Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa trên địa bàn huyện gia lâm
4.1.6. Đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa huyện
Gia Lâm
4.1.6.1. Những kết quả đạt được
- Các kế hoạch quản lý đối với dịch vụ văn hóa được thực hiện từ cấp cơ sở nên đảm bảo tính sát thực với địa phương khi triển khai thực hiện
- Địa phương đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch quản lý cả trong ngắn hạn và dài hạn. Từ đó sẽ giúp địa phương chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh.
- Công tác tuyên truyền vận động kịp thời, thiết thực, mang tính giáo dục cao đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa.
- Việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo đúng quy định, từ đó giúp công tác quản lý cũng thuận tiện hơn.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ văn hóa từ huyện đến xã được chú trọng.
- Các đội kiểm tra liên ngành đã tập trung tăng cường công tác kiểm tra, nhất là đối với các điểm nóng trên địa bàn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và các loại hình kinh doanh khác có liên quan đến môi trường văn hóa, góp phần ổn định an ninh, trật tự và giảm tệ nạn xã hội.
- Công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên theo từng tháng, từng quý, các đợt cao điểm theo sự chỉ đạo của huyện, thành phố đã tạo nên môi trường kinh doanh văn hóa trên địa bàn.
- Mặc dù quá trình kiểm tra, giám sát các đơn vị có phát hiện sai phạm và tiến hành xử lý nhưng nhìn chung các sai phạm chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, phạt hành chính và chưa có cơ sở nào vi phạm bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
4.1.6.2. Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được của huyện Gia Lâm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa giai đoạn 2013- 2015, có những điểm hạn chế như sau:
- Có quá nhiều văn bản quy định trong quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa gây khó khăn cho phòng VHTT huyện trong quá trình triển khai thực hiện.
- UBND thành phố, huyện chưa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa.
- Hoạt động dịch vụ văn hóa là loại hình có tính đặc thù, phát triển rất nhanh, đa dạng, nhạy cảm và phức tạp. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, các quy định về hoạt động dịch vụ văn hóa cho người dân và việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của dịch vụ văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội mặc dù được các cấp, các ngành thực hiện khá tích cực, song hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, có nhiều điểm kinh doanh tự phát trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của cộng đồng.
- Việc cấp giấy phép kinh doanh của các cơ sở kinh doanh internet và các dịch vụ khác đều do phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện nên thông tin về các cơ sở kinh doanh mới được cấp phép trên địa bàn UBND các xã và phòng VHTT huyện không nắm được nên đã gây khó khăn trong quá trình quản lý.
- Với mỗi giấy phép đăng ký kinh doanh karaoke, phòng VHTT huyện chỉ được giữ lại 30% để duy trì hoạt động nhưng để quyết định cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở thì phòng VHTT huyện phải tiến hành xác định độ ồn có nằm trong hay vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Để làm được điều đó, phòng VHTT huyện cần phải được trang bị thiết bị đo độ ồn, vậy với nguồn kinh phí được trích lại như trên hàng năm thì rất khó có thể trang bị được thiết bị đầy đủ và đảm bảo.
- Cách thức tuyên truyền trực tiếp vẫn còn phổ biến và với nhiều quy định ban hành hiện nay thì các cơ sở kinh doanh khó có thể nhớ hết được nếu như chỉ tuyên truyền trực tiếp.
- Công tác quản lý Nhà nước đối với dịch vụ văn hóa tuy được tăng cường song vẫn còn tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý đối với một số điểm kinh doanh vi phạm.