5. Kết cấu của luận văn
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Quảng Ninh là tỉnh nằm ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, nằm chếch theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, có tổng diện tích tự nhiên là: 6.102,35 Km2. Phía Tây tựa vào núi rừng trùng điệp. Phía Đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông và bãi triều, bên ngoài là hơn hai nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 1.030 đảo có tên, còn lại hơn một nghìn hòn đảo chưa có tên. Hiện nay, Quảng Ninh có 4 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 8 huyện.
Hình 3.1. Bản đồ địa lý tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh miền núi có biên giới quốc gia và hải phận giáp giới nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trên đất liền, phía Bắc của tỉnh giáp với Trung Quốc và tỉnh Lạng Sơn; phía Đông và Đông Nam là vịnh Bắc Bộ; phía Tây và Tây Bắc giáp với Lạng Sơn và Bắc Giang; phía Nam giáp tỉnh Hải Phòng và Hải Dương.
3.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Quảng Ninh là tỉnh miền núi - duyên hải. Hơn 80% đất đai là đồi núi. Vùng núi chia làm hai miền: Vùng núi miền Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái. Đây là vùng nối tiếp của vùng núi Thập Vạn Đại Sơn từ Trung Quốc, hướng chủ đạo là đông bắc - tây nam. Có hai dãy núi chính: dãy Quảng Nam Châu (1.507 m) và Cao Xiêm (1.330 m) chiếm phần lớn diện tích tự nhiên các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, dãy Ngàn Chi (1.166 m) ở phía bắc huyện Tiên Yên. Vùng núi miền tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ, phía bắc thị xã Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc huyện Đông Triều. Vùng núi này là những dãy nối tiếp hơi uốn cong nên thường được gọi là cánh cung núi Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1.068 m) trên đất Uông Bí và đỉnh Am Váp (1.094 m) trên đất Hoành Bồ.
Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm những dải đồi thấp bị phong hoá và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Đó là vùng Đông Triều, Uông Bí, bắc Quảng Yên, nam Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và một phần Móng Cái. Ở các cửa sông, các vùng bồi lắng phù sa tạo nên những cánh đồng và bãi triều thấp. Đó là vùng nam Uông Bí, nam Yên Hưng (đảo Hà Nam), đông Yên Hưng, Đồng Rui (Tiên Yên), nam Đầm Hà, đông nam Hải Hà, nam Móng Cái. Tuy có diện tích hẹp và bị chia cắt nhưng vùng trung du và đồng bằng ven biển thuận tiện cho nông nghiệp và giao thông nên đang là những vùng dân cư trù phú của tỉnh.
Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo. Hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2078/ 2779), đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp. Có những đảo rất lớn như đảo Cái Bầu, Bản Sen, lại có đảo chỉ như một hòn non bộ.
Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thuỷ tinh (Vân Hải), có nơi thành bãi tắm tuyệt vời (như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng...).
Địa hình đáy biển Quảng Ninh, không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m. Có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng. Các dòng chảy hiện nay nối với các lạch sâu đáy biển còn tạo nên hàng loạt luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển khúc khuỷu kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn, tạo nên một tiềm năng cảng biển và giao thông đường thuỷ rất lớn.
3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu
Quảng Ninh có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu biển, ở đây có 2 mùa rõ rệt:
- Mùa mưa: ẩm và nóng từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 92% tổng lượng mưa cả năm, chịu ảnh hưởng lớn của gió mùa Tây nam nóng và ẩm. - Mùa khô hanh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc lạnh và khô hanh.
Nhìn chung, khí hậu của Quảng Ninh thuận lợi cho sản xuất đa dạng các loại cây trồng nông - lâm nghiệp song hạn chế chính của khí hậu là: lượng mưa lớn lại tập trung theo mùa gây xói mòn và rửa trôi lớn ở những vùng núi cao dốc, các lưu vực sông suối do đó cần tạo ra những vùng phòng hộ đầu nguồn để giữ đất, giữ nước và phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.
3.1.1.4. Tài nguyên đất
Về thổ nhưỡng, tỉnh Quảng Ninh có 5 nhóm đất chính như sau:
- Nhóm đất Feralit mùn vàng nhạt trên núi trung bình (FH)
- Nhóm đất Feralit mùn vàng đỏ trên núi thấp (F) - Nhóm đất Feralit đỏ vàng điển hình vùng đồi (F) - Nhóm đất phù sa thung lũng và đồng bằng ven biển - Nhóm đất đá vôi
Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào với 610.233,5 ha, trong đó 461.281,68 ha đất nông nghiệp đang sử dụng, 390.330,59 ha đất lâm nghiệp với nhiều diện tích đất có thể trồng cỏ phù hợp cho chăn nuôi, khoảng gần 20.000 ha có thể trồng nhiều loại cây ăn quả.
3.1.1.5. Tài nguyên rừng
Quảng Ninh có diện tích đất rừng là 390.330,6 ha. Rừng và đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên của tỉnh do đó rừng có vai trò quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Rừng trải dài theo bờ biển và phủ kín các đảo. 158/184 xã, phường có rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 80%. Còn lại là rừng trồng, rừng đặc sản khoảng 100 ngàn ha, đất chưa thành rừng khoảng 230 ngàn ha, là điều kiện để phát triển thành các vùng gỗ công nghiệp, vùng cây đặc sản, cây ăn quả có quy mô lớn.
Tổng diện tích rừng đặc dụng của Quảng Ninh là 25.258,96 ha; chiếm 4,14% tổng diện tích đất lâm nghiệp, gồm 7 khu thuộc các loại hình Vườn quốc gia: Khu bảo tồn thiên nhiên; rừng văn hóa lịch sử; rừng nghiên cứu khoa học và thực nghiệm. Với chức năng chính là bảo tồn và phát huy các giá trị về đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử…
Quảng Ninh có khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn Kỳ Thượng và vườn quốc gia Bái Tử Long. Đây là những nơi có nhiều loài động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Tỉnh Quảng Ninh còn có 3 khu rừng văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan gồm: Rừng di tích văn hóa lịch sử Yên Tử, rừng văn hóa lịch sử Yên Lập và rừng văn hóa cảnh quan môi trường thành phố Hạ Long.
3.1.1.6. Tài nguyên biển
Quảng Ninh có thế mạnh và tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển, có chiều dài đường ven biển lớn nhất 250 km với 2.077 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước, trong đó trên 1.000 đảo đã có tên; có ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2, là nơi sinh sống của vô vàn các loài sinh vật biển quý hiếm. Hầu hết các bãi cá chính có sản lượng cao, ổn định, đều phân bố gần bờ và quanh các đảo, rất thuận tiện cho việc khai thác. Ven biển Quảng Ninh có nhiều khu vực nước sâu, kín gió là lợi thế đặc biệt quan trọng
thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thuỷ nội địa, nhất là ở thành phố Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái và huyện Hải Hà đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng.
3.1.1.7. Tài nguyên khoáng sản
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không có được như: than, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi…được tập trung ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Một số mỏ khoáng sản như Than đá: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều; Các mỏ đá vôi: Hoành Bồ, Cẩm Phả; Các mỏ cao lanh: Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, thành phố Móng Cái… Các mỏ nước khoáng: Cẩm Phả, Tiên Yên).
3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
3.1.2.1. Tình hình dân số và lao động tỉnh Quảng Ninh
Theo số liệu thống kê năm 2015, dân số Quảng Ninh hiện có 1.224.600 người, trong đó dân số nam đạt 612,2 nghìn người, dân số trung bình nữ đạt 590,7 nghìn người (dân số nam vẫn chiếm cơ cấu cao 51%).
Quảng Ninh thuộc diện tỉnh có số dân trung bình trong cả nước. Kết cấu dân số ở Quảng Ninh có mấy nét đáng chú ý. Trước hết là "dân số trẻ", tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 37,6%. Người già trên 60 tuổi (với nam) và trên 55 tuổi (với nữ) là 7,1%. Các huyện miền núi tỉ lệ trẻ em dưới tuổi lao động còn lên tới 45%. Nét đáng chú ý thứ hai là ở Quảng Ninh, nam giới đông hơn nữ giới (nam chiếm 51 %, nữ chiếm 49%). Ngược với tỷ lệ toàn quốc. Ở các địa phương có ngành công nghiệp mỏ, tỷ lệ này còn cao hơn, ví dụ: Cẩm Phả, nam 53,2%, nữ 46,8%.
Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của Quảng Ninh đứng thứ 3 trên toàn quốc (sau thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng), dân số thành
thị là 575.939 người (chiếm tỷ lệ 50,3%); Dân số ở khu vực nông thôn là 568.442 người.
Mật độ dân số của Quảng Ninh hiện là 199 người/km2, nhưng phân bố không đều. Vùng đô thị và các huyện miền tây rất đông dân, thành phố Hạ Long 739 người/km2, Thị xã Quảng Yên 415 người/km2, huyện Ðông Triều 390 người/km2. Trong khi đó, huyện Ba Chẽ 30 người/km2, Cô Tô 110 người/km2, Vân Ðồn 74 người/km2.
Lao động đang làm việc năm 2017 đạt 734 nghìn người tăng 0,6% so với 2016. Kinh tế Quảng Ninh năm 2017 có sự phục hồi đáng kể, một số ngành kinh tế đã có mức tăng trưởng trở lại, nhiều chỉ tiêu vượt KH và tăng so với 2016, thu nhập của người lao động được cải thiện, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Năm 2017 giải quyết việc làm cho trên 2,7 vạn lao động.
3.1.2.2. Tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao so với toàn quốc và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh tiếp tục trên 2 con số, ước đạt 10,2%.
Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực sang khu vực dịch vụ. Trong quý I tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt 8,3%, quý II tăng 10,7%, quý III tăng 9,9%, quý IV tăng 11,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,2%, đạt kế hoạch đề ra và tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 3,4%; Công nghiệp - xây dựng tăng 7,5%; Dịch vụ tăng 14,5%, thuế sản phẩm tăng 14,8%.
Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 122.576 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.500 USD/người/năm, tăng 11% cùng kỳ; năng suất lao động bình quân đạt 172,6 triệu đồng/người/năm, tăng 11,8% cùng kỳ.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong những năm gần đây và năm 2017 cho thấy sự tăng trưởng ổn định, mang tính bền vững. Với việc sớm nhận diện và định vị trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ mục tiêu phát triển và xây dựng các chiến lược phát triển; xác định và tổ chức thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng bền vững, các tuyến đường cao tốc đang được đẩy nhanh hoàn thiện, như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Móng Cái kết nối với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, ASEAN. Cảng hàng không Quảng Ninh, Cảng tàu biển khách quốc tế Hạ Long phấn đấu hoàn thành trong quý I/2018, đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống.
Quảng Ninh đã thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch với hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao; đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao ngang tầm quốc tế của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, như: Vingroup, Sun Group, FLC, BIM, Tuần Châu... làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành Du lịch Quảng Ninh, tạo được cú hích lớn trong tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ nguồn lực sẵn có, Quảng Ninh đã tận dụng và phát huy mạnh mẽ để đạt được các thành tựu mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Quảng Ninh đứng đầu trong cả nước.
3.2. Thực trạng hoạt động của chuỗi cung ứng sản phẩm Chả mực Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
3.2.1. Tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh sản phẩm Chả mực Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Chả mực thuộc ngành hàng thực phẩm chín, được sản xuất tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Nha Trang, Quảng Ninh... Ngay tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều địa phương cũng chế biến sản phẩm này như Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên và Hạ Long... Tuy nhiên, chả mực của thành phố Hạ Long có danh tiếng nổi trội bởi chất lượng đặc thù: ngon, giòn và dai, hương vị đặc trưng... mà các sản phẩm cùng loại không có được. Hiện nay, chả mực Hạ Long đang được tiêu thụ tại nhiều thị trường cao cấp các thành phố lớn trong nước: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Nam Định và Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Chả mực “Hạ Long” có hương vị đặc thù riêng so với các sản phẩm cùng loại, có uy tín đối với nhiều người tiêu dùng sành ẩm thực trong nước và du khách quốc tế.
Nguyên liệu chế biến chả là mực nang tươi được khai thác từ vịnh Bắc Bộ cũng có chất lượng khác biệt so với các vùng biển khác.
Chất lượng chả mực giòn và dai... còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người sản xuất tại thành phố Hạ Long (giã thủ công, bí quyết pha trộn nguyên phụ liệu...)
Chả mực Hạ Long gắn liền với địa danh nổi tiếng, nơi có vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận “Di sản thiên nhiên thế giới” và TP Hạ Long - trung tâm du lịch của Việt Nam và điểm đến của quốc tế...
Chả mực Hạ Long có hương vị riêng đặc biệt, không nơi nào có được. Chả mực Hạ Long có hình tròn, màu vàng ruộm, đều và đẹp, độ dày từ 0,9- 1,16cm, đường kính từ 5,1-5,6cm. Ai đã từng ăn chả mực Hạ Long thì không thể quên được mùi thơm đặc trưng, vị mặn đậm, ngọt tự nhiên, giòn, dai, chắc và bùi của sản phẩm này. Đây cũng là sản phẩm chứa nhiều chất bổ dưỡng như: chất khô (32,08-36,08%); Proteine (15,83-17,63%); Canxi (0,07-0,14%); Lipit (5,44-11,38%); Photpho (0,25-0,46%); muối (0,65-0,85%); Vitamin A
(0,14-1,606µ/100g). Sản phẩm cũng đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm như không chứa chất thủy ngân, chì, formol; vi khuẩn tổng số và NH3 đều trong ngưỡng cho phép.
Sản phẩm Chả mực Hạ Long đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận