không thuộc đối tượng phải đăng ký theo quy định pháp luật và đã phát hiện ra những sai phạm trong một số lĩnh vực [8]. Tuy nhiên, theo chúng tôi quy định này khó triển khai trong thực tế, bởi lẽ với một lực lượng chức năng còn hạn chế về số lượng như hiện nay thì việc phát hiện ra những hợp đồng theo mẫu vi phạm pháp luật về BVQLNTD hoặc trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng không phải đơn giản, và như vậy chỉ khi có khiếu nại/khiếu kiện của NTD đến cơ quan chức năng thì việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu trong trường hợp này mới diễn ra, trong khi quyền lợi của NTD đã bị xâm hại trước đó.
3.1.4 Hậu quả pháp lý của các điều khoản không có hiệu lực trong hợp đồng theo mẫu theo mẫu
Hậu quả pháp lý của các điều khoản không có hiệu lực (ở pháp luật các nước, điều khoản này thường xuất hiện với tên gọi là “điều khoản lạm dụng”, “điều khoản bất công”) trong hợp đồng theo mẫu được quy định tại Khoản 3 Điều 405 BLDS (2015) “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Một điều khoản trong hợp đồng theo mẫu nếu đã bị đánh giá và tuyên bố là điều khoản không có hiệu lực thì dù đã được áp dụng trên thực tế qua giao kết hợp đồng, chúng không có giá trị và “không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập”
(Khoản 1 Điều 131 BLDS 2015).
Như vậy, trong hợp đồng theo mẫu nếu chứa đựng điều khoản không có hiệu lực được hiểu là vô hiệu từng phần. Ngoại trừ những điều khoản không có hiệu lực, những quy định và thỏa thuận khác trong hợp đồng hoàn toàn không bị ảnh hưởng theo hệ quả pháp lý của điều khoản không có hiệu lực (trừ trường hợp
hợp đồng theo mẫu vi phạm các quy định tại các điều từ 123 đến điều 129 BLDS 2015), theo đó“Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”
(Điều 130 BLDS 2015)
Việc giải quyết hệ quả pháp lý của phần nội dung bị tuyên bố vô hiệu (những điều khoản không có hiệu lực) cũng tuân theo những quy định chung của pháp luật dân sự “Việc tuyên bố và xử lý điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự” (Khoản 2 Điều 16 Luật BVQLNTD 2010). Theo đó, “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. (Khoản 2,3,4 Điều 131 BLDS 2015).
Như vậy, theo quy định nếu điều khoản không có hiệu lực trong hợp đồng theo mẫu ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng đã “tạo nên sự bất cân xứng”, nghĩa là đã “miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia” mà trong quá trình thực hiện hợp đồng, điều khoản đó đã được thi hành thì các bên phải “khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Ví dụ: Điều khoản cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong một hợp đồng theo mẫu bị tuyên bố là điều khoản không có hiệu lực, nếu NTD đã tuân theo điều khoản này mà thực hiện một hay một số nghĩa vụ nào đó như nghĩa vụ trả tiền cao hơn so với mức ban đầu thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ sẽ hoàn lại khoản tiền chênh lệch này.
“hợp đồng theo mẫu tiếp tục có hiệu lực mà không bao gồm những điều khoản này” (Art. L123-1 Bộ luật tiêu dùng Pháp).
Nếu một điều khoản trong hợp đồng theo mẫu bị tuyên bố vô hiệu thì một vấn đề quan trọng được đặt ra đó là bồi thường thiệt hại. Việc “bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”(Khoản 1 Điều 131 BLDS 2015) trong hợp đồng theo mẫu đối với trường hợp có điều khoản bị tuyên bố vô hiệu thường được hiểu là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (bên soạn thảo hợp đồng). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 360 BLDS (2015) về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và chương XX về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS (2015).
Trong mối quan hệ tiêu dùng, việc áp dụng hình thức giao dịch thông qua hợp đồng theo mẫu dẫn đến việc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ lợi dụng vị thế chủ động của mình để mưu cầu lợi ích không chính đáng bằng cách đưa ra các điều khoản có lợi cho mình và đẩy những bất lợi về phía người tiêu dùng (điều khoản bất công hay điều khoản lạm dụng). Việc sử dụng những điều khoản không có hiệu lực như vậy sẽ dẫn đến hệ quả là khả năng NTD phải gánh chịu thiệt hại trong một số trường hợp. Vì vậy, nếu áp dụng luật chung về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu thì bên có lỗi gây thiệt hại (lúc này là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ - người soạn thảo ra điều khoản không có hiệu lực) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NTD nếu có thiệt hại phát sinh đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về bồi thường thiệt hại.
Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh, người ta chia trách nhiệm bồi thường thiệt hại thành hai dạng bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi hợp đồng theo mẫu giao kết giữa NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chứa đựng điều
khoản không có hiệu lực bị tuyên bố vô hiệu (vô hiệu từng phần) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh sau đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi lẽ quyền của NTD bị xâm phạm, tổn thất do điều khoản không có hiệu lực gây ra thực chất là phần bị vô hiệu của hợp đồng theo mẫu.Việc phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do điều khoản không có hiệu lực là trách nhiệm bồi thường trong hay ngoài hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định cơ sở phát sinh trách nhiệm, mức bồi thường cũng như các nguyên tắc cơ bản xác định thiệt hại cần phải bồi thường. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định như: có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái phát luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi. Tuy nhiên, việc nội dung của điều khoản đó hay việc nó bị vô hiệu dẫn đến thiệt hại cho NTD có tính đến yếu tố lỗi hay không khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cả BLDS 2015 không hề đề cập đến. Tại Điều 608 BLDS (2015) có quy định “Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng”, nhưng quy định này chỉ ápdụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường, đây là một điều đáng tiếc đối với các quy định về BVQLNTD trong các giao dịch có sử dụng hợp đồng theo mẫu.
Như vậy, có thể nói dường như pháp luật hiện hành đã tập trung điều chỉnh đến những tranh chấp phát sinh từ chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà chưa quan tâm thoả đáng đến BVQLNTD trong việc bồi thường thiệt hại do các điều khoản không có hiệu lực gây ra trong các giao dịch có sử dụng hợp đồng theo mẫu ở Việt Nam. Điều này cũng dễ lý giải bởi vì thực tiễn giao dịch qua hợp đồng theo mẫu ở Việt Nam hiện nay chưa phát sinh những tranh chấp lớn về điều khoản không có hiệu lực trong các giao dịch có sử dụng hợp đồng theo mẫu.
3.1.5 Pháp luật về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ