Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn huyện yên định, tỉnh thanh hóa​ (Trang 47 - 54)

3. Ý nghĩa của đề tài

3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; hiện trạng quản lý, sử dụng đất

3.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên a. Vị trí địa lý

Yên Định là huyện đồng bằng của tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 28 km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 45, có toạ độ địa lý từ 19056' - 20005' vĩ độ Bắc và 105029' - 105046' kinh độ Đông. Có ranh giới tiếp giáp như sau: (Huyện Yên Định, 2010)

- Phía Bắc - Đông Bắc giáp huyện Vĩnh Lộc qua sông Mã; - Phía Nam giáp huyện Thiệu Hoá;

- Phía Tây - Tây Nam giáp huyện Thọ Xuân qua sông Cầu Chày; - Phía Tây - Tây Bắc giáp huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy;

- Phí Đông giáp với các huyện: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp

b. Địa hình, địa mạo

Là huyện đồng bằng được cấu tạo bởi lớp phù sa cổ của sông Mã và sông Cầu Chày trải ra trên một bề rộng hơi nghiêng về phía Đông Nam, còn dìa Tây Bắc là các dải đất cao từ 2,8m đến 15m. Những đồi núi sót lại có độ cao trung bình 200m-300m, hợp nên từ các đá phun trào, đá vôi, cát kết và đá phiến, đây là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung có diện tích tương đối lớn. Đồng thời thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. (Huyện Yên Định, 2010)

c. Khí hậu, thời tiết

Yên Định là huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa với hai mùa chính; Mùa hè nắng lắm, mưa nhiều và có gió tây khô nóng, mùa đông hanh, lạnh, hay có sương giá, sương muối; nhiệt độ bình quân trong năm khoảng 23,30C, lượng mưa trung bình khoảng trên 1.500 mm, mưa bão, lũ lụt thường xảy ra vào tháng 8 đến tháng 10 trong năm. Nhìn chung điều kiện thời tiết, khó hậu Yên Định tuy có những khắc nghiệt, nhưng cơ bản vẫn rất thuận lợi cho việc canh tác nông - lâm nghiệp.

d. Thuỷ văn

Yên Định là vùng đất giữa hai sông (sông Mã và sông Cầu Chày), ngoài ra còn có sông Hép, sông Mạn Định, sông Nhà Lê và hệ thống hồ, mau, đầm rất phong phú và được phân bố rộng khắp trong toàn huyện. Đây là điều kiện rất thuận lợi để cung cấp lưu lượng nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác. Tuy nhiên về mùa mưa nước thường dâng cao gây ảnh hưởng tới việc thoát nước từ đồng ruộng, dễ gây ngập úng cục bộ, thiệt hại mùa màng. (Huyện Yên Định, 2010)

e. Các nguồn tài nguyên

* Tài nguyên đất

Căn cứ về việc phê duyệt kết quả thực hiện dự án điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện bản đồ đất phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hoá, tỷ lệ 1/50.000. Diện tích điều tra 19.033,58 ha, được phân chia thành các loại đất sau: Đất glây sâu Pcg2 (Endogleyi Dystric Fluvisols - Ký hiệu FLd- g2). Đất glây nông Pcg1 (Epigleyi Dystric Fluvisols - Ký hiệu FLd- g1). Đất phù sa có tầng đốm gỉ trung tính ít chua Pr. Đất đỏ F (Feralsols - ký hiệu FR) và đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá E (Leptosols -Ký hiệu LP).

* Tài nguyên nước

Tài nguyên nước, kể cả nước mặt và nước ngầm của huyện Yên Định khá dồi dào, phong phú. Đặc biệt là nguồn nước mặt. Chất lượng nước chưa

bị ô nhiễm.

* Tài nguyên rừng

Yên Định không có rừng tự nhiên. Toàn huyện hiện có 732,42 ha đất rừng trồng sản xuất với các loại cây chủ yếu là keo lá tràm, lát, muồng... Nguồn tài nguyên rừng không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, điều hoà môi trường và phát triển chăn nuôi kết hợp vườn rừng cây ăn quả, cây lâu năm. (UBND huyện Yên Định, 2018b)

* Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản của Yên Định gồm 4 loại chính: cát, sỏi, đá và đất là một trong những thuận lợi trong việc đầu tư khai thác, nâng cao đời sống nhân dân. Các mỏ cát, sỏi chủ yếu nằm tập trung ở các xã dọc sông Mã như xã Quý Lộc, Yên Thọ, Yên Phong, Định Hải, Định Tiến.. Các mỏ đá nằm chủ yếu tập trung ở xã Yên Lâm và chủ yếu rải rác ở các xã Quý Lộc, Yên Trung, Định Tăng, Định Tiến, Định Thành. Tài nguyên đất sét dùng làm gạch tuynel có ở các xã như Định Tiến, Định Tân, Định Công, Định Liên, Yên Tâm, Yên Ninh…

* Tài nguyên nhân văn - du lịch

Yên Định là mảnh đất nhiều truyền thống lịch sử. Người dân nơi đây với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu lòng nhân ái đã không ngừng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn. Yên Định là nơi sinh ra và phát tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống giặc Ngô; là nơi có thần núi Đồng Cổ linh thiêng; là quê hương của Khương Công Phụ - đỗ tiến sĩ vào thế kỷ thứ 8, Bãng nhãn Hà Tông Huân từng làm Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám, Đại vương Lê Đình Kiên - người có công lao to lớn trong việc xây dựng Phố Hiến và có bà Ngô Thị Ngọc Dao - Người phụ nữ tiêu biểu, là "Mẫu nghi thiên hạ" - người sinh ra vua Lê Thánh Tông, một vị vua hiền tài có công to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước thế kỷ XV,vv... Đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. (Huyện Yên Định, 2010)

3.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

a. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế của huyện Yên Định đó có mức tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đáng kể và tương đối đồng bộ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều có bước phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tích, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được tăng cường vững chắc, trật tự xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Kết quả đạt được tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong giai đoạn 2015-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 17,18%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 37,32 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. (Huyện ủy Yên Định, 2018)

b. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

+ Về sản xuất Nông nghiệp

Những chương trình đột phá, đi đầu như: duy trì và mở rộng sản xuất giống lúa lai F1, ngô lai F1; phát triển mô hình kinh tế trang trại; tổ chức tốt phong trào làm đường giao thông và kênh mương nội đồng; sớm hoàn thành chương trình xây dựng vùng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới và cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất.

Trình độ thâm canh cây trồng của nông dân được nâng lên. Diện tích cây công nghiệp, cây thực phẩm được mở rộng và sản xuất đạt hiệu quả cao như: mía (1.000 ha), đậu tương (800 ha), ớt (1.500 ha)… Diện tích vụ Đông đạt trên 5.000 ha. Hệ số sử dụng đất hàng năm bình quân đạt 2,5 lần. Giá trị sản xuất 1 ha canh tác tăng từ 121,3 triệu đồng (năm 2015) lên 140,37 triệu đồng (năm 2018). Chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả được tổ chức thực hiện tốt. Đến vụ xuân 2018, đã hoàn thành mục tiêu xây dựng 8.000 ha và về trước thời gian 1,5 năm so với kế hoạch

tỉnh giao. (Huyện ủy Yên Định, 2018)

Toàn huyện có 878 trang trại, gia trại, trong đó có 117 trang trại đạt tiêu chí, chăn nuôi gia cầm có quy mô sản xuất lớn, tốc độ chu chuyển đàn nhanh, phát huy tốt hiệu quả, cùng với phát triển chăn nuôi hộ gia đình đó đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân hằng năm tăng 18,65%. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 978 ha (năm 2015) lên 1.039 ha (năm 2018).

Nông dân đó đưa cơ giới vào khâu làm đất đạt 97%, vận chuyển đạt 95%, thu hoạch lúa 70%, cấy mạ khay 30%..., góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo cho sản xuất và thu hoạch kịp thời vụ. (Huyện ủy Yên Định, 2018)

Tiếp tục triển khai mở rộng các vùng sản xuất lúa giống, ngô giống; mở rộng vùng sản xuất cây trồng năng xuất, chất lượng; triển khai và nhân rộng các vùng cây ăn qua, vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng kỹ thuật nhà màng, nhà lưới hệ thống tưới thông minh Israel, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, sử dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất.

+ Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp khuyến khích phát triển CN- TTCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch... để kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Giai đoạn 2015-2018 huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện các dự án như: Bò sữa Thống nhất quy mô 16 ngàn con tổng số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng, Nhà máy năng lượng mặt trời tại xã Yên Thái 800 tỷ đồng, nhà máy giầy ALENA quy mô 15.000 lao động và nhiều nhà máy may mặc, khai thác chế biến đá, sản xuất gạch, vật liệu xây dựng khác. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn (2016- 2018) tăng 24,49% /năm. (Huyện ủy Yên Định, 2018)

Tổng vốn đầu tư XDCB giai đoạn 2015 - 2018 đạt 5.008 tỷ đồng, gần bằng cả giai đoạn 2010-2015. Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt từng bước được đầu tư nâng cấp. Mạng lưới giao thông nông thôn phát triển, ngày càng hoàn thiện; đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 98%. (Huyện ủy Yên Định, 2018)

+ Về hoạt động của ngành tài chính, thương mại, dịch vụ

Ngành tài chính đã có nhiều giải pháp hiệu quả để tăng thu ngân sách và huy động vốn cho đầu tư phát triển. Thu ngân sách hàng năm đều vượt kế hoạch 20% so với dự toán tỉnh giao. Chi ngân sách đảm bảo đúng luật, tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Hoạt động tín dụng, ngân hàng, kho bạc đã có những bước tiến bộ rõ rệt, đảm bảo đủ vốn và phục vụ tốt hơn nhu cầu vay vốn của nhân dân.

Hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển rộng rãi, hàng hóa thị trường phong phú, đa dạng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 2.740,8 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 41,31 triệu USD. Các mặt hàng chủ yếu tham gia xuất khẩu là: Đá xẻ, may mặc, nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ… (UBND huyện Yên Định, 2018)

c. Về văn hóa - xã hội

+ Lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục, thể thao

Đến nay, trong 29/29 xã, thị trấn đã khai trương xây dựng đơn vị văn hóa và được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 149/149 thôn, khu phố (100%) được công nhận là đạt chuẩn văn hóa; 85% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tốt hơn. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm chú trọng; 7 di tích lịch sử văn hóa được tu bổ bằng nguồn vốn xã hội hóa; hoạt động sáng tác ca khúc và Hội diễn văn nghệ

quần chúng được tổ chức thường xuyên hơn, mang lại hiệu quả thiết thực; các lễ hội truyền thống, trò diễn dân gian được khôi phục…, đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

+ Giáo dục - Đào tạo

Công tác xã hội hóa giáo dục phát triển sâu rộng, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học. 76/90 trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn thuộc tốp đầu của tỉnh. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt kết quả tốt. 29/29 trung tâm học tập cộng đồng hoạt động đạt hiệu quả thiết thực.

+ Về công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, toàn huyện có 02 bệnh viện Đa khoa, cơ bản đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đến cuối năm 2018, 29/29 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 82,8%. (UBND huyện Yên Định, 2018)

+Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư

Trong quá trình đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, huyện Yên Định đã từng bước đẩy mạnh quá trình đô thị hoá. Quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng nhiều công trình hạ tầng văn hoá xã hội: công viên, quảng trường, các trường học, bệnh viện, trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp… đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và tạo thêm điểm nhấn cảnh quan đô thị.

Hiện nay trên địa bàn huyện có hai thị trấn gồm: Thị trấn Quán Lào và thị trấn Thống Nhất và 05 đô thị loại V gồm: Định Tân, Kiểu, Quý Lộc, Yên Lâm và Thị trấn Quán Lào và khu vực dự kiến mở rông, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,5%. (UBND huyện Yên Định, 2018)

Mạng lưới các khu dân cư nông thôn được phân bố tương đối đều trên toàn diện tích tự nhiên. Trên địa bàn mỗi xã bình quân thường 5 - 7 điểm dân cư. Do được hình thành từ lâu đời nên mang đậm tính chất làng xóm của nông thôn Việt Nam. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong các khu dân cư nông thôn phát triển chưa đồng bộ, chưa theo quy hoạch, hệ thống tiêu thoát nước chưa đảm bảo, hệ thống giao thông nông thôn chất lượng còn rất kém, các công trình phúc lợi công cộng như nhà văn hoá, nhà trẻ, sân chơi còn thiếu. Như vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, về sự gia tăng dân số thì nhu cầu san tách hộ và nhu cầu đất ở cũng như đất xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng sẽ tăng theo.

Việc bảo vệ môi trường ở các khu vực nông thôn có nhiều hạn chế, chất thải (đặc biệt là chất thải gia súc, gia cầm), rác thải sinh hoạt tuy đã được thu gom, nhưng mới dừng ở xử lý thô (chôn lấp, đốt) chưa có biện pháp xử lý khoa học nên còn gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường đất,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn huyện yên định, tỉnh thanh hóa​ (Trang 47 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)