2.1.6.1. Các yếu tố từ phía tổ chức
a. Trình độ chuyên môn của nhà quản lý
Đối với mỗi doanh nghiệp, nhà quản lý là một nhân tố vô cùng quan trọng. Họ là những người giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng chiến lược, điều hành, quản lý mọi hoạt động của doanh nghiệp. Sự thành công hay thất bại là phụ thuộc vào các quyết định của họ. Để có thể đưa ra một cái nhìn tổng quan về đội ngũ lãnh đạo, chúng ta quan tâm đến các tiêu chí như: kinh nghiệm lãnh đạo, trình độ quản lý, phẩm chất kinh doanh, phẩm chất đạo đức… Những điều này giúp xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, thúc đẩy các cá nhân trong doanh nghiệp dốc sức mình cho công việc. Hơn nữa, trình độ chuyên môn của nhà quản lý nếu tốt sẽ gia tăng thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, tăng thêm năng lực cạnh tranh. Để có thể điều hành được các kì tuyển chọn, sắp xếp sử dụng lao động, tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thì bắt buộc nhà quản lý phải có trình độ nhất định (Nguyễn Thanh Nhàn, 2005).
b. Vị trí địa lí, cơ sở vật chất của doanh nghiệp
Vị trí địa lí, cơ sở vật chất của doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp thu hút sự chú ý cúa khách hàng, thuận tiện cho cung cấp thu mua hay thực hiện các hoạt động dự trữ. Cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp thể hiện nguồn tài sản cố đinh mà doanh nghiệp huy động vào kinh doanh bao gồm văn phòng nhà xưởng, các thiết bị chuyên dùng… Điều đó thể hiện thế manh của doanh nghiệp, quy mô kinh doanh cũng như lợi thế trong kinh doanh …(Vũ Bá Thế, 2005).
c. Phương pháp quản lý
Các phương pháp quản lý kinh doanh rất đa dạng, phải luôn thay đổi thích ứng với điều kiện trong từng tình huống; tuỳ thuộc đặc điểm của đối tượng quản lý cũng như năng lực, kinh nghiệm của các nhà quản lý. Sự lựa chọn phương pháp để sử dụng không thể tuỳ tiện theo cảm tính chủ quan, mà cần tỉnh táo nắm chắc tình hình thực tế, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để khắc phục các trở ngại phát sinh chưa lường trước. Quản lý có hiệu quả nhất khi biết lựa chọn đúng và kết hợp, điều chỉnh linh hoạt các phương pháp quản lý. Vì vậy, sử dụng các phương pháp quản lý vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hỏi cả tài và nghệ của nhà quản lý (Phan Văn Kha, 2007).
d. Chính sách lương thưởng
Lương thưởng hợp lí sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra năng suất lao động cao và kích thích sự say mê trong quá trình lao động. Mặt khác, ta còn thấy, trong các mặt quản lí của doanh nghiệp, nội dung quản lí phức tạp, khó khăn nhất đó là quản lí con người, mà cơ sở để phát sinh ra sự phức tạp khó khăn đó chính là vấn đề phân phối. Có thể nói rằng: Muốn cho các mặt quản lí đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao, một vấn đề quan trọng là phải có một chế độ tiền lương, thưởng hợp lí (Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh, 2008).
2.1.6.2 Các yếu tố từ phía người lao động
a. Giới tính, độ tuổi
Tùy từng lĩnh vực kinh doanh mà nguồn nhân lực của các doanh nghiệp sẽ có những đặc trưng riêng. Giới tính, độ tuổi của lực lượng lao động của doanh nghiệp bị tác động bởi đặc trưng ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp (Vũ Bá Thế, 2005).
b. Thâm niên công tác
Thâm niên công tác là một yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp bởi, đối với những người lao động có nhiều năm làm việc,cách quản lý với họ sẽ khác đối với những người lao động có số năm làm việc ít hơn.
Thâm niên công tác và kinh nghiệm làm việc thường đi đôi với nhau. Một người qua nhiều năm công tác sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, hạn chế được
những rủi ro có thể xảy ra trong công việc, nâng cao bản lĩnh trách nhiệm của mình trước công việc đạt năng suất chất lượng cao vì thế mà thu nhập của họ sẽ ngày càng tăng lên. Từ đó, đối với người lao động có kinh nghiệm nhiều hay ít mà cách quản lý cũng sẽ khác nhau (Vũ Bá Thế, 2005).
2.1.6.3 Các yếu tố từ môi trường bên ngoài
a. Môi trường kinh tế
Sự tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát đều có ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống và công ăn việc làm của người lao động (Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh, 2008).
b. Xã hội
Xã hội phân chia thành nhiều nhóm quyền lợi và các nhóm này sẽ quan tâm đến những sản phẩm mang tính cộng đồng như là nạn thất nghiệp hơn là một số sản phẩm kinh tế như là lơi nhuận (Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh, 2008).
c. Chính trị - Pháp luật
Các tổ chức kinh doanh sẽ ngày càng có tác động mạnh mẽ hơn tới môi trường chính trị thông qua các sản phẩm dịch vụ hay việc làm do họ tạo ra đối với xã hội. Ngược lại môi trường chính trị có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự ổn định các chính sách kinh tế (Vũ Bá Thế, 2005).
d. Kỹ thuật và công nghệ
Kỹ thuật và công nghệ ảnh hưởng đến yêu cầu đổi mới công nghệ trong thiết bị khả năng sản xuất sản phẩm với chất lượng khác nhau, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, lựa chọn và cung cấp công nghệ (Vũ Bá Thế, 2005).
e. Yếu tố khách hàng
Khách hàng là những người có nhu cầu và khả năng thanh toán về hàng hoá và dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh . Khách hàng là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Khách hàng có nhu cầu rất phong phú và khác nhau tuỳ theo từng lứa tuổi, giới tính mức thu nhập, tập quán …Mỗi nhóm khách hàng có một đặc trưng riêng phản ánh quá trình mua sắm của họ. Do đó doanh nghiệp phải có chính sách đáp ứng nhu cầu từng nhóm cho phù hợp (Vũ Bá Thế, 2005).
Việc chỉ hiểu khách hàng thôi chưa đủ, các doanh nghiệp còn phải hiểu rằng sự phát triển của doanh nghiệp còn tuỳ thuộc vào việc vật lộn chia xẻ thị trường với các đối thủ cạnh tranh.Vì thế, doanh nghiệp không có con đường nào khác ngoài việc phải củng cố khả năng cạnh tranh của mình. Họ phải bắt đầu chú ý đến các đối thủ cạnh tranh cũng như các khách hàng mục tiêu của họ (Vũ Bá Thế, 2005).