Liên quan giữa dung nạp hóa chất, CLCS với tình trạng hạch vùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả sớm hóa trị bổ trợ bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 73 - 74)

Tình trạng hạch vùng được coi là yếu tố tiên lượng quan trọng nhất liên quan đến tỷ lệ tái phát, sống thêm, thời gian tái phát và thất bại trong điều trị. Dựa vào tình trạng hạch vùng, người ta đánh giá được giai đoạn lâm sàng và lập kế hoạch điều trị, dự đoán khả năng sống thêm.

Trong nghiên cứu của tôi có 34 bệnh nhân hạch vùng chưa di căn và 41 bệnh nhân có di căn hạch vùng. Ở nhóm không di căn tỷ lệ dung nạp tốt với hóa chất chiếm tỷ lệ 82,4% và không tốt chiếm tỷ lệ 17,6%. Nhóm di căn hạch vùng tỷ lệ dung nạp tốt chiếm 92,7%, không tốt chiếm 7,3%. Sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa. Qua các nghiên cứu trước hầu như không có bệnh nhân nào dừng điều trị vì tác dụng phụ của thuốc. Chất lượng cuộc sống của bệnh

nhân có sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm. Điểm trung bình CLCS ở nhóm không di căn điểm tốt chiếm tỷ lệ là 64,7% và điểm không tốt có tỷ lệ là 35,3%. Nhóm di căn điểm CLCS tốt là 85,4% và điểm không tốt là 14,6%. Sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa với p < 0,05.

Nghiên cứu của Nông Văn Dương và Trần Bảo Ngọc (2015) cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về chất lượng cuộc sống tổng thể ở nhóm nghiên cứu. Điểm trung bình CLCS của bệnh nhân ở nhóm không di căn là 55,8 điểm và nhóm di căn là 50,3 điểm [45].

Fisher và CS theo dõi 620 trường hợp UTV giai đoạn II-III cho thấy tỷ lệ tái phát sau 10 năm lên tới 76% ở nhóm có di căn hạch sau mổ so với nhóm chưa di căn hạch chỉ là 24%. Tỉ lệ thất bại của điều trị cũng tăng lên theo số lượng hạch nách di căn. Khi số lượng hạch bị di căn nằm trong khoảng từ 1-3 hạch thì tỉ lệ tử vong sau 10 năm là 65%. Khi số lượng hạch bị di căn từ 4 trở lên thì tỉ lệ này tăng lên 86%. Ngoài liên quan với thời gian sống thêm, người ta còn thấy tái phát tại chỗ cũng liên quan tới số lượng hạch nách di căn. Tỷ lệ tái phát tại chỗ sau 5 năm tăng từ 11% khi chưa có hạch di căn lên 21 % khi có di căn 1-2 hạch, 36% khi di căn 3- 4 hạch và 49% khi di căn từ 5 hạch trở lên [79].

Trong nghiên cứu của tôi tỷ lệ dung nạp tốt với hóa chất điều trị ở nhóm di căn cao hơn nhóm không di căn và điểm trung bình CLCS của bệnh nhân ở nhóm di căn cao hơn nhóm không di căn, có lẽ do 41 bệnh nhân di căn hạch trong nghiên cứu đều được trị bằng phác đồ có taxane. Phác đồ có taxane đã được nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả cao hơn hẳn trong điều trị bổ trợ. Mặt khác việc dung nạp tốt với hóa chất điều trị còn phụ thuộc thể trạng, sức khỏe và tinh thần người bệnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả sớm hóa trị bổ trợ bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 73 - 74)