5. Kết cấu của luận văn
4.2.9. Tuyên truyền hỗ trợ Người nộp thuế
Cần phải thực hiện việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho Người nộp thuế, để tạo bước chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ Người nộp thuế. Chi cục Thuế cần phải tăng cường đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ Người nộp thuế, trong đó tập trung vào một số nội dung và biện pháp dưới đây:
- Về nội dung, thứ nhất, tập trung phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ Người nộp thuế về các chính sách và thủ tục hành chính thuế, nhất là các qui định mới được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, phát hành, sử dụng hóa đơn...)
Thứ hai, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính thuế, mục đích, ý nghĩa, tác động, hiệu quả của việc cải tiến thủ tục, đổi mới phương thức kê khai, nộp thuế đối với cơ quan thuế và Người nộp thuế. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để Người nộp thuế biết những lợi ích thiết thực của việc kê khai, nộp thuế điện tử từ đó tích cực tham gia thực hiện.
Thứ ba, thường xuyên đưa tin về hoạt động của ngành thuế, phản ánh những hoạt động của ngành thuế hướng tới Người nộp thuế, đồng hành cùng Người nộp thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho Người nộp thuế; đồng thời phản ánh những nỗ lực của ngành thuế trong công tác quản lý thuế, thực hiện tốt nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước; xây dựng hình ảnh, nâng cao uy tín của ngành Thuế trong cộng đồng xã hội.
Thứ tư, tuyên truyền, tôn vinh, tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước; phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế.
- Về hình thức, đổi mới, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm ngành nghề cũng như địa
bàn kinh doanh của Người nộp thuế. Rà soát, xóa bỏ, thay thế các hình thức tuyên truyền lạc hậu, không hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông hiện đại, có đối tượng tiếp nhận thông tin rộng, tác động tuyên truyền lớn, kinh phí hợp lý, hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền trên phát thanh, truyền hình và các phương tiện điện tử (báo mạng, internet...).
Thứ hai, đẩy mạnh cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục thuế, đăng tải đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế và các thông tin liên quan khác nhằm phục vụ tốt nhu cầu khai thác, tra cứu thông tin của Người nộp thuế.
Thứ ba, thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ thủ tục hành chính về thuế và một số thông tin theo quy định (thông tin về hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, thông tin về hóa đơn, về doanh nghiệp thuộc diện rủi ro) trên Trang thông tin điện tử và tại trụ sở cơ quan thuế. Ngoài ra, phải thực hiện công khai, niêm yết tại trụ sở cơ quan thuế nơi giải quyết thủ tục của Người nộp thuế về quy trình thực hiện và các giấy tờ cần thiết liên quan đến Người nộp thuế là cá nhân (như: cấp hóa đơn lẻ, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản, nhà ở...) giúp người dân, Người nộp thuế dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt để thực hiện, đồng thời dễ giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuế.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với Người nộp thuế: tọa đàm, đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Người nộp thuế, lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của Người nộp thuế. Nghiên cứu thực hiện tổ chức các “tuần lễ lắng nghe Người nộp thuế”, “Tuần lễ hỗ trợ Người nộp thuế”... theo chủ đề, nội dung và quy mô phù hợp với từng địa phương.
Thứ năm, đưa ra đánh giá và tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền qua biển hiệu, panô.
- Về cán bộ tư vấn thuế cần được trau dồi phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp.
Hoạt động của cơ quan thuế là hoạt động công quyền nên không tránh khỏi tình trạng hách dịch, cửa quyền, quan liêu, thậm chí nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Do đó, không chỉ riêng người làm công tác hướng dẫn về thuế mà tất cả cán bộ viên chức ngành Thuế cần tự rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng của người công bộc của nhân dân. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về những nội dung như: nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; … nên thường xuyên được tổ chức trong toàn thể cán bộ công chức. Nhân viên hướng dẫn về thuế phải có trách nhiệm đối với nội dung hướng dẫn cho NNT tránh hướng dẫn sai gây thiệt hại cho họ và phải cung cấp đầy đủ những thông tin họ cần trong cùng một lần, không được lợi dụng chức trách của mình để gây phiền hà, nhũng nhiễu NNT hoặc hùa theo NNT để lách luật, vi phạm pháp luật về thuế. Ngoài ra, cán bộ tư vấn thuế cũng cần thể hiện tác phong, thái độ đúng mực khi tiếp xúc với người dân; không nên hành động theo thói quen công quyền, thể hiện sự ban ơn đối với NNT mà phải biết đặt mình vào vị trí của NNT để cảm thông và chia sẻ.