Nhân tố ảnh hưởng đến quản lý huy động vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh bắc ninh (Trang 82 - 86)

4.2.2.1. Nhân tố chủ quan

Chính sách khách hàng

Chi nhánh có triển khai một số chương trình chăm sóc khách hàng nhân dịp các ngày lễ chung của đất nước, nhưng còn ít, chủ yếu là vào dịp tết nguyên đán, còn phụ thuộc vào các chương trình chăm sóc của Hội sở chính là chủ yếu. Chăm sóc khách hàng chưa thực hiện theo từng đối tượng để khách hàng nhận thấy mình thực sự có được sự chăm sóc đặc biệt từ phía Chi nhánh, như chăm sóc thông qua những dịp quan trọng với khách hàng như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm theo nghề nghiệp… Quà tặng khách hàng còn chưa thiết thực, chưa phù hợp, chưa được khách hàng đánh giá cao.

Mạng lưới giao dịch còn hạn hẹp

Mạng lưới hoạt động so với một Chi nhánh cấp một là còn quá ít: 10 phòng giao dịch. Chính số lượng các điểm giao dịch ít như vậy cũng phần nào hạn chế việc mở rộng địa bàn huy động vốn cho Chi nhánh.

Hoạt động marketing trong công tác huy động vốn chưa được chú trọng Hoạt động marketing các sản phẩm huy động tiết kiệm tại Chi nhánh vẫn phụ thuộc vào hoạt động marketing do Hội sở chính thực hiện, chưa có chương

trình riêng cho mình. Hoạt động marketing chủ yếu vẫn tập trung ở các hình thức đơn điệu như băng rôn, giá chữ X tại các quầy giao dịch. Chi nhánh có triển khai phát tờ rơi, quảng bá qua loa phường nhưng hình thức này còn ít.

Cơ sở vật chất chưa đồng bộ

Về cơ sở vật chất chưa thực sự đồng bộ, ngay tại trụ sở chính số 1 đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh chỗ để xe cho khách hàng rất ít, chỗ để xe ô tô còn không được tòa nhà bố trí, vì vậy gây phiền phức cho khách hàng khi đến giao dịch. Điểm giao dịch trực thuộc Chi nhánh chủ yếu thuê nhà dân vì vậy mà diện tích bé, gây ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng và công tác phục vụ khách hàng thời điểm đông khách.

Trình độ cán bộ và công tác quản lý còn tiếp tục phải cải thiện

Trình độ cán bộ và công tác quản lý còn tiếp tục phải cải thiện: Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ tại Chi nhánh đều đáp ứng được nhu cầu công việc. Tuy nhiên trong quá trình xử lý công việc, nhiều nghiệp vụ ít phát sinh cán bộ vẫn chưa nắm bắt được, nhiều tình huống khó không xử lý được ngay cho khách hàng

Công tác quản lý: Hiện nay tại Chi nhánh công tác quản lý theo hướng truyền thống, được thực hiện thông qua việc chấm điểm đánh giá phân loại cán bộ còn mang nặng tính định tính, chưa xây dựng một chế độ quản lý theo định lượng vì vậy chưa đánh giá được hết chất lượng cán bộ trong công việc. Vì vậy chưa tạo động lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ về tầm quan trọng của việc huy động vốn.

Các sản phẩm dịch vụ liên quan đến huy động vốn chưa được chú trọng phát triển

Hiện nay việc bán chéo sản phẩm tại Chi nhánh vẫn chưa được phát triển. Rất nhiều các sản phẩm liên quan trong quá trình huy động vốn như cho vay tiêu dùng, lập hạn mức thấu chi, phát hành thẻ VISA… thông qua việc các khách hàng cá nhân thanh toán lương qua tài khoản chưa được phát triển. Để sử dụng các sản phẩm này các khách hàng phải đáp ứng rất nhiều các yêu cầu khắt khe khác, vì vậy mà không ít khách hàng không lựa chọn trả lương qua Chi nhánh.

Huy động vốn dân cư chưa được thực sự quan tâm

Phần phân giao chỉ tiêu huy động vốn chưa được giao cụ thể theo đối tượng huy động nên để đạt chỉ tiêu đề ra các phòng, cán bộ tập trung vào các doanh nghiệp với lượng tiền gửi lớn để huy động chưa tập trung vào đối tượng khách hàng cá nhân.

Sự mất cân đối giữa huy động và sử dụng vốn

Sự mất cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn là do nguồn vốn tăng hàng năm mà tín dụng tăng không theo kịp tốc độ tăng của nguồn vốn thêm nữa chính sách tăng trưởng tín dụng lại không được điều chỉnh lại phù hợp với thực trạng nguồn vốn. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng cần phải được điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tế nguồn huy động để đảm bảo an toàn hoạt động.

4.2.2.2. Nhân tố khách quan

Nguyên nhân từ môi trường kinh doanh

- Năm 2014, thế giới có nhiều bất ổn về chính trị như xung đột sắc tộc, ly khai, khủng bố…, ở Việt Nam việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép là tâm điểm chủ yếu nhất; Về kinh tế, thế giới tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa bền vững và đồng đều, kinh tế trong nước đối mặt với không ít những rủi ro, thách thức nhưng với các chính sách quyết liệt đúng hướng và nhất quán của Chính phủ kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra: GDP đạt 5,98%; CPI 1,84% (mức thấp nhất trong 10 năm qua). Tuy nhiên cũng đã xuất hiện các nhóm nhân tố mới làm chồng chất thêm nhiều khó khăn và thách thức mới như tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bứt phá và bền vững biểu hiện ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, sức ép nợ xấu còn nặng nề, hàng hóa tiêu thụ chậm... Do vậy, kinh tế của tỉnh Bắc Ninh tuy đã có những khởi sắc nhưng vẫn ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh, bởi năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh vẫn còn thấp phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI nên tổng sản phẩm (GRDP) chỉ tăng 0,2% so với năm 2013 (mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây), GTSX công nghiệp chỉ đạt 78,5% KH năm, giảm 4,9% so năm trước (trong đó, khu vực FDI giảm đến 5,5%)… Cộng thêm địa bàn Bắc Ninh là thành phố vệ tinh của thủ đô Hà Nội tập trung nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, các Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động rộng hơn và không còn phạm vi khác biệt trong phạm vi hoạt động so với Ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư phát triển như bất động sản, chứng khoán, xuất nhập khẩu… sẽ làm tăng dòng vốn lưu chuyển trong nền kinh tế và công tác huy động vốn sẽ gặp nhiều hạn chế.

- Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm bình ổn thị trường vốn, lãi suất và tỷ giá, góp phần kiềm chế nhập siêu, hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ của tổ chức, cá nhân; chủ động giảm áp lực về cầu ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối.

- Năm 2016, Cơ chế lãi suất thỏa thuận đã có tác động tích cực, đưa thị trường hoạt động theo quy luật cung cầu. Lãi suất huy động và tỷ giá tăng cao, lãi suất huy động thực của các ngân hàng thương mại cao hơn mức lãi suất công bố, lãi suất trên thị trường liên Ngân hàng cũng tăng mạnh; Tỷ giá ngoại tệ xu hướng tiếp tục tăng, tỷ giá trần và tỷ giá thị trường tự do chênh lệch khá lớn làm cho hiện tượng hai giá diễn biến phức tạp.

Những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, diễn biến tình hình thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động Ngân hàng trong đã tác động đến hoạt động của Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam.

Chính sách môi trường pháp lý và chính sách của Chính phủ

Các chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước còn chưa triệt để, chưa có các biện pháp xử lý vi phạm nghiêm khắc khiến một số ngân hàng thương mại không tuân thủ làm cho mặt bằng lãi suất tăng cao trái với sự điều hành chung của Ngân hàng Nhà nước.

Tâm lý thói quen của khách hàng

Thói quen, tâm lý khách hàng thay đổi, chuyển sang gửi các kỳ hạn ngắn và linh hoạt nhiều hơn. Hơn nữa nhu cầu ngày càng đa dạng khiến Chi nhánh phải nhảy cảm hơn để nắm bắt nhu cầu của khách hàng.

Nguyên nhân từ

- Chính sách của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Hội sở chính chưa mang tính đồng bộ, xuất hiện hiện tượng chồng chéo giữa các Ban gây khó khăn cho Chi nhánh trong quá trình giao dịch, tiếp thị khách hàng; đôi lúc bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh.

- Chính sách lãi suất của hội sở chính còn chưa được linh hoạt, hình thức huy động vốn còn chưa đa dạng. Một số hình thức huy động đưa vào sử dụng một thời gian dài nhưng không thu hút được khách hàng do không phù hợp như tiết kiệm rút dần, tiết kiệm ổ trứng vàng ... Các sản phẩm như rút gốc linh hoạt hưởng lãi vẫn chưa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam triển khai.

- Các sản phẩm thiếu tính cạnh tranh so với các đối thủ trên cùng khu vực Trong thời gian qua, các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, đa dạng, phong phú, nhiều chương trình khuyến mại lớn thu hút khách hàng. Một số sản phẩm mới nổi bật như tiền gửi tiết kiệm lãi suất bậc thang theo

số tiền gửi, tiết kiệm dự thưởng trúng vàng trao giải hàng tuần, tiền gửi lĩnh lãi định kỳ và có thể rút gốc linh hoạt trước hạn từng phần… Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chưa triển khai thực hiện.

- Sự giảm sút thị phần Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trên địa bàn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một trong 4 Ngân hàng thương mại quốc doanh lớn của cả nước, giữ vai trò, chức năng quan trọng trong nền kinh tế, đầu mối thông tin phản hồi và tham mưu Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự phát triển mạng lưới các Ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và sự xuất hiện của các Ngân hàng nước ngoài trong thời gian vừa qua là nguyên nhân chính khiến thị phần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm. Xét về tương quan giữa thị phần khách hàng và mạng lưới hoạt động của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh nhận thấy có xu hướng giảm dần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh bắc ninh (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)