt gặp không gian cuộc sống đời thường. Không gian ấy gắn liền với cuộc sống sinh hoạt bình dị, gần gũi thể hiện cảm quan của các nhà thơ trước cuộc đời. Không gian cuộc sống đời thường hiện lên với những hình ảnh mang đậm màu sắc của quê hương đất nước Việt Nam như: ngôi chùa, ngôi đền, hội xuân, chợ Đồng hay trong những phong tục cổ truyền của dân tộc như: tết Nguyên đán, đi chợ cuối năm, tục khai bút đầu xuân… hoặc những cảnh đẹp êm đềm, những món ăn dân dã mang hồn cốt dân tộc. Trước hết không gian cuộc sống đời thường được mở ra gắn liền với những cảnh đẹp êm đềm trên khắp mọi miền quê hương đất nước:

Êm ái chiều xuân tới Khán Đài, Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai!

(Chơi đền Khán Xuân – Hồ Xuân Hương)

Thuyền lan nhẹ nhẹ.

Một con thuyền đủng định dạo Hồ Tây. Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây, Bát ngát nhẽ dễ trêu người du lãm.

(Chơi thuyền Hồ Tây – Nguyễn Khuyến)

Hình ảnh đền Khán Xuân được mở ra gắn liền với một buổi chiều xuân êm ái đẹp như một bức tranh. Không gian mùa xuân được đan cài trong không gian nơi đền thờ linh thiêng gieo vào lòng người sự thư thái, thanh thản như được gột hết bụi trần phiền muộn. Còn cảnh Hồ Tây (hồ phía Tây của Hà Nội) cũng trở nên vô cùng quyến rũ bởi gắn liền với không gian chiều xuân vắng vẻ, tĩnh lặng. Trong không gian sông nước mênh mang đó, trên

con thuyền nhè nhẹ, đủng đỉnh lòng người được buông bỏ nhiều phiền muộn nhưng dường như vẫn man mác một nỗi buồn, cái buồn của một nhà nho yêu nước phải sống trong cảnh loạn lạc.

Đến với những bài thơ Nôm viết về đề tài mùa xuân, người đọc còn vô cùng náo nức, tự hào khi được sống lại với không khí nhộn nhịp, rộn ràng thân thuộc của làng quê Việt Nam trong cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một trong những phong tục, một trong những nét đẹp văn hóa từ ngàn đời của ông cha ta được các thi nhân đưa vào trong thơ ca một cách trân trọng và xúc động. Cuộc sống sinh hoạt bình dị đời thường của người dân trước hết được mở ra với không gian của phiên chợ Đồng trong làn mưa bụi – một phiên chợ trên quê hương của Nguyễn Khuyến bắt đầu họp từ hai mươi tư tháng chạp cho đến cuối năm để cho người dân sắm sửa tết:

Tháng chạp, hai mươi bốn chợ Đồng Năm nay chợ họp có đông không?

(Chợ Đồng – Nguyễn Khuyến)

Gần gũi hơn, thân thương thương hơn đó là cảnh người dân trong làng rộn ràng rủ nhau gói bánh chưng, chung thịt lợn cố gắng chuẩn bị một cái tết sung túc, đủ đầy:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng, Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt.

(Cảnh tết – Nguyễn Khuyến)

Những âm thanh tiếng trống, tiếng pháo trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng góp phần tạo nên một không gian của đời sống thật chân thực và gần gũi với người dân lao động:

Ình ịch đêm qua trống các làng Ai ai mà chẳng rước xuân sang

Không gian cuộc sống đời thường ấy còn được mở ra với mùi khói hương ngạt ngào trong mỗi nhà vào dịp tết đến xuân về như một dấu hiệu đặc trưng thể hiện tấm lòng tri ân của con cháu với ông bà tiên tổ:

Tìm xuân dễ biết xuân đâu tá, Hương khói nhà ai cũng ngạt ngào.

(Xuân hứng – Tú Xương)

Tết của người dân Việt Nam là khoảng thời gian ngắn ngủi để mọi người được nghỉ ngơi sau những tháng ngày vất vả, lam lũ. Cho nên đến với những bài thơ Nôm viết về đề tài mùa xuân, chúng ta còn được hòa vào với không gian của những lễ hội mùa xuân tưng bừng, nhộn nhịp. Trong những lễ hội mùa xuân ấy, những trò chơi dân gian được đặc biệt chú ý:

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng, Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông. Trai đu gối hạc khom khom cật. Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

(Đánh đu – Hồ Xuân Hương)

Không gian cuộc sống đời thường của làng quê nông thôn Việt Nam còn được mở ra với những loài cây rất gần gũi với mỗi chúng ta như: cây mai, cây đào, cây chuối, cây mía, cây đa cổ, cây hoa nhài… hay những sự vật thân thuộc như hòn đá, có khi lại là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết: mứt tết, giò lụa, bánh chưng, bánh đường… Sống trong không gian ấy, chúng ta cảm thấy tâm hồn hạnh phúc, ấm áp và tự hào biết bao nhiêu vì đuợc trở lại với những nét đẹp văn hóa đậm đà màu sắc dân tộc.

Với những hình ảnh giản dị, mộc mạc mở ra một không gian gần gũi, thân thuộc, các thi nhân đã thể hiện một cách kín đáo tình yêu sâu nặng với quê hương đất nước thân yêu của mình.

Có thể nói trong những tác phẩm thơ Nôm Đường luật viết về đề tài mùa xuân, thời gian và không gian nghệ thuật trở thành những yếu tố quan trọng làm nổi bật tính biểu tượng của mùa xuân đồng thời là những phương tiện để các tác giả bộc lộ những suy tư, trăn trở của mình trước cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) MÙA XUÂN TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT (Trang 85 -91 )

×