Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất thành phố hạ long tỉnh quảng ninh (Trang 69 - 71)

4.1.3.1. Những thuận lợi

Do đặc thù có vịnh Hạ Long là trung tâm di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, nằm trên vùng đất giàu tài nguyên và vị trí địa lý độc nhất, vô nhị, có rừng, có núi, có biển, cửa ngõ thông ra vịnh Bắc Bộ, nên có thể nói khó có địa phương hay tỉnh thành nào trên cả nước có thể có được lợi thế so sánh về đầu tư phát triển. Là thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao và tốc độ phát triển nhanh, các hoạt động xây dựng đang diễn ra rất mạnh, đặc biệt là khu vực Bãi Cháy, Hùng Thắng. Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO 2 lần công nhận vịnh Hạ Long, thu hút một lượng lớn khách du lịch nội địa và Quốc tế được phục vụ bởi một ngành dịch vụ du lịch tốt, đây là một trụ cột kinh tế của Thành phố; các trụ cột khác là công nghiệp khai thác than và sản xuất khác với số lượng lớn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin hiện đại. Thành phố có tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn các khu vực lân cận cũng như các tỉnh thành khác trên toàn quốc, với chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao nhờ vào sự phát triển đô thị và kinh tế của mình. Thành phố nằm ở tâm điểm của Tỉnh và hệ thống giao thông trong vùng có sự liên kết tốt với Trung Quốc, có một cảng Quốc tế và cầu Bãi Cháy. Chất lượng nước và vệ sinh môi trường của Thành phố đang được nâng cao nhờ sự giúp đỡ của các nhà tài trợ. Ngân

sách Thành phố cân đối, với các nguồn thu ngày càng tăng và đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, Thành phố đã thực hiện cải cách thành công khoán chi hành chính công. Cải cách hành chính được thực hiện ở các mặt đơn giản thủ tục đầu tư và phân cấp quản lý vốn đầu tư trong xây dựng tới cấp xã, phường, đưa phần mềm tin học hóa vào giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa tạo ra bước đột phá mới.

Tất cả những lợi thế trên cộng với đường lối phát triển đúng đắn của Trung ương, của Tỉnh ủy, Thành ủy cùng bối cảnh Quốc tế hòa bình, ổn định sẽ là thời cơ cho Hạ Long cất cánh cho những năm tới đây của thế kỷ XXI.

4.1.3.2. Những khó khăn, tồn tại

Do tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh, thiếu sự kiểm soát của Thành phố đã dẫn đến việc suy giảm môi trường tự nhiên qua việc lấn chiếm đất đai và làm ảnh hưởng xấu đến những khu du lịch của Thành phố. Việc khai thác than, xử lý và vận chuyển than đã góp phần làm ô nhiễm thêm môi trường. Vị trí và địa hình của Thành phố hạn chế sự mở rộng Thành phố khiến giá đất tăng cao khi nhu cầu phát sinh do tăng dân số. Ở một số khu vực xa trung tâm Thành phố, việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như cấp thoát nước vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, mặc dù số lượng thống kê cho thấy chỉ có một số lượng tương đối ít các hộ nghèo trên cơ sở tính thu nhập hộ gia đình, vẫn còn một số khu vực thiếu các dịch vụ cơ bản. Mức thu nhập trung bình tương đối cao là do có được việc làm trong một số ít ngành công nghiệp tạo ra, đặc biệt là khai thác mỏ. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh cũng làm gia tăng sự khác biệt về thu nhập và điều kiện sống giữa khu vực nông thôn và đô thị và giữa vùng đồng bằng gần đô thị và vùng núi cao phía Bắc. Vẫn còn thiếu một quy hoạch tổng thể cho việc quản lý khu vực vịnh Hạ Long nhằm đạt được sự cân bằng giữa gìn giữ môi trường thiên nhiên với tiếp tục khai thác tài nguyên khoáng sản và sử dụng triệt để các cơ sở dịch vụ cảng mới. Trách nhiệm quản lý môi trường của Thành phố và Tỉnh hiện đang có sự chồng chéo và không được phân công rõ ràng. Việc di dân tự do tạo thêm áp lực lên thị trường nhà ở điều này cũng góp phần làm gia tăng lượng lao động không được đào tạo phù hợp cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

4.1.3.3. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc sử dụng đất

Hạ Long là một trong những thành phố nằm ở dải ven biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rừng ngập mặn, bình thường khi đạt độ thành thục đã vươn lên khỏi mặt nước lúc triều cường, do ngâm lâu trong nước biển, trong khi sinh khối của các loài cây ngập mặn ở khu vực chỉ là hữu hạn; vì vậy, các khu vực ven biển ở Đại Yên, Hà Khẩu, Bãi Cháy, Tuần Châu, Hà Phong, Hồng Hà, Hòn Gai, Hùng Thắng, khả năng các loài cây ngập mặn đại trà như sú, vẹt có chiều cao hạn chế sẽ khó thích ứng được, các chức năng ưu việt như phòng hộ đê biển, cung cấp môi sinh an lành đang suy giảm đáng kể.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Nghề nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, người dân thường xuyên phải đầu tư vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng ứng phó với các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt xảy ra. Vì vậy diện tích đất nuôi trồng thủy sản sẽ có nhiều biến động, khó thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, ảnh hưởng đến đời sống của những người làm nghề thủy sản ở các phường ven biển như: Đại Yên, Hà Khẩu, Bãi Cháy, Tuần Châu, Hà Phong, Hồng Hà, Hòn Gai, Hùng Thắng. Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do xâm nhập mặn nhất là vùng Đại Yên.

Biến đổi khí hậu còn làm tăng tần suất, cường độ, tính biến động và tính cực đoan như giông, bão tố, lốc, các thiên tai gây nên sự thay đổi đột ngột về thời tiết, lũ lụt, ngập úng hay hạn hán, rét hại, dịch bệnh, sâu bệnh, sẽ có tác động tới các mặt khác nhau của đời sống xã hội, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng đất. Biến đổi khí hậu làm cho năng suất cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị diện tích giảm mạnh, thậm chí mất mùa, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố đã đề ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất thành phố hạ long tỉnh quảng ninh (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)