Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gà trong hộ gia đình theo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi gà trong hộ gia đình heo hướng bền vững tại huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 90 - 97)

theo hướng bền vững huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang

4.2.4.1. Các yếu tố về điều kiện tự nhiên

Chăn nuôi gà trong các hộ gia đình theo hướng bền vững chịu ảnh hưởng khá nhiều của điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thời tiết, vị trí địa lý... Thực tế cho

thấy, tại những nơi có điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi sẽ hạn chế được những bất lợi rủi ro do thiên nhiên gây ra như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh... Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều mùa Đông lạnh, ít mưa thích hợp để chăn nuôi gà thịt.

Các yếu tố về khí hậu, thủy văn như lượng mưa, độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ... có mối quan hệ chặt chẽ đến sự sinh trưởng, phát triển đến đàn gà tại địa phương.

Vị trí địa lý có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đến sự phát triển của chăn nuôi gà trong các hộ gia đình theo hướng bền vững. Những xã có vị trí thuận lợi như gần đường giao thông, gần các cơ sở chế biến, gần thị trường tiêu thụ sản phẩm, gần khu công nghiệp, thị trấn, khu tập trung nhiều dân cư sẽ có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hàng hóa.

4.2.4.2. Nhóm yếu tố về kinh tế - xã hội

a. Các chính sách của Nhà nước

Năm 2006, xác định chăn nuôi gà thả đồi trong các hộ gia đình là một lợi thế, UBND huyện Yên Thế đã xác định xây dựng thương hiệu “gà đồi Yên Thế” để phát triển. Từ đó đến nay, thương hiệu này đã vang danh khắp cả nước bởi chất lượng thịt thơm ngon, lại đảm bảo an toàn sinh học. Chăn nuôi gà đồi đã và đang trở thành một nghề đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.

Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi Gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAP giai đoạn 2013-2015 nhằm giúp người dân từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi tạo ra sản phẩm gà đồi Yên Thế đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường chất lượng cao. Địa phương đã chủ động, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng phương án hỗ trợ, chuyển giao về công nghệ, tài chính, nhân lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các khâu của quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản nói chung và những sản phẩm chủ lực nói riêng.

Nhằm nâng cao hơn chất lượng gà con thương phẩm, Huyện Yên Thế đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện đề án nuôi gà bố mẹ với quy mô 5.000 con tại 5 xã với 17 hộ tham gia. Huyện đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn về nuôi gà bố mẹ đã trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy công tác xã hội hoá về sản xuất con giống.

Tuy nhiên các chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà trong các hộ gia đình tại địa phương nhưng vẫn chưa xác định được được đối tượng ưu tiên để phát triển, chưa có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư

thích đáng nên chăn nuôi gà trong các hộ gia đình vẫn chủ yếu phát triển dưới dạng tự phát, nhỏ lẻ và không tập trung.

Chính sách vay vốn ưu đãi cho phát triển chăn nuôi gà vẫn còn nhiều yêu cầu gây khó khăn cho người chăn nuôi như điều kiện thế chấp, thời gian vay vốn và hạn mức cho vay khiến người chăn nuôi khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính thống. Một số chính sách được ban hành không phù hợp với thực trạng chăn nuôi tại địa phương và không theo kịp sự phát triển của ngành chăn nuôi gà trong hộ gia đình theo hướng bền vững tại huyện như chính sách về đất đai, hỗ trợ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

b. Thị trường tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ sản phẩm gà của hộ gia đình huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang thường không ổn định. Qua điều tra chúng tôi thấy, hộ chăn nuôi bán phần lớn sản phẩm của mình tại nhà cho người giết mổ. Chính vì thế hộ chăn nuôi ít có cơ hội được biết các thông tin về giá cả thị trường. Do vậy, nhiều lúc hộ chăn nuôi thường bị ép giá dẫn đến hiệu quả thu được không cao.

Vì thế cần xây dựng mạng lưới thông tin thị trường, có thể là trên mạng truyền thanh của xã/thị trấn và toàn huyện nhằm giúp cho người chăn nuôi nắm được thông tin về giá cả sản phẩm, tránh tình trạng người chăn nuôi bị ép giá.

Mặt khác trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang hiện nay chưa có cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Chính điều này chưa khuyến khích được các hộ đầu tư vào chăn nuôi gà thịt quy mô lớn.

Vì vậy, huyện cần có chính sách thích hợp để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giết mổ và chế biến các sản phẩmtừ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Có như vậy đầu ra của người chăn nuôi mới được giải quyết, khi đó chắc chắn sẽ khuyến khích được các hộ đầu tư phát triển chăn nuôi gà.

c. Vốn đầu tư

Trong chăn nuôi gà, nhất là những hộ chăn nuôi tập trung với quy mô lớn đòi hỏi phải có một lượng đầu tư nhất định về vốn. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hoàn chỉnh, đầy đủ còn cần một nguồn vốn khá lớn để mua con giống và thức ăn.

Kết quả điều tra cho thấy được nguồn vốn rất quan trọng và ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi nhiều. Nếu có nguồn vốn đầu tư chuồng trại đảm bảo, tiêm phòng thuốc thú y đúng quy trình sẽ làm giảm dịch bệnh cho gà, giúp đàn gà tăng trưởng nhanh hơn. Ngoài ra có nguồn vốn sẽ giúp hộ giảm được một lượng chi phí khá lớn khi mua thức ăn và giống. Khi mua chịu hộ phải chịu mỗi bao cám công nghiệp đắt hơn từ 10 đến 20 nghìn đồng. Hơn nữa khó có thể thay đổi chủng loại thức ăn của các doanh nghiệp khác khi thấy chất lượng không đảm bảo nhưng chưa trả hết nợ cho đại lý.

Qua điều tra cho thấy các hộ càng lớn có nhu cầu vay vốn càng nhiều. Đối với chăn nuôi gà trong hộ gia đình theo hướng bền vững tại huyện Yên Thế cần tương đối nhiều vốn, mỗi chu kỳ thường 6 tháng (hoặc 1 năm đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ). Các hộ chăn nuôi nhỏ, mức sử dụng chi phí ít hơn, có sẵn thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp đủ để cung cấp cho đàn gà nên chỉ có hơn 21,6% số hộ có nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất. Còn các hộ chăn nuôi với quy mô vừa cần nhiều vốn cho đầu tư về chuồng trại và mua thức ăn nên có hơn 72,5% số hộ được hỏi có nhu cầu vay vốn, còn những hộ còn lại cơ bản đã đủ vốn để quy vòng nên không có nhu cầu vay vốn.

4.2.4.3. Yếu tố về kỹ thuật và tổ chức sản xuất

a. Giống gà

Chất lượng con giống ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn gà. Nếu con gà giống ban đầu mà khỏe mạnh, không có bệnh tật thì tốc độ sinh trưởng tốt, không cần sử dụng nhiều thuốc thú y. Còn con gà ban đầu mà yếu hoặc có dịch bệnh khả năng sinh trưởng kém, thậm chí có thể chết đi. Như thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của hộ. Các hộ chăn nuôi cần có nguồn bán giống ổn định và đảm bảo chất lượng. Như hiện nay trên thực tế, hầu hết các hộ đang mua giống tại các hộ chăn nuôi nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm tra nên chất lượng sẽ không được đảm bảo.

Chỉ có hộ chăn nuôi theo quy mô vừa mới có nguồn giống gà ổn định và đảm bảo nhất. Hầu hết các chủ hộ quy mô vừa đều có cam kết và thỏa thuận thông qua hợp đồng với đối tác cung cấp con giống, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thông thường khi mua giống gà chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc không thỏa thuận gì với người cung cấp giống về việc đảm bảo chất lượng con giống

cho người chăn nuôi. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường thu mua không ổn định lúc thì mua của người bán lẻ, lúc thì mua của người chăn nuôi khác. Qua điều tra cho thấy có hơn 82% số hộ đánh giá giống gà ảnh hưởng đến khả năng tăng trọng của đàn gà. Chính vì vậy địa phương cần có các giải pháp quản lý nguồn giống tốt hơn, thường xuyên kiểm tra chất lượng con giống của các cơ sở sản xuất và bán con giống.

b. Thú ý, dịch bệnh

Các hộ có quy mô khác nhau, có mức phòng bệnh khác nhau. Như trên đã nêu, các hộ quy mô vừa sử dụng thuốc thú y thường xuyên chiếm hơn 89%, ít nhất là hộ quy mô nhỏ gần 39%. Qua bảng kết quả và hiệu quả cho thấy, quy mô trang trại hiệu quả nhất, thấp nhất là quy mô nhỏ. Như vậy tương ứng với mức sử dụng thuốc thú y cho gà càng thường xuyên càng thì hiệu quả tạo ra càng cao hơn. Nguyên nhân khi sử dụng thuốc thú y đúng cách, đúng liều lượng sẽ làm cho đàn gà ít bị bệnh, sức đề kháng cao hơn, giúp cho đàn gà nhanh lớn hơn.

Hầu hết các hộ chăn nuôi ở đây đã sử dụng thuốc thú y cho chăn nuôi gà, nhưng mức sử dụng đang khác nhau. Các hộ chăn nuôi nhỏ sử dụng ít nên đàn gà của hộ chăn nuôi nhỏ thường dễ bị bệnh hơn vì họ sử dụng thuốc thú y chưa đúng và đảm bảo cho đàn gà của mình. Qua điều tra cho thấy có 66,2% số hộ chăn nuôi nhỏ đánh giá dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, tăng trọng của đàn gà, còn các hộ quy mô vừa chỉ có hơn 58,1% số hộ đồng ý với quan điểm này.

Bảng 4.18. Các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất/tăng trọng của đàn gà tại các hộ gia đình (n=60)

Đơn vị tính: %

Yếu tố Bình quân chung Quy mô hộ nhỏ Quy mô vừa

Giống 73,28 76,3 68,2

Dịch bệnh 64,81 66,2 58,1

Kỹ thuật chăm sóc 91,25 89,2 92,4

Thời tiết, khí hậu 53,68 54,0 48,9

Khác 27,95 29,3 25,6

Qua điều tra cho thấy hiện này có một số bệnh thường xảy ra đối với đàn gà ở huyện Yên Thế. Loại bệnh thường xảy ra nhiều nhất là thương hàn, hen xuyễn và cầu trùng có hơn 62% số hộ đánh giá những bệnh này thường xuyên xảy ra, nhưng có khả năng chữa trị được, tuy vậy nó ảnh hưởng sự tăng trọng của đàn gà, là kéo dài thời gian chăn nuôi gà của hộ. Còn các dịch bệnh khác như cúm gia cầm ít khi gặp nhưng thường gây thiệt hại lớn, chỉ có 11,2 % số hộ đã từng có gà mắc loại bệnh này. Loại bệnh này rất khó chữa trị và khả năng lây lan là rất nhanh, chỉ cần 1 con bị qua 1 đêm là cả đàn đã bị. Chính vì vậy nhiều lần làm cho hộ chăn nuôi không kịp chữa trị cho đàn gà. Như vậy dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của hộ chăn nuôi gà, không những nó làm giảm thu nhập của hộ đối với nghề chăn nuôi gà mà có thể làm cho hộ mất trắng cả lứa nuôi và ảnh hưởng đến lứa nuôi sau đó.

c. Áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi

Chăn nuôi là hoạt động luôn gắn liền với các đặc tính sinh học của vật nuôi, các điều kiện thời tiết, khí hậu phức tạp. Vì thế, vai trò của khâu kỹ thuật trong chăn nuôi luôn được đặt vị trí hàng đầu. Sự tác động của yếu tố kỹ thuật đến chăn nuôi gà theo hướng bền vững đến từ nhiều hướng. Trước hết là từ ngành khoa học nghiên cứu về các loại giống gà, sau đó là sự phổ biến các kiến thức kỹ thuật đến người chăn nuôi do các đơn vị, các cơ quan chức năng tiến hành và do bản thân các hộ chăn nuôi tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi.

Trong khâu phổ biến kỹ thuật đến người nuôi luôn có những tác động thực tế đến hiệu quả ngành chăn nuôi gà nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Hiện nay, công tác này do rất nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành. Đó là các cơ quan khuyến nông, các đơn vị kinh doanh giống, vật tư chăn nuôi, các đơn vị liên quan (các HTX, các công ty liên kết kinh doanh với người chăn nuôi,...).

Qua kết quả đều tra cho thấy, đại đa số các hộ chăn nuôi gà ta thịt quy mô vừa được HTKT. Với hộ chăn nuôi quy mô vừa là 92%. Ngược lại, đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, tỉ lệ hộ được HTKT là 8%.

Các hộ được HTKT được tham gia các buổi hội thảo, các đợt tập huấn, được phát các tài liệu liên quan đến về kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn, phòng chữa bệnh,... Mặc dù đa số các hộ đều nhận thức được tầm quan trọng của khâu kỹ thuật, được hướng dẫn đã biết cách tổ chức sản xuất, lựa chọn con giống, thức ăn, chăm sóc đúng kỹ thuật,... Nhưng các hộ chăn nuôi gà ta thịt theo quy mô nhỏ,

theo hình thức truyền thống, số lượng con nuôi ít, vẫn chưa coi trọng công tác này mà chỉ dựa trên kinh nghiệm của bản thân.

d. Thức ăn

Chất lượng thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho việc tăng trọng và phát triển của đàn gà. Chất lượng thức ăn ảnh hưởng đến mức tăng trọng của đàn gà,, khả năng kháng bệnh của đàn gà. Nếu thức ăn không đảm bảo không những ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của đàn gà, mà thậm chí gây ra dịch bệnh cho đàn gà.

Kết quả điều tra cho thấy có hơn 18% số hộ chưa mua nguồn thức ăn cố định, như thế sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị của đàn gà làm cho đàn gà có thể ăn ít hơn, làm cho mức tăng trọng thay đổi. Ngoài ra các hộ chăn nuôi thường chỉ mua thức ăn cố định khi hộ kiểm định được chất lượng của loại thức ăn mà hộ mua. Như vậy những hộ không mua nguồn thức ăn ổn định thì hộ sẽ không kiểm định được chất lượng cám mà họ sử dụng cho gà. Như thế sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trọng và phát triển của đàn gà.

e. Quy mô và phương thức chăn nuôi

Quy mô và phương thức chăn nuôi có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi của hộ gia đình. Những hộ chăn nuôi theo quy mô lớn với phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với những hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và quy mô nhỏ với phương thức bán công nghiệp và truyền thống. Đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn và với phương thức công nghiệp, họ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, có hệ thống quạt gió làm mát bằng hơi nước kèm theo đó là thuốc phòng chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại… Do đó, năng suất sẽ cao và có tính ổn định hơn.

f. Chuồng trại

Chuồng trại được thiết kế, xây dựng phải đảm bảo ấm áp, khô ráo, không bị ứ nước trong mùa đông và thoáng mát về mùa hè; tốt nhất nên xây nền chuồng cao hơn mặt đất và cho trấu vào để làm nơi cho gà ngủ. Chuồng trại cần có vườn để gà có thể dạo vườn ăn thêm những thức ăn có sẵn trong lòng đất (đối với những hộ chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp và truyền thống). Hơn nữa chuồng trại cần được xây cách ly với bên ngoài. Như thế sẽ giúp cho đàn gàn tăng trưởng nhanh hơn, giảm được dịch bệnh xảy ra với đàn gà.

Vệ sinh sau mỗi lứa nuôi, sát trùng chuồng nuôi hoặc bãi thả 2 đến 3 lần trước khi nuôi để tránh bệnh dịch. Chất độn chuồng trước khi nuôi cũng được khử trùng và đảm bảo không có mầm bệnh. Người nuôi có thể dùng thuốc khử trùng chuồng trại có bán ở các nhà thuốc thú y để phun - xịt, xát khuẩn 2 tuần 1 lần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi gà trong hộ gia đình heo hướng bền vững tại huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 90 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)