Tổng quan về làng nghề khai thác đá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại cụm làng nghề khai thác và chế biến đá xã yên lâm, huyện yên định, tỉnh thanh hóa (Trang 26 - 27)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.4. Tổng quan về làng nghề khai thác đá

Thời kỳ đồ đá đã lùi xa vào quá khứ nhường chỗ cho thời kỳ đồ điện tử, thế nhưng ngày nay trong mỗi gia đình người dân đất Việt vẫn còn không ít những vật dụng bằng đá tồn tại song hành cùng thời gian. Từ xa xưa, nghề khai thác và chế tác các sản phẩm dân dụng, mỹ nghệ từ đá đã phát triển khá mạnh, ban đầu cũng chỉ sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày như chày, cối đá, bia mộ,... Nhưng càng về sau nghề này càng phát triển, kỹ nghệ chế tác càng điêu luyện tinh xảo hơn mới phát triển sang chế tác mỹ nghệ, điêu khắc, tạc tượng...đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sản phẩm của làng đá hiện nay hết sức đa dạng phong phú về đề tài, chủng loại kích cỡ, từ những vật dụng hàng ngày như cốc, chén, ấm trà bằng đá…đến các tượng lân, rồng, sấu đá,… cho các chùa, rồi đến những tượng nhân sư, thần Vệ Nữ, danh nhân đất Việt, danh nhân thế giới, Phật Di Lặc, Phật bà Quan Âm, Sư tử, Hổ, Báo, Đại bàng... Có tượng chỉ bằng ngón tay, có tượng to bằng người thật hết sức tinh xảo sinh động. Sản phẩm của các làng đá không chỉ có đá xây dựng ốp lát, xây tường, móng kè… và những vật dụng đơn giản mà còn có đá mỹ nghệ với những sản phẩm tinh xảo như: voi đá, ngựa đá, tòa sen, tượng phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương, tháp nhang sân chùa, nhịp cầu bằng đá,… được lưu dấu ấn ở các công trình văn hoá, lịch sử như chùa Báo Ân, điện Lam Kinh, thành nhà Hồ, Kinh thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Diên Hựu, nhà thờ đá Phát Diệm,… mà còn xâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu...nên chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo ngày càng được nâng cao hơn rất nhiều và được nhân dân các nước ưa chuộng, tin dùng.

Ngoài những làng nghề chế tác đá nổi tiếng từ thời xa xưa như làng nghề Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), làng nghề Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), làng nghề Đông Sơn (Thanh Hoá),…hiện nay với sự phát triển của kinh tế thị trường và chủ trương phát triển làng nghề của nhà nước, với sự kế thừa những tinh hoa của các làng nghề truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại,

các làng nghề chế tác đá mới cũng đã xuất hiện trên khắp mọi miền của đất nước như: làng đá Long Châu (Chương Mỹ, Hà Nội), Đại Lộc (Quảng Nam), Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái), Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc),…cũng như nhiều công ty đá mỹ nghệ khác: công ty TNHH đá mỹ nghệ Thái Bình, Công ty TNHH xây dựng Đồng Tiến (thị xã Quảng Trị), Công ty TNHH Thái Thùy Linh

(Chương Mỹ, Hà Nội),…

Nghề đá phát triển, thu nhập bình quân của người dân làm nghề tạc đá ngày càng ổn định và khấm khá hơn.

Tuy nhiên, để trở thành một làng nghề có quy mô lớn, phát triển theo hướng bền vững và đủ sức vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nghề đá cần có sự hỗ trợ nhiều mặt từ chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở tỉnh và huyện. Trong đó, các giải pháp về quy hoạch, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, công nghệ, môi trường, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp,…là những yếu tố cần xem xét và thực thi một cách đồng bộ với những bước đi thích hợp. Được như vậy, nghề khai thác và sản xuất các sản phẩm từ đá sẽ góp phần đắc lực vào công tác giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp- nông thôn ở địa phương (Tổng cục môi trường, 2012).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại cụm làng nghề khai thác và chế biến đá xã yên lâm, huyện yên định, tỉnh thanh hóa (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)