Cấu trúc phần bài viết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề xuất cấu trúc bài học cho sgk lịch sử lớp 7 ở việt nam trên cơ sở nghiên cứu sgk lịch sử của australia​ (Trang 62 - 66)

Để giúp HS học tập hiệu quả, mô hình chủ đề “Những cuộc phát kiến lớn về địa lí” (Lịch sử 7) cần tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu đối với mô hình bài viết đã đề xuất ở trên.

Cấu trúc bài học gồm các phần sau:

Phần giới thiệu chung về bài học, cụ thể như sau: “Năm 1492, Columbus phát hiện ra châu Mỹ - miền đất mà người châu Âu chưa hề biết đến. Đây là sự kiện mở đầu cho kỷ nguyên xâm chiếm và khai phá những vùng đất mới. Nó đem lại của cải dồi dào cho châu Âu. Trên cơ sở đó quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần được hình thành.” Phần giới thiệu chung của bài học là phần

quan trọng, cần thiết phải đặt vấn đề ngắn gọn, súc tích, kích thích sự tò mò khám phá của HS.

Trong phần giới thiệu chung này, chúng tôi dùng một dấu mốc sự kiện quan trọng của cả chủ đề: Năm 1492, trên hành trình tìm kiếm Ấn Độ bằng đường biển, Columbus và phi hành đoàn đã phát hiện ra châu Mĩ ở thời kì châu Âu sôi động với các hoạt động thương mại và thám hiểm. Chuyến đi của Columbus mở ra bước ngoặt lớn cho lịch sử châu Âu, mọi vấn đề của châu Âu được giải quyết: vấn đề dân số, nguyên liệu, vàng bạc. Đồng thời cũng mở ra bước ngoặt đối với châu Mĩ, một kỉ nguyên xâm chiếm và khai phá châu Mĩ được mở ra, các nền văn minh lớn của châu Mĩ Aztec và Inca cũng bị phá hủy. Trên vùng đất mới khai phá, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lập đồn điền, hầm mỏ, thu lại nguồn của cải khổng lồ, từ đó dần hình thành quá trình tích lũy tư bản. Chúng tôi học tập cách trình bày của SGK Lịch sử Úc, phần giới thiệu bài học đặt trong ngoặc kép, chữ in nghiêng.

Đối với HS THCS, phần giới thiệu chung có vai trò quan trọng, rất khó khi để HS tự nhận thức và liên kết các vấn đề trong chủ đề do đó cần thiết phải khái quát nội dung một cách ngắn gọn, dễ hiểu giúp người học sẵn sàng tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất.

Phần trình bày kiến thức

Phần trình bày kiến thức chúng tôi chia nội dung thành 3 phần tương ứng với 3 mục: mục I. Nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lí, mục II. Những cuộc phát kiến địa lí tiêu biểu, mục III. Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí

Mục I “Nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lí” tập trung trình bày động lực, những thành tựu khoa học kĩ thuật thúc đẩy các cuộc phát kiến địa lí. Cụ thể như sau:

Từ thế kỉ XV, sự phát triển nhanh chóng của sức sản xuất đã làm nhu cầu về thị trường, nguyên liệu, vàng bạc ngày một tăng. Con đường buôn bán truyền

thống từ châu Âu đến châu Á bị chặn đứng. Khao khát tìm ra con đường thông thương mới cùng khao khát của cải của phương Đông đã thôi thúc các nhà thám hiểm vượt đại dương xa xôi.

Vào thời điểm đó, những thành tựu của khoa học kĩ thuật, những nhận thức mới về Trái Đất tạo tiền đề quan trọng cho các cuộc phát kiến địa lí.

Ở phần này chúng tôi tập trung vào những nguyên nhân và điều kiện quan trọng, cốt lõi khi tiến hành các cuộc phát kiến địa lí. Nguyên nhân quan trọng nhất do sự bế tắc trong con đường buôn bán Đông - Tây. Trước đó, phong kiến châu Âu đã tiêu thụ một khối lượng lớn hàng hóa xa xỉ từ phương Đông. Đến thế kỉ XV, người Thổ Nhĩ Kì kiểm soát con đường từ Hắc Hải đến vịnh Ba Tư. Đây chính là nguyên nhân quan trọng buộc phải tiến hành các cuộc thám hiểm bằng đường biển tìm đường đến phương Đông. Ngoài ra còn nguyên nhân khác: đó là lòng tham vàng của quý tộc và thương nhân châu Âu, cùng với điều kiện chín muồi khi khoa học kĩ thuật phát triển: quan niệm về trái đất, lập bản đồ, la bàn, tàu vượt đại dương - đây là tiền đề để tiến hành các cuộc phát kiến. Ngôn ngữ ở phần trình bày kiến thức mạch lạc, đơn giản, ngắn gọn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp việc cung cấp sự kiện lịch sử với việc sử dụng các tư liệu lịch sử, kênh hình phù hợp, sinh động giúp HS nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh và khai thác kiến thức lịch sử ở mức độ sâu hơn liệt kê và nhận biết thông thường.

Với mục II: “Những cuộc phát kiến địa lí tiêu biểu” tập trung khái quát một số cuộc phát kiến lớn trong lịch sử, đồng thời tạo biểu tượng về hai nhân vật lịch sử là Columbus và Magellan. Cụ thể như sau:

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là những người tiên phong trong việc khám phá những vùng đất mới.

Dias đi vòng qua điểm cực Nam châu Phi vào năm 1487. Vasco Da Gama cũng đi vòng qua điểm cực Nam châu Phi và tới năm 1498, ông đã đến Calicut ở phía tây nam Ấn Độ. C.Columbus “tìm thấy” châu Mĩ năm 1492.

Đoàn thám hiểm của Magellan lần đầu tiên đi vòng quanh Trái Đất từ năm 1519 đến 1522.

Trong mục này, ý tưởng của chúng tôi là hướng HS tập trung nhận biết hai quốc gia đi đầu trong các cuộc phát kiến địa lí với những tiềm lực mạnh mẽ là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các cuộc phát kiến hầu hết đều được hai vương quốc này tài trợ. Các cuộc hải trình xuất phát từ châu Âu và dừng lại ở nhiều điểm đến khác nhau: đến châu Mĩ, đến châu Phi, đến châu Á. Trong mục này chúng tôi cố gắng trình bày kiến thức thật ngắn gọn và trọn vẹn.

Đối với HS lớp 7 THCS, trong bài viết đề xuất chúng tôi hạn chế tối đa việc trình bày, liệt kê khối lượng kiến thức lớn với nhiều tên nhân vật, tên địa danh, mốc thời gian khiến các em cảm thấy dài dòng, khô khan, khó nhớ, khó hiểu. Chúng tôi lựa tiến hành chọn liệt kê những thành quả tiêu biểu trong bốn cuộc phát kiến địa lí.

Tất cả các tên nhân vật, địa điểm lịch sử được sử dụng trong bài viết chúng tôi đều dùng thống nhất tên tiếng Anh như Dias, Vasco Da Gama, C. Columbus, Magellan,…

Với mục III: “Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí” tập trung phân tích và liên hệ các tác động của các cuộc phát kiến địa lí đối với châu Âu nói riêng và toàn nhân loại nói chung. Cụ thể như sau:

Phát kiến địa lí đã đem đến cho con người những hiểu biết mới về Trái Đất, những con đường mới, dân tộc mới, thị trường thế giới cũng được mở rộng. Nó thúc đẩy quá trình khủng hoảng và tan rã của chế độ phong kiến và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu. Làm nảy sinh quá trình cướp bóc thuộc địa và buôn bán nô lệ.

Đây là một nội dung quan trọng của bài học mà HS cần tìm hiểu do đó chúng tôi khai thác hệ quả của cuộc phát kiến địa lí trên hai khía cạnh là tác động tích cực và tiêu cực. Thế kỉ XV, XVI, ngày đêm thuyền bè tấp nập từ Đại Tây Dương chở của cải từ Tân thế giới về Cựu thế giới làm giàu cho chính quốc.

Giúp Tây Ban Nha trở thành quốc gia giàu nhất châu Âu lúc bấy giờ, thúc đẩy quá trình tan rã của chế độ phong kiến và là tiền đề cho sự xuất hiện của tư bản chủ nghĩa ở Châu Âu.

Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh quá trình cướp bóc và buôn bán nô lệ. Trong cả ba nội dung, chúng tôi sử dụng kết hợp song song kênh hình và tư liệu tham khảo để bài học trở nên sinh động, hấp dẫn đồng thời giúp HS có cái nhìn sinh động, cụ thể hơn về những vấn đề Lịch sử.

Một bài viết ngắn gọn, khoa học, trọng tâm chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao hơn so với một bài viết khô khan, nặng tính hàn lâm. Mục đích của chúng tôi khi đưa ra mô hình bài viết này là khuyến khích khả năng tự nghiên cứu, tự làm việc với SGK của HS, khuyến khích HS ham mê tìm hiểu, yêu thích bộ môn Lịch sử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề xuất cấu trúc bài học cho sgk lịch sử lớp 7 ở việt nam trên cơ sở nghiên cứu sgk lịch sử của australia​ (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)