Nguyên tắc bảo đảm quyền tự do hợp đồng, cơ sở pháp lý và vai trò của hợp đồng theo mẫu

Một phần của tài liệu luu-ban-nhap-tu-dong-2-2 (Trang 39 - 42)

hợp đồng theo mẫu

Mặc dù được coi là nền tảng cho lý luận về hợp đồng, nhưng thuyết tự do ý chí cũng có những nhược điểm nhất định. Nó không thể giải quyết được một cách thoả đáng những mối quan hệ xã hội phức tạp ngày nay, khi mà con người sống trong sự phụ thuộc lẫn nhau, khi mà sự bất cân xứng thông tin ngày càng trở lên trầm trọng. Chính vì vậy, nhà làm luật phải vào cuộc để đưa ra những quy định có tính chất bắt buộc nhằm đảm bảo trật tự công cộng và đạo đức xã hội. V.I. Lênin cho rằng, “nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để kẻ giàu bóc lột người nghèo và sẽ là nguy cơ đối với lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, phải đi xa hơn nữa trong vấn đề tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ pháp luật tư, các việc dân sự” [38, tr.577]. Như vậy, việc các nhà làm luật đưa ra các quy định nhằm hạn chế tự do hợp đồng cần được hiểu đó chính là những bảo đảm cần thiết cho tự do hợp đồng có thể được duy trì trong một xã hội hiện đại, vì lợi ích của người khác, lợi ích chung của xã hội, trật tự công cộng và đạo đức. Trước yêu cầu đó, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công, cần phải ban hành những quy định pháp luật chống lại các hành

vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng, nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng của người khác, lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng. Đây là cơ sở để pháp luật hợp đồng đặt ra các quy định về năng lực chủ thể giao kết hợp đồng, nguyên tắc giao kết hợp đồng, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, các trường hợp hợp đồng vô hiệu và cách thức xử lý hợp đồng vô hiệu… Trên cơ sở đó, các học thuyết về hợp đồng ngày càng đặt ra nhiều cơ sở cho sự tác động của Nhà nước vào quyền tự do hợp đồng so với quan niệm truyền thống trước đây.

Trên thị trường, mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ với NTD được thiết lập chủ yếu thông qua hình thức hợp đồng. Theo tinh thần “tự do khế ước” của hợp đồng nói chung thì nó bao hàm sự thỏa thuận và mục đích tạo lập hiệu lực pháp lý cho các bên. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều loại hợp đồng khi giao kết không đáp ứng hai điều kiện này, bởi các nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ thường đưa ra hợp đồng mà họ đã đơn phương soạn sẵn, còn NTD chỉ có một trong hai sự lựa chọn “chấp nhận” hoặc “không chấp nhận” (và trong một số trường hợp, NTD chỉ có thể “chấp nhận”, chứ không có lựa chọn nào khác vì tình trạng độc quyền, ví dụ hợp đồng mua bán điện sinh hoạt).

Hợp đồng theo mẫu là một dạng hợp đồng phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại và được sử dụng phổ biến trong đời sống tiêu dùng. Các điều kiện giao dịch chung được các luật gia phương tây mô tả là đứa con của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Với việc xuất hiện khả năng sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang tính hàng loạt và liên tục cho vô số các khách hàng, thực tế này đã đặt ra vấn đề “tiêu chuẩn hoá” các điều khoản của các hợp đồng mua bán. Trong bối cảnh đó, từ giữa thế kỷ trước, các doanh nghiệp, trước tiên là bảo hiểm, giao thông, tín dụng rồi sau đó là các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ đều thiết lập cho mình những quy tắc bán hàng thống nhất, áp dụng chung trong các giao dịch với khách hàng của mình [53, tr.43]. Như vậy, có thể nói hợp đồng theo mẫu được hình thành khi nền sản xuất hàng hóa phát triển đến một trình độ nhất

định, quan hệ tiêu dùng trở thành một mối quan hệ mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ phổ biến.

Việc sử dụng hợp đồng theo mẫu được áp dụng chung cho mọi khách hàng, trước tiên vì mục tiêu hợp lý hoá việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường. Qua đó, bên bán và bên mua đều có thể “tiết kiệm” được thời gian, sức lực trong đàm phán và thoả thuận. Xa hơn nữa và thực tiễn đã thừa nhận là, thông qua việc thiết lập các quy tắc bán hàng thống nhất, các nhà cung cấp cùng với các hiệp hội nghề nghiệp của mình đã phát triển nhiều loại hợp đồng cụ thể mà nhà làm luật chưa hề biết tới. Bên cạnh đó, hợp đồng theo mẫu có khả năng ngăn ngừa những rủi ro nhận thức của các bên tham gia quan hệ hợp đồng liên quan đến việc giải thích hợp đồng và trên thực tế đã được sử dụng như một công cụ hữu hiệu của việc phân chia rủi ro pháp lý, trách nhiệm giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng.

Ban đầu, hợp đồng theo mẫu nói riêng cũng như các điều kiện giao dịch chung khác thể hiện tính năng ưu việt của nó trong việc rút ngắn thời gian, đơn giản hóa hình thức và thủ tục trong giao dịch giữa nhà cung ứng với số lượng khách hàng đông đảo của mình. Các khách hàng tìm đến giao dịch cũng cảm thấy hài lòng, vì đa phần các giao dịch mà họ tham gia là nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của bản thân. Vì vậy, thời gian nhanh, thủ tục đơn giản mà vẫn đạt được mục tiêu hướng đến là điều họ mong đợi. Tuy nhiên, càng về sau, do sự thiếu vắng quá trình thương lượng trong giao kết hợp đồng theo mẫu, bên soạn thảo hợp đồng bắt đầu sử dụng lợi thế sẵn có của mình để chèn ép bên còn lại. Điều này đòi hỏi sự can thiệp của Nhà nước trong việc điều tiết quan hệ hợp đồng giữa thương nhân và NTD nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong quan hệ này cũng như bảo vệ được quyền lợi của NTD.

Một phần của tài liệu luu-ban-nhap-tu-dong-2-2 (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w