đệm lót sinh học sử dụng chế phẩm VSV hữu hiệu
Để đánh giá khả năng xử lý chất thải chăn nuôi gà bằng đệm lót sinh học chúng tôi tiến hành làm thí nghiệm với 3 lần nhắc lại tại 3 chuồng nuôigà giống nhau về giống gà, tuổi gà, diện tích, kỹ thuật chăn nuôi…với số lượng 50 con/chuồng, diện tích chuồng nuôi 10m2. Giống gà chúng tôi lựa chọn là gà sinh sản. Các công thức thí nghiệm như sau:
Công thức 1: Đối chứng không sử dụng chế phẩm.
Công thức 2: Đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm EM dạng bột.
Công thức 3: Đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm EM dạng lỏng.
Công thức 4: Đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm EM dạng bột + cho gà uống chế phẩm EM dạng lỏng pha loãng với tỷ lệ 30/00.
Công thức 5: Đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm EM dạng lỏng + cho gà uống chế phẩm EM dạng lỏng pha loãng với tỷ lệ 30/00.
* Cách làm đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm EM dạng bộtnhư sau: Bước 1(Làm chế phẩm men): lấy 1kg EM Bokashi môi trường trộn đều với khoảng 3 kg cám ngô, bổ sung thêm khoảng 1-2 lít nước sao cho độ ẩm đạt khoảng 30 - 35 %. Có thể kiểm tra trực tiếp bằng tay (khi nắm chặt thì không rỉ nước ra kẽ tay, khi bóp nhẹ thì tan ra), sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm ủ trong 5 - 7 ngày đối với mùa đông, từ 3 - 4 ngày đối với mùa hè.
Bước 2: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 5 - 10 cm (khoảng 400kg trấu) rồi tiến hành thả gà vào.
Bước 3: Quan sát trên bề mặt nền chuồng khi nào thấy phân trải đều khắp, ta dùng cào cào sơ qua lớp mặt đệm lót (cần quây gọn gà về 1 phía để tránh gây xáo trộn đàn gà).
Bước 4: Sau khi cào lớp mặt đệm lót xong thì rắc đều chế phẩm men lên toàn bộ nền chuồng lượng rắc khoảng 50 - 60 gam (3 nắm tay/1m2), tiếp tục dùng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều khắp. Sau đó tiến hành thả gà vào chuồng.
* Cách làm đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm dạng lỏng như sau: Bước 1: Rải đều trấu hoặc mùn cưa với độ dày 5 - 10 cm (khoảng 400kg trấu) lên toàn bộ diện tích sàn nuôi.
Bước 2: Lấy khoảng 5 kg rỉ mật đường, 5 lít chế phẩm EM, khoảng 30 - 40 lít nước trộn đều sau đó phun lên bề mặt đệm lót với độ ẩm 30 - 35%. Kiểm tra độ ẩm bằng tay (dùng tay bốc một nắm mùn cưa hoặc trấu, quan sát thấy hạt mùn cưa bị thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời là được).
Bước 3: Gom toàn bộ đệm lót, đậy bằng bạt và ủ trong thời gian 5 - 7 ngày đối với mùa đông, từ 3 - 4 ngày đối với mùa hè.
Bước 4: Sau 5 - 7 ngày đối với mùa đông và khoảng 3 - 4 ngày đối với mùa hè, sẽ san đều đệm lót ra rồi thả gà vào nuôi.
* Sử dụng và bảo dưỡng:
- Thường xuyên làm tơi xốp bề mặt đệm lót
- Nuôi trong vài tuần nếu có mùi hơi hăng hắc thì xới tơi đệm lót, bổ sung thêm chế phẩm men, hoặc hòa loãng chế phẩm EM với nước theo tỷ lệ 1/10 sau đó phun đều khắp nền chuồng, nên để cửa thông thoáng.
- Khi bảo dưỡng lúc trong chuồng có gà vào những ngày nóng, bố trí thời gian để làm vào buổi chiều mát sẽ ít ảnh hưởng đến gà.
- Tránh để bị nước mưa hắt làm ướt đệm lót. Tại khu vực máng uống nước nếu thấy ướt quá thì bốc toàn bộ chỗ ướt và thay bằng một lớp đệm lót mới sau đó bổ sung thêm chế phẩm men lên trên và đảo trộn đều.
* Các chỉ tiêu theo dõi về hiệu quả của đệm lót sinh học như sau:
- Để đánh giá khả năng xử lý khí độc H2S, NH3 trong chất thải chăn nuôi chúng tôi tiến hành đo trực tiếp tại 5 vị trí bất kỳ trong chuồng nuôi theo TCVN 6620:2000 sau đó lấy số liệu trung bình của các lần đo, 3 lần nhắc lại.
- Đánh giá hàm lượng chất N, P, K tổng số, hàm lượng vi sinh vật trong chất thải chăn nuôi chúng tôi tiến hành lấy mẫu tại 5 vị trí khác nhau trong chuồng nuôi sau đó trộn lại rồi tiến hành phân tích, 3 lần nhắc lại.
+ N tổng số: xác định theo phương pháp Kjeldahl theo TCVN 8557 : 2010 + P tổng số: đo bằng thiết bị trắc quang theo TCVN 8563 :2010
Mật độ vi sinh vật Coliform (MPN/100ml) sử dụng phương pháp lọc màng theo TCVN 6187: 2009
Mật độ vi sinh vật Ecoli (MPN/100ml) sử dụng phương pháp lọc màng theo TCVN 6187 : 2009