trong các giao dịch có sử dụng hợp đồng theo mẫu
Như đã đề cập ở trên, theo Luật BVQLNTD (2010), NTD tại Việt Nam có tám quyền và về cơ bản thì các quyền này của NTD theo pháp luật Việt Nam đã phù hợp với Bản hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ NTD. Các quyền của NTD trong các hợp đồng theo mẫu không tách rời các quyền của NTD nói chung. Quyền lợi NTD trong hợp đồng theo mẫu không chỉ được quy định trong Luật BVQLNTD mà còn được quy định ở các văn bản pháp lý khác nhau.
Điều 405 BLDS (2015) quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Điều 17 Luật BVQLNTD (2010) quy định, “Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Với quy định này, NTD có một khoảng “thời gian hợp lý” để nghiên cứu hợp đồng trước khi “chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng” tức là NTD có quyền ký hoặc không ký hợp đồng. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, quy định này mang tính hình thức, điều này đặc biệt đúng trong các trường hợp các hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực thiết yếu hoặc độc quyền (chẳng hạn hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, hợp đồng cung ứng nước sạch), bởi NTD không
mua của những nhà cung cấp này thì cũng chẳng biết mua ở đâu. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp NTD do chưa trở thành “người tiêu dùng thông thái” và để trở thành “người tiêu dùng thông thái” cũng rất khó, do họ bị hạn chế về thông tin, nên nhiều khi họ cũng không cần nghiên cứu mà đặt bút ký luôn. Cùng với đó, việc quy định “trong một thời gian hợp lý” là khá trừu tượng, thời gian hợp lý ở đây là mấy giờ, hay mấy ngày?.
Việc bảo vệ NTD được thể hiện rõ nhất trong quy định tại Khoản 2 Điều 405 BLDS (2015), “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”; Khoản 6 Điều 404 BLDS (2015), “Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế” và Điều 15 Luật BVQLNTD (2010),
“Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”. Như vậy, có thể thấy với các quy định này thì NTD đã được bảo vệ trong các giao dịch có sử hợp đồng theo mẫu, điều này cũng thể hiện tính chất ngoại lệ trong quan hệ dân sự truyền thống, hay nói theo cách của PGS.TS Nguyễn Như Phát “mọi hệ thống pháp luật nhân đạo đều phải ưu tiên bảo vệ kẻ yếu”. Tuy nhiên theo TS. Ngô Huy Cương, khi giải thích hợp đồng cũng cần lưu ý: việc giải thích hợp đồng bất luận trong trường hợp nào cũng phải dựa trên nguyên tắc thiện chí, trung thực (hay tin cậy và thiện tâm), do vậy việc giải thích chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế chứ không gây bất lợi cho bên nào.
Bên cạnh đó, để bảo vệ hơn nữa đối với NTD, Khoản 3 Điều 405 BLDS (2015) quy định, “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Đây là quy định có tính chất “chế tài” đối với các giao dịch
có khả năng gây bất lợi cho NTD nhằm đảm bảo sự công bằng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ với NTD trong quan hệ tiêu dùng - vốn dĩ là một mối quan hệ không bình đẳng. Tuy nhiên, với quy định “trừ trường hợp có thoả thuận khác”, không những đã thể hiện sự mâu thuẫn ngay trong nội dung của Khoản 3 Điều 405, mà còn làm “triệt tiêu” luôn cơ chế bảo vệ hiệu quả đối với quyền lợi của người tiêu dùng, bởi lẽ trong thực tế các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ phải tôn trọng sự thoả thuận giữa các bên mặc dù thoả thuận đó “có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia”. Hay nói cách khác, Bộ luật Dân sự vẫn ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, như đã đề cập, trong hợp đồng theo mẫu, NTD không có cơ hội để thỏa thuận, đàm phán hợp đồng mà phải chấp nhận toàn bộ các điều khoản của hợp đồng nếu muốn xác lập giao dịch. Vì vậy, một khi NTD đã ký vào bản hợp đồng theo mẫu thì họ được coi như đã đồng ý với nội dung hợp đồng kể cả hợp đồng có những nội dung miễn trách nhiệm của thương nhân hay tăng trách nhiệm của NTD. Hơn thế nữa, với cách quy định như vậy nó cũng sẽ mâu thuẫn với Khoản 1 Điều 405 BLDS (2015), vì NTD không có quyền bảo lưu hay thoả thuận lại mà chỉ có quyền chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng hoặc không chấp nhận. Như vậy, có thể nói BLDS sự chỉ đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc mà chưa thể hiện được mục đích bảo vệ đến cùng các quyền và lợi ích chính đáng của NTD trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Điều 405 BLDS (2015) vừa nêu trên là chưa phù hợp với nguyên tắc tự do hợp đồng, cũng như chưa tính đến các khả năng khác hoặc các ngoại lệ để cho phép bên được đề nghị giao kết hợp đồng có quyền thương lượng lại các điều khoản của hợp đồng, hoặc có quyền bảo lưu các điều khoản mà mình không đồng ý. Ngoài ra, quy định tại các Khoản 2 và Khoản 3 cũng chỉ mang tính chất
nguyên tắc trừu tượng và chưa rõ ràng, có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau dẫn đến khả năng làm vô hiệu hóa nội dung tích cực của điều luật này. Để khắc phục những điểm hạn chế như đã nêu trong BLDS thì luật BVQLNTD (2010) quy định, trường hợp nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD hoặc trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm đó. Trường hợp nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không rõ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải trình làm rõ các nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đó (Điều 16 Luật BVQLNTD 2010).