a. Năng lực, phẩm chất cán bộ
Trong hoạt động quản lý thu, chi NSNN nói chung và NSX nói riêng, yếu tố con người có sự tác động nhất định, ảnh hưởng đến quản lý thu, chi ngân sách. Một thực tế rất rõ đối với việc quản lý thu, chi NSX là việc lập dự toán thu, chi ngân sách, chấp hành thu, chi ngân sách, quản lý ngân sách, kiểm tra, kiểm soát ngân sách đều được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ quản lý cấp xã và công chức tài chính - kế toán xã. Trường hợp đội ngũ cán bộ liên quan đến hoạt động quản lý thu, chi ngân sách có trình độ năng lực chuyên môn vững thì sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ lập dự toán, chấp hành thu, chi ngân sách và việc kiểm tra, kiểm soát ngân sách sẽ không để xảy ra sai sót, thất thoát lãng phí ngân sách. Nếu đội ngũ công chức phụ trách NSX trình độ, năng lực hạn chế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý thu, chi ngân sách, việc lập dự toán, chấp hành thu, chi ngân sách, kiểm tra, kiểm soát ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn dẫn đến thiếu thống nhất. Như vậy, việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo đội ngũ công chức tài chính – kế toán xã cũng là một trong những yêu cầu thiết yếu để công tác quản lý thu, chi tài chính, ngân sách được thực hiện tốt hơn.
b. Chính sách đãi ngộ
Chính sách đãi ngộ ở đây được xác định xây dựng cơ chế đặc thù đối với những công chức đang đảm nhận công tác quản lý thu, chi NSX, để khuyến khích người được thụ hưởng chính sách nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ phải thực hiện. hiện nay, công chức đảm nhận công tác quản lý thu, chi NSX đã được hưởng các chế độ chính sách đảm bảo theo quy định của Luật cán bộ công chức và nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của chính phủ. Tuy vậy, với đặc thù làm công tác quản lý thu, chi ngân sách nên đội ngũ này chịu nhiều áp lực từ chuyên môn và chịu sự tác động trực tiếp của xu hướng thị trường hóa. Chính vì thế, việc xây dựng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm công tác quản lý thu, chi ngân sách góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.
Thực hiện chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ phụ trách công tác quản lý thu, chi NSX trước hết là thực hiện một số nội dung như: Thực hiện tốt tiêu chuẩn định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; tiêu chuẩn định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc; tiêu chuẩn, định mức sử dụng phòng làm việc, phòng chứa hồ sơ, sổ sách, giấy tờ tại cơ quan; chế độ sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tiền lương, tiền thưởng, khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách đãi ngộ khác đối với công chức. Chính sách đãi ngộ sẽ tác động mạnh đến hoạt động của con người, là động lực thúc đẩy tích cực, khả năng sáng tạo, nhiệt tình trách nhiệm của mỗi con người, góp phần ổn định, phát triển.
Đội ngũ công chức làm công tác quản lý thu, chi NSNN nói chung và NSX nói riêng là những người trực tiếp gánh vác trách nhiệm nặng nề, phải vừa đảm nhận công tác tuyên truyền vận động vừa là người trực tiếp thu ngân sách ở địa phương. Như vậy, việc tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về việc đóng góp nộp ngân sách góp phần ổn định nguồn thu cho địa phương. Cho nên việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ này không chỉ áp dụng chính sách của Trung ương mà còn là cả sự vận dụng chính sách của địa phương cả về vật chất và tinh thần để động viên tinh thần nhằm tạo ra động lực làm việc của đội ngũ làm công tác quản lý thu, chi NSX.