Sử dụng đất nông nghiệp trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân sơn tỉnh phú thọ (Trang 28 - 30)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình sử dụng đất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam

2.3.1. Sử dụng đất nông nghiệp trên thế giới

Diện tích đất đai thì có hạn trong khi dân số ngày càng tăng, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Các phương pháp đã được nghiên cứu, áp dụng dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp được tiến hành ở các nước Đông Nam Á như: Phương pháp chuyên khảo, phương pháp mô phỏng, phương pháp phân tích kinh tế, phương pháp phân tích chuyên gia…Bằng những phương pháp đó, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, đánh giá hiệu quả đối với từng loại cây trồng, từng giống cây trồng trên mỗi loại đất, để từ đó có thể bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm khai thác tốt hơn lợi thế so sánh của từng vùng.

Hàng năm trên thế giới diện tích đất canh tác bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp trở nên khó khăn. Không chỉ đối mặt với sự giảm sút về diện tích, cả thế giới cũng đang lo ngại trước sự suy giảm chất lượng đất trồng. Một diện tích lớn đất canh tác bị nhiễm mặn không canh tác được một phần cũng do tác động gián tiếp của sự gia tăng dân số. Sự gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng tạo ra nguy cơ ô nhiễm đất nông nghiệp. Thuốc hóa học trừ sâu, phân bón hóa học trên thế giới ngày càng được sử dụng nhiều. Thuốc bảo vệ thực vật gây hại nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Theo ước lượng của tổ chức WHO, mỗi năm có 3% lao động nông nghiệp ở các nước đang phát triển (25 triệu người) bị nhiễm thuốc độc trừ sâu.

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng quá trình phát triển của hệ thống nông nghiệp nói chung và hệ thống cây tồng nói riêng là sự phát triển đồng ruộng đi từ cao đến thấp. Điều đó có nghĩa là hệ thống cây trồng đã phát triển trên đất cao trước, sau đó mới đến đất thấp. Đó là quá trình hình thành của hệ sinh thái đồng ruộng. Nhà khoa học Otak Tanaka đã nêu lên những vấn đề cơ bản về sự hình thành của sinh thái đồng ruộng và từ đó cho rằng yếu tố quyết định của hệ thống nông nghiệp là sự thay đổi về kỹ thuật, kinh tế - xã hội.

Ở Thái Lan, Ủy ban chính sách Quốc gia đã có nhiều quy chế mới ngoài hợp đồng cho tư nhân thuê đất dài hạn, cấm trồng những cây không thích hợp với đất nhằm quản lý và bảo vệ đất tốt hơn (FAO, 1990).

Theo kinh nghiệm của Ttrung Quốc thì việc khai thác và sử dụng đất là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn toàn diện. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách quản lý sử dụng đất đai ổn định chế độ sở hữu, giao đất cho nông dân sử dụng, thiết lập hệ thống trách nhiệm và tính chủ động sáng tạo của nông dân trong sản xuất đã thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn phát triển toàn diện về mọi mặt và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp (Vũ Thị Phương Thụy, 2000)

Bước vào thế kỷ 21, với những thách thức về an ninh lương thực, dân số, môi trường sinh thái, nông nghiệp - một ngành sản xuất lương thực, thực phẩm cơ bản nuôi sống con người phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhu cầu của con người ngày càng tăng đó gây sức ép nặng nề lên đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp bị suy thoái, biến chất ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nông sản và khả năng đảm bảo an ninh lương thực. Thực tế cho thấy, khi đất nông nghiệp bị thoái hóa thì cuộc sống của con người bị đe dọa. Theo FAO, tình trạng thoái hóa đất gia tăng đã khiến năng suất cây trồng giảm và có thể đe dọa tới tình hình an ninh lương thực đối với khoảng 1/4 dân số thế giới. Năng suất cây trồng giảm, giá lương thực tăng cao, nguồn dự trữ thấp, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tăng và thiên tai ngày càng nhiều đang là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu đói của hàng triệu người ở các nước đang phát triển.

Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các nước đã gắn phương thức sử dụng đất truyền thống với phương thức hiện đại và chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Các nước Châu Á đã rất chú trọng trong việc đẩy mạnh công tác thủy lợi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các công thức luân canh để ngày càng nâng cao hiệu quả sử dụng đất

nông nghiệp. Một mặt phát triển công nghiệp chế biến nông sản, gắn sự phát triển công nghiệp với bảo vệ môi sinh, môi trường cũng đang được quan tâm.

Tóm lại, đất nông nghiệp trên thế giới đã còn không nhiều so với tổng diện tích tự nhiên, lại còn bị sử dụng kém hiệu quả và kém bền vững dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho hiện tại và tương lai. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người. Nghiên cứu thực trạng sử dụng đất nông nghiệp trên thế giới, tôi nhận thấy rằng tăng cường quản lý và sử dụng đất theo hướng nâng cao hiệu quả là một việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân sơn tỉnh phú thọ (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)