Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mùa xuân trong thơ nôm đường luật (Trang 81 - 85)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.1.Thời gian nghệ thuật

Bản chất của thời gian là mang tính khách quan và chi phối đến sự hình thành và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong trời đất. Tuy nhiên trong văn học nghệ thuật, thời gian lại mang tính chủ quan, thể hiện sự nhận thức và dụng ý nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, trong mỗi tác phẩm văn học, thời gian nghệ thuật có lúc được diễn ra nhanh, đôi khi lại trôi đi chậm chạp, lúc ở hiện tại, khi quay về quá khứ hay có lúc lại hướng tới tương lai. Tất cả đều gắn liền với tâm lí của nhân vật. Bên cạnh đó, thời gian

nghệ thuật còn được coi là “một biểu tượng, tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời, con người” [41; 78].

Thời gian trong thơ Nôm Đường luật mang đậm dấu ấn thời gian theo tư duy trung đại. Tuy nhiên trong mỗi tác phẩm viết về đề tài mùa xuân, các nhà thơ lại có những cách cảm nhận về thời gian mang những nét độc đáo và sự sáng tạo riêng.

Trong QÂTT của Nguyễn Trãi, thời gian thường được gắn liền với các cụm từ chỉ khoảng thời gian dài xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Đó là khoảng thời gian mà nhà thơ bất đắc dĩ phải từ quan về ở ẩn, làm bạn với non xanh nước biếc. Tuy vui vầy với cảnh vật và con người chốn thôn quê tưởng như hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài với miệng lưỡi xảo gian nhưng trong thẳm sâu tâm hồn của Nguyễn Trãi vẫn còn vương vấn

“lưới trần”:

Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân, Lẳng thẳng chưa lìa lưới trần.

(Mạn thuật, bài 11 – QÂTT)

Cũng có khi cụm từ chỉ thời gian ấy được dùng để chỉ quy luật của tạo hóa, bước đi vô tình của thời gian. Để qua đó nhà thơ muốn thức tỉnh thái độ sống dửng dưng, vô tình của người đời trước vẻ đẹp của mùa xuân:

Ba xuân thì được chín mươi ngày ...

Thế tình chớ tiếc, dửng dưng thay!

(Thơ tiếc cảnh, bài 11 - QÂTT)

Như vậy, những cụm từ chỉ thời gian trên được dùng với ý nghĩa khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều giúp ta cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn sáng tựa sao Khuê của tác giả. Đó chính là lòng yêu nước, thương dân, yêu cuộc sống tha thiết của một con người có cuộc sống thân nhàn mà tâm không nhàn.

Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy số lượng những bài thơ Nôm Đường luật viết về đề tài mùa xuân gắn liền với khoảng thời gian dài như trên là không nhiều. Các tác giả chủ yếu miêu tả cảnh mùa xuân gắn liền với một thời gian cụ thể: sáng sớm, ban ngày, chiều muộn hay đêm khuya… Điều đó bắt nguồn từ quan niệm về thời gian tĩnh tại, bất biến của người trung đại. Sau đây là bảng số liệu cụ thể về những khoảng thời gian xuất hiện trong những bài thơ Nôm viết về đề tài mùa xuân:

Tác phẩm SLKS Ngày Tỉ lệ % Đêm Tỉ lệ %

Quốc âm thi tập 39 30 76.9 9 23,1

Hồng Đức quốc âm thi tập 15 14 93,3 1 6,7

Bạch Vân quốc ngữ thi tập 11 10 90,9 1 9,1

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương 5 4 80 1 20

Thơ Nôm Trần Tế Xương 14 13 92,9 1 7,1

Thơ Nôm Nguyễn Khuyến 7 6 85,7 1 14,3

Tổng số 91 77 84,6 14 15,4

Mùa xuân trong thơ Nôm Đường luật ít được thể hiện vào ban đêm mà ngược lại thường được miêu tả vào ban ngày, đặc biệt là vào buổi bình minh khi ánh nắng xuân dịu dàng bao phủ cả không gian đất trời vũ trụ. Theo số liệu khảo sát, trong 91 bài thơ có câu thơ viết về mùa xuân thì có đến 77 bài miêu tả cảnh mùa xuân vào ban ngày. Điều đó có nghĩa các thi nhân đều có những cảm xúc mãnh liệt trước vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân vào thời điểm ban ngày. Sở dĩ các nhà thơ chọn thời điểm đặc biệt này để đưa vào trong thơ bởi chỉ dưới ánh nắng mùa xuân rực rỡ, ấm áp vạn vật mới có thể phô hết vẻ đẹp non tơ, rực rỡ, tràn trề sức sống của mình. Thời gian ấy giống như chiếc phông nền khổng lồ, như ánh đèn trên sân khấu làm nổi bật bức tranh mùa xuân nồng nàn với sự hòa quyện của sắc, hương và tình xuân. Mặt khác, mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm mới, mùa xuân của thiên nhiên được xem như hình ảnh biểu tượng cho mùa xuân của đời người. Cho nên chủ

yếu họa bức tranh mùa xuân vào thời điểm ban ngày, các nhà thơ còn gửi gắm vào đó biết bao niềm tin yêu hi vọng vào một tương lai tốt đẹp:

Chim kêu hoa nở ngày xuân tĩnh.

(Ngôn chí, bài 1 - QÂTT)

Xuân về hoa nở mùi hương nức, Khách đến chim về dáng mặt quen.

(Thơ Nôm, bài 118 - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Rờ rỡ cửa vàng ngày Thuấn rạng, Lầu lầu phiến ngọc lịch Nghiêu phân.

(Vịnh tết Nguyên Đán, bài 1 – HĐQÂTT)

Qua đó cho ta thấy tình yêu thiên nhiên tha thiết, tâm hồn tinh tế nhạy cảm và tâm thế ung dung, tự tại trước cảnh đẹp thiên nhiên của các thi nhân.

Bên cạnh thời gian ban ngày, trong thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân thời gian vào ban đêm cũng xuất hiện: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng,

(Ngôn chí, bài 2 - QÂTT)

Trăng dễ thấy, bóng long lanh.

(Bóng mai trong nướcHĐQÂTT) Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non.

(Tự tình II – Hồ Xuân Hương)

Một ngọn đèn xanh, sách mấy chồng, Cười xuân hoa thắm, một vài bông.

(Đọc sách đêm xuân – Tú Xương)

Bên cạnh nắng xuân vào thời điểm ban ngày thì ánh trăng vào thời điểm ban đêm đều là những chất xúc tác, điểm tô khiến người đọc có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp tuyệt tác mà tạo hóa ban tặng cho con người trong cảm xúc xốn xang, rạo rực. Dưới ánh trăng xuân dịu dàng, cảnh vật được bao phủ bởi sắc vàng bàng bạc càng khiến cho cảnh đẹp vừa thực, vừa hư. Mặt khác, ban đêm là khoảng thời gian vốn tĩnh lặng, những xô bồ ồn ào của cuộc sống tạm thời lắng xuống cho nên là khoảng thời gian lí tưởng để các thi nhân thưởng xuân gắn liền với những chú chơi thanh cao, tao nhã như: uống trà, thưởng trăng, đọc sách… Đó cũng là thời điểm nhạy cảm để các thi nhân bộc bạch nỗi niềm tâm sự thầm kín của mình.

Đặc biệt trong văn học trung đại nói chung và trong thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân nói riêng còn xuất hiện thời gian đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại:

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng Năm nay chợ họp có đông không?

(Chợ Đồng – Nguyễn Khuyến)

Qua phiên chợ Đồng trong hiện tại vắng vẻ, thiếu thốn của người dân trên quê hương tác giả mà hiện lên một phiên chợ Đồng đông vui, tấp nập với những phong tục đẹp đẽ trong quá khứ. Nghệ thuật đối lập tương phản giữa hiện tại và quá khứ đã góp phần thể hiện thành công tâm trạng đầy nuối tiếc, xót xa, đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan, trước những nét đẹp phong tục dần dần bị mai một. Đồng thời qua đó cho ta cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của một nhà nho suốt cuộc đời luôn nặng lòng với nước, với dân.

Có thể khẳng định trong thơ Nôm Đường luật viết về mùa xuân, thời gian là một yếu tố nghệ thuật độc đáo. Đó là phương tiện đắc lực giúp các thi nhân miêu tả thành công vẻ đẹp tươi non, căng tràn nhựa sống vô cùng quyến rũ của mùa xuân đồng thời còn góp phần thể hiện những nỗi niềm tâm sự, trăn trở của các nhà thơ trước cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mùa xuân trong thơ nôm đường luật (Trang 81 - 85)