Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân sơn tỉnh phú thọ (Trang 39 - 44)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện Tân Sơn

4.1.1. Điều kiện tự nhiên

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Huyện Tân Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, ranh giới huyện được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Yên Lập;

- Phía Đông giáp huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ; - Phía Nam giáp huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình;

- Phía Tây giáp huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái và huyện Phù Yên tỉnh Sơn La. Trung tâm huyện lỵ nằm tại xã Tân Phú có trục đường Quốc lộ 32A chạy qua, cách thành phố Việt Trì 75 km, cách thủ đô Hà Nội 117 km, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương giữa huyện với các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của tỉnh và của cả nước.

Tổng diện tích đất tự nhiên theo báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2015 là 68858,25 ha bao gồm 17 đơn vị hành chính sự nghiệp cấp xã, bao gồm các xã: Minh Đài, Tân Phú, Mỹ Thuận, Thu Ngạc, Thạch Kiệt, Thu Cúc, Lai Đồng, Đồng Sơn, Tân Sơn, Kiệt Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Văn Luông, Long Cốc, Tam Thanh, Vinh Tiền (trong đó trụ sở hành chính huyện Tân Sơn nằm tại Thị trấn Tân Phú).

SƠ ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN SƠN TỈNH PHÚ THỌ

4.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Tân Sơn là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh với đặc điểm địa hình đồi núi có độ dốc lớn xen kẽ là các dộc ruộng và các thung lũng nhỏ. Địa hình bị chia cắt, dốc kéo dài, phần lớn là rừng núi, nằm trong vùng địa hình đồi núi thấp và trung bình thuộc lưu vực sông Bứa, nơi kết thúc dãy Hoàng Liên Sơn. Đặc điểm kiến tạo của tự nhiên đã tạo nên sự đa dạng và phức tạp cho địa hình, nhưng nhìn chung địa hình, địa mạo của huyện có thể được chia làm 2 dạng chính:

- Địa hình đồi cao: Độ cao trung bình so với mặt nước biển 300-700 m, độ dốc khá lớn, thường trên 250, đồi chạy thành từng dải ngắn, bao gồm các xã Tân Phú, Tam Thanh, Thu Cúc, Long Cốc.

- Thung lũng, đồng bằng: Thung lũng lòng chảo như Cọ Sơn (Thu Ngạc), cánh đồng bằng phẳng rất thuận lợi cho sản xuất lương thực như cánh đồng ở Kim Thượng, Xuân Đài, Minh Đài...

4.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thủy văn.

a. Đặc điểm khí hậu.

Huyện Tân Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có những đặc điểm phức tập của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, lượng mưa tập trung vào các tháng mùa mưa, có mưa đá, lốc xoáy, sương muối và sương mù.

Theo số liệu khí tượng thuỷ văn tại trạm Minh Đài, nhiệt độ không khí trung bình qua các năm là 23,30C, nóng nhất vào các tháng 5, 6 có khi nhiệt độ lên đến 39-400C, về mùa đông nhiệt độ xuống dưới 50C và kéo dài 3-4 ngày và xuất hiện sương muối, sương mù từng đợt.

Số giờ nắng trung bình qua các năm là 1453 giờ. Tổng tích ôn đạt khoảng 8.4000C.

Lượng mưa trung bình qua các năm là 1808,8 mm, nhưng chủ yếu tập trung vào các tháng 6, 7, 8, 9 trong năm. Có những đợt mưa kéo dài 2-3 ngày gây lũ lớn ở các sông, suối, gây cản trở giao thông. Nhiều năm xảy ra mưa đá, lốc gây thiệt hại cho sản xuất. Lượng mưa nhỏ nhất về mùa khô vào các tháng 11,12 dến tháng 2 năm sau.

Độ ẩm không khí trung bình qua các năm là 86,8%, tốc độ gió trung bình 1,8 m/s, hướng gió chính: Đông, Đông Nam và Tây Nam.

b. Thủy văn, nguồn nước.

Tài nguyên nước của huyện Tân Sơn được cung cấp chủ yếu bởi 3 nguồn nước chính là nước mặt, nước ngầm và nước mưa tự nhiên.

- Hệ thống sông Bứa, sông Giày và các chi lưu của nó với lưu vực rộng, lưu lượng nước dồi dào là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh khác. Tuy các ao, hồ, đầm không nhiều, nhỏ và phân bố không đều nhưng cũng rất quan trọng trong việc cung cấp nước. Hồ Xuân Sơn khi được hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các xã giáp ranh rừng quốc gia Xuân Sơn.

- Nguồn nước ngầm của huyện Tân Sơn dồi dào, chất lượng tốt và đảm bảo sinh hoạt, nhưng phân bố nước ngầm không đều, những vùng núi, vùng đồi cao, xa sông thường có trữ lượng và lưu lượng thấp, khó khai thác, hình thức chủ yếu là giếng khơi.

- Tổng lượng mưa trung bình hàng năm là 1808,8 mm, đây thực sự là nguồn nước lớn cung cấp bổ sung cho các sông, ngòi, ao, hồ và cho các sinh hoạt khác của nhân dân. Tân Sơn với thảm phủ thực vật khá tốt, là nơi dự trữ nguồn nước mặt trên các dãy núi, dẫn xuống qua các khe cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ dân sống quanh đó.

Nhìn chung nguồn tài nguyên nước huyện Tân Sơn dồi dào kể cả nước

mặt và nước ngầm, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, nước ngầm có chất lượng tốt, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

4.1.1.4. Địa chất, đá mẹ và mẫu chất hình thành đất (Tài nguyên đất)

Địa chất huyện Tân Sơn với các hệ tầng, đá của phức hệ được phân bố như sau:

Hệ tầng Suối Chiềng (PR1sc), phân bố ở các xã Kim Thượng, Xuân Đài. Đá mẹ của hệ tương đối đồng nhất, chủ yếu là đá Plagiô gơnai bị migmatít hoá.

Hệ tầng Sinh quyền (PR1sq), phân bố ở các xã Kim Thượng, Thu Cúc, Minh Đài, Vinh Tiền. Hệ tầng Sinh quyền gồm hai phần: Phần dưới chủ yếu là đá phiến hai mica-fenspat, bị uấn nếp và đứt gãy cát phức tạp.

Hệ tầng Bản páp (D2bp), phân bố ở xã Xuân Sơn. Phía dưới của hệ tầng có quan hệ chuyển tiếp từ hệ Bản Nguồn lên.

Hệ tầng Sông Mua (D1sm), phân bố ở các xã Thu Cúc, Lai Đồng, Đồng Sơn. Phần dưới là đá phiến sét màu đen xen bột kết màu xám, cát kết hạt nhỏ và vừa, dày 200-500 m.

Hệ tầng Sinh Vinh (O3-Ssy), có ở xã Thu Cúc. Thành phần chủ yếu là đá vôi màu xám phớt lục và đen, các lớp cuội cơ sở, thành phần cuội chủ yếu là quarzit, các loại cát kết, bột kết chứa vôi màu phớt lục.

Đá mẹ là do các khoáng vật tạo nên trong một điều kiện địa chất nhất định, do quá trình phá huỷ đá mẹ xảy ra dưới các hình thức khác nhau gọi chung là “quá trình phong hóa” sản phẩm phong hóa hay còn gọi là “mẫu chất”. Theo thời gian các yếu tố tự nhiên như sinh vật, khí hậu, nhiệt độ, áp suất địa hình và con người tác động lên mẫu chất dần dần bổ sung thêm hợp chất hữu cơ và làm cho thành phần hóa học của các chất vô cơ và hữu cơ kết hợp lại tạo ra hợp chất mới. Chính phần mới này làm cho mẫu chất trở thành đất với đầy đủ thuộc tính hoá học, lý học, sinh học và đặc tính sử dụng của nó.

4.1.1.5. Thực vật

- Đối với vùng đồi núi của huyện:

Với đặc điểm về địa hình, khí hậu và điều kiện tự nhiên đã tạo cho Tân Sơn có thảm thực vật rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là ở khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn

Trong những năm gần đây công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện khá tốt, diện tích rừng của huyện đang được phục hồi nhanh chóng. Đất có rừng trồng sản xuất là 9800,58 ha, với các loại cây trồng chủ yếu là Keo, Bồ Đề, cây gỗ lớn, cây bản địa, Luồng, Tre, Nứa và các cây nguyên liệu giấy khác. Đất có rừng tự nhiên sản xuất 30307,68 ha, đất có rừng tự nhiên phòng hộ là 9320,95 ha gồm các loại tre nứa, cây bản địa. Đất rừng đặc dụng với 9513,69 ha, cần chú trọng bảo vệ đặc biệt các loại rừng tự nhiên và rừng phòng hộ này. Đối với đất trồng cây công nghiêp lâu năm thì Chè là cây thế mạnh của huyện, diện tích 2689,3 ha, với các giống Chè đặc sản như Chè Shan (Xuân Sơn), Chè Bát Tiên, Chè Long Vân (Văn Luông), Chè đắng... Ngoài ra còn có các loại cây lâu năm khác như Vải, Xoài, Nhãn…có giá trị kinh tế cao.

- Đối với vùng đồng bằng và những ruộng xen kẽ giữa đồi núi:

Thảm thực vật ở đây toàn bộ là cây trồng ngắn ngày như: Lúa, Ngô, Bí, Khoai, Lạc, Đậu đỗ và rau các loại.

Nhìn chung hệ thống cây trồng của Tân Sơn khá đa dạng, đất đai tốt phù hợp với cây trồng hàng năm, cây lâu năm, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp.

4.1.1.6. Hoạt động canh tác của con người.

Qua quá trình sản xuất, con người đã có những tác động rất lớn đến đất đai theo cả 2 hướng: tích cực và bất lợi.

- Về măt tích cực:

Trong quá trình sản xuất con người áp dụng một số các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hệ thống canh tác với tính thâm canh, luân canh, xen canh dần được áp dụng. Trồng nhiều hơn các loại cây có khả năng bồi bổ đất, tăng độ che phủ và tăng độ phì cho đất như các cây họ đậu...

Hiện nay hệ thống thuỷ lợi đã đầu tư, hệ thống kênh mương phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu đồng ruộng và hoa màu một cách chủ động. Sử dụng các loại phân hữu cơ bón lên những vùng đất bạc màu để cải thiện độ phì cho đất.

- Về mặt bất lợi:

Quá trình chặt phá rừng đốt nương rẫy để trồng cây lương thực làm đất bị khô cằn, chết các vi sinh vật trong đất. Thường xuyên xới xáo đất, khi mưa xuống làm cho đất bị rửa trôi và xói mòn mạnh, dẫn đến nguy cơ làm cho đất cạn kiệt và hoang hoá.

Ngoài ra, một số yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng đất đai; đó là con người đã lạm dụng quá nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật. Các hệ thống canh tác đất lúa ở các vùng đất dộc, đất chua không được chú ý bón vôi cho đất.

4.1.1.7. Cảnh quan môi trường.

Tự nhiên đã cho Tân Sơn một phong cảnh đẹp, các dãy núi chạy dài xen kẽ các ruộng bậc thang cùng với rất nhiều các con suối uốn lượn đã tạo nên một phong cảnh mà rất ít nơi trong tỉnh Phú Thọ có được. Vườn quốc gia Xuân Sơn với cảnh quan và các loài thực vật phong phú là nơi lí tưởng cho phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Môi trường sinh thái hiện nay rất trong lành và mát mẻ đặc biệt là khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn. Hiện rừng có khoảng 366 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi vào sách đỏ Việt Nam và 18 loài có trong sách đỏ thế giới. Có 726 loài thực vật bậc cao thuộc 475 chi và 134 họ. Vườn quốc gia Xuân Sơn có hệ thống hang động và sinh thái cảnh quan thuộc loại độc đáo nhất Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân sơn tỉnh phú thọ (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)