Tình hình chọn tạo giống dưa chuột ở trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh và đánh giá khả năng kết hợp của một số dòng dưa chuột địa phương tự phối tại gia lâm hà nội (Trang 28 - 32)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.5.2.Tình hình chọn tạo giống dưa chuột ở trong nước

2.5. TÌNH HÌNH CHỌN TẠO GIỐNG DƯA CHUỘT TRONG VÀ NGOÀ

2.5.2.Tình hình chọn tạo giống dưa chuột ở trong nước

Tại Việt Nam, công tác nghiên cứu, khai thác nguồn gen dưa chuột từ những năm 1970. Trong giai đoạn đầu, việc nghiên cứu mới chỉ tập trung nhập nội, đánh giá thích ứng của các giống được nhập nội từ nước ngoài và phục tráng và cải thiện các giống địa phương. Thời gian gần đây, công tác chọn giống dưa chuột lai F1 ở nước ta cũng mới bắt đầu được nghiên cứu.

Theo hướng nhập nội, các Công ty giống Đông Tây, Hoa Sen, Trang Nông và Công ty Giống cây trồng miền Nam đã nhập nội, khảo nghiệm và đánh giá thành công tính thích ứng của một số giống dưa chuột lai F1: Happy 14, DN-3, DN-6 có nguồn gốc từ Đài Loan. Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nhập nội và khảo nghiệm các giống dưa chuột bao tử (Marinda, Levina), đã đưa được giống dưa chuột Marinda vào sản xuất và hiện nay Marinda vẫn là giống có thể mạnh nhất trong sản xuất dưa chuột phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo hướng phục tráng các giống dưa chuột địa phương, Viện Nghiên cứu Rau quả đã phục tráng thành công giống dưa chuột Phú Thịnh - là giống đã được trồng cho chế biến đóng lọ từ nhiều năm nay ở phía Bắc, tuy vậy do quá trình thụ phấn tự do đã bị thoái hóa. Giống dưa chuột Phú Thịnh đã được công nhận giống tiến bộ kĩ thuật năm 2004. Trong thời gian 1998 - 2003, Đoàn Ngọc Lân (2006) đã nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn và hoàn thành quy trình kĩ thuật đưa ra sản xuất đại trà giống dưa chuột 266 phục vụ chế biến muối mặn. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 78-82 ngày (vụ xuân) và 85- 90 ngày (vụ đông). Năng suất đại trà đạt 50-70 tấn/ha. Mức độ nguy nhiễm bệnh giả sương mai thấp ở tất cả các thời vụ.

Theo hướng chọn tạo các giống dưa chuột ưu thế lai, từ năm 1974, Trần Khắc Thi đã tiến hành phép lai giữa giống mẹ là giống dưa chuột Nhật Bản (Nau Fuximari) với giống bố là giống dưa chuột địa phương của Việt Nam (giống Quế Võ), sau khi tiến hành lai lại đời F2 với giống Nau Fuxirami, sau đó chọn lọc cá thể đến đời F8, và năm 1980 đã chọn ra được giống dưa chuột Hữu Nghị đáp ứng được nhu cầu sản xuất thời kỳ đó.

Vũ Tuyên Hoàng (1995), áp dụng phương pháp chọn dòng Guliaev kết hợp với phương pháp thụ phấn đồng dạng, sau 4 năm nghiên cứu (1989 - 1993) đã chọn ra được giống thuần H1 sử dụng cho ăn tươi và chế biến đóng lọ từ tổ hợp lai HN - 1/CPL 572. Từ tổ hợp lai TL1/C95, Vũ Tuyên Hoàng (1996) đã tạo ra giống PCL rất ổn định về đặc tính sinh học và cho hiệu quả tốt trong sản suất, giống cho năng suất từ 35-40 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh tốt. Quả có dạng đẹp, màu xanh sáng, thịt quả dày, ít hạt, quả ngắn (9-12 cm). Giống PCL được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép khu vực hóa năm 1998 (Vũ Tuyên Hoàng, 1996). Cũng bằng phương pháp lai hữu tính, Vũ Tuyên Hoàng (1999) đã tạo ra giống dưa chuột ưu thế lai F1 Sao xanh từ cặp lai DL15/CP1583. Giống dưa chuột Sao xanh có thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, cây có sức sống khỏe, chiều dài quả 23-25 cm, đường kính quả 3,7-4,2 cm, độ dày thịt quả đạt từ 1,2-15 cm. Dạng quả đẹp, sử dụng ăn tươi với hàm lượng đường và Vitamin C cao, quả giòn, thơm có mùi hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ăn tươi và có thể xuất khẩu (Vũ Tuyên Hoàng, 1999).

Nguyễn Tấn Hinh và cs. (2004) đã đánh giá các tổ hợp lai khác nhau và xác định được giống dưa chuột lai PC4 từ tổ hợp DL7/TL15 có thời gian chín sớm thu hoạch quả kéo dài 40-45 ngày, tổng thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày. Năng suất có thể đạt từ 1,34-1,54 kg/cây (tương đương 45-47 tấn/ha), số lượng quả trung bình/cây đạt 6,5 (vụ thu đông) và 7,2 quả (vụ xuân hè), khối lượng trung bình quả đạt 200-220 gam. Đây là giống có thể trồng được cả 2 vụ xuân hè và thu đông.

Phạm Mỹ Linh và cs. (2010) đã chọn tạo thành công hai giống dưa chuột lai F1 là CV5 và CV11 từ các tổ hợp lai giữa các giống dưa chuột nhập nội và các giống dưa chuột địa phương, trong đó giống CV5 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống chính thức và giống CV11 được công nhận là giống sản xuất thử. Giống dưa chuột lai F1 CV5 thuộc nhóm giống sử dụng cho ăn tươi, có năng xuất đạt 45-48 tấn/ha, trồng được cả trong vụ xuân hè

và vụ đông, thời gian sinh trưởng ngắn từ 75-85 ngày tùy từng thời vụ. Mức độ nhiễm bệnh giả sương mai nhẹ và không nhiễm bệnh phấn trắng. Hiện nay giống dưa chuột CV5 đang được trồng phổ biến ở các tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội…

Viện Nghiên cứu Rau quả đã chọn tạo thành công một số dòng dưa chuột đơn tính cái và 2 giống dưa chuột lai F1 là CV29 và CV209. Các giống dưa chuột lai F1 này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử. Giống dưa chuột CV29 có một số đặc điểm chính là: quả dài, gai trắng, quả màu xanh đậm có thể dùng để ăn tươi và chế biến muối mặn, năng suất đạt 40-45 tấn/ha. Đặc điểm chính của giống CV209 là quả nhỏ phục vụ chế biến muối chua, đóng hộp, năng suất đạt 25-28 tấn/ha. Hiện nay giống dưa chuột CV29 được trồng nhiều tại Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội; giống CV209 được trồng tập trung nhiều tại tỉnh Hưng Yên (Ngô Thị Hạnh, 2011).

Từ năm 2003-2004 tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện đề tài “hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất cà chua lai số 1, C95, dưa chuột lai Sao xanh, PC1 phục vụ cho chế biến xuất khẩu”. Kết quả đã sản xuất được 200kg hạt dưa chuột lai Sao xanh và PC1, xây dựng mô hình 50 ha dưa chuột tại Hà Nam (Đào Xuân Thảng và cs., 2005).

Hai giống dưa chuột lai F1 NH815 và NH184 do công ty giống cây trồng Nông Hữu (Đài Loan) lai tạo thành công và mới được nhập vào nước ta vài năm trước đây, có một số đặc điểm sau:

- Giống NH815: Cây sinh trưởng khỏe phân nhánh nhiều, quả ra cả trên thân chính và nhánh phụ, năng suất trung bình 1,7-2 tấn/sào Bắc Bộ. Thời gian từ trồng đến bắt đầu thu hoạch từ 28-30 ngày, cho thu hoạch kéo dài tới hơn 1 tháng. Quả dài 20-22 cm, thẳng, tròn, vỏ xanh, ít hạt thích hợp cho ăn tươi dưới dạng salat.

- Giống NH184:Cây sinh trưởng khỏe, phân nhánh nhiều. Quả đậu sớm, ra quả cả trên thân chính và nhánh phụ, năng suất trung bình 1,6-1,8 tấn/sào Bắc Bộ. Thời gian từ trồng đến bắt đầu thu hoạch chỉ 28 ngày. Quả dài từ 15-18 cm, đường kính từ 3-3,5 cm, quả thẳng, tròn, vỏ xanh, ít hạt, ăn giòn, thích hợp cho ăn tươi dưới dạng salat.

Từ tháng 3 năm 2007 mô hình sản xuất dưa bao tử AJAX được thực hiện tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang) với diện tích gần 3 ha. Giống này có khả năng thích ứng với thời tiết tốt, chịu được nhiệt độ từ 33-350C mà không bị

biến dạng, kháng được bệnh giả sương mai, năng suất trung bình 950 kg/sào. Hiện nay một số giống dưa chuột cũng đang được sử dụng rộng rãi như: Giống dưa chuột SG3.1, dưa chuột Xuân Yến, giống dưa chuột 179 và TN883.

Hiện nay các nhà chọn giống trong nước đã xác định hướng chọn giống dưa chuột như sau:

- Chọn giống cho tiêu dùng trong nước: quả dài 15-25 cm, vỏ quả thường là màu xanh, gai trắng, chất khô 5,5% trở lên, có khả năng chống chịu bệnh giả sương mai, phấn trắng và héo rũ.

- Chọn giống cho chế biến gồm các dạng: dạng muối chua, đóng lọ nguyên quả, quả dài nhỏ hơn 10 cm, ruột đặc màu xanh nhạt, năng suất trên 20 tấn/ha. Dạng chẻ thanh đóng lọ, quả dài 13-18 cm, màu xanh nhạt, ruột đặc, năng suất trên 30 tấn/ha. Dạng dưa chuột cho chế biến muối mặn, đường kính 3-4 cm, quả dài 30 cm, màu xanh đậm, gai trắng, cùi dày (Võ Văn Chi, 2005).

Hiện nay trong nước ta ở một số địa phương đã phát triển thêm các diện tích trồng dưa liên doanh với các doanh nghiệp chế biến dưa chuột nhằm mục đích xuất khẩu sang Nhật Bản với sản phẩm dưa chuột chế biến muối mặn, với hướng này cũng đạt lãi suất khá lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Thêm vào đó, hướng chọn tạo ra các giống dưa chuột để sử dụng cho sản xuất chủ yếu bằng cách nhập nội giống nước ngoài từ đó chọn tạo ra các giống dưa chuột ưu thế lai F1 phù hợp cho sản xuất và chế biến xuất khẩu.

Qua những phần trên cho thấy, với thời gian nghiên cứu khai thác nguồn gen dưa chuột chưa nhiều, nhưng đến nay ở Việt Nam đã thu nhập và tạo mới được hàng trăm mẫu giống dưa chuột với các tính trạng quý, nhiều dòng dưa chuột tự phối các loại: dưa chuột quả nhỏ, dưa chuột ăn tươi, dưa chuột quả dài chế biến muối mặn, dưa chuột đơn tính cái, dưa chuột ưu thế hoa cái…đây là nguồn vật liệu quý phục vụ công tác lai tạo giống sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh và đánh giá khả năng kết hợp của một số dòng dưa chuột địa phương tự phối tại gia lâm hà nội (Trang 28 - 32)