Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.1.3. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng
4.1.3.1. Giao thông
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành trong những năm qua hệ thống giao thông của thành phố được xây dựng tương đối hiện đại, hoàn chỉnh thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
a. Giao thông đường bộ
Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng trên 260km đường bộ, trong đó có 30 km đường tỉnh lộ, 80 km đường đô thị và 150 km đường nông thôn. Đặc biệt tuyến quốc lộ 10 và tuyến đường 10 tránh thành phố là tuyến giao thông huyết mạch của thành phố và của tỉnh.
Phía Đông Nam đến các huyện Kiến Xương, Tiền Hải là quốc lộ 39. Phía Nam đi phà Thái Hạc giao lưu với các huyện của tỉnh Nam Định là tỉnh lộ 223. Phía Tây đến các huyện Vũ Thư, cầu Tân Đệ và thành phố Nam Định là quốc lộ 10. Phía Tây Bắc tới các xã của huyện Vũ Thư và bến phà Tịnh Xuyên đi huyện Hưng Hà là đường tỉnh lộ 223.
Phía đông bắc đến các huyện Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và thành phố Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên là quốc lộ 10. Thành phố Thái Bình là địa phương có mạng lưới đường giao thông cao nhất trong tỉnh (khoảng 6km đường các loại/1km2).
b. Giao thông đường thủy
Thành phố Thái Bình có hệ thống sông ngòi đa dạng, trong đó nổi bật nhất là sông Trà Lý. Đoạn chảy qua thành phố dài 11km, trên đoạn sông này có một cảng hàng hóa cho phép loại tầu thuyền khoảng 300 tấn ra vào hoạt động vận chuyển hàng hóa.
4.1.3.2. Thủy lợi
Thành phố Thái Bình có 9 con sông chính là sông Trà Lý, sông 3/2, sông Vĩnh Trà, sông Kiên Giang, sông Bạch, sông Bồ Xuyên, sông PaRi, sông Kìm, sông Sa Lung … Đây là nguồn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đảm nhận chức năng thoát nước của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn có 350 ha đất kênh mương, hàng năm hệ thống kênh mương này đảm bảo tưới tiêu cho 3.000 ha đất canh tác.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 100 ha đê điều, phần diện tích này được tập trung chủ yếu ở Đông Hòa, Hoàng Diệu, Bồ Xuyên, Lê Hồng Phong, Kỳ Bá, Trần Lãm, Vũ Đông, Vũ Lạc…
Với hệ thống thủy lợi như hiện nay thành phố có thể đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, cũng như cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và một phần nuôi trồng thủy sản.
4.1.3.3. Cấp - Thoát nước
a. Cấp nước
Nước sạch luôn là một trong những sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ của mọi tầng lớp dân cư. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thời kỳ 2005-2010, đến nay thành phố Thái Bình có 3 đơn vị cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của thành phố là: công ty cấp nước Thái Bình, công ty cấp nước Hoàng Diệu và công ty Nam Long.
Những năm qua thành phố đã có những chuyển biến tích cực trong công tác cung cấp nước sạch, các loại hình cấp nước đã được đa dạng hóa, hiện đã có trên 21.400 hộ dân chiếm 60% số hộ được cấp nước. Nguồn nước tuy dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của thành phố nhưng cần phải quy hoạch tốt hơn mạng lưới đường ống cấp nước để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch trong thời gian tới.
b. Thoát nước
Hệ thống thoát nước của thành phố hiện tại là hệ thống chung gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và hệ thống thoát nước mưa. Tất cả các nguồn thải trên được thu gom qua hệ thống các cống và chảy về các sông để tập trung về sông Kiên Giang. Hệ thống thoát nước của thành phố gồm 13 con sông và hệ thống các trục cống có nắp dài 76,1km, đảm bảo mật độ đường cống thoát nước chính 5,9km/km2, cơ bản đáp ứng thu gom 100% lượng nước mưa, nước thải.