Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
2010 – 2015
4.4. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy hoạch
4.4.4. Giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường
* Các biện pháp nhằm chống xói mòn, rửa trôi, hủy hoại đất
- Thực hiện các biện pháp trồng rừng theo hình thức nông - lâm kết hợp trên đất dốc, hạn chế việc cày xới bề mặt đất trong mùa mưa và khai thác trắng đối với rừng sản xuất, để chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất.
- Không nên sử dụng quá nhiều phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông - lâm nghiệp, tích cực bồi bổ làm giàu đất, chống ô nhiễm môi trường đất.
- Tích cực trồng cây chắn sóng, chắn cát ven sông biển, hạn chế việc chuyển rừng ngập mặn ven biển để nuôi trồng thuỷ sản và một số mục đích khác.
- Sử dụng đất khai thác khoáng sản và làm nguyên vật liệu xây dựng phải có phương án bảo vệ môi trường. Sau khi kết thúc khai thác phải có kế hoạch phục hồi hiện trạng bề mặt sử dụng đất ban đầu, hoặc trồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái.
* Các biện pháp nhằm sử dụng tiết kiệm và tăng giá trị sử dụng đất
- Xây dựng và thực hiện đồng bộ các phương án quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất: quy hoạch phát triển các đô thị, trung tâm cụm, các khu dân cư, cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt lưu ý tăng tỷ lệ đất phi nông nghiệp ở các địa bàn này ngay từ khi lập quy hoạch chi tiết.
- Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế: giao thông, thuỷ lợi, cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ…
- Giao đất theo kế hoạch, năng lực khai thác sử dụng thực tế đối với tất cả các trường hợp có nhu cầu sử dụng đất mới. Đất đã giao khi hết hạn sử dụng phải thu hồi kịp thời.
- Thực hiện phương án chuyển đất rừng phòng hộ hồ Yên Lập tại khu vực chùa Lôi Âm phường Đại Yên để thay thế diện tích đất rừng đặc dụng tại khu vực phường Bãi Cháy mất đi do chuyển sang đất phi nông nghiệp.
* Biện pháp nhằm đẩy nhanh đưa đất trống đồi núi trọc vào sử dụng và hoàn nguyên môi trường tại các vùng khai thác than lộ thiên
- Có kế hoạch khai hoang, phục hoá, lấn biển để tăng quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và tạo thêm mặt bằng xây dựng.
- Phát huy tối đa khả năng đất trống đồi núi trọc vào trồng rừng mới, làm tăng độ che phủ của đất.
- Kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích đất có mặt nước chuyên dùng, tích cực đưa mặt nước hoang hoá vào sử dụng; mở rộng nuôi quảng canh, chương trình nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
- Xây dựng kế hoạch hoàn nguyên môi trường tại các vùng khai thác than lộ thiên trên địa bàn Thành phố đã hết hạn, bằng cách trồng mới rừng sản xuất, rừng phòng hộ, theo quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt để tăng độ che phủ của rừng và tạo cảnh quan, môi trường cho Thành phố.
*Giải pháp bảo vệ môi trường
Để kinh tế - xã hội Thành phố phát triển một cách bền vững, trong quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất cần chú trọng đến giải pháp bảo vệ môi trường như sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân, các doanh nghiệp, nhà quản lý thông qua các hình thức như: phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên tổ chức, tập huấn, hội thảo, thi tìm hiểu... về công tác bảo vệ môi trường đến các tầng lớp nhân dân.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường bằng việc lồng ghép quy hoạch bảo vệ môi trường với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, phát triển mạng lưới giao thông...
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nghiên cứu và áp dụng phương thức quản lý tổng hợp môi trường thông qua cơ chế, chính sách, đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch để hài hòa các mục tiêu phát triển của từng địa phương.
- Áp dụng các biện pháp kinh tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và hợp tác Quốc tế trong bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “người gây ô nhiễm, thiệt hại đối với môi trường phải bồi thường, khắc phục”.
- Các giải pháp bảo vệ môi trường đất: từ khâu quy hoạch và tổ chức thực hiện đến các chính sách, giải pháp quản lý đất đai bền vững cùng các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất phù hợp đối với từng khu vực, từng địa phương.
- Các giải pháp bảo vệ môi trường nước: hạn chế nguồn thải từ các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu đô thị... vào môi trường nước. Thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từng bước đưa chúng trở thành các khu sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.
- Cần có giải pháp tạo hành lang bảo vệ môi trường ven biển vịnh Hạ Long bằng giảm thiểu tải lượng ô nhiễm từ đất liền xuống vịnh Hạ Long, kiểm soát luồng tải ô nhiễm từ đất liền như nước thải, chất thải rắn và bùn để duy trì môi trường sống cho các sinh vật biển, góp phần duy trì đa dạng sinh học tại vịnh Hạ Long và các khu vực xung quanh, đồng thời có chức năng làm sạch nước. 4.4.5. Giải pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện.
- Sau khi phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Thành phố được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức công bố, công khai quy hoạch, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành và nhân dân tham gia quản lý, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
- Quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn Thành phố có sử dụng đất phải đảm bảo dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ tổng thể của cả nước, của tỉnh đến các địa phương cấp huyện và cấp xã.
rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp phường, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.
- Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các phường có điều kiện phát triển công nghiệp với các phường cố gẳng giữ nhiều đất sản xuất nông nghiệp; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ hàng hóa ở các phường; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người nông dân yên tâm sản xuất.
- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai.
- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất khác, đặc biệt là chuyển sang đất phi nông nghiệp.
- Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị tập trung. Việc sử dụng đất cho mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phải thực hiện theo hướng sử dụng có kế hoạch, tiết kiệm, hiệu quả.
- Khai thác sử dụng đất đi đôi với bảo vệ môi trường, chú trọng xử lý chất thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… đảm bảo chất thải phải được xử lý trước khi thải ra môi trường, tránh gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Đi đôi với khai thác sử dụng đất cần chú ý đến việc đầu tư nâng cao độ phì đất sản xuất nông nghiệp, tái tạo cảnh quan, lớp che phủ bề mặt đất khai thác khoáng sản sau khai thác… Nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường đất đai, không khí, nguồn nước để sử dụng đất bền vững.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý đất đai để giúp cho Ủy ban nhân dân các cấp làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo Luật Đất đai năm 2003.
- Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và ban hành kịp thời các văn bản theo thẩm quyền có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
PHẦN 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1. KẾT LUẬN
Thành phố Hạ Long có vị trí địa lý thuận lợi, với tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 27.509,73ha, dân số Thành phố 236.972 người. Thành phố là thủ phủ và trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, là một trong 3 địa phương sản xuất than lớn nhất tại Việt Nam, Hạ Long đồng thời đã phát triển thành công nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ chế biến thực phẩm đến công nghiệp đóng tàu và xây dựng. Hạ Long hiện đang dẫn đầu các địa phương khác tỉnh Quảng Ninh trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh" với lĩnh vực dịch vụ đóng góp khoảng 25% giá trị sản xuất của Thành phố. Để đạt được thành quả như vậy, thành phố Hạ Long đã rất thành công trong việc khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, mang lại sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại và nhờ sở hữu Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ngành du lịch của thành phố đã phát triển hết sức nhanh chóng.
Theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 -2015 diện tích đất nông nghiệp là 8.185,48 ha, đất phi nông nghiệp là 18.420,05 ha, đất chưa sử dụng là 1.370,65 ha. Kết quả thực hiện đến năm 2015 diện tích đất nông nghiệp là 9.871,04 ha, đất phi nông nghiệp là 14.272,25 ha; đất chưa sử dụng 3.366,44 ha. Qua đó ta thấy đất nông nghiệp đạt 120,05%, đất phi nông nghiệp đạt 77,48%, đất chưa sử dụng đạt 245,60% so với kế hoạch được duyệt. Trong năm 2016 diện tích đất nông nghiệp là 10.261,78 ha đạt 103,03% kế hoạch được duyệt, diện tích đất phi nông nghiệp là 14.630,92 ha đạt 85,83% kế hoạch được duyệt, diện tích đất chưa sử dụng là 3.014,90 ha.
Trong những năm qua tình hình quản lý sử dụng đất của thành phố cơ bản đi vào nề nếp. Ranh giới của thành phố với các huyện khác trong tỉnh được xác định rõ ràng không có tranh chấp. Việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được tiến hành theo đúng định kỳ, việc thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đã xác định được sự ổn định về mặt pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là căn cứ để tiến hành giao cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng pháp luật hiện hành, giúp các ngành có cơ sở pháp lý
đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố, phân bổ hợp lý, dân cư, lao động, phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và phát triển đồng bộ các ngành kinh tế, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao, bền vững, cơ cấu kinh tế của thành phố có sự chuyển biến mạnh, tỉ trọng công nghiệp xây dựng cơ cấu kinh tế tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng được trú trọng đầu tư, nâng cấp và dần hoàn thiện tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011 – 2015 của thành phố đã bộc lộ một số tồn tại như thời gian lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn kéo dài, việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất còn có sự chênh lệch khá lớn, chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương, một số công trình dự án còn thiếu nguồn vốn nên chưa được thực hiện trong kỳ vừa qua. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thanh tra kiểm tra chưa được chú trọng đúng mức nên một số nơi chất lượng và hiệu quả quy hoạch còn hạn chế.
5.2. KIẾN NGHỊ
Để nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 – 2015, cần tiếp tục có những nghiên cứu về đổi mới nội dung, phương pháp và cần quan tâm đến các công việc sau:
- Rà soát lại một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất không phù hợp phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Từ đó đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020
- Khảo sát lập quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo phải rà soát kỹ hiện trạng, xác định các chỉ tiêu quy hoạch đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở, đất nông nghiệp khác và cây lâu năm cho phù hợp
- Cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch theo kế hoạch từng năm.
- Tăng cường tuyên truyền quy hoạch sử dụng đất có thẩm quyền phê duyệt đến mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2004). Thông tư số 30/2004/TT – BTNMT ngày
01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2005). Quyết định số 04/2005/TT – BTNMT ngày 30/06/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hàng quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất các cấp.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009). Thông tư 19/2009/TT – BTNMT ngày 02/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014). Thông tư số 29/2014/TT – BTNMT quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
5. Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2001). Nghị định số
68/2001/NĐ – CP của Chính phủ ngày 01/10/2001 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định về lập, xét duyệt và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
6. Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2014). Nghị định số 43/2014/NĐ – CP hướng dẫn thi hành một số điều của luật đất đai.
7. Đoàn Công Quỳ, Vũ Thị Bình, Nguyễn Thị Vòng, Nguyễn Quang Học, Đỗ Thị
Tám (2006). Giáo trình quy hoạch sử dụng đất, NXB Nông nghiệp.
8. Lương Văn Hinh, Nguyễn Ngọc Nông, Nguyễn Đình Thi (2003). Giáo trình quy
hoạch sử dụng đất, NXB nông nghiệp.
9. Nguyễn Minh Quang (2016). Báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất