Phần 2 Tổng quan về tài liệu
2.3. Tổng quan về cây sắn và tình hình sử dụng các phụ phẩm từ cây săn làm
2.3.1. Sử dụng vỏ củ sắn làm thức ăn chăn nuôi
Củ sắn tươi có tỷ lệ chất khô 38-40%, tinh bột 16-32%; chất protein, béo, xơ, tro trong 100g được tương ứng là 0,8-2,5 g, 0,2-0,3 g, 1,1-1,7 g, 0,6-0,9 g; chất muối khoáng và vitamin trong 100 g củ sắn là 18,8-22,5 mg Ca, 22,5- 25,4 mg P, 0,02 mg B1, 0,02 mg B2, 0,5 mg PP. Trong củ sắn, hàm lượng các acid amin không được cân đối, thừa arginin nhưng lại thiếu các acid amin chứa lưu huỳnh. Thành phần dinh dưỡng khác biệt tuỳ giống, vụ trồng, số tháng thu hoạch sau khi trồng và kỹ thuật phân tích.
Trong củ sắn ngoài các chất dinh dưỡng cũng chứa một lượng độc tố (HCN) đáng kể. Các giống sắn ngọt có 20–30 mg/kg củ tươi. Các giống sắn đắng chứa 60–150 mg/kg củ tươi. Người ta phải ngâm, luộc, sơ chế khô, ủ chua là những phương thức cho phép loại bỏ phần lớn độc tố HCN.
Sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn như bột ngọt, cồn, maltodextrin, lysine, acid citric, xiro glucose và đường glucose tinh thể, mạch nha giàu maltose, hồ vải, hồ giấy, colender, phủ giấy, bìa các tông (Hoàng Kim Anh và cs., 2004), bánh kẹo, mì ăn liền,
bún, miến, mì ống, mì sợi, bột khoai, bánh tráng, hạt trân châu (tapioca), phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm, sản xuất màng phủ sinh học, chất giữ ẩm. v.v.
Phạm Hồ Hải (2010) cho biết phơi khô làm giảm HCN trong vỏ củ sắn từ 2750,5 mg/kg VCK xuống còn 334,1 mg/kg VCK. Hàm lượng HCN giảm xuống còn 10,2 mg/kg VCK sau 4 tháng bảo quản. Ủ chua với 3% rỉ mật cũng làm giảm HCN từ 1129,9 mg/kg VCK xuống còn 451,3 mg/kg VCK sau 21 ngày ủ và còn 323,7 mg/kg VCK sau 120 ngày ủ. Có thể thay thế tới 36,9% VCK thức ăn tinh bằng vỏ củ sắn trong khẩu phần ăn của bò thịt mà không làm ảnh hưởng tới khả năng sản xuất của bò nuôi lấy thịt.
Larsen and Amaning-Kwarteng (1976) nghiên cứu sử dụng vỏ sắn làm thức ăn cho trâu bò ở Ghana cho thấy, hàm lượng HCN đã giảm đến mức an toàn cho vật nuôi qua quá trình phơi khô và ủ với rỉ mật và ure.
Sử dụng vỏ sắn phơi khô và vỏ sắn ủ với rỉ mật và ure trong khẩu phần ăn ủa bò sữa cho thấy, bò sử dụng khẩu phần sử dụng vỏ sắn ủ với rỉ mật và ure tăng trọng thấp hơn bò trong khẩu phần vỏ sắn phơi khô nhưng đều cao hơn tăng trọng của bò trong khẩu phần đối chứng.
Ifut (1988) cũng sử dụng vỏ sắn phơi khô trong khẩu phần ăn của dê trong mùa khô ở Nigeria cũng cho thấy: vỏ củ sắn khô có hàm lượng dinh dưỡng khá tốt VCK là 86,4%, chất hữu cơ là 89,3%, NDF, ADF lần lượt là 34,3% và 23,9%, cao hơn các thành phần này ở cỏ Gliricidia sepium và Panicum maximum. Sử dụng nguyên vỏ sắn trong khẩu phần ăn làm giảm khả năng tăng trọng nhưng sử dụng kết hợp với các loại cỏ đã cải thiện đáng kể khả năng tăng trọng và giảm chi phí thức ăn.
Rahmi và cs. (2008) nghiên cứu ảnh hưởng của sấy khô và ủ chua đến hàm lượng HCN và thành phần hóa học của củ sắn và thân cây sắn đã kết luận: ủ chua làm giảm lượng HCN trong thân cây và củ sắn nhanh hơn phương pháp sấy khô. Ủ chua với rỉ mật trong điều kiện 500C làm giảm HCN nhanh nhất.
Adebowale (1981) sử dụng vỏ sắn lên men thay thế cám gạo trong khẩu phần ăn của cừu. Sử dụng 40% và 60% vỏ sắn lên men làm giảm VCK, protein thô, xơ thô, TDN, thu nhận thức ăn, tăng trọng của cừu nhưng không ảnh hưởng tới khối lượng gan. Tăng khối lượng vỏ sắn ủ làm giảm chi phí chăn nuôi cừu.
Các nghiên cứu đã cho thấy, vỏ củ sắn có hàm lượng độc tố HCN tương đối cao, cao hơn trong lá sắn. Phơi khô hoặc ủ chua vỏ củ sắn đã làm giảm HCN về mức an toàn cho vật nuôi. Vỏ củ sắn có thể sử dụng từ 40-60% trong khẩu phần ăn loài nhai lại mà không làm ngộ độc cho vật nuôi. Như vậy, với phương pháp xử lý hợp lý đã có thể sử dụng vỏ củ sắn trong khẩu phần ăn của vật nuôi.