Con người đời thường trong thơ Nguyễn Khuyến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ nôm đường luật của nguyễn khuyến (Trang 80 - 88)

8. Đóng góp của đề tài

3.1.2. Con người đời thường trong thơ Nguyễn Khuyến

Tiếp nối Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến cũng để lại trong sáng tác thơ Nôm của mình rất nhiều sáng tác thơ về chủ đề đời thường với một diện mạo đa dạng, phong phú. Qua các sáng tác của Tam Nguyên Yên Đổ chúng ta thấy khá rõ nét cuộc sống cá nhân của ông. Chủ đề con người đời thường trong thơ Nguyễn Khuyến thoát li được cảm hứng giáo huấn mà mang nặng tâm sự riêng, nỗi niềm riêng, như một nhu cầu sẻ chia, giải tỏa nỗi lòng u uẩn.

Tác giả đã tái hiện hình ảnh bản thân vào trong thơ qua bức chân dung tự họa mình một cách sinh động và đầy đủ. Nguyễn Khuyến đã tự vẽ chân dung về bản thân mình với đầy đủ về hình dáng, tuổi tác và thói hư.

Bức chân dung về bản thân được ông họa ra rất rõ nét, hình ảnh một ông già khắc khổ “mặt sạm”, “mặt gầy võ”, gầy võ đến cả dáng hình “hình gầy võ”, “phờ phạc”:

Mặt sạm, râu đốm bạc, mắt lại đỏ hoe.

(Tự than)

Da mồi, tóc bạc, ta già nhỉ

(Ta lại người cho hoa trà)

Có khi ông còn miêu tả rất kĩ, cận cảnh về bản thân, từ mái tóc, hàm răng, đến đôi mắt và đặt biệt là tư thế “Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say”.

Mái tóc chòm xanh, chòm lốm đốm, Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay. Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say (Than già) Có lúc ông miêu tả mình: Cũng chẳng giầu mà cũng chẳng sang Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng (Tự trào)

Thậm chí ông còn đem cái gàn dở của mình ra để mua vui cho thiên hạ, hiện lên trong thơ ông là hình ảnh một ông say.

Khi vui chén rượu say không biết Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa

(Cáo quan về nhà ở) Một “anh giả điếc”:

Khéo ngơ ngơ, ngác ngác ngỡ là ngây … Hỏi anh, anh cứ ậm ờ.

(Anh giả điếc) Hay một con người gàn dở, khờ khạo và lập dị:

Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ,

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.

(Mẹ Mốc)

Nguyễn Khuyến đã cười cái già nua, gàn dở, vô dụng của bản thân. Ông đã tự họa bức chân dung diện mạo của mình một cách chi tiết.

Bên cạnh đó, bức chân dung tự họa của ông còn là hình ảnh một con người hiếu học được khắc họa rõ nét.Con đường thi cử của Nguyễn Khuyến khá lận đận. Với tổng số chín lần đi thi, thì bốn lần thi trượt kì thi Hương, ba lần thi trượt kì thi Hội.Bản thân ông không dấu nổi ngậm ngùi, cay đắng.

Nghĩ tôi gớm cái mình tôi, Tuổi đã ba mươi kém một thôi.. …Bốn khoa hương thí không đâu cả, Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi.

(Giễu mình chưa đỗ) Tuy hoàn cảnh nghèo, nợ nần:

Lãi mẹ, lãi con sinh đẻ mãi.

(Than nợ) Và nghèo đến độ:

Danh giá nhường này không nhẽ bán

Nguyễn Khuyến vẫn quyết tâm vượt khó, mang bảng vàng về sau khi “lều

chõng”.

Quyết chí phen này trang trải sạch, Cho đời rõ mặt cái thằng tao.

(Than nợ)

Cho đến năm 1871, ông mới liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình.Ông đã phải lận đận ba mươi năm đèn sách, với chín khóa lều chõng.Có thể thấy, ông là một con người có ý chí, đầy cố gắng quyết tâm.Tuy mất nửa đời vật lộn chốn trường thi nhưng khi ông đã đạt đến đỉnh cao thì ông lại nhận ra một thực tế dẫu “bia xanh, bảng vàng” cũng chỉ vô dụng cho đất nước.Nguyễn Khuyến cảm thấy mình vô dụng trong khi tuổi già đang đến, ông nhận thấy tuổi già bất lực nên thường băn khoăn suy nghĩ về nó. Ông thấy cảnh già thật không có gì vui vẻ cả khi“ăn dưng” - gánh nặng cho con cháu.

Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ, Có rượu thời ông chống gậy ra.

(Lên lão)

Hình ảnh Nguyễn Khuyến hiện lên với nhiều khía cạnh khác nhau. Lúc còn là anh khóa Thắng, lều chõng đi thi, tuy nợ nần đến cảnh lãi mẹ đẻ lãi con, nợ đến kỳ không trả được, lãi tính gộp vào gốc rồi cứ thế nhân lên mãi, mùa màng thì không được mùa. Tuy nợ thật, nghèo thật, nhưng ý chí của anh Khóa mới là cái đáng để ta trân trọng.Cuộc sống nghèo khó với những sự vất vả đã giúp Nguyễn Khuyến tạo nên nét riêng biệt, khẳng định cái tôi dí dỏm.Dù trong cảnh nợ nhưng anh vẫn quyết chí vượt qua đến với vinh quang.Chỉ có cái “thằng tao” với sự quyết chí, đầy sức mạnh đối diện với cái cảnh thực tại nợ nần tầm thường.

Nếu như Nguyễn Trãi viết về tuổi tác của bản thân bằng những câu thơ có phần buồn tủi:

Vừa sáu mươi, dư tám chín thu, Lưng gầy, da sỉ, tướng lù cù

(Ngôn chí thi - Bài số 14) Thì Nguyễn Khuyến,cùng chủ đề đó, đã viết một cách dí dỏm, thú vị:

Một năm một tuổi, trời cho tớ, Tuổi tớ trời cho, tớ lại càng…

(Khai bút)

Có thể thấy, Nguyễn Khuyến đã tự động viên mình, khẳng định năng lực, phẩm chất, sự quyết tâm để vượt qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Nguyễn Khuyến tuy làm đến chức quan to nhưng cuộc sống chỉ đủ ăn. Khi ông rời chốn quan trường trở về với cuộc sống chốn dân quê, cũng phải chịu những cảnh thiên tai, đã vậy ông còn phải nộp thuế cho quan tây và thêm phần trả nợ cuộc sống đầy cơ cực:

Năm nay cày cấy chân thua

Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa Phần thuế quan tây phần trả nợ Nửa công đứa ở nửa công thuê bò Sớm trưa dưa muối cho qua bữa Chợ búa trầu chè chẳng dám mua Tằn tiện thế mà không khá nhỉ Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho

(Chốn quê)

Tuy vậy, thơ ông phải phải chỉ chứa đựng cái buồn mà vẫn xuất hiện những nét vui vẻ, dí dỏm.Có khi ông đã đùa vui vợ mình, với một nụ cười đầy hóm hỉnh:

Ta chẳng như ai lối nguyệt hoa Trước là ngẫm nghĩ nỗi gần xa Lấy năm thì cũng đành ngôi chính, Dẫu bảy càng thêm vững việc nhà

(Khuyên vợ cả)

Khi phát hiện ra sự bù nhìn, nhu nhược của triều đình trước thế lực của giặc Pháp, sự đổ nát của nền Hán học đương thời.Ông đã quyết định từ quan trở về làm người dân quê:

Ta cũng chẳng giàu, cũng chẳng sang Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng. Cơ đang dở cuộc, không còn nước Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng Mở miệng nói ra gàn bát sách, Mềm môi chén mãi tít cung thang. Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ! Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!

(Tự trào)

Bức chân dung tự họa của Nguyễn Khuyến hiện lên thật hài hước. Ông đã tự khắc họa mình bằng một từ phủ định “chẳng” thật hóm hỉnh và chốt lại bằng hai chữ

làng nhàng”. Ấn tượng ban đầu về bức chân dung đấy không có gì đặc biệt thay bằng

bằng nét phác thông thường thì nhà thơ sử dụng một loạt những phủ định. Đến những câu thơ sau bức chân dung Nguyễn Khuyến có thêm những nét “nguệch ngoạc” khác, khi nhà thơ khéo léo, hóm hỉnh chêm xen vào đó những tật xấu của mình: cờ bạc, tổ tôm, rượu chè… Dường như tác giả đang xoáy sâu vào bức chân dung tự họa của mình những thói xấu về dáng người, tính cách, thói quen để cười cợt, chế giễu chính bản thân mình.

Có khi ông nhắc đến bản thân như một kẻ vô dụng, một kiểu người thừa trong gia đình và xã hội. Ông đã tự khoe ra sự già nua, vô dụng, lẩm cẩm của bản thân. Các nhà nho xưa thường than thở tuổi già đến nhanh mà họ chưa kịp làm được bao nhiêu, còn Nguyễn Khuyến nhắc đến tuổi già để để nói về sự vô dụng của bản thân. Ông đã nhắc tới tuổi già với những biểu hiện già yếu của mình bằng hình thức “tự trào”thật chua chát, thông qua hình ảnh một ông già vô tích sự:

Năm nào năm nảo hãy còn ngây, Sầm sập già đâu đã đến ngay. Mái tóc phần sâu phần lốm đốm, Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay. Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ, Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say. Còn một nỗi này thêm chán ngán, Đi đâu lủng củng cối cùng chày.

Đáng cười là lối sống với vẻ ngoài vô trách nhiệm đối lập với cảnh sống chung quanh khi “Kẻ ở trên đời lo lắng cả”. Vậy mà ông vẫn khật khưỡng, nhởn nhơ:

Câu thơ được chửa, thưa rằng được Chén rượu say rồi, nói chửa say

(Tự thuật)

Nguyễn Khuyến đã tự cười con “người thừa” là mình, một con người vô tích sự, không còn vai trò trong sứ mệnh lịch sử. Tác giả tự cười mình tức là đã tự nhận thức về chính bản thân mình.Ông đã tự chê trách bản thân vô trách nhiệm bằng lẽ sống của người có trách nhiệm.

Bên cạnh việc miêu tả những nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân thì Nguyễn Khuyến cũng nói đến những niềm vui của họ. Đó là thời khắc mọi người vui tươi đón chào năm mới, giây phút giao thừa ở một vùng chiêm trũng, mọi nỗi lo âu hàng ngày đã gạt sang một bên.

Ình ịch đêm qua trống các làng, Ai ai mà chẳng rước xuân sang. Rượu ngon nhấp miệng đưa vài chén, Bút mới xô tay thử mấy hàng.

Trước lũy nhấp nhô cò cụ Tổng, Cách ao lẹt đẹt pháo thầy nhang.

(Khai bút)

Nguyễn Khuyến sống rất chan hòa với gia đình, bạn bè, hàng xóm. Những tình cảm tưởng chừng như bình thường ấy đã đi vào thơ Nguyễn Khuyến với một giá trị chân thật, đáng quý.

Nguyễn Khuyến với vai trò người chồng, người cha, một thành viên trong gia đình, ông rơi vào bi kịch tinh thần sâu sắc, khi chưa ở bên chăm sóc cho gia đình. Nguyễn Khuyến là con người sống dưới chế độ phong kiến nên tư tưởng đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn tới ông. Cũng như bao người đàn ông trong xã hội cũ, ông có tới bốn bà vợ.Đó cũng là một hạn chế của Nho giáo trong việc thực hiện chế độ “đa thê.Tuy nhiên, với vợ, ông không thể hiện uy quyền và ép họ vào những luật lệ khắt

khe mà Nho giáo đã đề ra với người phụ nữ.Ông luôn đề cao, trân trọng và coi vợ là người bạn tri âm tri kỉ của đời mình.

Nguyễn Khuyến là một người chồng thương vợ nên ông rất quan tâm đến suy nghĩ của bà. Khi bà cả ghen, ông đã làm thơ để khuyên vợ, động viên, phân trần và tỏ rõ tình cảm của mình với vợ:

Mọi việc cửa nhà là việc nó, Mấy con trai gái ấy con ta. Thôi đừng nghĩ việc chi chi cả: Chẳng chữ gì hơn chữ thuận hòa!

(Khuyên vợ cả)

Ông cưới bà cả khi ông 18 tuổi, vợ cả là người mà ông vô cùng yêu quý, bà đã cùng ông trải qua biết bao hoạn nạn, là người lo lắng, đỡ đần, chăm sóc ông để ông an tâm thi cử và có thời gian chăm lo việc nước. Bà cùng ông chung sống suốt năm mươi năm trời và suốt năm mươi năm ấy một lòng chung thủy với chồng, yêu con hết mực:

Khăn lược theo nhau đã năm mươi năm,

Một giấc mộng tựa cây hòe đã thành giấc ngủ dài.

(Khóc vợ) Nguyễn Khuyến với vai trò là người đàn ông, người chồng - trụ cột trong gia đình, ông mong muốn mang lại cuộc sống ấm no cho người vợ người thân của mình. Nhưng chưa bao giờ bà cả được sống trong cảnh vinh hoa phú quý, giàu sang bởi Nguyễn Khuyến là một ông quan thanh liêm, cuối đời lại cáo quan về quê ở ẩn và với ông cảnh vinh hoa phú quý bởi đời chỉ mơ hồ như một giấc mộng mà thôi.

Với ông vợ là người quan trọng nhất trong cuộc đời. Ông yêu vợ như vậy nhưng bản thân ông lại không đem lại được sống sống no ấm, đủ đầy cho vợ, ông cảm thấy mình đau đớn, day dứt vô cùng. Cuộc đời con người không ai tránh được quy luật nghiệt ngã “sinh - lão - bệnh - tử” và bà nghè cũng vậy:

Nấm mồ xanh ngổn ngang, ai rồi cũng vậy mà!

Ông hy vọng rằng ở “nơi tĩnh thổ” lại là nơi “vui sướng của bà” bởi ở nơi đó bà sẽ không còn phải lo toan, gánh nặng trần thế, những điều mà ông đã không làm được cho bà.

Với vai trò một người cha trong gia đình, ông luôn quan tâm, lo lắng cho các con. Ông vui khi con dựng được nhà, khi con đỗ đạt cao(Mừng con dựng được nhà). Không chỉ vui vì niềm vui của con mà nhiều khi nhà thơ cũng thấy lo lắng cho con. Đặc biệt là người con cả Nguyễn Hoan. Đó là người con ông vô cùng yêu thương, tin tưởng. Ông luôn dõi con từng chặng đường, từng bước đi của con từ khi con đi thi cho đến lúc con đỗ đạt và ra làm quan. Nguyễn Khuyến dù nhận ra sự suy đồi của đạo Nho, sự hạn chế của lối văn chương cử tử nhưng ông vẫn mong muốn con đi thi sẽ đỗ đạt cao vì cho đến lúc này vẫn chưa có con đường nào khác để phò đời, giúp vua. Trước khi cáo quan về quê, ông có sáng tác bài Thơ khuyên học bằng chữ Nôm:

Đen thì gần mực, đỏ gần son. Học lấy cho hay, con hỡi con! Cái bút, cái nghiên là của quý. Câu kinh, câu sử ấy mùi ngon!

Nguyễn Khuyến là một nhà nho chân chính, ông tiến thân bằng con đường học hành khoa cử vì vậy hơn ai hết không hiểu vai trò của việc học. Ông muốn học, đi thi không phải để hưởng danh, vinh hoa mà để phò vua giúp nước. Hiểu được vai trò của việc học ông luôn khuyên răn các con mình miệt mài kinh sử. Ông khuyên con phải biết lựa chọn cái hay cái tốt mà học, những cái đen tối xấu xa thì phải biết tránh đi:

Đen thì gần mực, đỏ gần son. Học lấy cho hay, con hỡi con!

Có thể thấy, Nguyễn Khuyến rất chú ý nhìn con người trong trạng thái con người nhân bản - đời thường, con người ở trạng thái thực thể tự nhiên. Ông đã đem đến cho văn học dân tộc bức kí họa chân dung đầu tiên về đời sống cá nhân chân thực, cụ thể, chi tiết và sâu sắc.

Rõ ràng, chủ đề con người đời thường trong thơ Nôm Đường luật Nguyễn Khuyến thể hiện rất cụ thể, sinh động và chi tiết. Nếu Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi bắt đầu đề cập tới chủ đề đời tư thì thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Khuyến đã có nhiều dấu ấn cách tân rõ rệt. Thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Khuyến không chỉ

dừng lại ở phác họa con người trần thế như trong Quốc âm thi tập mà đã tự họa được một bức chân dung mang tính tự trào và tính lịch sử cụ thể cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ nôm đường luật của nguyễn khuyến (Trang 80 - 88)