Nỗi buồn đau bất lực trước thời cuộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ nôm đường luật của nguyễn khuyến (Trang 61 - 67)

8. Đóng góp của đề tài

2.2.2. Nỗi buồn đau bất lực trước thời cuộc

Nguyễn Khuyến sống trong cảnh nước mất, nhà tan mà bất lực không có cách gì cứu vãn. Ông luôn canh cánh trong lòng tâm sự nhớ nước, thương nhà.Đằng sau những câu thơ của ông là cả một bầu tâm sự day dứt, khôn nguôi của một nhà thơ bất đắc chí trước hiện thực.Trong thơ ông tâm trạng này không chỉ một lần xuất hiện. Có những vần thơ ông đã viết ra bằng cả trái tim chảy máu, nhức nhối như lời nỉ non tâm sự, từng làm xao xuyến tâm hồn bao thế hệ khi nhớ đến non sông.

Luôn thường trực trong ông sự quan tâm, lo lắng cho đất nước.Tâm trạng đau xót trước cảnh mất nước và nỗi nhớ nước dù ông vẫn đang hiện hữu trên chính quê hương mình. Nguyễn Khuyến đã giãi bày tấm lòng yêu nước thiết tha, tâm trạng đầy tủi nhục, đau xót trước cảnh nước mất nhà tan, trong sự bất lực của bản thân trước thời cuộc trong rất nhiều tác phẩm thơ Nôm Đường luật của mình.

Nguyễn Khuyến gian nan, lận đận trên con đường thi cử, thế nhưng khi ông đứng trên đỉnh cao của khoa cử thì ông lại cảm thấy bản thân bất lực. Ông thấy rõ sự vô dụng của kiến thức, học vấn Nho gia trước trách nhiệm lịch sử. Có lẽ, Nguyễn Khuyến là người đầu tiên ý thức được sự trống rỗng của Nho học:

Rõ chú hoa man khéo vẽ trò, Bỡn ông mà lại dứ thằng cu

(Vịnh Tiến sĩ giấy, I)

Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe, Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi

(Vịnh Tiến sĩ giấy, II)

Trong lịch sử khoa cử nước nhà khi khoa thi Canh tý (1900), Tú Xương vẫn còn cay cú về nỗi hỏng thi “Đau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng” và chế giễu những kẻ bất tài thi đỗ, thì Nguyễn Khuyến một người đứng ở tột đỉnh vinh quang của khoa cử và đỗ do thực tài mà ông lại thấy danh vị ấy thật là vô nghĩa, thấy cái tiến sĩ đang giễu mình “bỡn ông” và như nhử lớp trẻ con “dứ thằng cu”, ông thấy mình đã lầm khi đem chí bình sinh đặt nơi khoa hoạn “nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Ông đã thấy được cái vô vị của chế độ khoa cử, sự trống rỗng của nó. Nguyễn Khuyến thấy mình là “hủ nho”(Xuân bệnh, I), “thiếu tài thực để giúp đời suy” (Cận thuật).

lịch sử, nhà nho tự thú về sự bất lực về mẫu người mình đại diện.Trước đó, chúng ta chỉ mới thấy xuất hiện nỗi buồn mênh mông chứa sự kiêu hãnh của nhà nho khi lí tưởng của họ gặp trắc trở. Thế nhưng, ở Nguyễn Khuyến chúng ta thấy nhà thơ tự trách vấn, xỉ vả, thậm chí tự mạt sát. Nguyễn Khuyến tự ý thức được sự vô dụng của kiến thức, học vấn Nho gia trước thời cuộc:

Sách vở ích gì cho buổi ấy, Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.

(Ngày xuân dặn các con)

Đứng trước kẻ thù với sức mạnh kĩ thuật vượt trội đánh thắng ta hết bước này đến bước khác, Nguyễn Khuyến đã thấy rõ tính chất vô dụng của lỗi học khoa cử, hạn chế của nền văn hóa truyền thống vốn nghiêng về “tâm học” và

đạo học”, thấy rõ sự vô dụng của loại hình nhân cách nhà Nho như mình, “vô

kế khả thi” trước tình trạng non sông đất nước chìm đắm trong khói lửa xâm lăng.

Nguyễn Khuyến là một bậc tam Nguyên, thế nhưng ông nhận thấy bản thân còn nhiều khiếm khuyết:

Cờ đương dở cuộc, không còn nước Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng Mở miệng nói ra gàn bát sách, Mềm môi chén mãi tít cung thang.

(Tự trào)

Cũng có khi nhà thơ thể hiện một cách ý nhị qua việc mượn hình ảnh nhân vật khác nhưng thực chất vẫn để nói về chính bản thân mình. Ông từng cảm thấy mặc cảm về sự vô trách nhiệm đối với đất nước. Nguyễn Khuyến đã kín đáo lên án loại người “ngây ngây dại dại”, lạnh lùng vô cảm trước nỗi đau dân tộc mà ông đã dùng cách nói ý nhị “non nước đầy vơi”:

Người đâu tên họ là gì?

Hỏi ra chích chích chi chi nực cười! Đêm ngày gìn giữ cho ai đó

Non nước đầy vơi có biết không?

(Ông phỗng đá)

Nhà thơ đã thổi hồn vào hình ảnh ông phỗng đá vô tri vô giác. Ông phỗng đá đang ngày đêm níu kéo dạo lí cương thường một thời của Nho giáo đó và đang mất

dần đi vị trí độc tôn. Nguyễn Khuyến tự nhận thấy bản thân như một người thừa trong xã hội phong kiến.

Nguyễn Khuyến cảm thấy nỗi bất lực của người mang tiếng đỗ đạt, thành danh nhưng không có đóng góp được gì cho đất nước. Ông tự trách móc bản thân:

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai Cũng gọi ông nghè có kém ai

(Vịnh tiến sĩ giấy, II) Trách ông phỗng đá, thực chất Nguyễn Khuyến trách chính bản thân mình:

Cõi hóa cùng đi lại Không chừng bác cũng ta

(An ủi ông lão đá)

Bản thân ông luôn mong muốn cho đất nước được độc lập, thái bình.Bởi vậy, khi chứng kiến nước mất chủ quyền, dân tộc sống trong vòng nô lệ, ông đã cảm thấy đau buồn. Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh cuốc kêu triền miên suốt “năm canh”,

sáu khắc”cộng hưởng với “bóng nguyệt mờ”và trong một “đêm hè vắng” để biểu lộ

nỗi đau đến rỉ máu, khiến cho nỗi buồn như tràn vào thời gian, lan rộng ra không gian làm cho nỗi buồn trở nên mênh mang. Vào một đêm hè, Nguyễn Khuyến nằm nghe tiếng cuốc kêu ai oán, ông cảm thấy rỉ máu nỗi đau mất nước:

Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ, Ấy hồn Thục đế thác bao giờ? Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ, Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ. Thâu đêm ròng rã kêu ai đó, Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

(Cuốc kêu cảm hứng)

Tác giả Chu Mạnh Trinh cũng từng đau xót trước cảnh hoang phế của một di tích lịch sử.

Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu

(Vịnh Cổ Loa)

Hay bà Huyện Thanh Quan trong bài Qua Đèo Ngang giữa cảnh chiều tà nghe cuốc kêu cũng viết.

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Nguyễn Khuyến mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức, sự trăn trở của mình. Cuốc thì tiếc xuân mà đứng gọi còn nhà thơ thì đêm đêm nằm mơ và nhớ nước, qua đó ta thấy được tấm lòng yêu nước thiết tha của ông, nhưng chất chứa đầy bi kịch, hồn nước gọi, giục giã mà bản thân ông lại bất lực, trăm chiều bối rối. Dường như tâm sự con cuốc kêu mà hiện thân là Thục Đế, Đỗ Võ đang khóc than, gào thét sự suy tàn của một thời huy hoàng rực rỡ của một triều đại xa xôi, ngày đêm mong khôi phục lại sự nghiệp cũ và được trở lại quê xưa. Ông cảm thấy bàng hoàng trong một giấc mơ.

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ,

Nguyễn Khuyến khi nghe tiếng cuốc kêu đã thấy hoàn cảnh của mình hiện tại giống của Thục Đế xưa. Sau khi chiếm được Việt Nam, Pháp đã dùng mọi cách để mua chuộc và chinh phục nhóm sĩ phu hầu dễ bề cai trị. Một số đã viện cớ cần hợp tác với chủ mới để mưu cầu hạnh phúc và đời sống ấm no cho nhân dân. Họ đã lợi dụng danh từ quốc gia để cầu phú quý như Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải, Tổng Đốc Lộc …Tuy nhiên, nhóm sĩ phu yêu nước đã kiên cường âm thầm chống Pháp dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó còn có ở một diễn biến trước cảnh đất nước dưới sự đô hộ của Pháp, Nguyễn Khuyến cũng như hầu hết các trí thức Nho học đương thời tự cảm thấy bản thân yếu đuối, bất lực, họ ngậm ngùi than thở qua thơ văn. Nguyễn Khuyến đau đớn, tủi nhục trước cảnh quốc phá gia vong. Nhà thơ đã giữ tròn tiết tháo của nhà nho chân chính, không vì danh lợi mà bán rẻ lương tâm. Tiếng cuốc kêu đêm hè chính là tâm trạng đau thương của con người bị mất nước. Vốn là một chủ đề quen thuộc nhưng đến Nguyễn Khuyến tình cảm yêu nước sâu nặng đã chuyển thành những vần thơ đầy cảm xúc. Nghe tiếng cuốc kêu mà tưởng chừng như máu chảy hồn tan.

Cũng từng xuất hiện trong tâm trạng Nguyễn Trãi nỗi buồn thấy bản thân mình vô ích. Nguyễn Trãi là một trong số không nhiều những nhân vật lịch sử đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.Vậy mà, đọc Quốc âm thi tập, chúng ta vẫn tìm thấy những vần thơ đầy khắc khoải của ông bộc lộ nỗi buồn vì sự vô ích của mình. Ông từng than thở:

Quốc phú binh cường chăng có chước. Bằng tôi nào thưở ích chưng dân.

(Trần tình - Bài số 1)

Có chẳng có tài dùng chẳng đến, Mựa rằng thánh đức có nơi khuây

(Bảo kính cảnh giới - Bài số 10) Nguyễn Trãi từng sống trong cảnh nghèo khổ của nhân dân, ông từng vào sinh ra tử với người dân trong khởi nghĩa, ông thấu hiểu nỗi vất vả của người dân lao khổ, đồng thời cũng thấy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Vì vậy, Nguyễn Trãi ý thức được trách nhiệm của mình đối với dân với nước. Cũng như đạo Khổng, Nguyễn Trãi lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân, cả cuộc đời cống hiến Nguyễn Trãi luôn tự hỏi, mình đã làm gì có lợi, có ích cho dân:

Quốc phú binh cường chăng có chước Bằng tôi nào thửa ích chưng dân

Nhưng Nguyễn Trãi cố gắng không phải vì lòng thương hại, hay sự ban ơn, chiếu cố mà vì ông trân trọng và không muốn họ mất lòng tin ở mình:

Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách Đem dân mựa nỡ mất lòng dân

Nguyễn Trãi là người không màng danh lợi nhưng ông lại là con người nặng lòng ưu ái. Cả cuộc đời mình, ông luôn nguyện đem hết tài sức, trí lực để cống hiến cho đất nước, nhân dân. Thế nhưng, nhà vua không tin dùng ông như trước. Chính điều đó đã tạo nên bi kịch và nỗi đau trong nhà thơ khi không được tham gia gánh vác công việc của non sông đất nước.

Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế, Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

(Trần tình - Bài số 4)

Bằng ta sinh uổng có làm chi.

(Tự thán - Bài số 30)

Uổng có thân nhà cực thửa nuôi,

(Tự thán - Bài số 36)

Nguyễn Trãi nhắc nhiều đến từ “uổng”. Ở đây là cái “uổngcủa một con người không thỏa mãn với bản thân mình, một con người đáng lẽ có thể được làm nhiều hơn nhưng lại không được trọng dụng, không được cống hiến cho dân, cho nước, phải náu mình trong cảnh nhàn hạ.

Tư tưởng yêu nước xuất hiện như một khuynh hướng tất yếu của thời đại.Nó là sự kế thừa tốt đẹp truyền thống yêu nước trong lịch sử dân tộc. Nếu như tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi là thương dân, căm thù giặc, cầm vũ khí để đánh giặc“Đem đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo” thì tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu lúc đầu gắn với tư tưởng trung quân, về sau tư tưởng trung quân mờ nhạt đi thay vào đó là tư tưởng nhân dân đó là vì nước vì dân mà chiến đấu “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).Với Nguyễn Khuyến, tư tưởng yêu nước của ông là sự kế thừa của các nhà nho đi trước nhưng có sự thay đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh của thời đại. Ông yêu nước không phải bằng gươm, giáo, súng mà khi đứng trước nỗi đau nước mất nhà tan thì ông đã vượt lên tất cả và vẫn một tấm lòng hướng về dân, thương dân. Nguyễn Khuyến yêu quê hương, yêu thôn dã, biết ghét bọn xâm lược, bọn phi nghĩa, biết giữ gìn tiết tháo, biết yên vui cảnh nghèo.

Thời đại Nguyễn Khuyến khủng hoảng toàn diện về hệ tư tưởng và văn hóa, sự xâm lược của Pháp cùng với bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ cho thấy nền văn minh phương Tây thiết thực hơn Nho học.Từ đó Nguyễn Khuyến cảm thấy bất lực, vô ích.Qua đó, có thể khẳng định nỗi đau xót, bất lực trước thời cuộc là chủ đề xuyên suốt của thơ Nôm Đường luật nước nhà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ nôm đường luật của nguyễn khuyến (Trang 61 - 67)