Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Sự cần thiết phải phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
Phát triển thị trường tiêu thụ nhằm giải quyết vấn đề đầu ra của hoạt động sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp. Nhu cầu xã hội về hàng hóa, dịch vụ rất phong phú, đa dạng và ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Song trên thực tế, nhu cầu lại lớn hơn rất nhiều so với khả năng thanh toán của người tiêu dùng. Mặt khác, nền kinh tế chịu sự tác động của các qui luật kinh tế trong đó có qui luật cạnh tranh. Do vậy, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm là điều kiện để Công ty tồn tại và phát triển.
Như vậy có thể nói phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với các Công ty như sau:
Thứ nhất: Đối với sản xuất, chúng có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau, sản xuất là tiền đề của tiêu thụ và ngược lại, tiêu thụ có ảnh hưởng quyết định tới sản xuất. Nếu sản xuất mà không tiêu thụ được thì làm vốn ứ đọng, tất nhiên vì thế sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ sản xuất sau.
Thứ hai: Đối với Công ty, tiêu thụ hàng hoá là khâu cuối cùng của một vòng chu chuyển vốn, là quá trình chuyển đổi tài sản từ hình thái hiện vật sang hình thái tiền tệ. Tiêu thụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định thành bại, là quá trình thực hiện lợi nhuận. CT thực hiện tốt khâu bán hàng sẽ đảm bảo cho việc thu hồi vốn nhanh, sử dụng vốn có hiệu quả, có tích lũy để thực hiện tái sản xuất mở rộng.
Đối với nền kinh tế quốc dân: Mỗi Công ty là một đơn vị kinh tế thống nhất. Sự vững mạnh của từng Công ty sẽ tạo nên một nền kinh tế vững mạnh. Mỗi doanh nghiệp duy trì và phát triển được thị trường tiêu thụ trong nước, đẩy lùi được sự lấn chiếm của hàng ngoại sẽ góp phần phát triển nền kinh tế nước nhà, tăng tiềm lực kinh tế của đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Còn đối với doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu thì việc duy trì và phát triển thị trường nước ngoài của mỗi doanh nghiệp còn tăng được tiềm lực ngoại
thương, tạo khả năng cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, qua đó tăng ảnh hưởng tích cực của đất nước trên trường quốc tế.
Mặt khác, thông qua hoạt động tiêu thụ có thể kiểm tra khả năng thích ứng của sản phẩm đối với thị trường về các mặt như khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, thị hiếu, mẫu mã. Từ đó, nhà sản xuất có thể đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp.
Vậy phát triển thị trường có vai trò to lớn đối với mỗi Công ty nói riêng và toàn thể nền kinh tế nói chung. Do đó, mỗi Công ty cần phải có những phương thức hợp lý, phù hợp với điều kiện của Công ty để phát triển thị trường sản phẩm của mình. Đồng thời Nhà nước cũng tạo điều kiện giúp đỡ các Công ty để từ đó góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân.