2.1.1.1 Khái quát về hợp đồng
Hợp đồng là một trong những yếu tố luôn song hành cùng với sự phát triển của xã hội loài người mà cụ thể là trong các giao dịch của con người, nó là phương tiện chủ yếu để con người tiến hành các giao dịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Xã hội càng phát triển thì hợp đồng càng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành nền kinh tế của một quốc gia, thậm chí là cả thế giới. Vì lẽ đó, ngay từ thế kỷ thứ XVIII, nhà triết học, xã hội học người Pháp Plulur đã dự đoán:"Hợp đồng chiếm 9/10 dung lượng các bộ luật hiện hành, và đến lúc nào đó tất cả các điều khoản của bộ luật, từ điều khoản thứ nhất đến điều khoản cuối cùng đều quy định về hợp đồng".[12, tr.8]
Hợp đồng là những hành vi pháp lý song phương hay đa phương, là hệ quả của sự thỏa thuận giữa các chủ thể. Tuy nhiên, không phải mọi sự thỏa thuận đều là hợp đồng. Những thỏa thuận được coi là hợp đồng khi thoả thuận đó thể hiện ý chí đích thực giữa các bên nhằm tạo ra các hậu quả pháp lý nhất định đối với họ và ý chí của các bên phải hợp lẽ công bằng, hợp pháp, hợp đạo đức. Các hợp đồng được giao kết dưới tác động của cưỡng bức, lừa dối hoặc mua chuộc là không thể hiện ý chí đích thực của các bên nên không làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý giữa các bên trong quan hệ hợp đồng và có thể bị coi là vô hiệu. Cùng với đó, yếu tố không thể thiếu trong hợp đồng là chính là đối tượng của hợp đồng, tức là sự thỏa thuận của các bên phải nhằm một mục đích nhất định, một đối tượng cụ thể. Nếu mục đích giao kết hợp đồng của các bên là trái pháp luật,
cũng bị coi là vô hiệu. Yếu tố thứ ba trong hợp đồng đó chính là năng lực pháp lý và năng lực hành vi của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng là hành vi pháp lý thể hiện sự thoả thuận của các bên giao kết nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.
2.1.1.2 Quyền tự do hợp đồng
Như đã trình bày ở trên, bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trên cơ sở tự do, tự nguyện, bình đẳng. Tự do ý chí luôn được xác định là nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng dù ở bất cứ hệ thống pháp luật nào.
Thuyết tự do ý chí phát triển mạnh mẽ ở Pháp vào thế kỷ XVIII, nội dung của thuyết này xuất phát từ quan điểm cho rằng, ý chí của con người là tối thượng và tự chủ, chỉ các hành vi xuất phát từ ý chí tự chủ của một người mới có hiệu lực ràng buộc đối với người đó. Có nghĩa là không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm một việc gì đó ngoài ý muốn của họ, vì lợi ích của chính họ. Do đó, tự do ý chí phải được đề cao để con người vì lợi ích của mình trong xã hội tự do cạnh tranh mang lại những lợi ích chung.
Học thuyết tự do ý chí đã dẫn đến một hệ quả trước tiên coi hợp đồng là một loại nguồn quan trọng nhất của nghĩa vụ pháp lý. Bởi vậy, hợp đồng có nhiệm vụ bảo đảm sự tự do và trung thực khi thể hiện ý chí của các đương sự. Từ đó, pháp luật về hợp đồng phải có các quy định loại bỏ những trường hợp không bảo đảm sự tự do và trung thực khi thể hiện ý chí của các bên trong giao dịch. Các trường hợp giao kết hợp đồng do nhầm lẫn, do lừa dối hay do bạo lực có thể sẽ làm cho hợp đồng vô hiệu. Khi hợp đồng đã được các bên ký kết, sẽ có giá trị bắt buộc, như là “luật” đối với các bên. Hơn thế nữa, hợp đồng còn có giá trị pháp lý ngay cả đối với các cơ quan công quyền, nghĩa là khi xét xử, giải
thích hợp đồng, Toà án phải tôn trọng ý chí của các bên, không được sửa đổi hay giải thích nội dung hợp đồng khác với ý chí, nội dung giao kết của các bên.
Như vậy, có thể hiểu quyền tự do hợp đồng bao gồm những nội dung cơ bản: (i) hợp đồng phải là kết quả của sự tự nguyện thoả thuận, là sự thể hiện ý chí đích thực của các bên; (ii) các bên tự do xác định nội dung của hợp đồng, tự do thoả thuận các điều khoản của hợp đồng. Các quy định về trật tự công cộng chỉ được áp dụng trong trường hợp ngoại lệ đặc biệt; (iii) hình thức của hợp đồng không phải là yếu tố quan trọng, chỉ cần các bên đạt được thoả thuận với nhau là coi như hợp đồng đã được ký kết; (iv) các bên có quyền tự do quyết định việc giải quyết bất đồng khi có tranh chấp phát sinh.