Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo của trường cao đẳng công thương hải dương (Trang 26 - 28)

2.2.1.1. Trường Cao đẳng Dầu khí

Được thành lập từ ngày 7/11/1975 với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho ngành Dầu khí nói riêng và xã hội nói chung, đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đã đào tạo trên 160.000 lượt học viên với hơn 100 chương trình đào tạo.

Trong công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo với nhiều loại hình khác nhau, từ đào tạo ngắn hạn đến dài hạn, bao gồm các loại hình: Đào tạo nghề chuyên ngành dầu khí; Đào tạo bồi dưỡng thường xuyên; Đào tạo ngoại ngữ, tin học; Đào tạo an toàn - môi trường; Đào tạo trước tuyển dụng cho các dự án; Kết hợp với các trường đại học, các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Đồng thời, PVMTC còn thực hiện các dịch vụ tư vấn đào tạo và đào tạo theo yêu cầu của khách hàng.

Các chương trình đào tạo của nhà trường được cập nhật liên tục, đổi mới thường xuyên để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khoa học công nghệ và khách hàng. Nhà trường đã thiết kế và tổ chức thực hiện nhiều chương trình đào tạo khác nhau từ thượng nguồn đến hạ nguồn thuộc nhiều lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí; vận chuyển, tồn chứa, phân phối sản phẩm dầu khí; chế biến dầu khí... và các chương trình theo yêu cầu khách hàng.

Trường đã đào tạo cho hơn 1.700 kỹ sư và 2.500 công nhân của hầu hết các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, chế biến khí, vận chuyển khí, điện khí, điện than, đạm… cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong ngành làm chủ đầu tư, góp phần đưa các công trình dầu khí vào vận hành an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.

Một trong những dự án đào tạo tiêu biểu mà PVMTC đã thực hiện, đó là đào tạo cho hơn 600 kỹ sư và công nhân thuộc Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đơn vị tư vấn quản lý đào tạo - Công ty Honeywell Việt Nam đánh giá cao về chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong công tác đào tạo và quản lý đào tạo dự án. Riêng trong năm 2017, PVMTC vừa hoàn thành công tác đào tạo cho hơn 200 học viên thuộc Dự án Đào tạo đội ngũ nhân sự vận hành và bảo dưỡng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

2.2.1.2. Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều năm qua, trường Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh đã liên tục đổi mới, đa dạng hóa ngành nghề và các loại hình đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Điện phía Nam và xã hội.

Trường Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh, tiền thân là trường Công nhân Kỹ thuật Điện, trường Trung học Điện 2, thành lập ngày 20/10/1976. Trường là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực bậc Cao đẳng trở xuống và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ cho ngành Điện ở khu vực phía Nam.

Với đội ngũ ban đầu gồm 28 giảng viên và nhân viên, trong đó số người có trình độ Đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay, trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước cũng như có chính sách tuyển dụng, thu hút giảng viên có trình độ về công tác tại trường. Đến nay, tổng số cán bộ giảng viên của trường là 130, trong đó có 2 TS, 55 ThS, 50 kỹ sư – cử nhân, trong đó nhiều người có kinh nghiệm thực tế.

Với mục tiêu “Chất lượng đào tạo phải làm hài lòng người sử dụng”, trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 từ năm 2008. Công tác đào tạo của trường được tiến hành theo hướng đáp ứng tốt nhu cầu thực tế, giảm tải lý thuyết, tăng thời lượng thực hành và chuyên ngành, thường xuyên cập nhật giáo trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các đơn vị ngành điện. Có thể nói, sinh viên tốt nghiệp của trường đã đáp ứng được đòi hỏi khắt khe trong môi trường cạnh tranh gay gắt về việc làm, đặc biệt sinh viên của trường luôn được ưu tiên trong cơ cấu tuyển dụng của các đơn vị điện lực. Đến nay đã có trên 70% cán bộ, nhân viên ngành Điện khu vực phía Nam đã từng học tập tại trường, trong đó có nhiều người hiện đang là cán bộ quản lý hoặc cán bộ kỹ thuật cao cấp của các đơn vị.

Được sự chỉ đạo của EVN và các đơn vị điện lực (đặc biệt là EVNSPC, EVNHCMC), trường đã đẩy mạnh công tác đào tạo lại như đào tạo cán bộ lãnh đạo - quản lý, đào tạo nghiệp vụ, bồi huấn nâng bậc, xây dựng nhiều chuyên đề, module đào tạo ngắn hạn sát thực tế sản xuất kinh doanh của ngành Điện với sự tham gia giảng dạy của giảng viên từ các trường Đại học có uy tín trong thành phố và cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của các điện lực. Công tác đào tạo và phục vụ cho các lớp ngắn hạn là thế mạnh của trường, được các đơn vị trong và ngoài ngành đánh giá cao.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của trường gồm 32 phòng học lý thuyết, xưởng thực tập lưới điện 5000 m2, bộ mô phỏng hệ thống điện, hệ thống relay kỹ thuật số, các phòng thí nghiệm điện, thiết bị thực hành lò hơi, turbin... về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu học lý thuyết và thực hành của sinh viên. Hàng năm, ngoài việc đầu tư sửa chữa, mua sắm bổ sung của trường, EVN cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm một số trang thiết bị hiện đại và điều chuyển một số thiết bị điện như rơ-le, recloser… làm công cụ giảng dạy. Những sự đầu tư này đã giúp trường có cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện để đào tạo sát hơn với thực tế của ngành.

Trải qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, đoàn kết vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành Điện và đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo của trường cao đẳng công thương hải dương (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)