PHẦN 3 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Vị trí địa lý và ranh giới hành chính Tiên Du là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh 5km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc. Tọa độ địa lý của huyện nằm trong khoảng từ 20005’30’’ đến 21011’00’’ độ vĩ Bắc và từ 105058’15’’ đến 106006’30’’ độ kinh Đông. Diện tích tự nhiên của huyện khi chưa điều chỉnh địa giới là 10.838,94 ha, với 14 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn (thị trấn Lim) và 13 xã (xã Liên Bão, xã Đại Đồng, xã Phật Tích, xã Hiên Vân, xã Lạc Vệ, xã Nội Duệ, xã Tri Phương, xã Hoàn Sơn, xã Tân Chi, xã Minh Đạo, xã Cảnh Hưng, xã Việt Đoàn, xã Phú Lâm). Huyện Tiên Du có giáp ranh với các địa phương sau:
- Phía Bắc giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong. - Phía Nam giáp huyện Thuận Thành.
- Phía Đông giáp huyện Quế Võ. - Phía Tây giáp thị xã Từ Sơn.
Trên địa bàn huyện có 3 tuyến quốc lộ 1A, 1B, 38, tỉnh lộ 276, 295 và đường sắt chạy qua nối liền với thành phố Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo cho huyện có thế mạnh trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Tiên Du là một huyện đồng bằng, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh thuận lợi cho việc phát triển thâm canh lúa chất lượng cao. Là huyện có truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa như chùa Hồng Vân, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích… Tiên Du còn là huyện có các làng nghề truyền thống như nghề xây dựng ở Nội Duệ, nghề dệt lụa ở thị trấn Lim, nghề làm giấy ở Phú Lâm…
Với vị trí địa lý như vậy Tiên Du có đủ điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ (Trần Trọng Hưng, 2015).
3.1.1.2. Địa hình, địa chất
Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên địa hình Tiên Du tương đối bằng phẳng. Hầu hết diện tích trong huyện đều có độ dốc <30 (trừ một số đồi núi thấp như: đồi Lim, núi Vân Khám, núi Chè, núi Phật Tích, núi Bát Vạn, núi Đông Sơn… có độ cao từ 20-120m, chiếm diện tích nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên). Địa hình vùng đồng bằng có xu thế nghiêng ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Độ cao trung bình 2,5 - 6,0m so với mặt nước biển.
Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kiến thiết đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát triển rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
Đặc điểm địa chất huyện Tiên Du tương đối đồng nhất do nằm gọn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Tiên Du mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng. Mặt khác, do nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc nên có những nét mang tính chất của vùng Đông Bắc, bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dầy hơn phía Bắc (Trần Trọng Hưng, 2015).
3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn
Tiên Du nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa biến động thất thường qua các năm, lượng mưa/tháng từ 125,2mm (tháng 10) đến 283,3mm (tháng 8) và thường phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng mưa chiếm khoảng 84,64% tổng lượng mưa cả năm.
Hàng năm có 2 mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm mưa rào.
Độ ẩm không khí trung bình/năm khoảng 84%, trong đó tháng có độ ẩm không khí lớn nhất khoảng 88% (tháng 3), tháng có độ ẩm không khí thấp nhất khoảng 70% (tháng 12).
Nhìn chung Tiên Du có điều kiện khí hậu thuận lợi thích hợp với nhiều loại cây trồng, cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Mùa đông có thể trồng nhiều cây hoa màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến các hiện tượng bất lợi như nắng, nóng, lạnh, khô hạn và lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa… để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất cho hợp lý. Yếu tố hạn chế nhất đối với sử dụng đất là do mưa lớn tập trung theo mùa thường làm ngập úng các khu vực thấp trũng gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích (Trần Trọng Hưng, 2015).
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
a. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản:
Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng 9.373,4ha cây trồng các loại, đạt 98,2% kế hoạch, bằng 96,3% so với cùng kỳ. Toàn huyện trồng được hơn 800 cây phân tán các loại; trồng bổ sung 15ha rừng cảnh quan.
Về chăn nuôi: Tổng đàn lợn 50.850 con giảm 10%; đàn trâu, bò 3.071 con, giảm 6,6%; đàn gia cầm 1.126.900 con, tăng 6,3% so cùng kỳ; tính chung sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt 11.105 tấn, giảm 1.563 tấn so với năm 2016. Thủy sản tăng khá, nhất là nuôi cá lồng bè cả năm ước 3.005 tấn, tăng 105 tấn so với năm 2016. Công tác thú y, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai rộng khắp, chỉ đạo tiêm được hơn 19 triệu liều vắc xin các loại; sử dụng 9.000 lít hóa chất, 300 tấn vôi bột để vệ sinh khử trùng tiêu độc.
b. Sản xuất công nghiệp - TTCN:
Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN địa phương (giá so sánh 2010) ước 11.056,3 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,6% so với năm 2016; doanh thu ngành điện 1.836 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ.
c. Thương mại - dịch vụ:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 5.316,8 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch, tăng 11,6% so với năm 2016. Doanh thu ngành bưu chính 15,8 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch; doanh thu ngành viễn thông 60,4 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch. Kiểm tra, xử lý 86 trường hợp vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước trên 900 triệu đồng (Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 huyện Tiên Du).
3.2. TỔNG QUAN CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT GẠCH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TIÊN DU – TỈNH BẮC NINH