Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại chi cục thuế thị xã phúc yên​ (Trang 99 - 101)

Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

4.2.6. Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế

Để công tác cưỡng chế nợ thuế được khả thi, đúng quy trình, đúng pháp luật, yêu cầu tất cả cán bộ công chức của đơn vị cần tăng cường học tập các văn bản, quy trình nghiệp vụ, luật quản lý thuế. Trong đó quy trình cưỡng chế nợ thuế phải thực hiên đúng nguyên tắc, áp dụng biện pháp cưỡng chế thích hợp, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, để đảm bảo thi hành quyết định hành chính thuế được nghiêm minh. Cần xác định nợ phải chính xác, thu thập xác minh, kiểm tra thông tin, tổ chức thực hiện, theo dõi quá trình thực hiện, phân tích đánh giá tình hình nợ thuế trên địa bàn từ đó đề ra các biện pháp xử lý

thích hợp.

Chi cục Thuế thị xã cần đặc biệt lưu ý sử dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng. Trong trường hợp các doanh nghiệp vẫn tiếp tục dây dưa, không chấp hành đúng quy định Chi cục Thuế sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến của tỉnh cho đăng tải thông tin về các doanh nghiệp không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo chỉ đạo của Cục thuế tỉnh, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế mới đây.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm nợ thuế, Chi cục Thuế cũng cần chủ động cùng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch trả nợ theo hướng trả dần để giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp trong một thời điểm nhất định, từ đó có thêm điều kiện để sản xuất kinh doanh; cần sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thị xã để ngành Thuế phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nợ đọng.

Đối với các khoản nợ khó thu, rà soát lập danh sách doanh nghiệp cụ thể để phân loại nguyên nhân, trường hợp khó thu, lập hồ sơ xin xóa nợ theo quy định đối với các khoản nợ khó thu trên 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu được. Đồng thời, đề nghị cơ quan công an hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến các chủ doanh nghiệp còn nợ thuế nhưng không còn tồn tại tại địa chỉ kinh doanh đã đăng kí với cơ quan thuế, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp để thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước, cưỡng chế thu nợ theo quy định.

Khẩn trương chỉ đạo các bộ phận Kiểm tra thuế, Kê khai thuế, Quản lý nợ thuế rà soát, phân tích, tình trạng nợ thuế, đối chiếu với số nợ của từng đối tượng nợ thuế; tổ chức đốc thu ngay khi phát sinh số thuế phải nộp. Trong quá trình đôn đốc thu nợ, cần tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp nợ thuế; công khai thông tin các trường hợp nợ thuế chây ì trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhằm tranh thủ dư luận để

thu hồi nợ thuế, chống thất thu thuế.

Chủ động phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cung cấp, trao đổi thông tin theo quy định tại Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BTC-NHNN ngày 14/7/2010 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước và các quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ thuế thông qua tài khoản của các doanh nghiệp nợ thuế. Củng cố hồ sơ các trường hợp để nợ thuế lớn, kéo dài; phối hợp với cơ quan công an bàn các biện pháp thu hồi nợ thuế, xác minh thông tin, tổ chức cưỡng chế thu nợ theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng khác đang nắm giữ tài sản thế chấp của các trường hợp nợ thuế, thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế thông qua tài sản thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Phối hợp với cơ quan thi hành án bàn các biện pháp thu hồi nợ của các trường hợp phá sản còn nợ thuế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại chi cục thuế thị xã phúc yên​ (Trang 99 - 101)