Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá và đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 29 - 31)

Phần 2 Tổng quan nghiên cứu

2.2. Cơ sở thực tiễn của xây dựng nông thôn mới

2.2.2. Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

2.2.2.1. Lịch sử phát triển các mô hình tổ chức sản xuất ở Việt Nam

- Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nước ta chỉ có 3% dân số là địa chủ chiếm 41,4% ruộng đất; Nông dân lao động chiếm 97% dân số nhưng chỉ có 36% diện tích đất.

- Từ năm 1954 - 1959, ruộng đất được giao cho người dân với mục tiêu "người cày có ruộng". Giai đoạn này quan hệ sản xuất chuyển từ địa chủ phong kiến sang quan hệ sản xuất mới, nông dân làm chủ ruộng đất và sản xuất độc lập trên ruộng đất của mình.

- Từ 1960 - 1985: Chia làm 2 giai đoạn nhỏ là mô hình tổ chức sản xuất dưới dạng hợp tác xã nông nghiệp.

+ Từ 1960 - 1975: Mô hình hợp tác hoá nông nghiệp được triển khai trên toàn miền Bắc. Trong thời kỳ này Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho nông thôn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật chủ yếu để phát triển HTX: Phát triển các công trình kỹ thuật (nhà kho, sân phơi, các trại giống…) đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi… đã có những tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp.

+ Từ 1976 - 1980: Mô hình tổ chức hợp tác xã nông nghiệp được triển khai trên phạm vi cả nước. Trong đó vai trò của cấp huyện được coi trọng, là cấp quản lý kinh tế chủ yếu đối với việc thực hiện các chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn. Hình ảnh của người nông dân lúc này là hình ảnh của người xã viên HTX.

 Từ năm 1981 - 1987, phát triển mô hình khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Chia làm 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1981-1984: Chỉ thị 100 CT - TW (13/1/1981) về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Tập thể điều hành 5 khâu là giống, làm đất, thủy lợi, phân bón, phòng trừ sâu bệnh; nhóm và người lao động đảm nhận 3 khâu là cấy, chăm sóc và thu hoạch. Chỉ thị đã tạo ra một không khí mới trong nông thôn: nông dân đã phấn khởi sản xuất, năng suất tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, không chịu bó buộc ở “5 khâu” do tập thể đảm nhiệm.

Trong giai đoạn này, mục tiêu sản xuất vẫn bị áp đặt bởi kế hoạch từ trên xuống, nông dân vẫn chưa có quyền làm chủ thực sự.

 Giai đoạn 1985-1987: Nền kinh tế cả nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, nền nông nghiệp bị sa sút. Mặt khác mô hình chỉ tập trung vào khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động chứ chưa quan tâm tới khoán hộ, do đó hiệu quả đầu tư giảm dần, thu nhập nông hộ giảm.

 Năm 1988-1991, khoán cho nhóm và người lao động.

 Nghị quyết 10 NQ/TW (5/4/1988) của Bộ chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết khẳng định hộ gia đình xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của kinh tế nông hộ.

 Đổi mới của Nghị quyết 10 so với chỉ thị 100 là “một chủ, bốn tự”

“Một chủ” xác định hộ là đơn vị kinh tế tự chủ. Đây là bước đột phá rất quan trọng trong nghị quyết 10.

“Bốn tự” là hợp tác xã tự xác định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tự xác định hình thức, quy mô sản xuất; tự xác định hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo xã viên được tự ra và vào hợp tác xã.

 Nghị quyết tạm giao trong 5 năm (1988-1993) chủ trương trao quyền sử dụng ruộng đất cho hộ; Xóa bỏ chính sách thu mua lương thực theo nghĩa vụ cho nông hộ phát triển sản xuất, làm cho người lao động quan tâm đến sản phẩm cuối cùng.

 Các thành phần kinh tế và kinh tế hộ nông dân phát triển dẫn đến hiệu quả cao trong sản xuất và không ngừng nâng cao mức sống của nông dân.

 Mô hình sản xuất nông nghiệp bằng việc giao đất cho nông hộ:

Từ năm 1993 đến nay, đất đai được giao quyền sử dụng lâu dài cho các nông hộ, người nông dân được chủ động sản xuất trên mảnh đất được giao.

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, VII và VIII đã đưa ra những chủ trương về phát triển 5 thành phần kinh tế và 3 chương trình kinh tế lớn của nhà nước; Hộ nông dân là chủ thể sản xuất ban hành giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mở rộng vay vốn, tín dụng, thực hiện xóa đói giảm nghèo... mở rộng quyền tự chủ kinh doanh cho nông hộ, kinh tế nông hộ thay đổi lớn.

Giai đoạn này, nông hộ là đơn vị sản xuất cơ bản. Người nông dân đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất và đóng góp nhiều cho phát triển cơ sở hạ tầng, làm cho bộ mặt nông thôn có những thay đổi đáng kể.

Mô hình này có tác dụng làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực. Đời sống của người dân nông thôn đã ngày càng nâng cao, đẩy mạnh tiến trình phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2.2.2.2. Chương trình phát triển nông thôn mới cấp xã

Thực hiện nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ chính trị, từ năm 2001, Ban kinh tế Trung ương đã cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành và địa phương triển khai xây dựng mô hình thí điểm “phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá” tại các vùng sinh thái. Các chương trình này được đưa vào chương trình trọng tâm của Bộ nông nghiệp và PTNT, đó là chương trình phát triển nông thôn cấp xã. Chương trình đã được triển khai tại 14 xã điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT (tăng lên 18 xã năm 2004) và khoảng 200 xã điểm của các địa phương. Chương trình được thực hiện với 5 nội dung:

- Phát triển kinh tế hàng hoá với cơ chế phù hợp khai thác được lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ

- Phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nền nông nghiệp hàng hoá đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá

- Xây dựng khu dân cư văn minh

- Tăng cường công tác văn hoá, y tế, giáo dục trong nông thôn và xây dựng đội ngũ cán bộ

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, phát huy vai trò của cán bộ tổ chức quần chúng, thực hiện tập trung dân chủ.

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã đào tạo cho cán bộ các xã điểm, triển khai quy hoạch cho 18 xã điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, lồng ghép các chương trình, dự án về khuyến nông, nước sạch, và vệ sinh môi trường cho những xã điểm này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá và đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)