Tình hình giảm nghèo giai đoạn 2001-

Một phần của tài liệu giảm nghèo theo hướng bền vững ở việt nam (Trang 36 - 40)

Trong giai đoạn này công tác XĐGN tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với mức tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định khiến cho thu nhập bình quân cả nước cũng như thu nhập của người nghèo đều tăng lên.

Công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng đặc biệt trong hai năm triển khai thực hiện chương trình “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo”. Trước năm 2000 hàng năm có gần hai triệu lượt người phải cứu đói giáp hạt và lũ lụt thì từ 2001 đễn 2003 tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 1,5 -1,7 triệu người/năm. Bên cạnh đó các bộ, ngành, địa phương đều tham gia tích cực trong việc khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng mô hình xóa đói giàm nghèo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình; phát huy sự năng động, sáng tạo của chính quyền cơ sở và sự quyết tâm vượt qua đói nghèo của người dân; Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội đã dần hoàn thiện công tác tổ chức phục vụ cho vay tín dụng xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ việc làm… [1, tr.81].

Bảng: 2.1. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia 2001 - 2003 phân theo vùng

Đơn vị: %

Tỷ lệ nghèo

Đầu năm 2001 Cuối năm 2003

Toàn quốc 17,2 11,0

Đông bắc 22,3 13,8

Tây bắc 33,9 18,7

Đồng bằng sông Hồng 9,7 8,1

Bắc Trung bộ 25,6 15,7

Duyên hải miền Trung 22,3 12,2

Tây nguyên 24,9 17,4

Đông Nam bộ 8,9 6,3

Đồng bằng song Cửu Long 14,2 9,3

Nguồn: [1, tr.81].

Chú thích: Chuẩn nghèo quốc gia từ tháng 1/2001: nông thôn miền núi và hải đảo dưới 80.000đồng/tháng; nông thôn đồng bằng dưới 100.000đồng/tháng; thành thị dưới 150.000đồng/tháng.

Như vậy, chỉ trong 3 năm tỷ lệ nghèo (theo chuẩn mới) đã giảm xuống nhanh chóng, trong đó đặc biệt có một số vùng tỷ lệ nghèo có rất cao như Tây bắc, Duyên hải miền Trung tỷ lệ nghèo giảm trên 10%. Đó là thành quả có được từ những nỗ lực kể trên.

Trong những năm tiếp theo 2004, 2005 nếu như vẫn dựa trên chuẩn nghèo được xác định năm 2001 thì số hộ nghèo năm 2003 là 1,7 triệu hộ đã giảm xuống còn 1,4 triệu hộ năm 2004 và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11% xuống còn 8,3% và đến năm 2005 còn 7%, mỗi năm giảm trên 2%. Trong 64 tỉnh, thành phố có 36 tỉnh có tỷ lệ nghèo dưới 10%, và chỉ có 4 tỉnh có tỷ lệ nghèo trên 20% vào năm 2004 thì đến tháng 8 năm 2005 cả nước có hai tỉnh không có hộ nghèo và chỉ có hai tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%...

Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức mục tiêu thiên niên kỷ trước 10 năm về giảm nghèo, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 24,1% năm 2004 (tính theo chuẩn Quốc tế) [1, tr.83].

Bảng: 2.2. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia 2004 - 2005 phân theo vùng

Đơn vị: %

Tỷ lệ nghèo

Đầu năm 2004 Đầu năm 2005

Toàn quốc 8,3 7,0

Đông bắc 10,36 8,0

Tây bắc 14,88 12,0

Đồng bằng sông Hồng 6,13 5,15

Bắc Trung bộ 13,23 10,5

Duyên hải miền Trung 9,56 8,0

Tây nguyên 13,03 11,0

Đông Nam bộ 2,25 1,7

Đồng bằng song Cửu Long 7,4 6,78

Nguồn: [1, tr.83]

Chú thích: Chuẩn nghèo quốc gia từ tháng 1/2001.

Có thể khẳng định rằng: Công tác và kết quả giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm rất rõ rệt (như bảng trên). Đặc biệt là tốc độ

giảm nghèo của các vùng có tỷ lệ nghèo cao, cao hơn những vùng có tỷ lệ nghèo thấp. Nhưng tốc độ giảm nghèo trong năm 2005 chậm lại so với những năm trước đó. Vì vậy đến cuối năm 2005 theo chuẩn nghèo mới được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/5/2005 thì cả nước có 3,9 triệu hộ nghèo, tỷ lệ nghèo toàn quốc là 22% (tại Quyết định này chuẩn nghèo tương ứng là: Đối với khu vực nông thôn 200.000đ/người/tháng; thành thị 260.000đ/người/tháng). Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng cũng tăng lên tương ứng và đặc biệt tỷ lệ nghèo ở một số vùng rất cao (Tây Bắc: 44%, Tây Nguyên: 40%, Bắc trung bộ: 35%).

Rõ ràng giảm nghèo và kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, bởi khi chuẩn nghèo tăng lên vào cuối năm 2005 thì tỷ lệ hộ nghèo tăng mạnh từ 7% lên 22%. Điều này chứng tỏ rằng có nhiều hộ thoát nghèo nhưng nằm ngay sát trên chuẩn nghèo vì vậy nguy cơ tái nghèo rất cao khi thay đổi chuẩn nghèo hoặc có rủi ro, thiên tai, lạm phát… Hơn nữa càng về sau tốc độ giảm nghèo càng chậm lại, tỷ lệ nghèo ở các vùng dồng bào dân tộc thiểu số cao càng chứng tỏ rằng chúng ta đã chưa phát huy được những nhân tố tích cực, giảm nghèo phải từ việc nâng cao nhận thức cho người nghèo, tạo việc làm ổn định, định hướng sản xuất phù hợp…

Như vậy, trong giai đoạn 2001 - 2005 Chính phủ đã rất nỗ lực thực hiện rất nhiều các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia Xoá đói

giảm nghèo và Việc làm: Đây là Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê

duyệt tại Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg với mục tiêu của Chương trình là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo 2001) đến năm 2005 còn dưới 10%, bình quân mỗi năm giảm 1,5 - 2% (khoảng 28 - 30 vạn hộ/năm); không để tái đói kinh niên, các xã nghèo có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản; Mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 1,4 - 1,5 triệu lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn khoảng 5 - 6%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 80% vào năm 2005. Bao gồm ba

nhóm dự án: Nhóm các dự án Xoá đói giảm nghèo chung; Nhóm các dự án Xoá đói giảm nghèo cho các xã nghèo nằm ngoài Chương trình 133; Nhóm các dự án Việc làm. Bên cạnh đó có Chương trình 135 - chương trình xoá đói giảm nghèo đặc thù của Chính phủ vẫn được tiếp tục thực hiện và do Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) là cơ quan thường trực; Chương trình tương tự như Chương trình 135 còn có một chương trình khác hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 157 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, được thực hiện theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 257).

Ngoài Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xóa đói giảm nghèo và Giải quyết việc làm giai đoạn 2001- 2005, cũng trong giai đoạn này, Chính phủ tiếp tục bổ sung hàng loạt các chính sách có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo, bao gồm: Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn nhằm mục đích cùng với việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, sớm thoát nghèo (Quyết định số 134/2004/CP ngày 20/7/2004); Chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo (Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg); Chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía bắc, bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La thời kỳ 2001-2005 (Quyết định số 186/2001/QĐ- TTg); Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg); Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg); Chính sách phát triển kinh tế - xã hội các xã dọc tuyến Biên giới Việt - Trung (Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg)... Điều này đã mang lại rất nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn này (như đã phân tích ở trên)

Tuy nhiên “Thành tựu xóa đói, giảm nghèo chưa thực sự vững chắc. Số

hộ nghèo và tái nghèo ở một số vùng còn lớn, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn nhiều khó khăn; nhiều vùng dân tộc thiểu số có tỉ lệ nghèo cao hơn so với bình quân cả nước. Một số chính sách trợ giúp người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo chưa được tổ chức thực hiện tốt” [15, tr.173].

Vì vậy, để bảo toàn những kết quả đạt được cũng như phát huy những yếu tố tích cực trong công tác giảm nghèo của giai đoạn 2001 - 2005, cần triển khai thực hiện những chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại như đầu tư, hỗ trợ chưa chính xác, chưa phù hợp với đối tượng người nghèo, giảm nghèo tức thời không bền vững...

Một phần của tài liệu giảm nghèo theo hướng bền vững ở việt nam (Trang 36 - 40)