Lượng phân bón cho cây ngô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của bón phối hợp phân viên nhả chậm với đạm ure đến sinh trưởng, phát triển và năng suất giống ngô ngọt sugar 75 vụ đông 2016 tại yên mô, ninh bình (Trang 25 - 28)

Cây ngô là cây lương thực quan trọng được trồng phổ biến nhiều nơi trên thế giới, nhưng do điều kiện khí hậu, đất đai khác nhau, cũng như các bộ giống được trồng ở nhiều nơi khác nhau nên việc sử dụng phân bón cho ngô cũng khác nhau. Cây ngô cần được cung cấp đầy đủ và cân đối các yếu tố dinh dưỡng thì mới cho năng suất cao và ổn định, đặc biệt các yếu tố đa lượng. Vì vậy, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về phân bón cho ngô và những kết quả này đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất.

Kali đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất ở ngô. Trên đối tượng cây ngô, để tạo ra một đơn vị năng suất trong thời kỳ sinh trưởng của nó, lượng hút kali không ổn định và phụ thuộc vào mối tương tác giữa các yếu tố dinh dưỡng có trong đất. Theo viện Lân – Kali Atlanta (Mỹ), để tạo ra 10 tấn ngô hạt/ha cây ngô lấy đi một lượng kali là 269 kg K2O. Theo Nguyễn Xuân Trường (2000) để tạo ra 9,5 tấn hạt/ha cây ngô đã lấy đi một lượng kali là 235 kg K2O.

Ở Nam Nigeria bón 120 kg N/ha + 40 kg P/ha và 60 kg N/ha + 40 kg P/ha làm tăng sự sinh trưởng của ngô hơn các tác động khác, mức bón 120 kg N/ha + 40 kg P/ha tăng đáng kể năng suất ngô. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định được vai trò của N và P trong việc tăng sinh trưởng và năng suất hạt trong sản xuất ngô (Onasannya et al., 2009).

Tại Đài Loan mức bón phân được khuyến cáo cho ngô là 175 kg N + 95 kg P2O5 + 70 kg K2O (Sincle et al., 1995). Lân (P2O5) là nguyên tố kích thích sự hình thành rễ, trợ giúp quá trình chín và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hạt ngô. Theo Akhtar et al. (1999), năng suất ngô hạt đạt cao nhất 6,02 tấn/ha, khối lượng 1000 hạt là 405,2 gam ở công thức phân bón theo tỉ lệ 125kg P2O5 - 75 kg K2O /ha, sự tăng năng suất hạt là do tăng diện tích lá/cây, chiều dài bắp, số hạt/bắp và khối lượng 1000 hạt.

Hiệu quả bón phân cho ngô ở Việt Nam còn thấp hơn so với thế giới, chỉ đạt 35 - 45% đối với N, 50 - 60% đối với P2O5 và K2O, lý do chủ yếu là thiếu kỹ thuật trong sử dụng phân bón hợp lý (Lei et al., 2000).

Những nghiên cứu về phân bón đối với cây ngô cho thấy lượng phân bón áp dụng thay đổi tùy thuộc vào đất, giống và thời vụ. Giống có thời gian sinh trưởng dài, năng suất cao cần bón cao hơn. Đất chua phải bón nhiều lân hơn. Trên đất nhẹ và thời vụ gieo trồng có nhiệt độ thấp cần bón kali nhiều hơn. Lượng phân bón trung bình cho 1 ha được khuyến cáo là:.

Đối với giống ngô trung bình và muộn:

Trên đất phù sa: Phân chuồng 8 - 10 tấn + 150 - 180 kg N + 70 - 90 kg P2O5 + 80 - 100 kg K2O. (Đường Hồng Dật, 2003).

Tác giả còn khuyến cáo liều lượng phân bón cho ngô thụ phấn tự do là 80 - 100 kg N + 40 - 60 kg P2O5 + 80 kg K2O. Đối với giống ngô lai thì liều lượng cao hơn, lượng bón là 160 kg N + 100 kg P2O5 + 80 kg K2O. Ngoài ra cần bón thêm từ 7 -10 tấn phân chuồng cho 1 ha (Đường Hồng Dật, 2003).

Trong phạm vi nghiên cứu thuộc chương trình phát triển lương thực, Tạ Văn Sơn (1995) đã nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng cây ngô ở vùng Đồng bằng sông Hồng, thu được kết quả như sau:

Tác giả Phạm Kim Môn (1991) cho rằng với ngô trồng trên đất phù sa sông Hồng liều lượng phân bón thích hợp là 150 - 180 kg N + 90 kg P2O5 + 50 - 60 kg K2O.

Kết quả nghiên cứu đối với hai giống LVN10 và VN8960 trên đất dốc ở Mộc Châu, Sơn La cho thấy ở mức phân bón 150 kg N - 90 kg P2O5 - 90 kg K2O/ha cho năng suất cao nhất, còn với mức phân bón 120 kg N - 90 kg P2O5- 90 kg K2O/ha cho hiệu quả kinh tế cao (Ngụy Thị Hương Lan, 2008).

Ở vùng Đông Nam Bộ, kết quả nghiên cứu đối với các giống LVN61, VN8960, LVN66 và C919 từ 2007-2009, cho thấy mức phân bón 180 kg N- 80 kg P2O5 - (80 - 100) kg K2O/ha cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất (Lê Văn Hải, 2011), (Viện nghiên cứu Ngô, 2011).

Theo khuyến cáo Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (Đỗ Trung Bình, 2000) liều lượng phân bón cho 1 ha ngô ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là120 kg N - 90 kg P2O5 - 60 kg K2O/ha cho vụ Hè Thu còn vụ Thu Đông có thể tăng lượng K2O lên 90 kg (Ngô Hữu Tình, 2003).

Trên đất xám của vùng Đông Nam Bộ, theo kết quả nghiên cứu của Trần Thị Dạ Thảo và Nguyễn Thị Sâm (2002), liều lượng phân bón cho giống ngô LVN99 có hiệu quả kinh tế cao nhất là 180 kg N - 80 kg P2O5 - 100 kg K2O (Ngô Hữu Tình, 2003).

Lượng phân bón thích hợp cho ngô lai trên đất phù sa cổ ở duyên hải Trung bộ trong vụ Đông Xuân là 10 tấn phân chuồng + 150-180 kg N + 90 kg P2O5 + 60 kg K2O/ha (tỷ lệ NPK là 1,7:1:0,7 hoặc 2:1:0,7), tiêu tốn lượng đạm từ 22,6 – 28,8 kgN/1 tấn ngô hạt;vụ Hè Thu bón 10 tấn phân chuồng + 150 kg N + 90 kg P2O5 + 60 kg K2O/ha (tỷ lệ NPK là 1,7:1:0,7), tiêu tốn lượng đạm từ 27,9 – 28,4 kgN/1tấn ngô hạt (Trần Văn Minh, 2004) .

Kết quả nghiên cứu trên đất bạc màu ở Bắc Giang với giống HQ2000 cho thấy, ở vụ Xuân thì lượng bón 160 kg N - 120 kg P2O5- 160kg K2O/ha cho hiệu quả kinh tế nhất (Lê Văn Hải, 2002).

Tại Thái Nguyên, mức bón đạm cho giống QP4 là 240 kg N/ha cho năng suất cao nhất, nhưng hiệu quả kinh tế cao nhất ở mức đạm 180 kg N/ha, còn với

LVN10 ở mức 240 kg N/ha cả năng suất và hiệu quả kinh tế đều cao nhất và liều lượng phân bón thích hợp cho giống QP4 tại Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc là 180 kg N + 80 kg P2O5 + 80 kg K2O cho 1 ha (Trần Trung Kiên, 2009).

Trên đất cát ven biển huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An theo Nguyễn Thị Bích Thủy (2015) kết luận rằng đạm là yếu tố dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngô. Công thức có bón đạm với liều lượng cao 180kg N/ha mang tỷ lệ sâu đục thân, đục bắp cao nhất. Năng suất ngô tăng tỷ lệ thuận với công thức bón đạm đến một chừng mực nào đó, nếu vượt quá 160N sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ bắp thương phẩm và tỷ lệ phi thương phẩm sẽ tăng lên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của bón phối hợp phân viên nhả chậm với đạm ure đến sinh trưởng, phát triển và năng suất giống ngô ngọt sugar 75 vụ đông 2016 tại yên mô, ninh bình (Trang 25 - 28)