5. Kết cấu của luận văn
4.2.1. Tăng trưởng nguồn vốn nhằm mở rộng cho vay người nghèo
Một ngân hàng lớn mạnh và bền vững bao gồm nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên và có tính quyết định bao giờ cũng là sự phát triển và mở rộng nguồn vốn, vì thế tạo điều kiện trong việc tập trung, huy động nguồn vốn cho ngân hàng này có ý nghĩa thiết thực đến sự tồn tại và phát triển của nó.
Để ngân hàng có thể phát triển bền vững thì cần phải có một nguồn vốn tương đối lớn. Muốn vậy phải tập trung mọi nguồn tài trợ gắn với xoá đói giảm nghèo mà lâu nay đang được các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể quần chúng quản lý về một đầu mối là NHCSXH quản lý và cho vay. Không thể tồn tại mãi tình trạng nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho nông nghiệp nông thôn, cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo mà người nghèo lại thiếu vốn sản xuất. Cho nên phải chú trọng việc huy động vốn, bảo toàn và không ngừng phát triển nguồn vốn vì NHCSXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thứ nhất, tăng cường nguồn vốn từ kênh NSNN tỉnh và các địa phương cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo vào Ngân hàng Chính sách xã hội.
Để từng bước thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, UBND tỉnh cần phải dành một tỷ lệ nhất định trong các khoản chi ngân sách hàng năm để lập các quỹ tài trợ cho chương trình quốc gia như: Quỹ giải quyết việc làm, quỹ bảo trợ nông nghiệp, quỹ xoá đói giảm nghèo… Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ vốn cho người nghèo với hình thức cấp phát của ngân sách sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tâm lý mong chờ ỷ lại đối với người nghèo và số vốn sẽ không được sử dụng vào mục đích sản xuất mà chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Để vốn tài trợ của Nhà nước sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả cần phải thực hiện thông qua kênh tín dụng. Vì vậy, UBND tỉnh nên có kế hoạch, phương án chuyển số vốn tài trợ hàng năm về phát triển nông thôn theo các chương trình dự án xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… qua hệ thống NHCSXH để quản lý và cho vay với một mức lãi suất thống nhất thì mới phát huy tốt hiệu quả các chương trình.
Thứ hai, huy động vốn từ các NHTM Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới như Thái lan, Malayxia… đều quy định bắt buộc các NHTM Nhà nước trên địa bàn phải đóng góp một tỷ lệ vốn nhất định cho các ngân hàng chính sách để cho vay phục vụ các mục tiêu xã hội, hoặc trực tiếp thực hiện các chương trình tín dụng chỉ định của Chính phủ mang tính chính sách. Trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn hẹp thì việc đóng góp vốn của các NHTM Nhà nước trên địa bàn lại càng cần thiết và hoàn toàn có khả năng thực hiện. NHCSXH tỉnh Bắc Ninh có thể vay vốn của các NHMT lại với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường để Ngân hàng hoà đồng với các nguồn vốn rẻ cho vay theo lãi suất quy định.
Ngoài nguồn vốn đóng góp bắt buộc của các NHTM, Ngân hàng có thể huy động nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức kinh tế, tín dụng và cá nhân trong và ngoài nước. Nguồn vốn này được hình thành từ việc trích một phần vốn kinh doanh, nguồn vốn nhàn rỗi của các tổ chức cá nhân để tài trợ các chương trình nhân đạo, hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo.
Thứ ba, huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư và trong cộng đồng người nghèo. Nguồn vốn tăng trưởng thông qua huy động từ nhiều kênh không thể đáp ứng được nếu như Ngân hàng không thực hiện huy động được tiền gửi tiết kiệm của dân. Để có thể huy động được nguồn vồn nhàn rỗi trong dân cư Ngân hàng cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
- Đa dạng hoá các hình thức huy động là một cách thức để các Ngân hàng nâng cao hiêu quả huy động vốn vì chỉ có đa dạng hoá thì Ngân hàng mới tận dụng được hết thế mạnh của các thành phần kinh tế như: Thu hút tiền gửi tiết kiệm, phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi… mỗi hình thức có những thế mạnh và hạn chế riêng đòi hỏi Ngân hàng phải cân nhắc xác định cho mình một hình thức huy động phù hợp với điều kiện hiện tại. Đối với NHCSXH tỉnh Bắc Ninh chưa có nghiệp vụ phát hành trái phiếu kỳ phiếu, Ngân hàng nên mở rộng hoạt động này trong tương lai.
- Lãi suất huy động là giá cả của những khoản vốn mà Ngân hàng huy động cho nên nếu Ngân hàng đưa ra một lãi suất cao hơn đối thủ cạnh thì sẽ huy động được nhiều vốn hơn. Nhưng ngược lại lãi suất huy động cũng là chi phí của Ngân hàng, nếu Ngân hàng nâng lãi suất huy động nên quá cao mà không cân nhắc cho phù hợp với lãi suất cho vay thì Nhà nước sẽ bị thâm hụt ngân sách. Điều quan trọng đối với Ngân hàng là phải làm sao xác định một lãi suất huy động đủ chiến thắng đối thủ cạnh tranh và cũng phải phù hợp với lãi suất cho vay nhằm đảm bảo cho Ngân hàng hoạt động có hiệu quả.
- Một nét đặc trưng của NHCSXH là huy động tiền gửi tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, đây là một biện pháp hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy hầu hết các chương trình tín dụng cấp cho người nghèo đạt kết quả không phải do việc giảm lãi suất, mà do tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người nghèo, do kiểm soát khắt khe việc sử dụng vốn, gắn với việc huy động tiết kiệm bắt buộc thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo ý thức tiết kiệm trong toàn dân. Do Ngân hàng mới triển khai
nghiệp vụ huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn nên còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể phát triển nghiệp vụ này, Ngân hàng cần có những cơ chế chính sách, các biện pháp cụ thể đến các cấp,Tổ TK&VV.
Thứ tư, cần phát động phong trào thi đua đến các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, Tổ TK&VV để động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân tích cực tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trên; đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân thực hiện sai quy định chủ trương, quản lý yếu kém để xảy ra hiện tượng tiêu cực làm thất thoát vốn của Nhà nước.