+ Mục đích khảo sát: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng sử dụng SGK Lịch sử 7 của GV và HS THCS, phát hiện những ưu điểm và tồn tại của SGK Lịch sử hiện hành, làm cơ sở cho chúng tôi đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả việc biên soạn và sử dụng học liệu này.
+ Nội dung khảo sát: Chúng tôi tiến hành khảo sát về thực trạng việc sử dụng SGK của GV và HS
+ Đối tượng khảo sát: GV và HS các trường THCS.
Để điều tra thực tiễn, chúng tôi tiến hành điều tra GV dạy tại THCS Vinschool, Alpha school, THCS Yên Định, PTLS Quốc tế Gateway. HS các trường như: THCS Pascal, THCS Ninh Xá, THCS Thị Trấn Đông Anh.
+ Phương pháp tiến hành điều tra: Tiến hành điều tra bằng phiếu điều tra đối với GV (phụ lục 1), đối với HS (phụ lục 2). Sau khi tiến hành khảo sát và xử lí số liệu, chúng tôi thu được kết quả như sau:
1.2.2.1. Đối với GV
Trong quá trình điều tra chúng tôi đã tiến hành phát 10 phiếu điều tra dành cho GV bộ môn Lịch sử trường THCS Yên Định (Nam Định), Trường Vinschool (TP. Hà Nội), Hệ thống giáo dục Alpha School (TP. Hà N ội), PTLS Quốc tế Gateway (TP. Hà Nội) và thu lại được 4 phiếu với kết quả như sau:
Thứ nhất, về mức độ thường xuyên sử dụng SGK để hướng dẫn HS học tập: đa số các thầy cô đều sử dụng SGK để hướng dẫn học sinh học ở lớp, hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung kiến thức bài mới, và sử dụng trong các hoạt động kiểm tra đánh giá. Như vậy nhìn vào mục đích sử dụng SGK, mục đích hướng dẫn HS tự học ở nhà, sử dụng SGK để thực hành, thực hiện dự án vẫn
chưa thực sự được chú trọng. SGK vẫn chưa phát huy được toàn bộ chức năng và vai trò to lớn của mình.
Thứ hai, đối với kênh hình trong SGK, các GV đều nhất trí kênh hình trong SGK hiện hành phù hợp với nội dung bài học tuy nhiên số lượng kênh hình còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu Lịch sử, kênh hình chưa đi kèm với hướng dẫn học tập, màu sắc chưa hấp dẫn và bắt mắt.
Thứ ba, đối với phần “bài viết”, các GV đều cho rằng bài viết trong SGK hiện hành khoa học, súc tích tuy nhiên thiếu nội dung kiến thức mở rộng; kiến thức chưa thực sự phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt một điểm trừ lớn đó là nặng về trình bày kiến thức lịch sử, liệt kê nhiều mốc thời gian, số liệu khó nhớ.
Thứ tư, đánh giá về câu hỏi và bài tập trong SGK, 60% GV cho rằng câu hỏi và bài tập tương đối phù hợp với nội dung và đối tượng HS; thể hiện được 3 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng 40% GV nhất trí cao, 40% lựa chọn ý mức độ bình thường; 60% GV cho rằng câu hỏi và bài tập không khó hiểu, dài dòng; 60% GV cho rằng bài tập phát huy kỹ năng của người học nhưng đều đánh giá không cao mức độ khuyến khích kĩ năng thực hành bộ môn (Vẽ bảng biểu, sơ đồ) và khuyến khích vận dụng, liên hệ (sưu tầm tài liệu lịch sử địa phương, áp dụng kiến thức vào thực tế,..).
Khi được hỏi về những đề xuất cụ thể để nâng cao hiệu quả biên soạn, sử dụng SGK trong dạy học Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình, SGK sau năm 2018 thì GV đã cho rất nhiều ý kiến:
“Trước tiên và cốt yếu nhất vẫn là phải thay đổi quan điểm giáo dục. Bởi vì chỉ khi chúng ta có quan điểm đúng đắn thì mới có thể tìm ra được nội dung, phương pháp giáo dục ... tiến bộ.
Từ thực tế giảng dạy, tối nhận thấy một số vấn đề như sau; - Chỉ nên coi sách giáo khoa như một nguồn tư liệu tham khảo - Xây dựng sách khoa theo chủ đề: khoảng 5-6 chủ đề / khối lớp
- Có phần hướng dẫn tra cứu tư liệu/ liệt kê các nguồn tư liệu gợi ý học sinh có thể tra cứu để tự làm đề tài hoặc làm dự án.
- Sách giáo khoa có nhiều tranh ảnh và tư liệu có giá trị lịch sử cũng như mang tính thời sự.”
“Sách nên ngắn gọn, ít trình bày diễn biến, kênh hình nên đa dạng”. “Đa dạng về hình ảnh tư liệu, rõ ràng về các hoạt động và có bài tập phân hoá”.
Qua khảo sát chúng tôi nhận được rất nhiều đề xuất của GV, những người đang trực tiếp giảng dạy để thấy rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong SGK hiện hành. Qua khảo sát và đề xuất của GV, chúng tôi nhận thấy cần phải thay đổi từ cơ cấu bài học, phần bài viết cần ngắn gọn, súc tích, ít trình bày diễn biến; về kênh hình phong phú và mang tính thời sự; về tư liệu tham khảo cần cung cấp nhiều loại tư liệu; về câu hỏi và bài tập cần khuyến khích phát triển kĩ năng cho người học.
1.1.2.2. Đối với HS
Thứ nhất, về mức độ yêu thích của em với SGK Lịch sử 7 hiện hành: 25.4% rất yêu thích; 61,9% thể hiện mức độ bình thường; 12,7% không thích. Về lí do yêu thích SGK Lịch sử 7, các em đưa ra những lí do sau: “Sách có nhiều kiến thức, hình ảnh về các cuộc chiến đấu và di tích lịch sử rõ ràng”; “sách có nhiều kiến thức bổ ích”, “bổ ích và đem lại hiểu biết về lịch sử nước nhà”... Về lí do không yêu thích, các em đưa ra những ý kiến như sau: “dài dòng và nhàm chán”, “khô khan” “nhiều chữ và đôi khi em cảm thấy không hiểu”.
Thứ hai, về tác dụng của SGK đối với việc học tập Lịch sử. Đa số HS đều nhất trí SGK là tài liệu học tập cơ bản, quan trọng trong quá trình học tập; giúp mở rộng kiến thức, khắc sâu kiến thức lịch sử; vai trò giúp tự học tư nghiên cứu của SGK vẫn chưa được đánh giá cao.
Thứ ba, về mục đích thường xuyên sử dụng SGK Lịch sử, chủ yếu HS sử dụng SGK để tự học ở lớp và tự ôn tập. Việc sử dụng để tự học ở nhà, để thực hiện các dự án chưa được nhiều HS đồng ý ở mức độ cao.
Thứ tư, về hệ thống kênh hình trong SGK, đa số các em đều đồng ý với quan điểm kênh hình phù hợp với nội dung bài học tuy nhiên kênh hình còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu lịch sử, màu sắc thu hút chỉ được đồng ý ở mức độ bình thường. Kênh hình đầy đủ thông tin, đi kèm hướng dẫn học tập.
Thứ năm, về khó khăn khi sử dụng SGK Lịch sử 7, đa số HS cho rằng hình ảnh trong SGK ít và thiếu hấp dẫn; thiếu nội dung thực hành, thực hiện dự án.
Thứ sáu, khi được hỏi về một vài đề xuất để các thầy cô biên soạn và sử dụng SGK hiệu quả hơn, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đóng góp tích cực từ phía HS. Đầu tiên về bài viết, các em đưa ra những yêu cầu như: “nên tóm tắt nội dung bài học ngắn gọn với các ý chính”, “sách nên thu ngắn kiến thức. không nên dài dòng chữ”; về phần cơ chế sư phạm, “nên học theo sơ đồ tư duy” “đặc biệt những từ ngữ cổ nên có chú thích giải nghĩa sẽ tiện dụng hơn”, “cần có sự tương tác qua các câu hỏi để tăng tính hiệu quả cho bài học”, “nên có nhiều hình ảnh thú vị”.