Khao khát phò đời giúp nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ nôm đường luật của nguyễn khuyến (Trang 58 - 61)

8. Đóng góp của đề tài

2.2.1. Khao khát phò đời giúp nước

Thời xưa các đấng nam nhi thường có đích phấn đấu làm quan. Nguyễn Công Trứ đã từng viết “Vũ trụ giai ngô phận sự” - lời tuyên ngôn của đấng nam nhi, đấng làm trai, mọi việc trong vũ trụ chẳng có việc nào không là phận sự của ta. Nhà Nho với tinh thần, trách nhiệm của mình, họ bước vào con đường “lập thân, cứu thế” mà Nho giáo cho là “chính đạo”, đó là con đường học - thi đỗ - ra làm quan. Làm quan chính là đích phấn đấu của nam nhi thời trung đại. Nho giáo quan niệm rằng nhà Nho bước vào chốn quan trường để giúp vua giáo hóa dân chúng, ban ân huệ cho dân bằng chính đạo đức, nhân cách của mình. Đó là con đường “Đức trị”, phò vua trị quốc, trị quốc cứu đời, trị đời để cứu dân. Chính vì thế mà con đường trước tiên, con đường chính thống mà nhà Nho muốn lựa chọn bao giờ cũng là con đường “nhập thế”.

Nho giáo với nội dung cơ bản thể hiện tập trung trong ba học thuyết: thuyết “Đạo đức”, thuyết “Lễ trị” và thuyết “Chính danh”. Trong đó thì lí tưởng của học thuyết là chủ trương thiết lập lại trật tự xã hội một cách ổn định thông qua việc tu luyện đạo đức nhằm hoàn thiện nhân cách bản thân và cảm hóa lòng người (Tu kỉ trị nhân). Vì vậy con người phải lấy tu thân làm gốc, lấy chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa” làm trọng.

Việc hiện thực hóa lí tưởng kiến tạo xã hội trên được Nho giáo giao phó tập trung ở một số lớp người được xem là tinh hoa của thời đại. Đó chính là những nhà Nho, các bậc thánh nhân quân tử, lớp người được xem là đạt được tính mẫu mực điển hình của con đường tu thân dưỡng đức. Bởi vậy, trong nhân cách của họ, thường trực một tinh thần “tự nhiệm”, “nhập thế” trước hiện thực cuộc sống.

Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến đều theo đuổi con đường thi cử làm quan với mong muốn giúp dân, giúp nước. Thế nhưng khi ra làm quan thì họ lại cảm thấy buồn khi không giúp ích được gì cho đất nước, chọn con đường lui về quê.Hai tác giả đều theo đuổi lí tưởng lập chí, lập thân, lập nghiệp. Họ đều quan niệm công danh gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, lí tưởng của mình, suốt cuộc đời lo cho dân cho nước, không màng danh lợi, không tham chức tước, không vì lợi lộc cá nhân mà lộng quyền hành bóc lột nhân dân. Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến đều là những nhà thơ, thơ văn

cũng như cuộc đời luôn gắn liền với sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Cả cuộc đời mình hai ông luôn sẵn sàng đem hết tài trí để giúp dân, giúp nước chỉ mong góp sức để nhân dân được sống yên bình, no đủ: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ, khắp đòi phương”.

Quan niệm của các nhà Nho xưa là học hành đỗ đạt làm quan, đem tài năng của mình phục vụ đất nước.Là một nhà Nho cuối mùa, Nguyễn Khuyến vẫn luôn ấp ủ trong mình hoài bão đó. Theo con đường đã được vạch sẵn của các nhà Nho đi trước, Nguyễn Khuyến ra sức học để đi thi với mục đích ra làm quan giúp vua, giúp nước mang lại cuộc sống tốt cho người dân. Thi cử trở thành con đường giúp Nguyễn Khuyến thể hiện tài năng, giúp ông thực hiện lí tưởng “trí quân trạch dân".

Mười mấy năm qua ấn với thao Thân này mong được đức vua yêu.

(Cảm tác)

Nguyễn Khuyến sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Ông ý thức được con người chức năng của mình: học - thi cử - ra làm quan - phụng sự đất nước. Thi cử là con đường duy nhất để thể hiện “Nam nhi chí”, đối với nam nhi phải có công danh sự nghiệp. Nguyễn Công Trứ đã từng thốt lên hai câu thơ:

Nhập thế cục,bất khả vô công nghiệp Xuất mẫu hoài, tiên thị hữu quân thân

(Đi vào cuộc đời, không thể không có công danh sự nghiệp

Lọt lòng mẹ ra, đã có vua và cha rồi).

Cũng như Nguyễn Công Trứ trong buổi đầu bước vào đời với tiếng nói hăm hở thực hiện chí nam nhi:

Đã mang tiếng đứng trong trời đất Phải có danh gì với núi sông

(Đi thi tự vịnh)

Nguyễn Khuyến muốn làm nên một sự nghiệp lớn lao hiển hách nhưng con đường khoa cử rất gian nan. Nguyễn Khuyến đã dự tất cả chín khoa thi. Năm 1852, ông lấy vợ và đi thi hương lần thứ nhất cùng với cha song không đỗ, sau đó cha của ông mất do dịch bệnh thương hàn. Nhà nghèo, ông phải bỏ học đi dạy thuê kiếm ăn

nuôi mẹ. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của ông nghè Vũ Văn Lý ông lại tiếp tục đi học tiếp. Tuy nhiên, ba khoa thi hương tiếp theo 1855, 1858, 1861 ông đều bị trượt. Tức cảnh vào độ ấy, ông đã viết ra những câu thơ:

Bốn khoa hương thí không đâu cả Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi. Mang tiếng văn chương lừng vũ trụ, Nghĩ tôi, tôi gớm cái mình tôi.

(Giễu mình chưa đỗ)

Có lúc, ông khóa Thắng đã nản con đường khoa cử, định chuyển hẳn sang nghề dạy học để kiếm sống và nuôi gia đình thì ông được người bạn Vũ Văn Báo nhận chu cấp lương ăn và khuyên đến cùng học với cha mình là tiến sĩ Vũ Văn Lý ở xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xang (tức huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay). Do vậy, đến năm 1864, ông đỗ cử nhân đầu trường Hà Nội. Tiếp đó, ông giải thắng thi hội các khoa 1865, 1868 đều bị trượt. Ông ở lại Huế, vào học Quốc Tử Giám, khoa thi 1869 lại bị trượt. Chính vì vậy, có lúc ông đã cảm thấy hổ thẹn với bản thân mình.

Mặc dù không đỗ ở bốn khoa thi hương đầu đời nhưng Nguyễn Khuyến vẫn kiên trì sôi kinh, nấu sử, vẫn cứ đeo đẳng hết khoa thi này đến khoa thi khác. Và rồi, sau nhiều năm miệt mài đèn sách đến tận khoa năm 1871, khi đã 37 tuổi, ông mới liên tiếp đỗ đầu thi hội, thi đình. Như vậy, có ba lần thi hương, thi hội, thi đình ông đều đỗ đầu nên ông được gọi là “Tam Nguyên Yên Đổ” và vua Tự Đức ban cờ biển cho ông cũng viết hai chữ “Tam Nguyên”. Chính bởi vậy, Nguyễn Khuyến mang một cái ơn lớn đối với vua nhà Nguyễn, nhất là Tự Đức. Ông đã được vua khen thưởng và trọng dụng:

Ơn vua chưa chút báo đền

Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.

(Di chúc)

Có thể thấy, Nguyễn Khuyến đã vượt lên trên những khó khăn với ý chí, nghị lực quyết tâm cao.

Xông mây rẽ sóng động vừng trăng.

(Cá chép vượt đăng) Tài năng cùng ý chí quyết tâm đã giúp Nguyễn Khuyến trở thành một vị Tam Nguyên lừng lẫy. Ông đã hết lòng vì nước vì dân, dồn hết tâm huyết vào thi cử để ra làm quan phục vụ triều đình.

Trong Quốc âm thi tập, ta cũng thấy có những mong ước luôn thường trực trong lòng thi sĩ Ức Trai. Đó không phải là niềm mong ước cho bản thân ông mà là mong ước dành cho đất nước, cho nhân dân.

Sách một hai phiên làm bậu bạn, Rượu năm ba chén đổi công danh. Ngoài chưng phận ấy cầu đâu nữa, Cầu một ngồi coi đời thái bình.

(Tự thán - Bài số 10) Nguyễn Trãi là một con người có lí tưởng cao cả. Suốt cuộc đời của mình, ông luôn hành động và chiến đấu cho lí tưởng vì nước, vì dân. Nhà thơ nguyện đem hết tài năng, trí tuệ và phẩm chất của mình chiến đấu với cường quyền, bạo ngược để bảo vệ nhân dân.

Vườn quạnh dầu chim kêu hót, Cõi trần có trúc dừng ngăn.

(Tự thán - Bài số 40)

Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược, Có nhân có trí có anh hùng

(Bảo kính cảnh giới - Bài số 5) Trên thực tế, tiếc là khao khát phò đời giúp nước của Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến nói riêng, của rất nhiều thi sĩ, danh nhân khác nói chung không được thỏa nguyện. Lịch sử và văn hóa Việt đã ghi lại nhiều sự kiện đau thương, những nỗi niềm oan khuất... Và, hiển hiện trên các trang viết là những cung bậc cảm xúc, những khát khao cống hiến được lưu lại hậu thế, góp phần khẳng định sức sống của thi ca trung đại trong đó có thơ Nôm Đường luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ nôm đường luật của nguyễn khuyến (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)