Yêu cầu của việc biên soạn cấu trúc bài học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề xuất cấu trúc bài học cho sgk lịch sử lớp 7 ở việt nam trên cơ sở nghiên cứu sgk lịch sử của australia​ (Trang 58 - 60)

Xuất phát từ những đòi hỏi phải nâng cao chất lượng bộ môn, từ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Đổi mới cấu tạo bài học trong SGK nghĩa là đổi mới thành phần cấu tạo, đó là phần bài viết và phần cơ chế sư phạm.

Thứ nhất, đối với phần bài viết:

Tính khoa học, hiện đại: bài viết trong SGK cung cấp những kiến thức cơ bản: sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu kết hợp phân tích một cách hợp lí để học sinh hiểu rõ bản chất của vấn đề. Phản ánh một số thành tựu mới, tương đối ổn định của Khoa học Lịch sử. Bộ môn Lịch sử với vai trò hình thành thế giới quan khoa học, phẩm chất đạo đức chính trị cho HS do đó cần viết trên quan điểm lập trường của Chủ nghĩa Mác- Lê nin, đường lối Hồ Chí Minh.

Tính cụ thể: Đối với phần trình bày kiến thức Lịch sử cần thiết hạn chế việc thông báo sự kiện một cách khô khan, tăng cường miêu tả tường thuật để HS có thể tái hiện quá khứ một cách chính xác, tránh hư cấu hay hiện đại hóa Lịch sử.

Tính vừa sức: Bài viết trong SGK phải đảm bảo phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi của HS. Giúp HS có thể tự học, tự nghiên cứu, tránh hiện tượng quá tải. Cần thiết phải xác định mức độ kiến thức vừa đủ cho một đơn vị thời gian, tránh tình trạng bài viết trình bày quá nhiều sự kiện, số liệu, niên đại, tên đất, tên người,.. Cách viết cần súc tích, hấp dẫn, lôi cuốn HS.

Ngoài ra, bài viết phải đảm bảo sự chuẩn xác về ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn từ đúng ngữ pháp, đúng chính tả, đơn trị, không tạo khả năng hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đồng thời dùng ngôn ngữ tường minh, tránh dùng từ ngữ trừu tượng hay ngôn ngữ địa phương vùng miền. Các thuật ngữ khoa học cần sử dụng nhất quán trong cùng một môn học.

Thứ hai, đối với phần cơ chế sư phạm: cần tiến hành đổi mới ở tất cả các yếu tố: kênh hình, câu hỏi, bài tập…

Về kênh hình: Phải phù hợp với nội dung và thông tin ở phần kênh chữ, đảm bảo không sai lệch về mặt khoa học hoặc có tác động xấu đến nhận thức, tình cảm, tư tưởng của HS. Về hình thức, kênh hình phải đảm bảo tính phong phú, màu sắc hài hòa. Cần thiết kèm theo lời giải thích, ghi chú ngắn gọn về kênh hình (chụp năm nào, ở đâu, tác giả…). Khi khai thác kênh hình cần kết hợp hệ thống câu hỏi gợi mở nhằm phát triển khả năng quan sát, phân tích, tưởng tượng của HS.

Về câu hỏi, bài tập thực hành: Cần đảm bảo tính khoa học và sư phạm. Về nội dung: câu hỏi và bài tập cần đảm bảo ba mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ngoài những câu hỏi vừa sức, cần thiết có những câu hỏi, bài tập thể hiện sự phân hóa, đáp ứng các năng lực khác nhau, đặc biệt cần những câu hỏi đòi hỏi khả năng sáng tạo cao của HS.

Trong SGK Lịch sử hiện hành, hầu như không có các bài tập thực hành bộ môn. SGK Lịch sử sau 2018 cần thiết phải có bài tập, gồm các loại:

Bài tập nhận thức: bài tập này hướng vào nội dung trọng tâm của bài, giúp HS tiếp thu những kiến thức cốt lõi trong quá trình học tập.

Bài tập thực hành gồm các loại: vẽ sơ đồ, biểu đồ, đồ thị,... loại bài tập này không chỉ rèn luyện kĩ năng mà còn giúp các em hệ thống lại, củng cố và ghi nhớ những kiến thức đã học. Đồng thời, phát huy năng lực độc lập làm việc bồi dưỡng khả năng tự học của HS trong học tập.

Về tài liệu tham khảo: tri thức Lịch sử có điểm nổi bật đó là tính quá khứ, tính cụ thể và tính không lặp lại. Do đó tài liệu tham khảo chứa đựng một đơn vị kiến thức quan trọng trong bài học làm cụ thể hóa các vấn đề Lịch sử; bổ sung, làm hoàn thiện các nội dung trong SGK. Tài liệu tham khảo kết hợp cùng hệ thống câu hỏi sẽ là nguồn để HS tự tìm kiếm tri thức từ đó khéo léo tạo cho HS biểu tượng về sự kiện, hiện tượng Lịch sử; hình thành khái niệm; nắm vững bản chất vấn đề.

Như vậy, xây dựng chương trình và biên soạn bài học trong SGK là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với ngành giáo dục. Chương trình và SGK đảm bảo thực hiện mục tiêu đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và mục tiêu giáo dục của nhà trường. Vì vậy, công việc này cần phải được tiến hành đồng nhất với công tác tập huấn giáo viên, đào tạo sinh viên sư phạm, phân phối chương trình linh hoạt, mềm dẻo…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề xuất cấu trúc bài học cho sgk lịch sử lớp 7 ở việt nam trên cơ sở nghiên cứu sgk lịch sử của australia​ (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)