Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về thu thuế hộ kinh doanh cá thể
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới
Tại những nước có nơi có trình độ công nghệ tin học hiện đại và mức độ tuân thủ pháp luật cao thì hệ thống quản lý thuế tiến tới tự động hoá công nghệ quản lý nhằm tiến tới môi trường làm việc phi giấy tờ và hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Hệ thống quản lý thuế của các nước này đã áp dụng theo phương pháp người nộp thuế tự khai- tự tính- tự nộp và tự chịu trách nhiệm từ nhiều thập kỷ trước nên đã được cải tiến, hiện đại hoá trên tất cả các lĩnh vực quản lý thuế: quy trình quản lý thuế rõ ràng, hệ thống dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế phát triển, đội ngũ nhân viên thuế được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, các hoạt động thanh tra, kiểm tra được lập kế hoạch và áp dụng kỹ thuật thanh tra tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin hỗ trợ một cách rất hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý thuế và không ngừng được hiện đại hoá.
Do đó, hiệu quả của hoạt động kiểm soát thuế nói chung ở các nước tiên tiến này rất cao như (Tại Đan Mạch, Niu Di Lan và Singapo, số thất thu thuế thấp hơn 10%). Tuy nhiên, có một số nước tiên tiến cũng chỉ mới bắt đầu áp dụng phương thức người nộp thuế tự khai- tự tính- tự nộp và tự chịu trách nhiệm từ giữa và cuối thập kỷ 90 như Anh, Hàn Quốc đã chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý theo sắc thuế sang mô hình quản lý theo chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đẩy mạnh công tác thanh tra, đưa ứng dụng tin học vào quản lý thuế mạnh mẽ.
Một ví dụ điển hình là tại Trung Quốc, một nước đạt được nhiều thành tựu được cả thế giới biết đến trong những năm gần đây. Trung Quốc đã xác định một số các mục tiêu chiến lược cụ thể trong quản lý thuế: thành lập cơ quan Thuế Trung ương để thu các loại thuế quốc gia, thực hiện tự khai- tự tính- tự nộp và tự chịu trách nhiệm, khuyến khích thành lập các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho người nộp thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.
Hay như quốc gia Philippin đã khá thành công với dự án tin học hoá quản lý thuế. Đã xây dựng được các ứng dụng quản lý thuế tự động hoá gồm: đăng ký tờ khai, xử lý tờ khai, theo dõi nợ đọng, phát hiện vi phạm và chọn lọc tiêu thức thanh tra…
Đối với các nước đang phát triển: Hệ thống quản lý thuế của các nước này có đặc điểm là hiệu quả quản lý thuế chưa cao, ý thức tuân thủ pháp luật thuế của
người dân chưa tốt, tin học hoá trong quản lý thuế vẫn hết sức hạn chế. Tại các cơ quan Thuế vẫn còn có sự chồng chéo về chức năng giữa các bộ phận, cơ quan Thuế Trung ương chưa đủ khả năng chỉ đạo và giám sát địa phương.
Bên cạnh đó, có một số nước có nền kinh tế mới nổi và đặc biệt là các nước ASEAN đã bước đầu chú trọng đến cải cách quản lý thuế và có những kết quả nhất định cũng là một số kinh nghiệm đáng để chúng ta học hỏi.
Khảo sát kinh nghiệm ở các nước phát triển, các nước có điều kiện gần tương đồng với Việt Nam với mục đích tìm hiểu những cải cách và huớng hoàn thiện quản lý thuế nói chung trên những nội dung chủ yếu sau:
Một là, việc đăng ký thuế: ở bất cứ quốc gia nào, khi DN tiến hành kinh doanh đều phải đăng ký thuế, đây là bước đầu tiên để cơ quan thuế quản lý được người nộp thuế.
Ở Indonesia, trong thời hạn một tháng kể từ khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN đều phải đăng ký thuế tại cơ quan thuế cấp quận, bang để đuợc cấp mã số thuế. Việc đăng ký và cấp mã số thuế vẫn thực hiện bằng phương pháp truyền thống (bằng giấy).
Ở Hungari, năm 1996, thực hiện cấp MST cho tất cả người nộp thuế.. Ngoài ra cơ quan thuế còn phối hợp với các cơ quan khác để nắm các thông tin liên quan đến việc quản lý thuế như đăng ký về tổ chức có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân, đăng ký về đất đai tài sản khác.
Đặc biệt, đối với Australia, với phương châm coi người nộp thuế là khách hàng, cơ quan thuế đã xây dựng nhiều hình thức để giúp khách hàng của mình dễ dàng đăng ký thuế như: việc đăng ký thuế của người nộp thuế thông qua Internet chiếm khoảng 25%, thông qua hệ thống điện tử tại các đại lý thuế là 38% và thông qua giấy tờ là 38%.
Hai là, công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế: ở nhiều quốc gia, bộ phận dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế được thành lập ở tất cả các cơ quan thuế để tăng cường trợ giúp cho đối tượng nộp thuế dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm cung cấp các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao và kịp thời cho người nộp thuế, giúp DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Ở Indonesia, Tổng cục thuế cung cấp thông tin qua trang thông tin điện tử của ngành, hỗ trợ trực tiếp, trả lời bằng văn bản, huớng dẫn trên đài tiếng nói, truyền hình, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi. Đặc biệt, áp dụng chế độ tờ khai thuế
xanh (áp dụng cho người nộp thuế chấp hành tốt nghĩa vụ thuế). Các DN này sẽ được ưu tiên hoàn thuế nhanh trong vòng một tuần khi được hoàn thuế GTGT. Đồng thời có điều lệ quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế và NNT trong truờng hợp cán bộ thuế huớng dẫn hoặc tư vấn cho người nộp thuế sai chính sách.
Ở Hungari, các hình thức dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế chia tách thành các dịch vụ cụ thể như: trả lời qua điện thoại không mất tiền, truy cập thông tin qua website, phần mềm kiểm tra việc tính thuế trên Internet và bằng đĩa quang, giảng bài và tư vấn trực tiếp, ban hành sổ tay về thuế, xuất bản tạp chí chuyên ngành thuế.
Ở Australia, dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế rất phong phú và hiện đại. Việc quản lý thu thuế trên cơ sở phân NNT theo mức độ tuân thủ. Nhóm một - đối tuợng phản ứng hoặc trốn thuế, nhóm hai - đối tượng chỉ nộp thuế khi cơ quan thuế ấn định, nhóm ba - đối tuợng không muốn nộp thuế nhưng vẫn nộp thuế đúng, nhóm bốn - đối tượng luôn mong muốn làm đúng. Từ đó xây dựng chiến lược cung cấp dịch vụ cho các đối tượng nộp thuế cũng rất khác nhau.
Ba là, thanh tra, kiểm tra: Tại Indonesia, thanh tra được phân ra nhiều loại: thanh tra tại cơ quan thế, thanh tra tại cơ sở, thanh tra thường xuyên, thanh tra chứng cứ ban đầu, thanh tra đặc biệt. Từ năm 2002 đến nay thanh tra thuế được ưu tiên tập trung vào DN có quy mô vừa trở lên. Việc thanh tra các DN lớn phải đuợc chấp thuận của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế.
Ở Hungari, cơ quan thuế chia đối tượng nộp thuế thành 5 nhóm đề có chiến lược và kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Chẳng hạn, đối với đối tượng nộp thuế lớn, việc kiểm tra được thực hiện mỗi năm một lần, việc thanh tra thuế được thực hiện 5 năm/ lần.
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế:
Các nước nói trên đều ứng dụng CNTT trong quản lý thuế từ khâu đăng ký thuế (cấp MST), xử lý tờ khai thuế, theo dõi thu nộp, xác định các tiêu chí đánh giá rủi ro, giúp cơ quan thuế lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thuế đầu vào, thuế đầu ra trong thanh tra, kiểm tra thuế GTGT dịch vụ điện tử cho các DN, lập báo cáo và cung cấp thông tin trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan và phục vụ cho quản lý nội bộ ngành. Ở Australia, hệ thống CNTT trong quản lý thuế rất hiện đại: hệ thống quản lý đuợc nối mạng toàn
quốc, và có sự đối chiếu thông tin một cách tự động. Các dữ liệu tờ khai thuế đuợc nhập vào máy tính, đối chiếu thông tin sau đó được xử lý tự động.
Năm là, kê khai thuế qua mạng Internet: Tại Indonesia, Tổng cục thuế bắt đầu áp dụng kê khai thuế qua mạng từ tháng 7/2002, áp dụng trước hết với tờ khai thuế đối với các DN trong tháng có từ 500 hóa đơn trở lên.
Tại Hungari, người nộp thuế có thể tải mẫu tờ khai thuế trên mạng và thực hiện kê khai thuế. Chương trình sẽ tự động kiểm tra lỗi tờ khai và tự động báo lỗi để DN sửa lỗi, hoàn chỉnh tờ khai trước khi gửi cơ quan thuế.
Tại Autralia, dịch vụ kê khai thuế qua mạng được giới thiệu từ năm 1990 và trước hết áp dụng cho các đại lý thuế, cho đến nay đã phát triển ở trình độ cao và phạm vi rộng.