2.5.3.1. Khô đỗ tương
Là một trong những nguồn thức ăn lý tưởng bổ sung đạm cho lợn. Protein của khô dầu đậu tương chứa hầu hết các axitamin không thay thế nhưng hàm lượng cysteine và methionine còn dưới mức tối ưu. Methionine là axitamin hạn chế số một của hạt đỗ tương và đặc biệt quan trọng trong các khẩu phần giàu năng lượng. Trong khô đỗ tương có một số độc tố (saponin và isoflavon) là các
chất kháng trypsin, hemaglutinin nên khô đậu cần xử lý qua nhiệt để phát huy được tác dụng của nguồn protein và tránh được những tác dụng độc hại. Khô đỗ tương là nguồn cung cấp Ca, P tốt hơn hạt ngũ cốc nhưng lại nghèo vitamin nhóm B. Vì vậy khi kết hợp khô đỗ tương và hạt cốc trong khẩu phần ăn của lợn cho kết quả rất tốt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức đậu tương càng cao trong khẩu phần của lợn thì chi phí tiêu tốn thức ăn cho 1kg tăng khối lượng giảm xuống. Nói cách khác bổ sung khô đỗ tương vào khẩu phần đạt được đồng thời 2 mục tiêu: đẩy mạnh tốc độ tăng trọng và giảm bớt chi phí thức ăn.
2.3.3.2. Bột cá
Đây là loại thức ăncung cấp protein có nguồn gốc động vật có chất lượng dinh dưỡng cao nhất. Bột cá được chế biến từ cá tươi hay phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến cá hộp. Hàm lượng protein trong bột cá sản xuất ở nước ta biến động từ 35 - 60%, khoáng tổng số 19,6 - 34,5%; trong đó hàm lượng muối khoảng 5 - 10%; canxi 5,5 - 8,7%; photpho 3,5 - 4,8%. Các chất hữu cơ trong bột cá được gia súc, gia cầm tiêu hóa và hấp thụ với tỷ lệ cao 85 - 90%. Nếu bổ sung bột cá cùng thức ăn tinh sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng lên một mức đáng kể. Bột cá có chứa các yếu tố kích thích tăng trọng do đó giảm chi phí thức ăn cho 1kg tăng khối lượng. Laksesvela (1961) (Nguyễn Thiện và cs., 2004) chứng minh rằng nếu bổ sung bột cá vào khẩu phần ăn sẽ làm tăng tốc độ sinh trưởng của lợn và giảm chi phí thức ăn cho một kilogam tăng khối lượng. Kết quả cho thấy nếu bổ sung 6 - 8% bột cá trong khẩu phần ăn của lợn vỗ béo trên nền khẩu phần cơ sở chứa 10% khô đỗ tương sẽ cho tăng trọng tối ưu.