Đối với GV
- Đánh giá của GV về nội dung kiến thức. Sau khi tiến hành điều tra chúng tôi thu được ý kiến của GV như sau: GV đồng ý với ý kiến nội dung “bài viết” khoa học, súc tích; kiến thức phong phú, hấp dẫn; không nặng về trình bày sự kiện lịch sử, liệt kê nhiều mốc thời gian sự kiện.
- Đánh giá của GV về hệ thống kênh hình: GV cho rằng kênh hình phù hợp với nội dung bài học; màu sắc hấp dẫn thu hút; kênh hình đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu Lịch sử và kênh hình đã đi kèm với hướng dẫn học tập (bài tập, nhiệm vụ học tập).
- Đánh giá của GV về câu hỏi và hoạt động học tập: Khi được hỏi về mức độ đồng ý của thầy cô về câu hỏi và hoạt động học tập, GV đánh giá ở mức độ 4 cho những nhận xét sau: nội dung phù hợp với nội dung bài học và đối tượng HS; thể hiện được ba mức độ nhận thức: nhận biết; thông hiểu; vận dụng; rèn luyện được các kĩ năng tư duy; Khuyến khích vận dụng liên hệ; rèn luyện kĩ năng thực hành bộ môn.
- Khó khăn của GV khi triển khai và biện pháp khắc phục. Với nội dung tiết 1. “Nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lí” do thầy Nguyễn Tiến Trình tiến hành giảng dạy, sau quá trình làm việc và trao đổi, khó khăn duy nhất và có thể khắc phục được đó là cỡ chữ trong chủ đề được đề xuất còn nhỏ, hơi khó nhìn.
- Ý kiến chuyên gia, GV dự giờ: Tham gia dự giờ 03 tiết học thử nghiệm có TS. Hoàng Thanh Tú (cố vấn chuyên môn tại trường THCS Pascal). Cô đánh giá đây là những tiết học Lịch sử thú vị, đặc biệt với những hoạt động/ tình huống sau:
+ Ở phần nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lí: HS được khám phá tư liệu rồi rút ra nguyên nhân và điều kiện. Đặc biệt trong tình huống giả định: các phóng viên phỏng vấn các nhà thám hiểm. Ở hoạt động này, các em được đặt ra những câu hỏi như một người phóng viên thực sự; còn bên giải đáp dựa vào tư liệu và suy đoán của bản thân để trả lời.
+ Ở phần “Những cuộc phát kiến lớn về địa lí”: Hoạt động chủ đạo là hoạt động tranh luận phản biện: một nhóm trong vai Tàu trưởng muốn đi tiếp, 1 nhóm là các thuỷ thủ muốn quay về. Thực sự lớp học rất sôi động và đưa ra nhiều ý kiến hay.
+ Trong phần “Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí” với hoạt động điểm nhấn là trò chơi tiếp sức: 2 đội sẽ dùng các tranh màu củ, quả, loài vật nuôi (được luân chuyển từ cựu thế giới sang tân thế giới và ngược lại) dán lên giấy A0, sau đó sẽ nói về tác động của Phát kiến địa lí đến việc giao lưu văn hoá Đông - Tây, trước hết là về ẩm thực.
TS Hoàng Thanh Tú đánh giá tốt những câu hỏi của GV như: “Cà chua được sử dụng vào mục đích gì?” “Tác động nào đã đưa cà chua phổ biến ra toàn thế giới”,… Chủ đề đã đưa ra được tư liệu khá phong phú để HS học tập và khai thác. Như vậy, HS sẽ được tiếp xúc Lịch sử ở những khía cạnh gần gũi của cuộc sống, khiến Lịch sử không xa lạ và khô khan.
Đối với HS
Thứ nhất, sự yêu thích của HS với chủ đề được thiết kế theo đề xuất: Kết quả điều tra khảo sát cho thấy, đối với mức độ yêu thích dành cho chủ đề “Những phát kiến lớn về địa lí” 54% rất thích; 45% thích và 1% không thích. Lí do các em yêu thích chủ đề này vì chủ đề có nhiều câu hỏi và tài liệu thú vị, có nhiều tranh ảnh màu sắc phong phú; được tiếp cận tới những khía cạnh mới của cuộc phát kiến địa lí.
Biểu đồ: Mức độ yêu thích dành cho chủ đề “Những phát kiến lớn về địa lí”
Khi được hỏi về mức độ yêu thích đối với các câu hỏi và hoạt động trong chủ đề, HS lựa chọn mức độ rất thích chiếm 43%; Thích chiếm 57%. Hoạt động được đông đảo các em yêu thích nhất là (Giả sử đoàn thám hiểm của em đang lênh đênh giữ đại dương và gặp nhiều khó khăn) “Em hãy viết một đoạn hội thoại khoảng 10 câu giữa thủy thủ và trưởng đoàn về lí do nên tiếp tục hoặc không nên tiếp tục hành trình vượt đại dương” trong quá trình dạy giảng, chúng tôi đã biến đổi thành hoạt động tranh luận phản biện.
Biểu đồ “Mức độ yêu thích đối với các câu hỏi và hoạt động trong chủ đề “Những phát kiến lớn về địa lí”
Khi được hỏi về mức độ yêu thích đối với tranh ảnh, bản đồ, lược đồ trong chủ đề 38% lựa chọn rất thích; 61% chọn thích; 1% không thích. Hình ảnh mà được nhiều HS yêu thích nhất là hình ảnh “Tàu chở nô lệ” và hình ảnh tàu Caravel. Kết quả trên đã cho thấy tính khả thi của đề tài.
Biểu đồ: “Mức độ yêu thích đối với các tranh ảnh, bản đồ, lược đồ, trong chủ đề “Những phát kiến lớn về địa lí”
Thứ hai, sự sáng tạo của HS khi học chủ đề được thiết kế theo đề xuất: + Trong phần “Nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lí”: với tình huống giả định các phóng viên phỏng vấn các nhà thám hiểm (HS chia 2 đội nhập vai giả định). Ở hoạt đông này HS rất sôi nổi, dưới sự gợi ý và trợ giúp của GV, nhóm phóng viên đưa ra các câu hỏi như: Thành viên trong đoàn là những ai? Lúc đi đoàn đã trải qua những khó khăn gì? Nếu gặp khó khăn như hết lương thực thì các bạn làm gì? Cuộc sống trên tàu như thế nào? Nếu bị ốm đau, bệnh tật thì phải làm gì?
Nhóm các nhà thám hiểm cũng đã trả lời được một phần các câu hỏi, trong đó đặc biệt là biết dựa vào tư liệu và hiểu biết để trả lời, như: muốn khám phá các vùng đất mới, tìm vàng; bắt cá để ăn và thậm chí ăn cả đồ da... Còn lại là các câu trả lời dưạ vào suy đoán.
Câu hỏi và câu trả lời của các em thể hiện sự thông minh, sáng tạo; tiết học Lịch sử trở nên hấp dẫn, thú vị hơn, thể hiện quá trình các em tự suy nghĩ và lĩnh hội kiến thức.
Thứ ba, kĩ năng của HS được rèn luyện sau mỗi tiết:
+ Trong phần “Nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lí”: HS được phát triển kĩ năng khai thác tư liệu thông qua hoạt động khám phá bản đồ, tranh ảnh, chữ viết; qua đó rút ra được những nguyên nhân và điều kiện dẫn tới các cuộc phát kiến đồng thời phát triển kĩ năng khai thác tư liệu. Khi làm việc với tư liệu; nội dung kiến thức bài học được cụ thể hóa giúp HS nhớ lâu và sâu hơn.
+ Trong phần “Những cuộc phát kiến địa lí tiêu biểu” với nhiệm vụ trình bày hành trình của Columbus và Magellan, HS có sự chuẩn bị tốt, phong thái tự tin. Qua nhiệm vụ này HS không chỉ rèn luyện kĩ năng tự học, tự tìm kiếm tư liệu mà còn bồi dưỡng khả năng thuyết trình, sự tự tin chỗ đông người.
+ Trong phần “Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí” với hoạt động “Tham khảo tư liệu 6: Em hãy tưởng tượng mình là một người Indian bản địa viết khoảng 50 từ về sự thay đổi trong cuộc sống khi Thổ dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thiết lập sự cai trị”. Với nhiệm vụ này rèn luyện cho HS kĩ năng đọc và khai thác tư liệu sau đó trình bày vấn đề để làm nổi bật lên sự thay đổi trong cuộc sống của người Indian bản địa. Nhóm đề xuất chúng tôi đã thu được những bài viết của HS như sau: “Một ngày nọ, người dân chúng tôi thấy những người với bộ trang phục kì lạ, họ đi bằng một khúc gỗ to khoét rỗng và đặt chân xuống vùng đất của chúng tôi. Họ đến và đi một cách bình yên, nhưng rồi không lâu sau, họ quay trở lại với khúc gỗ còn to hơn; thứ tiếng lơ lớ kì lạ họ nói như muốn đưa chúng tôi đến những vùng đất thần tiên, nơi mà chúng tôi có thể sống hạnh phúc. Có lẽ, nơi đó đẹp quá, những người kia đã không bao giờ trở về quê hương nữa. Họ cũng đem đến vùng đất này những thứ đồ ăn kì lạ nhưng cũng rất ngon…”. “Khi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến vùng đất của chúng tôi họ thiết lập nên sự cai trị ở nơi đây. Chúng tôi bị bắt đi làm những công việc nặng nhọc trong các trang trại hay các hầm mỏ. Vì chế độ lao động quá khắc nghiệt, nhiều người không thể chịu được, không chỉ vì chế độ lao động khắc nghiệt, nhiều dịch bệnh mới đã đến đây, bộ tộc của chúng tôi bị thiệt hại nhiều,…”. Qua đó có thể thấy, mức độ quan tâm đối với bài học của HS rất cao, các em không chỉ biết cách làm việc với tư liệu mà còn sâu chuỗi các nội dung kiến thức trong bài để hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Thứ tư, khó khăn chủ yếu khi HS sử dụng chủ đề là có cỡ chữ còn nhỏ, nhiều tư liệu cũng là một khó khăn khi một số em HS còn chưa quen cách làm việc với tư liệu. Khi được yêu cầu nêu ít nhất một đề xuất giúp Thầy cô biên soạn một chủ đề Lịch sử hấp dẫn hơn, HS đã đưa ra nhiều đề xuất như: mỗi bài học nên có một nội dung liên quan đến hiện tại; bổ sung phần trò chơi Lịch sử.
KẾT LUẬN
Qua việc nghiên cứu cấu tạo bài học trong SGK Lịch sử Úc và đề xuất cấu trúc bài học cho SGK Lịch sử lớp 7 THCS ở Việt Nam chúng tôi đưa ra một số kết luận bước đầu như sau:
Thứ nhất, SGK có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng. Kiến thức trong SGK cần phải đạt những yêu cầu chuẩn mực cho giáo dục, cho các hình thức kiểm tra, đánh giá.
Thứ hai, SGK Việt Nam hiện hành có nhiều ưu điểm cần phát huy. Kiến thức cơ bản được cô đọng một cách dễ hiểu, bám sát mục tiêu chương trình và mục tiêu đào tạo, nội dung đảm bảo tính khoa học, vừa sức. Phản ánh được nhiều thành tựu của khoa học Lịch sử, có cải tiến bổ sung qua nhiều lần xuất bản…
Thứ ba, SGK Lịch sử Úc cũng có rất nhiều điểm tiến bộ, ngay từ hình thức cuốn sách có dạng như một cuốn truyện tranh, tranh ảnh phong phú, in màu bắt mắt. Lượng kiến thức đưa đưa vào nhiều hơn, với nguồn tư liệu phong phú giúp HS có thể tự nghiên cứu bài học trước ở nhà, khiến Lịch sử không chỉ đơn thuần là một môn học mà rất gần gũi với cuộc sống. Hơn nữa, sau mỗi kênh hình và tài liệu tham khảo đều có các câu hỏi định hướng cho việc giảng dạy và học tập của GV và HS. Mức độ câu hỏi và bài tập phù hợp với nhiều mức độ nhận thức, HS không chỉ học lý thuyết mà còn “bắt tay” vào các bài tập thực hành.
Qua việc nghiên cứu SGK Úc và Việt Nam, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất đóng góp cho công tác biên soạn SGK THCS trong thời gian tới như sau:
Về chương trình:
Việc biên soạn một chương trình với nhiều bộ SGK đã được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn là vấn đề mới với Việt Nam. Quan điểm này phù hợp với xu hướng phát triển chung của giáo dục thế giới. Ở Việt Nam,
các NXB có uy tín sẽ là các đơn vị trực tiếp tổ chức biên soạn SGK. Sau khi hoàn thành, Bộ Giáo dục sẽ là đơn vị kiểm định, đánh giá chất lượng. Điều đó tạo nhiều cơ hội cho GV và HS lựa chọn bộ SGK phù hợp trong quá trình giảng dạy và học tập. Chương trình sẽ tập trung xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực của người học, coi trọng rèn luyện kĩ năng sống, các năng lực cần thiết trong quá trình học tập và làm việc sau này. Kiến thức phải do HS tự tìm kiếm và kiến tạo mới trở thành kiến thức bền vững. Việc hình thành năng lực chung và năng lực chuyên biệt phải thông qua quá trình lâu dài, đủ thời gian và được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Về SGK:
Đối với phần nội dung bài viết:
Bài viết trong SGK phải cung cấp cho HS những thông tin cơ bản, tối ưu nhất. Các ý trong bài viết phải được sắp xếp khoa học, mạch lạc. Ngôn ngữ sử dụng trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi THCS. Nội dung bài viết cần đảm bảo tính khách quan của sự kiện, hiện tượng lịch sử. Mọi đánh giá, nhận xét người học sẽ tự đúc rút trong quá trình học tập.
Đối với phần “Cơ chế sư phạm”:
Cơ chế sư phạm được coi là chìa khóa giúp HS chủ động tìm tòi kiến thức, hình thành kĩ năng. Trên tinh thần đổi mới, cần chú ý sử dụng đa dạng các loại hình đồ dùng trực quan quy ước. Bên cạnh hệ thống kênh hình, cần thiết bổ sung niên biểu thời gian, kênh hình tiêu biểu cho chủ đề. Kênh hình trong SGK được chọn lọc kĩ càng nhằm đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm, kênh hình cần có chú thích rõ ràng và dẫn nguồn đầy đủ. Kênh hình chứa đựng nội dung kiến thức bổ trợ cho bài học, gắn với mỗi kênh hình cần có hệ thống câu hỏi giúp GV và HS định hướng khai thác.
Cần biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phong phú về số lượng, về cách thức đặt vấn đề, nhằm kích thích hứng thú, phát huy năng lực tư duy của HS. Câu hỏi và bài tập nên thiết kế ở nhiều mức độ nhận thức: nhận biết, thông
hiểu, vận dụng. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ SGK Lịch sử Úc chúng ta có thể bổ sung thêm phần Thử thách Lịch sử để bổ sung đa dạng các loại bài tập từ củng cố kiến thức đến thực hành bộ môn.
Đối với các tư liệu tham khảo cần lựa chọn những tư liệu chính xác, có trích dẫn đầy đủ nguồn gốc xuất xứ tài liệu… Mỗi bài học cần tạo biểu tượng cho HS về những sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể kể cả nhân vật chính diện và phản diện.
Về hình thức, cần biên soạn một bộ SGK có hình thức đẹp, bắt mắt. Trong bài cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các phần: phần trình bày kiến thức lịch sử, phần tư liệu tham khảo, phần câu hỏi và bài tập… để HS dễ dàng theo dõi và nhận biết khi tìm hiểu.
Qua kết luận trên, chúng tôi hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé cho việc biên soạn SGK trong thời gian tới để phù hợp với thực tiễn và nâng cao kết quả giáo dục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Tài liệu tiếng Việt
Sách
1. Nguyễn Thị Côi (2011), Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Hồ Ngọc Đại, Bài học là gì (2010), NXB Giáo dục, Hà Nội
3. Bộ Giáo dục và đào tạo (2013) Lịch sử lớp 7, NXB Giáo dục, Hà Nội. 4. Vũ Quang Hiển, Hoàng Thanh Tú (2014) Phương pháp dạy học môn lịch sử ở trường Trung học phổ thông, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
5. Phạm Minh Hạc (Chủ biên) (1997), Tâm lí học. Nxb Giáo dục, Hà Nội
6. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) (2007), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội
7. Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt (1987), Giáo dục học, tập 1, NXB Giáo dục
8. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi, Trần Vĩnh Tường (2002), Một số chuyên đề phương pháp dạy học lịch sử, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
9. Phan Ngọc Liên (chủ biên) (2008) Phương pháp dạy học lịch sử tập 1, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội
10. Phan Ngọc Liên (chủ biên) (2008) Phương pháp dạy học lịch sử tập 2,